Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc cho người già VN ở Canada
2015.07.30
Người Việt Nam ở nước ngoài, bước vào tuổi xế chiều của cuộc đời, dù là mới qua sau này hoặc định cư đã lâu, thì một cuộc sống bình an, có bạn bè cùng tuổi bên cạnh, được chăm sóc sức khỏe lúc cơ thể không còn tráng kiện và trí óc bắt đầu chậm lụt đi... là những nhu cầu rất thực tế.
Nhưng thực tế đó không toàn vẹn nếu phải sống trong môi trường mà quanh mình không có người nói tiếng Việt, thức ăn không do người Việt nấu, những sinh hoạt không có tính chất Việt Nam, để rồi cảm thấy lẻ loi và buồn bã hơn bao giờ hết.
Đó là hoàn cảnh của người già Việt Nam trong những viện dưỡng lão của người bản xứ, đó cũng là nguyên nhân hình thành những nhà già dành cho người cao tuổi Việt Nam do chính người Việt quản trị.
Golden Age Manor
Tại Canada, thành phố Edmonton thuộc tỉnh bang Alberta, đã có Golden Age Manor, Viện Dưỡng Lão Tuổi Hạc dành cho người Việt hoạt động bảy năm qua. Đây là mô hình kiểu mẫu cho Golden Age Village For Elderly, Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc tại thành phố Vaughan gần Toronto thủ phủ tỉnh bang Ontario, đang được người Việt nơi đây vận động và gây quĩ để xây lên trong tương lai.
Thanh Trúc mời quí vị tìm hiểu trước hết về Golden Age Manor, Viện Dưỡng Lão Tuổi Hạc ở Edmonton. Người chủ xướng và sáng lập là một tu sĩ Phật Giáo, thầy Thích Thiện, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Viện Dưỡng Lão Tuổi Hạc, cho biết phải mất 8 năm cho quá trình vận động thành lập và xây cất:
Có một nhà dưỡng lão thực sự là một nhu cầu bức thiết ở xã hội Tây Phương như Canada, Hoa Kỳ. Tại vì ở đây tất cả những cộng đồng khác như Italian, Ukrainian, Ba Lan ... họ cũng xây nhà dưỡng lão trước rồi, họ làm sao thì mình cũng học theo cách của họ mình làm cho cộng đồng Việt Nam mình vậy thôi.
-Thầy Thích Thiện
Có một nhà dưỡng lão thực sự là một nhu cầu bức thiết ở xã hội Tây Phương như Canada, Hoa Kỳ. Tại vì ở đây tất cả những cộng đồng khác như Italian, Ukrainian, Ba Lan ... họ cũng xây nhà dưỡng lão trước rồi, họ làm sao thì mình cũng học theo cách của họ mình làm cho cộng đồng Việt Nam mình vậy thôi.
Cũng như người bản xứ, người Việt ở Canada sau một thời gian làm việc cũng như nộp thuế đầy đủ, lúc tuổi già sức yếu phải vào viện dưỡng lão thì đương nhiên mọi chi phí về y tế như bác sĩ, y tá, thuốc men đều được chính phủ hỗ trợ:
Thực sự ra ở đây tất cả người già đều được trợ cấp hết, thậm chí những người có lợi tức thấp không đủ tiền thì chính phủ bù vô cho đủ. Trợ giúp của chính phủ Canada dành cho người già phải công nhận rất là tốt, coi như già mà phải vào viện dưỡng lão thì họ không có lo gì hết.
Viện Dưỡng Lão Tuổi Hạc ở Edmonton có khoảng 180 người già, trong đó hơn nửa là các cụ cao niên Việt Nam:
Khi vận động xây cất thì chính phủ cho tiền mình gần như là phân nửa, mình xin cho cộng đồng Việt Nam của mình nhưng mà Việt Nam mình vào ở không đủ thì mình phải cho cộng đồng các sắc dân khác vào ở luôn, mình không thể để trống được .
Trong nhà dưỡng lão của mình thì mình cung cấp thức ăn cho họ, những người ăn kiêng hay ăn chay cũng được nhà dưỡng lão phục vụ thức ăn để đáp ứng với các nhu cầu của họ. Sự trợ giúp đó thì chính phủ bù vào.
Đối với người ngoại quốc như Anh, Canada, Mỹ hay Pháp vân vân, chuyện vào Viện Dưỡng Lão là điều tự nhiên, là quyền lợi của một công dân cao tuổi, nhưng với người giả Việt Nam ở nước ngoài chuyện phải vào nhà già có khi là nỗi khổ tâm của cha mẹ lẫn con cái:
Trước mắt thì những người bây giờ ý thức được rằng họ không muốn con cái phải lo âu cho họ thì họ tự động ghi danh xin vào nhà dưỡng lão. Trường hợp những người mà tình cảm theo kiểu Á Đông mình, khi già yếu họ vẫn muốn bám víu vào con cái vì họ sợ vào trong nhà dưỡng lão mà họ không nói được tiếng Anh, không ăn được thức ăn của người Tây Phương...
