Mái ấm của những Bông Hoa Dại

Một trung tâm do một người Mỹ gốc Việt thành lập tại Chiang Mai-Thái Lan, nơi cưu mang cho những cô gái lầm đường lỡ bước, đó là trung tâm: “Mái ấm của những Bông Hoa Dại”.
Thanh Trúc, phóng viên RFA, Bangkok
2010.02.25
Mái ấm của những Bông Hoa Dại. Mái ấm của những Bông Hoa Dại.
RFA PHOTO

Chiang Mai

Tỉnh Chiang Mai mạn Bắc Thái Lan là nơi có nhiều người Việt sinh sống lâu năm, có một số sinh viên từ Việt Nam qua học tại các đại học ở đây, có các quán ăn  Việt còn giữ ít nhiều hương vị thuần túy Việt Nam chứ không biến đổi khẩu vị như ở Bangkok.

Chiang Mai còn là địa danh du lịch với nền văn hóa pha trộn giữa người Thái  chính gốc và các dân tộc miền núi  mà khi nghe đến tên người ta không khỏi nghĩ đến những bộ tộc thiểu số miền Bắc Việt Nam. Họ là người dân tộc H’mông, Cà  Riềng,  Akha,  Lahu, Thái Dày, Kh’mu , Dao. Phần đông các sắc dân  thiểu số ở Chiang Mai đều là những bộ tộc nghèo, sống trên cao trên xa, nghĩa là cách biệt với thành  phố.  

Một số em bị bán từ Miến Điện từ Cam Bốt. Có mấy em Việt Nam tới đây thì cũng đã có con cái nhỏ thì chúng tôi lo cho con của các em được cơ hội đến trường.

Ông Bình.

Và Chiang Mai cũng có một trung tâm dành cho các thiếu nữ cơ nhỡ, gọi tên là Mái Ấm Của Những Bông Hoa Dại, do một người Mỹ gốc Việt  dựng lên, để giúp đỡ những cô gái người  Thái hay người  dân tộc, mang thai trong độ tuổi vị thành niên, sinh con khi mới mười ba mười bốn tuổi mà không được gia đình  làng xóm giúp đỡ.

Mái Ấm Của Những Bông Hoa Dại còn cưu mang những cô gái trẻ từ Việt Nam trôi dạt đến Chiang Mai và trở thành người không nơi nương tựa ở đất này.  

Mời quí vị cùng đi với Thanh Trúc lên vùng Doi Sa Ket của tỉnh Chiang Mai, tới làng Bosang bên ngoài thành phố, nơi Mái Ấm Của Những Bông Hoa Dại hình thành và hoạt động trong tư cách một tổ chức ngoài chính phủ từ năm 2005 đến giờ. Chắc quí vị đang thắc mắc về người  sáng lập Wildflower Home Foundation mà Thanh Trúc tạm dịch là Mái Ấm Của Những Bông Hoa Dại? Thưa đó là ông Bình, một người Mỹ gốc Việt, cùng vợ là Elizabeth, người  Mỹ chính gốc. Cả hai là cứu tinh của những cô gái lỡ dại, những thiếu nữ bị bạo hành, bị xâm hại tình dục, những em nhỏ bị bán qua biên giới để hành nghề mãi dâm trên vùng cao nhiều du khách ngoại quốc. Họ cũng là ân nhân của những đứa trẻ may mắn thấy được ánh sáng cuộc đời thay vì bị nạo bỏ hoặc bị vứt đi ngay từ lúc vừa lọt lòng mẹ.

Ông Bình cho biết sở dĩ vùng Doi Sa Ket và làng Bosang được chọn vì nơi đây không xa trung tâm thành phố lắm:

“Đông các em ở đây nhất là người H’mông, người  Cà Riềng, người  Akha, người Lahu và người Khamu. Một số em bị bán từ Miến Điện từ Cam Bốt. Có mấy em Việt Nam tới đây thì cũng đã có con cái nhỏ thì chúng tôi lo cho con của các em được cơ hội đến trường.

Đất nước Thái Lan này bất cứ trẻ em nào cũng được đi học, cho dù không có giấy tờ, còn những bà mẹ thì các em được đi học tiếng Anh và tiếng Thái, chúng tôi lo tìm cách cho các em được hợp thức hóa.” 

