Thôn Bà Râu, vùng sâu vùng xa của tỉnh Ninh Thuận với đất đai cằn cỗi, cư dân đa số là đồng bào Thượng sắc tộc Raglei. Nơi thôn nghèo này có một giáo xứ và một cha linh hướng, linh mục Nguyễn Bình Phương:
Ở đây thì đồng bào chủ yếu sống bằng nghề nông nhưng mà rất khó khăn. Ở những vùng khác thì đất đai nó còn màu mỡ một chút, thời tiết còn thuận hòa một chút, còn ở đây thì đất cằn cỗi sỏi đá không, mưa thì không đều, lượng mưa rất thấp. Với bây giờ thời tiết bất thường cho nên bà con làm rẫy toàn là thấy thất bại, mức thu nhập của họ là dưới nghèo đói. Bây giờ ở đây đa phần người trẻ, thanh niên đi làm thuê làm mướn xa, còn ở lại là người già và trẻ em.
Dự án nước sạch
Người dân Raglei ở thôn Bà Râu không có nước sạch để dùng. Nước sinh hoạt hàng ngày là nước giếng hoặc nước mương mà cũng không được đun nấu. Thứ Bảy tuần trước, một nhà máy lọc nước do hội từ thiện Avenir Măng Non ở Pháp tài trợ để xây lên, tuy trong giai đoạn hoàn tất nhưng đã có nước sạch cho người dùng. Linh mục Nguyễn Bình Phương cho biết:
Lúc trước chúng tôi liên lạc qua cô Quì hội Avenir Măng Non thì cô Quì cũng có đề cập đến dự án này. Nhà máy nước coi như đã ra sản phẩm rồi, chủ yếu để cho đồng bào thay đổi cái tập quán ăn uống không có vệ sinh của họ. Nước ở đây thì họ múc từ giếng lên, múc từ suối về hay múc từ mương về là họ uống trực tiếp vậy chứ không qua đun nấu. Mà nước ở đây bây giờ ô nhiễm lắm. Có được nhà máy này nó cần thiết để phục vụ cho bà con thì hội Avenir Măng Non cũng giúp cho cái phần đó.
Thay đổi thói quen dùng nước không lọc và không đun sôi của người dân tộc, linh mục Nguyễn Bình Phương nói tiếp, không phải là chuyện dễ. Đầu tiên, theo ông, phải nhắc nhở và giáo dục người trong giáo xứ trước để họ có thể làm gương cho những người khác. Sản phẩm của nhà máy lọc nước ở thôn Bà Râu là những bình 20 lít với giá rẻ hơn giá thị trường một nửa:
Năm ngàn một bình nó rất là rẻ vì thị trường ở tại đây người ta bán giá 10.000 đồng. Đối với những người nghèo trong danh sách mà chúng tôi trợ cấp hàng tháng thì năm ngàn đó chúng tôi không lấy, còn với những người đỡ đỡ hơn thì chúng tôi lấy năm ngàn một bình. Năm ngàn đó để trả tiền điện, tiền nước, bảo trì máy móc rồi trả công cho người trông coi nhà máy.
Avenir Măng Non mà linh mục giáo xứ Bà Râu đề cập đến, là một hội từ thiện ở Pháp, không chỉ mang đến cho thôn Bà Râu một dự án nhà máy lọc nước mà trước đó từng hỗ trợ cho người già nơi đây cái ăn cái mặc cũng như sách vở và phương tiện học hành, đặc biệt máy vi tính, cho con trẻ người Thượng.
Từ Paris, bà Hồ Quì, phó chủ tịch hội Avenir Măng Non, thành lập từ năm 1994 cũng là năm bắt đầu về Việt Nam, cho Thanh Trúc biết:
Nhà máy nước coi như đã ra sản phẩm rồi, chủ yếu để cho đồng bào thay đổi cái tập quán ăn uống không có vệ sinh của họ. <br/> - Linh mục Nguyễn Bình Phương <br/> <br/>
Từ 20 năm nay Avenir đã xây cất nhiều trường ở Quảng Ngãi, Long Thành, Nha Trang, Sóc Trăng, Rạch Giá … và vẫn còn tiếp tục. Mới đây nhất là nhà máy nước sạch cho dân tộc thiểu số người Raglei ở thôn Bà Râu tỉnh Ninh Thuận.