Nhưng thực sự khi họ biết có một nhà dưỡng lão của người Việt Nam rồi thì họ vào. Nhưng mà đa phần những người vào như vậy vì họ yếu họ bịnh họ mới chịu vào, con cái không săn sóc cho họ nỗi nên buộc lòng phải năn nỉ cha mẹ để đưa họ vào nhà dưỡng lão. Vào đó rồi, thấy có người Việt Nam phục vụ, có ban giám đốc người Việt Nam, những người trong ban ẩm thực trong nhà bếp là người Việt Nam thì họ cảm thấy ở trong đó vui, họ cảm thấy không khác gì ở nhà thì họ bắt đầu phấn khởi trở lại. Tiếng vang đó ra ngoài thì những người khác cũng muốn vô. Nhưng mà đa phần những người vào thường có bệnh lẫn quá quên quá mà con cái không giữ ở nhà được, có bệnh cần sự chăm sóc dài hạn của bác sĩ thì buộc lòng phải vào nhà dưỡng lão.
Đó là Viện Dưỡng Lão Tuổi Hạc Golden Age Manor của người Việt Nam ở thành phố Edmonton, tỉnh bang Alberta, hoạt động đã 7 năm nay.
Vận động gây quĩ để xây dựng
Từ Alberta sang Onrario, Golden Age Village For Elderly, Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc ở Toronto, đang được một nhóm thiện nguyện người Việt nơi này vận động gây quĩ để xây lên trong những ngày tháng tới. Cô Nguyễn Thị Thanh Nhã, tổng thư ký ban vận động xây dựng Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc:
Nhã và Ban Quản Trị mới bắt đầu làm tiếp vào tháng Một năm 2014. Lúc đó trong cộng đồng mình cũng đã gây quĩ được hơn một triệu và đã mua được một miếng đất trên thành phố Vaughan. Miếng đất này được 6 mẫu và một tòa nhà 6.000 mét vuông.
-Cô Nguyễn Thị Thanh Nhã
Ban vận động đầu tiên là do một số các bác và các cô chú tại Toronto, cách đây 5 năm có lên Edmonton và may mắn được ở trong Nhà Dưỡng Lão Tuổi Hạc Edmonton. Ở trên đó một tuần, thấy được mấy bác sinh hoạt như thế nào, quí vị đó tự hỏi tại sao Edmonton ít người Việt hơn mà được như vậy, tại sao người Việt ở Toronto đông hơn mà không được như vậy.
Về lại Toronto chính mấy bác mấy anh chị đó mới đứng ra mời hòa thượng Thích Thiện Tâm, người chủ xướng và chủ tịch của nhà dưỡng lão bên kia, hướng dẫn và bắt đầu vận động cộng đồng để xây dựng Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc ở đây. Đó là vào tháng Chín năm 2012.
Ban vận động ở Toronto đã ngỏ lời mời thầy Thích Thiệm Tâm làm trưởng ban vận động xây dựng Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc ở Vaughan, Toronto:
Nói chung các bác và các anh chị đi qua bên Edmonton là cũng đã lớn tuổi, sau khi vận động một năm thì các bác các anh chị này mới nói chúng tôi đã đi những bước đầu tiên thành ra muốn có một nhóm để mà đi tiếp con đường này.
Đó là lý do cô Nguyễn Thị Thanh Nhã, một đoàn sinh Hướng Đạo thường coi việc hoạt động xã hội là trách nhiệm hàng ngày của mình, trở thành tổng thứ ký của Ban Quản Trị Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc với phần đông thành viên là những anh chị em trẻ:
Nhã và Ban Quản Trị mới bắt đầu làm tiếp vào tháng Một năm 2014. Lúc đó trong cộng đồng mình cũng đã gây quĩ được hơn một triệu và đã mua được một miếng đất trên thành phố Vaughan. Miếng đất này được 6 mẫu và một tòa nhà 6.000 mét vuông.
Trong khi chờ đợi có đủ tiền xây cất, có thể với một diện tích cùng kiến trúc qui mô hơn bên Viện Dưỡng Lão Tuổi Hạc Edmonton, tòa nhà 6.000 mét vuông tạm thời được coi như trụ sở của Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc Toronto và cũng là nơi sinh hoạt hàng tuần cho các vị cao niên trong vùng:
Nơi đây trong vòng một năm vừa rồi đã tiếp đón các cấp chính quyền để xin họ ủng hộ cho mình, nhất là về vấn đề funding (ngân quĩ) để mình có thể xây dựng một công trình lớn khoảng 50 triệu. Nếu cộng đồng không thì mình không thể làm được, mình phải nhờ vào chính phủ.
Sinh hoạt hàng tuần của mấy bác cao niên có lớp Tai-Chi, có lớp dạy nấu thức ăn lành mạnh cho các bác. Ngoài ra mình cũng có bác sĩ chuyên môn với những buổi nói chuyện về cách giữ gìn sức khỏe khi lớn tuổi, lớn tuổi thì hay bị depress sầu não phiền muộn không biết làm gì, thì mình có những buổi nói chuyện như vậy cho các bác. Cộng thêm những cái đó thì sắp tới đây mình sẽ có những lớp dạy line dancing cho các bác.