Những cô gái cơ nhỡ

Thanh Trúc lấy làm tiếc không thể mời  quí vị gặp gỡ cũng như trò chuyện cùng những cô gái cơ nhỡ tại nơi này dù mình tận mắt nhìn thấy những hoàn cảnh thật đáng thương. Trên nguyên tắc, hình ảnh, lai lịch của những cô gái đang cư ngụ trong Mái Ấm Của Những Bông Hoa Dại không được đưa lên mặt báo:

Một Cô gái đang nuôi con và làm lại cuộc đời tại Mái ấm. RFA PHOTO.
Một Cô gái đang nuôi con và làm lại cuộc đời tại Mái ấm. RFA PHOTO.
“Đầu tiên là tâm lý của các em. Khi các em có sự bình an thì các em đối diện với những khó khăn của cuộc sống dễ dàng hơn. Còn khi mà các em vẫn có sự giao động thì rất là khó. Sự thăng trầm của các em tùy thuộc vào tâm hồn của các em. Về vấn đề an toàn cho các em, là tại vì các em ở đây mà vẫn còn lo sợ ảnh hưởng về gia đình hoặc là về xã hội. Trong những làng của các em họ không chấp nhận các em. Nếu cho các em lên công khai thì ảnh hưởng đến cuộc sống của các em sau này, các em rất khó khăn trong việc trở lại cùng gia đình.

Cái thứ hai nữa là ngay chính gia đình của các em có thể tìm tới đây để dọa nạt. Tuy rằng trung tâm của chúng tôi được chính quyền bảo vệ nhưng mà cũng  phải đề phòng. Chẳng hạn gia đình người  chồng cũ của em họ tới đây nói là nếu các em không về thì họ sẽ kéo sẽ đánh hoặc làm khó dễ, trong khi nhân viên ở đây thì chưa biết chuyện gì xảy ra, mình chưa kịp phản ứng thì họ đạ tới dọa nạt các em rồi.”

Thực ra Mái Ấm Của Những Bông Hoa Dại chỉ mới dời về Bosang vùng Doi Sa Ket hai năm nay thôi. Trước đó trung tâm ở ngoài thành phố. Đây cũng là một trong những vấn đề đối với các cô gái quê mùa chất phát của miền núi mà ông Bình sẽ lần lượt trình bày. Bây giờ mời quí vị cùng Thanh Trúc tìm hiểu nguyên nhân và động lực nào thúc đẩy một người sinh sống và xuất thân từ ngành kiến trúc tại Hoa Kỳ, đi tới một  vùng xa xôi như Doi Sa Ket của tình Chiang Mai bên Thái Lan để giúp đỡ những cô gái trẻ không may ở địa phương này:

“Khi hai vợ chồng tôi đến đây là theo một nhóm thiện nguyện Công giáo Mary Knoll tại New York. Sáu tháng đầu tiên là đi học tiếng Thái. Khi học xong tiếng Thái và có thời gian đi tới thăm một chỗ của vùng này mà họ gọi là Family Plan, thực ra là một trung tâm phá thai. Ở đây một ngày một trung tâm như vậy có khoảng chừng ba chục ca.

Thì tôi nhìn thấy một em còn trẻ lắm  đang ngập ngừng nơi cửa. Khoảng ba phút sau thì thấy một thanh niên đẩy em vô. Thì em vừa không có muốn vô mà em khóc. Thấy hoàn cảnh như vậy mình ước mong là nếu trường hợp này mà có một nơi cho các em tạm trú thì có thể mình không chỉ giúp em này và không những một mạng sống khác nữa.

Có những em khi ra khỏi đây thì có công việc làm, một vài em thì trở lại với gia đình, chăm sóc con cái, có em lập gia đình và có thêm con.

Ông Bình.

Theo xã hội Thái là những em còn trong tuổi học sinh, nếu mà có mang thai thì trường sẽ đuổi. Cho dù trên chính thức chính quyền không bắt các em phải nghỉ học, nhưng  mà do áp lực của gia đình hoặc của trường, các em bị đẩy ra khỏi nhà nữa.

Có nhiều bộ lạc cũng không chấp nhận. Nhiều khi có em đi ra chỗ khác sinh, về thì phải có hình phạt. Như người Cà Riềng chẳng hạn, về là phải nộp phạt mười ngàn Baht, khoảng ba trăm đô la, hoặc là một con trâu, trước khi làng chấp nhận cho các em trở về.”

