Du học sinh với Tết đầu tiên xa nhà

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016.01.21
image2-620 Lê Quang Nhật (ngoài cùng bên trái) chụp chung với nhóm bạn trong chương trình trao đổi hoc sinh do EduPath thực hiện. Hình chụp tại Tân Sơn Nhất trước khi lên máy bang sang Mỹ.
Hình do lê Quang Nhật gửi RFA

Trong một thập niên qua số  lượng du học sinh, nghiên cứu sinh sang Hoa Kỳ học tập tăng dần theo từng năm, đặc biệt số học sinh chưa hết cấp ba bên nhà mà đã qua  Mỹ theo chương trình Exchange Student, trao đổi học sinh hoặc là giao lưu văn hóa, vẫn đều đặn diễn ra.

Đến với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay là nhóm giao lưu văn hóa mới nhất, nghĩa là chỉ mới sang Hoa Kỳ được mấy tháng mà thôi:

"Em tên Lê Quang Nhật, năm nay em 16 tuổi, quê em ở Huế. Chính xác em qua ngày 15 tháng Sáu 2015. Em học Lớp 11, trường hiện tại tên là Eastern Raindolph High  School ở Asheboro, North Carolina.

Trước khi đi em là một  học simh rất tự ti về bản  bản thân mình, nhưng khi biết em có học bổng em vào chương trình này rồi thì em tự nhủ mình phải  thay đổi, mình phải tự tin lên."

"Em là Nguyễn Phương Việt Mai, hồi ở Việt Nam em ở thành phố Đà Nẵng. Năm nay em 16 tuổi, hiện đang là học sinh giao lưu văn hóa tại thành phố Eagle, tiểu bang Idaho. Em đang là Junior Year là Lớp 11 Trung Học Phổ Thông Eagle High.

Ở xa nhà thành ra phải tự lập, tự quyết, rất có ích cho sự phát triển của bản thân và  cho sự trưởng thành của mình."

Và nhỏ nhất trong số này là một em 15 tuổi, quê ở Sóc Trăng:

Em tên Phạm Ngọc Tiên, ở Việt Nam em học trường Lê Hồng Phong, tỉnh  Sóc Trăng, tới Lớp Chín em vừa thi chuyển cấp thì em đi du học luôn. Em qua từ hồi tháng Bảy nhưng ở bên Massachusetts học tiếng Anh một tháng trước khi bay qua Ohio. Hiện em đang ở Blanchester Ohio, học trường Blanchester High School luôn.

Đối với các học sinh trung học bên nhà, chưa  từng hoặc chưa tới lúc phải xa gia đình, đi theo con đường giao lưu văn hóa, trao đổi học sinh,  phải xa gia đình trong độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới, về một nơi xa để sống với những người không cùng ngôn ngữ, cách sống, kể cả cách suy nghĩ giống mình, là một bước dấn thân và một sự chấp nhận vô cùng can đảm.

Thế nhưng ít ai nghĩ, như chia sẻ của Phạm Ngọc Tiên, rằng đi một đàng học một sàng khôn, xa nhà là cơ hội để rèn luyện bản tánh tự lập của mình:

Em là con gái út mà, bởi vậy ba mẹ thương lắm, đâu có làm gì đâu. Qua đây thì cái gì cũng phải lo hết, phải dọn dẹp nhà cửa giùm họ, dọn dẹp phòng mình, nói chung là phải giúp họ làm việc. Lúc ở Việt Nam có ba mẹ lo, phụ thuộc ba mẹ nhiều quá. Bây giờ em cảm thấy kinh nghiệm quí nhất của em là mình phải cố gắng bằng sức mình, mình phải mạnh mẽ hơn, không nên phụ thuộc vào  gia đình nhiều quá.

Hồi tháng Bảy, vừa chân ướt chân ráo tới Mỹ, nhóm học sinh giao lưu văn hóa theo chương trình của tổ chức EduPath, được đưa về  tiểu bang Massachusetts để học tiếng Anh và làm quen với phong tục tập quán Mỹ. Sau một tháng luyện Anh văn và đàm thoại tại trường McDuffy thuộc thành phố Boston, các em chia tay ai về nhà người bảo trợ nấy tại những vùng khác nhau trên đất Mỹ.