Có được miếng đất là đi được một khoảng đường rất xa rồi, bây giờ mình vẫn tiếp tục gây quĩ, tiếp tục xin được re- zoning trở thành khu qui hoạch và xin building permit giấy phép xây dựng.
Có lẽ phải 5 hay 7 năm nữa, theo như lời thầy Thích Thiện Tâm, Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc ở Vaughan, Toronto mới hoàn tất và chính thức đi vào hoạt động theo đúng luật pháp Canada..
Nhưng không vì thế mà nỗi mong đợi của những vị cao tuổi bị nguội lạnh đi dù như ai cũng ý thức là có khi không thể nói tiếng chờ và tiếng hẹn với thời gian.
Cụ Tâm Hoa, 91 tuổi , nói với Thanh Trúc bà sợ bà không thể đợi nhưng hy vọng thì vẫn là hy vọng:
Bác hy vọng có cái Làng Dưỡng Lão mau mau, nghĩa là sớm chứng nào hay chừng đó, cho những người già mà con cái đi làm cả, ở nhà một mình rồi khi đau ốm này nọ không có ai hết thấy cũng cô đơn cũng buổn, bác hy vọng anh chị em trong cộng đồng Việt Nam mình giúp nhu mỗi người mỗi tí để mau mau có làng dưỡng lão, chứ còn ở với Tây với Tàu mình đâu có biết tiếng thì cũng như không.
Nhưng nếu ngay bây giờ mà con cái đưa vào nhà dưỡng lão ngay thì bà có buồn không, có nghĩ con cái muốn xa lánh mình không, là câu hỏi tiếp của Thanh Trúc:
Bác nghĩ con cái bây giờ nó mắc đi làm, mình ở nhà nó chăm nom mình thì làm sao nó đi làm có tiền cho con nó đi học rồi tiền nhà tiền cửa tiền này tiền kia đủ thứ. Mình vô dưỡng lão dù gì đi nữa có chị em bạn bè đồng hương trong nớ mình chuyện trò. Ở nhà mình chuyện trò với ai? Một khi làng dưỡng lão có rồi mà bác vô ở kịp, chỉ sợ là năm ba năm mà bác già rồi chưa biết ngày nào. Trong giấy tờ là 91 chứ mà tuổi thiệt của bác là 93.
Cũng từ Toronto, bà Hóa, trên 70 tuổi, giờ đang chăm sóc người chồng đã 82 là cái tuổi gần đất xa trời nhiều rồi, thì nhà già là một cứu cánh, nhất là khi trong nhà nhà già đó có người nói tiếng Việt:
Thực ra khi còn ở nhà giúp con cháu, coi cháu nội cháu ngoại, thì người cao niên đó còn khỏe còn hoạt động được . Nhưng một khi tới tuổi lớn hơn, không thể tự săn sóc mình được làm mình cảm thấy mình trở thành gánh nặng cho con cháu. Ở Toronto này rất nhiều bác người Việt hiện tại đang sống trong nhà già của người Canadian, họ cảm thấy như bị cô lập, không nói chuyện được vì vấn đề ngôn ngữ, rồi không ăn được thức ăn của người ở đây. Có những dịch vụ mà họ không dùng được vì họ không thể nào diễn tả cho người ta biết những cái cần của mình.
Cho nên có một nhà già của người Việt, được phục vụ bởi người Việt, được sống trong không khí Việt Nam và được dùng những thức ăn của quê hương thì mấy bác rất hạnh phúc mà đi vào trong đó.
Rồi con cháu, bà Hóa nói tiếp, khi đưa cha mẹ vào một nơi mà họ cảm thấy yên tâm, khi nhìn thấy cha mẹ chấp nhận và hài lòng thì cái cảm giác hay cái mặc cảm phải đẫy hai bậc sinh thành vào nhà già cũng biến mất, nhường chỗ cho một tâm trạng thanh thản nhẹ nhàng hơn. Đó là cách thức sau cùng để mang lại hạnh phúc bình an cho con, bà Hóa kết luận:
Thành ra những người trẻ ở đây cũng rất là hoan nghênh chuyện này. Nhóm thiện nguyện viên của Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc bây giờ rất đông người trẻ vào giúp chị ạ.
Theo kế hoạch, Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc ở Vaughan, Toronto, khi hoàn tất có thể đón nhận 300 người cao tuổi ăn ở thường trực. Trong mục đích gây quĩ cho Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc Toronto, một buổi đại nhạc hội ngày 22 tháng Tám tới đây mà tính đến lúc này con số dự trù tham dự đã lên đến 800 người.
Đến tháng Mười năm nay, ban vận động Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc Toronto lại tổ chức một buổi gây quĩ thêm vào ngân sách xây dựng.
Câu chuyện về Viện Dưỡng Lão Tuổi Hạc ở Edmonton và Làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc ở Toronto, xin được tạm ngưng ở phút này. Thanh Trúc sẽ trở lại tối thứ Năm tuần tới.
Liên lạc góp ý với Thanh Trúc : nguyent@rfa.org