Sau  khi tìm  hiểu về đời sống, phong tục và tập quán của dân tộc miền cao tỉnh Chiang Mai, biết được nơi này không hề có chính sách hay tổ chức nào nhằm hỗ trợ giúp đỡ cho các cô gái trẻ có thai mà bị xóm làng ruồng bỏ, gia đình hắt hủi hay không cưu mang nỗi, lối thoát duy nhất là đến những trạm phá thai hay nạo thai ở địa phương, ông Bình và vợ quyết định thành lập một ngôi nhà, một mái ấm cho những thiếu nữ này:

“Và khi tiếp đón các em tới thì mình thấy các em còn cần nhiều hơn. Ngoài vấn đề trú ngụ ra, cái mà các em còn cần hơn nữa là vấn đề học thức. Các em cần kiến thức để biết về những chuyện chẳng hạn như cách ngừa thai như thế nào, hoặc là quyền lợi của mình.

Phụ nữ ở đây thường hay bị chèn ép, họ không biết quyền lợi của họ, chẳng hạn chính quyền bảo vệ mình như thế nào các em không biết. Những người  thiểu số không những bị coi rẽ mà cái phong tục của làng  nữa, cho nên các em bị đẩy đi rất là nhiều, đẩy ra khỏi làng.”

Lớp học tình người

Những cô gái trẻ về với Mái Ấm Của Những Bông Hoa Dại là về với những lớp học chữ, lớp thủ công, những khóa học hỗ trợ tâm lý, những lớp huấn luyện kỹ năng tùy theo trình độ của từng người, những mong khi ra đời có thể tự lập để kiếm tiền:

“Ở đây thì chúng tôi dạy cho các em học. Như chị thấy vừa rồi những art therapis họ tới giúp cho các em. Cũng có những nhóm học sinh về luật, tới đây giúp cho các em hiểu biết về luật lệ không những của Thái mà cả luật lệ quốc tế nữa.

Rồi các em được cơ hội học thêm tiếng Thái. Nhiều em chưa đến trường bao giờ thì có cơ hội học tiếng Thái. Các thiện nguyện viên người  ngoại quốc đến thì họ dạy tiếng Anh hoặc dạy về máy vi tính.”

Ông Bình cùng vợ là Elizabeth tại Mái ấm. RFA PHOTO.
Ông Bình cùng vợ là Elizabeth tại Mái ấm. RFA PHOTO.

Điểm đặc biệt từ  Mái Ấm Của Những Bông Hoa Dại ở Chiang  Mai là  những người trẻ sống trong đó còn được nâng cao ý thức về việc bảo vệ môi trường. Thanh Trúc nhìn thấy một vườn rau sạch do các cô tự trồng để ăn, nước tưới rau tưới cây đến từ nguồn nước đã sử dụng và được lọc lại qua một hệ thống lọc nước. Các cô được dạy cách chế tạo xà phòng và dầu gội đầu từ những loại cây trồng trong vườn. Từ lâu, Mái Ấm Của Những Bông Hoa Dại không sử dụng khí đốt để nấu nướng mà trở lại đun nấu bằng cây là khô trong thiên nhiên. Điều này, theo lời ông Bình, đã tiết kiệm được cho trung tâm một số tiền đáng kể để chi tiêu vào việc khác:

“Và các em học thêm về canh nông nữa, học sử dụng những cái recycle như thế nào, hoặc là trung tâm dạy cho các em về organic, mọi thứ trong thiên nhiên này không phải bỏ đi nữa mà phải sử dụng lại. Nước các em đang dùng ở đây các em sử dụng lại như thế nào? Các em tắm ra thải ra ngoài thì phải dùng cách lọc để sử dụng lại nước đó để tưới cây hoặc chăm bón các thứ khác.”

Hiện có mười cô gái trẻ đang cư ngụ trong Mái Ấm Của Những Bông Hoa Nhỏ, trong đó hai cô đến từ Việt Nam, tất cả đều có con nhỏ. Số thành viên tí hon trong Mái Ấm Của Những Bông Hoa Dại là mười sáu em, được nuôi ăn nuôi mặc, được cho đi học ở ngoài trường của chính phủ.