Từ tiểu bang Missouri, Huỳnh Thị Thanh Minh, trước học ở trường Hoàng Hoa Thám thành phố Đà Nẵng, sang Mỹ tháng Bảy 2015, kể lại:

Bước chân tới Mỹ, cả đoàn tụi em cỡ 10 người về Massachusetts học tiếng Anh ở đó một tháng rồi em mới qua Missouri. Lúc chia tay, ra sân bay đứa nào cũng khóc hết trơn. Bọn em có 3 đứa đi chung một chuyến, còn mấy bạn kia là tách ra hết. Em ở thành phố Everton, học Lớp 12 trường Everton luôn.

Nếu được về một tiểu bang có khí hậu ấm áp, có nhiều đồng hương, có chợ Việt Nam  trong thành phố thì không nói làm gì. Đằng này, nhiều em được gởi đến những gia đình bảo trợ tại những nơi có mùa đông băng tuyết lạnh giá, những nơi không có mấy người Việt như North Carolina, Idaho, Ohio hoặc Missouri, thì đây cũng là một thử thách lớn:

Du học sinh Phạm Ngọc Tiên và các bạn ở trung học Eagle High, TP Eagle, tiểu bang Ohio
Du học sinh Phạm Ngọc Tiên và các bạn ở trung học Eagle High, TP Eagle, tiểu bang Ohio
Du học sinh Phạm Ngọc Tiên và các bạn ở trung học Eagle High, TP Eagle, tiểu bang Ohio

Tuy nhiên qua trao đổi tiếp xúc Thanh Trúc mới rõ  thực sự trở ngại đầu tiên và quan trọng nhất chính là ngôn ngữ sự cố gắng hòa nhập với gia đình bảo trợ. Với Lê Quang Nhật, chuyện hội nhập chừng như không khó lắm:

Cái đầu tiên em bỡ ngỡ chính là tiếng Anh của em, khi đó khả năng nói và khả năng nghe của em rất hạn chế. Cái thứ hai mà em cần phải làm quen là thức ăn, nhưng mà sau một vài tuần thì em đã làm quen với nó được rồi. Sau một thời gian sống với gia đình bản xứ thì em thấy  mình cũng khá là dễ hòa nhập,  người ta đã dậy em rất nhiều thứ, từ văn hóa, lễ hội, em thấy lối sống của người Mỹ rất  thân thiện và cởi mở, em cũng dễ dàng hội nhập vào trong đó.

Thực ra lúc đó tiếng Anh của em chưa tốt nhưng mà người ta vẫn chịu khó lắng nghe nên nói chung em cũng không gặp trở ngại gì hết.

Lạc lõng, bỡ ngỡ, tự chống chỏi với nỗi cô đơn và nhớ nhà  là cảm giác ban đầu của Nguyễn Phương Việt Mai. May mắn làm sao, em thổ lộ, gia đình bảo trợ là những người biết thông cảm:

Nhiều trở ngại nên đôi khi cũng rất là tủi thân, nhưng đối với em thì hai ông bà lớn tuổi coi mình như con cháu trong nhà, ăn uống cũng thoải mái. Nếu em nhớ đồ Việt thì ông bà cũng dẫn đi ăn hoặc bà cũng chịu khó nấu đồ ăn Việt cho em, người ta đối với mình giống người nhà vậy.

Với cô bạn 15 tuổi Phạm Ngọc Tiên, thời gian đầu thật khó khăn, chỉ muốn bỏ hết để quay về:

Nhớ nhà rồi cảm thấy cô đơn nữa, tiếng Anh của mình thì đâu được như người bản xứ đâu, người  bảo lãnh cũng không phải ruột thịt với mình, nói thì họ cũng không hiểu. Nhớ nhà dữ lắm, muốn bỏ cuộc đi về. Nhưng phải nói là mình cố gắng dữ lắm mới qua đây được thì không thể nào dễ dàng bỏ cuộc. Hiện tại thì em nghĩ em đã vượt qua được rồi  đó.