Dân ở đó rất nghèo, đa số thất học, các xơ các cha mở những lớp học cho con nít và đồng thời dạy cho người lớn luôn, rồi khám bịnh, phát thuốc, giúp cho những người già cả. Vấn đề tạo một nhà máy nước sạch rất quan trọng vì người Raglei ở đó họ múc nước mương để uống và để nấu cơm, họ bịnh nhiều lắm, bị giun sán đủ thứ.
Vẫn theo lời bà Hồ Quì, chi phí cho dự án nước sạch ở thôn Bà Râu là mười ngàn đô la. Rất may, trong một dịp qua thăm người quen ở Hoa Kỳ, Avenir Măng Non được bạn bè thân hữu mỗi người góp một tay và nhà máy nước sạch thôn Bà Râu vừa được khánh thành thứ Bảy tuần trước:
Cũng dịp may là chị Hoàng Yến ở San Jose bằng lòng làm đại diện cho Avenir để Avenir có thể phát triển bên Mỹ. Sẵn dịp đó tôi đi sang bên San Jose và có hội VNHelp sẵn lòng bảo trợ cho Avenir.
Khi sang San Jose ra mắt hội và nói về dự án nước sạch thì có ngay một anh bác sĩ tên Nhân bằng lòng chi cho một nửa tức năm ngàn đô la. Có lẽ điều đó kích thích lòng hảo tâm của những người khác, thế là mỗi người đóng góp người năm trăm người hai trăm người ba trăm, rốt cuộc tôi kiếm đủ tiền để xây dựng nhà máy nước sạch. Đó là hồi tháng Tư năm 2014.
Sau khi tôi về lại Pháp thì tôi liên lạc với giáo xứ Bà Râu, nói họ cứ việc xây đi tôi sẽ gởi tiền về. Họ bắt đầu xây từ tháng Năm, nói phải tranh thủ xây trước mùa mưa vì chờ tới mưa là xây không được. Chúng tôi vừa mới cắt băng khánh thành, có đại diện của Avenir Măng Non ở Sài Gòn ra cắt băng khánh thành nhà máy nước sạch hôm thứ Bảy 21 tháng Sáu.
Chặng đường 20 năm
Được hỏi về chặng đường hai mươi năm hoạt động và giúp đỡ trẻ em nghèo bên nhà, bà Hồ Quì khẳng định tôn chỉ của Avenir Măng Non là trẻ em, những mầm non của tương lai:
Avenir chuyên xây các trường học cho các em đi học miễn phí, phát dụng cụ học sinh, tập vở và học bổng cho các em. Đó là những em ở vùng sâu vùng xa, còn các em ở trường của chính phủ thì Avenir Măng Non cũng phát học bổng cho mấy em.
Trường đầu tiên chúng tôi xây là năm 1994. Khi vừa thành lập thì trường đầu tiên là ở Sóc Trăng. Trước hết chúng tôi mua đất rồi mới xây trường, lúc đầu là xây một lớp, về sau học trò đông thì xây lên hai lớp, sau đông nữa xây lên ba lớp. Cho tới bây giờ trường đó được sáu lớp cả thảy.
Tại Quảng Ngãi Avenir Măng Non xây trường ở ba thôn khác nhau, mỗi thôn có ba lớp:
Ngoài ra chúng tôi còn xây ở Rạch Giá một trường. Nói trường nghe cho nó oai chứ thật ra là một lớp, sau đông thì mở lớp thứ nhì, thế thôi.
Ở Xuân Lộc chúng tôi cũng xây một lớp học cho các em, rồi Lâm Đồng, Bảo Lộc chúng tôi cũng vừa mới xây. Tóm lại cho tới bây giờ khoảng mươi, mười hai lớp học.

Không dừng lại ở đó, Avenir Măng Non còn tìm một hình thức khác là kiếm người bảo trợ cho các em nghèo không đủ điều kiện đến trường:
Mỗi một tháng, những cha mẹ bảo trợ sẽ cho các em ở bên nhà 8 Euro rưỡi tức khoảng 10 hay 11 đô la Mỹ, để các em đến trường mà không phải là một gánh nặng cho gia đình.
Cứ hai năm một lần chúng tôi đi Việt Nam. Thứ nhất là đi thăm các em, thứ hai đi thăm những cơ sở mà Avenir đã xây dựng, và mục đích chính là để cho các ông bà bảo trợ đi theo để thăm đứa con mà họ đã bảo trợ từ mấy năm qua.