Ngày đầu đến Mái Ấm Của Những Bông Hoa Nhỏ ở Bosang Thanh Trúc đã ngạc nhiên không ít trước khung cảnh đơn sơ hoang dã đậm chất vị miền núi . Văn phòng chính, nơi ông Bình và cô Elizabeth vừa làm việc vừa tiếp khách, là một gian nhà mái lá, vách phên tre, cửa thông gió trổ từ vách được chống lên bằng cây. Dãy nhà ở dành cho các bà mẹ trẻ và con của họ được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền cao,  chung quanh trồng hoa. Nếu không có điện và  máy vi tính, không có bóng dáng những người thiện nguyện đến từ Canada, từ Australia, thì tất cả như toát lên vẻ đơn sơ, mộc mạc của những cái nhà trên làng trên bảng. Phải chăng thiên nhiên là chủ đích của người dựng lên trung tâm này? Ông Bình giải thích:

“Chúng tôi muốn cho các em cảm thấy gần gũi với cuộc sống của các em, với nơi mà các em đã lớn lên và cảm thấy được tự do, gần gũi với gia đình với thiên nhiên. Về ảnh hưởng tâm lý là các em rất thoải mái, còn trước kia  khi ở trong thành phố các em rất bị gò bó và các em phải đi nhà thương, hầu như ngày nào cũng có hai ba em đi.

Phần đông các em ở đây là đến từ miền núi, vô trong thành phố các em bị quẫn nhiều, sống trong bốn bức tường xi măng các em không chịu được, cho nên hầu như ngày nào cũng phải đưa các em đi nhà thương. Khi mà đến đây thì cái vấn đề chở các em đi nhà thương hoặc đi bác sĩ đã giảm xuống còn chừng một phần trăm thôi.”

Tài chính cũng rất là hạn hẹp. Năm đầu tiên thì do một người  triệu phú của Mỹ giúp đỡ, sau năm thứ hai thì chúng tôi hoàn toàn độc lập.

Ông Bình.

Trông coi và điều hành một mái ấm, một trường đời, một nơi phục hồi nhân phẩm và huấn luyện kỹ năng cho những cô gái miền núi làm mẹ trong độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới chắc không phải  chuyện dễ dàng và chắc phải cần rất nhiều tình thương cùng sự kiên nhẫn. Hạnh phúc và niềm vui của công việc này, ông Bình tâm sự, chính là sự thay đổi tốt đẹp nhìn thấy được nơi cuộc sống những thiếu nữ cơ nhỡ ấy:

“Có những em khi ra khỏi đây thì có công việc làm, một vài em thì trở lại với gia đình, chăm sóc con cái, có em lập gia đình và có thêm con. Cũng có những em tiếp tục học, chẳng hạn vào y khoa và nha khoa, một em thì sắp sửa xong trung học, sẽ lên đại học để trở thành cô giáo. Và em cũng muốn trở thanh cô giáo rồi thì trở lại giúp cho trung tâm. Đó là những điều vui.

Cái khó khăn là làm sao mình có đủ kiên nhẫn để nhìn thấy các em và cho các em nhìn thấy cái quyền lợi cái nhân phẩm của các em.

Tại vì khi tới đây nhiều em giống như là buông trôi hết. Chúng tôi muốn cho các em biết là mình có cái nhân phẩm của mình, phải vượt qua những khó khăn đó thì mới trưởng thành được.”

Và trong khó khăn bao giờ cũng có điều an ủi, đó là điều ông Bình xác quyết với Thanh Trúc:

“Tài chính cũng rất là hạn hẹp. Năm đầu tiên thì do một người  triệu phú của Mỹ giúp đỡ, sau năm thứ hai thì chúng tôi hoàn toàn độc lập, chúng tôi liên lạc với bạn bè và rất may mắn gia đình bạn hữu ở bên Mỹ giúp đỡ. Hiện tại đến giờ các bạn vẫn chưa bỏ rơi. Họ rất tốt. Được nhiều thì chúng tôi làm nhiều, được ít thì làm theo khả năng.

Tôi thường chia xẻ với các em về ý chí phấn đấu, không buông xuôi. Có thể lỗi lầm của mình hoặc là bị cuộc đời đẩy đưa mình tới đó. Nhưng nếu mình có ý chí và cố gắng thì mình sẽ thành công.”

Mong rằng câu chuyện về tình yêu, sự quan tâm và tấm lòng giữa người  may mắn đối với người trẻ bất hạnh hay lầm lỡ, thể hiện dưới Mái Ấm Của Những Bông Hoa Dại ở Chiang Mai, sẽ như làn gió xuân tươi mát đến cùng quí thính giả khi mà trời bên nhà bắt đầu bước vào mùa nắng nóng.

Thanh Trúc kính chào. Xin hẹn trở lại tối thứ Năm tuần tới.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.