Các bạn cũng chỉ  mới sống ở Mỹ gần 7 tháng, sinh hoạt thường nhật cũng vẫn là quanh quẩn với gia đình bảo trợ, trường lớp, chương trình học và dần dà có thêm bạn mới.

Trường học và bạn bè là hai yếu tố vô cùng cần thiết, giúp du học sinh giao lưu văn hóa hội nhập sâu hơn vào cuộc sống ở Hoa Kỳ, là kinh nghiệm 7 tháng qua của Nguyễn Phương Việt Mai ở trung học Eagle High, tiểu bang Idaho:

Bạn bè ở đây nếu mà nó không hiểu mình thì đôi khi nó ngại nói chuyện với mình. Bạn bè thân thiện cũng giúp mình vượt qua, với lại mình có quyết tâm phải có động lực của bản thân để học tập rồi nỗi buồn nó cũng qua thôi. Thực sự Mỹ có nền giáo dục tốt, giáo viên cũng rất thân thiện.

Còn Phạm Ngọc Tiên ở Blanchester High, tiểu bang Ohio, phải phấn đấu ra sao:

Vô trường thời gian đầu dường như mình lạc lõng lắm, nghe thì nghe không kịp tại họ nói quá nhanh. Bạn bè thì họ chơi nhóm nên mình vừa vô mình cũng không có thể nào mà hòa nhập liền được.

Đó là một tuần đầu thôi chứ mấy tuần tới nữa thì em cũng có nhóm bạn em chơi. Ăn trưa thì họ ngồi theo nhóm, cũng có nhóm rủ em ăn chung em cũng ngồi ăn rồi cũng gọi là nói chuyện được với nhau. Học thì em chỉ khó khăn ở môn tiếng Anh, còn những môn khác như Toán, Hóa không phải là vấn đề với em. Em được thầy cô giúp đỡ cũng nhiều. May mắn là bạn trong trường giúp đỡ em dữ lắm.

Du học sinh Huỳnh Thị Thanh Minh và các bạn trong lớp 12 Trung Học Everton, TP Everton, tiểu bang Missouri
Du học sinh Huỳnh Thị Thanh Minh và các bạn trong lớp 12 Trung Học Everton, TP Everton, tiểu bang Missouri
Du học sinh Huỳnh Thị Thanh Minh và các bạn trong lớp 12 Trung Học Everton, TP Everton, tiểu bang Missouri

Nhờ liên tục đạt điểm A  (Straight A) trong lớp,  Phạm Ngọc Tiên vừa được trường tặng một Ipod, niềm hãnh diện đầu tiên của bản thân:

Học ở đây vui lắm, em học được điểm A hết, mình có cơ hội nhận được những phần quà của trường, em may mắn bốc thăm và nhận được cái Ipod.

Với Huỳnh Thị Thanh Minh, Lớp 12 trung học Everton, thành phố Everton , tiểu bang Missouri, ngoài nỗi nhớ nhà và sự cô đơn không tránh khỏi lúc đầu, còn thì bạn  không có vấn đề gì khác, kể cả với gia đình bảo trợ:

Sống một thời gian thì mình cũng quen, em học được của họ cách sống, cách ăn ở với văn hóa của họ. Trong trường học lúc đầu không biết không hiểu gì hết, bây giờ được bạn bè thầy  cô giúp đỡ thì ổn hết rồi. Ở đây em cần học nhiều cái mới, học tự lập, không  nhờ  vả người khác, thấy mình trưởng thành hơn, không quá phụ thuộc quá vào ba mẹ.