Khi đi thì chúng tôi có một nhóm khoảng 20 tới 30 người, chúng tôi xin tất cả những đồ chơi, những quần áo của các em ở đây. Bên này cứ mỗi một tuổi có một cái đồ chơi riêng có một cái áo quần riêng, mặc sáu tháng ahy một năm gì đó là nó vất ra. Nó vẫn còn tốt thì tụi này xin rồi đem về phát cho con nit ở bên đó.
Cách đây hai năm chúng tôi được hân hạnh quen với chị Vân ở Los Angeles, chị Vân tặng áo lạnh cho cho các em ở bên nhà. Năm đầu tiên chị tặng cho bảy mươi mấy em ở Hà Tĩnh. Tết vừa rồi chị Vân lại tặng cho bảy mươi mấy em nữa ở Cần Thơ, ở An Giang và ở Ninh Thuận. Áo lạnh vừa đẹp vừa mới, chẳng những các em cảm động mà người đại diện của tụi này ở vùng đó nói không ngờ là các em được những cái áo quá đẹp như vậy.
Những người Pháp chịu nhận bảo trợ cho các em nghèo bên Việt Nam, mà họ không biết, có đông không? Đó là câu hỏi tiếp của Thanh Trúc. Theo bà Hồ Quì, phần lớn những người bản xứ tốt bụng này là những người đến với các lớp học tiếng Việt do Avenir Măng Non tổ chức, hoặc chỉ đến với tư cách thiện nguyện viên nhưng về sau thì trở thành hội viên của Avenir Măng Non luôn:
Có những người đến học họ thấy mình làm việc một cách bất vụ lợi thì họ gia nhập, thành ra càng ngày càng có nhiều người Pháp tham dự. Mà phải công nhận người Pháp họ khác người Việt Nam mình ở chỗ là người Việt Nam mình nhận con nuôi, gởi tiền cho con nuôi mà mình ít có viết thư lắm. Còn người Pháp thì ngược lại, họ nhận được thư của một đứa trẻ nó viết nó cám ơn, nó bảo đã nhận được tiền, là họ viết thư trả lời liền. Thành ra đối với người Pháp nó có sự qua lại, liên lạc chặc chẽ hơn là giữa người Việt Nam với các con nít bên Việt Nam.
Một trong những người hảo tâm đang bảo trợ cho ba em trong nước, ông Christian Ambrois, giáo viên về hưu, biết đến Avenir Măng Non sau khi nghe bà Hồ Quì trình bày về hội trên một chương trình truyền hình ở Paris:

Tôi có một con trai và một con gái ở Hà Tĩnh, miền Bắc, các cháu hiện đang học đại học. Tôi cũng có một cháu gái khác 14 tuổi đang học cấp hai, cháu ở Vĩnh Long. Có một điều tốt là hội Avenir giúp dịch thư của các cháu gởi cho tôi ra tiếng Pháp, đồng thời dịch thư tôi gởi cho các cháu sang tiếng Việt. Nhờ đó mà cha con chúng tôi liên lạc với nhau thường xuyên, biết được tin tức của nhau bên này bên kia.
Thư các cháu thường làm tôi xúc động, mà cũng thật là dễ chịu khi đọc được niềm vui các con tôi bày tỏ trong thư khi được đi học, khi nhận được quà tôi gởi về hàng tháng. Hạnh phúc của tôi sẽ tăng lên ngày nào các cháu hoàn thành việc học một cách tốt đẹp.
Người thứ hai, bà Hélene Riou, đang là một hội viên tích cực của Avenir Măng Non:
Tôi có ba đứa con, một trai và hai gái, hai cháu đã vào đại học trừ cháu trai đang học trung học. Tuy chưa gặp mặt nhưng tôi yêu các cháu vì chúng tôi biết nhau và thường viết thư cho nhau đã mấy năm nay. Thật là quan trọng và cần thiết khi tôi và các cháu cố giữ mối liên lạc cũng như những tình cảm tốt đẹp mà chúng tôi dành cho nhau, phải không?
Thanh Trúc vừa kể cho quí vị nghe về nhà máy nước sạch ở một vùng xa của Việt Nam, giáo xứ Bà Râu với người dân tộc Raglei, rồi đến công việc của Avenir Măng Non, tổ chức từ thiện ở Pháp đã cố gắng hoàn tất dự án nước sạch cho thôn Bà Râu, cũng như ước muốn tiếp tục và nới rộng tầm hoạt động của hội đến những nơi khác ngoài nước Pháp.
Mục Đời Sống Người Việt kết thúc ở đây, xin hẹn lại quí thính giả tối thứ Năm tuần tới. Liên lạc và góp ý : nguyent@rfa.org