Dẫu gì các bạn trẻ này chỉ mới xa nhà có 7 tháng, một khoảng thời gian rất ngắn để có thể vơi đi nỗi nhớ khi mà Tết đang đến gần. Lê Quang Nhật, trung học Eastern Raindolph, tiểu bang North Carolina:

Trên facebook em thấy bạn bè và những người lớn đang chuẩn bị Tết, em thấy nhớ nhà vì bên này thực ra không có Tết. Tết ở Việt Nam thì các bạn vui chơi, còn bên này vẫn học như bình thường, em thấy cũng là một thử thách khó khăn cho em. Em nhớ nhất là tiền lì xì, niềm vui của em khi Tết đến. Bên này không có Tết nên không có tiền mừng tuổi.

Thành phố Eagle của tiều bang Idaho, nơi Nguyễn Phương Việt Mai cư ngụ và học tập, đang chờ đợi những cơn tuyết lớn khiến em cảm thấy nhớ không khí Tết ấm áp của Đà Nẵng hơn bao giờ hết:

Ở thành phố này, đặc biệt ở tiểu bang, này không có người Việt nên không có không khí Tết. Lên những trang mạng xã hội như facebook  thấy hình ảnh mọi người chuẩn bị Tết mình cảm thấy rất tủi thân, nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ bánh tráng cuốn thịt heo, những món ăn đậm chất Việt Nam như  chả bò, chả lụa....Nói là tự nhiên thèm quá!

Tuyết cũng đang rơi trên thành phố Everton của tiểu bang Missouri, nơi bạn Huỳnh Thanh Minh đang ngồi nghĩ về Tết bên nhà:

Rất là lạnh, trời đang tuyết, có nguy cơ đông đá. Bây giờ Việt Nam đang chuẩn bị  đón Tết còn bên này thì không có Tết. Lần  đầu tiên không ăn Tết với gia đình ở Việt Nam cảm giác rất buồn, muốn về với  gia đình nhưng mà không thể...

Năm mới là dịp để nhìn lại 365 ngày qua, xem mình đã làm được gì trong năm cũ, xem mình có thể ao ước và thực hiện được điều gì hơn cho năm mới.

Đối với Lê Quang Nhật,  hoàn thiện bản thân là điều  quan trọng hàng đầu:

Tết đến những gì em ước mong là qua mỗi năm em hy vọng bản thân mình ngày càng hoàn thiện hơn. Em cũng mong trong tương lai em có một công việc mà có thể giúp cho đất nước phát triển hơn.

Em cũng mong Việt Nam mình sớm có thể sánh vai với tất cả các nước bạn trên thế giới.  Đó là tất cả mong muốn của em.

Thành quả tốt trong việc học là mục tiêu mà Nguyễn Phương Việt Mai nhắm tới trước tiên:

Kết quả học tập tốt, trưởng thành hơn, mong muốn gia đình và  mọi người được sức khỏe, tiền tài, làm ăn phát đạt. Về đất nước thì em  chỉ muốn mọi người đươc hạnh phúc.

Thay đổi cái nghèo là ước mơ năm mới của bạn trẻ Phạm Ngọc Tiên:

Dân mình nhiều người nghèo, em mong trong năm mới này Nhà Nước giúp đỡ người nghèo nhiều hơn. Đó cũng là điều sau này em muốn làm tại vì ai cũng nói nước mình nghèo hết.  Còn với bản thân thì trong năm nay em sẽ cố gắng kiếm việc làm thêm để có thể tự kiếm tiền, tự lo một phần cho mình để  ba mẹ không cần phải lo cho em nhiều nữa.

Sau cùng là lời chúc của Huỳnh Thị Thanh Minh :

Trước tiên cầu chúc gia đình, ba mẹ , anh chị em sống khỏe, tươi trẻ. Cho đất nước thì ngày càng phát triển đi lên. Cho bản thân thì cố gắng trưởng thành hơn và học giỏi cho ba mẹ vui.

Vừa rồi là câu chuyện, là tâm tình và cảm nghĩ của  các du học sinh Việt Nam, qua Mỹ theo chương trình giao lưu văn hóa, trao đổi học sinh hồi tháng Sáu và tháng Bảy năm 2015.

Liên lạc góp ý với Thanh Trúc : nguyent@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.