Một ngày thư giãn hữu ích cho người khuyết tật

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014.06.19
Những người khuyết tật đang vui đùa với sóng biển Những người khuyết tật đang vui đùa với sóng biển
RFA

Hội Khiếm Thị Và Khuyết Tật, thành lập hơn 20 năm trước tại Hạt Xóm Mới, nhà thờ Lạng Sơn, Gò Vấp, là nơi qui tụ những người khuyết tật mà Thanh Trúc đã có lần giới thiệu đến quí thính giả dưới tên Giáo Hạt Cho Người Nghèo Và Người Khuyết Tật.

Bương chải kiếm sống hàng ngày

Ông Hiển, một trong hai giáo dân đứng ra xin phép lập Hội Khiếm Thị Và Khuyết Tật 22 năm trước, cho biết con số chính xác tới nay là hơn 130 người, hầu hết đều tự bương chải đi kiếm sống hàng ngày chứ không sống dựa vào ai:

Gồm những người down, những người khiếm thị và những người khuyết tật. Người thì đi bán vé số, người thì đi bán báo, người thì đi làm, mỗi người mỗi việc chứ không sống dựa vào ai cả.

Những người đó về vấn đề cuộc sống thì rất eo hẹp, nhất là trong hoàn cảnh thực tế bây giờ thì rất khó khăn. Thí dụ những người mù đi bán vé số hàng ngày nhưng dễ bị mất lắm, bán trăm ngàn lỗ trăm ngàn, có những người thí dụ đưa tiền giả hoặc là giật số lấy mất luôn. Rồi những người khuyết tật đi lại khó khăn, đi xe lăn vô nhà người ta bán, tới nơi có khi người khác bán mất rồi, rồi vô cửa không được người ta cũng ngại, nó có rất nhiều cái khó khăn.

Linh mục Nguyễn Văn Luyến của nhà thờ Lạng Sơn là vị linh hướng của Hội Khiếm Thị Và Khuyết Tạt tại hạt Xóm Mới từ những ngày đầu. Vẫn lời ông Hiển:

Cuộc sống thì rất eo hẹp, nhất là trong hoàn cảnh thực tế bây giờ thì rất khó khăn. Thí dụ những người mù đi bán vé số hàng ngày nhưng dễ bị mất lắm...có những người thí dụ đưa tiền giả hoặc là giật số lấy mất luôn. Rồi những người khuyết tật đi lại khó khăn...tới nơi có khi người khác bán mất rồi

Ông Hiển

Được cái là cha Luyến lo cho thì mỗi một tháng cho anh em chục ký gạo, lo cho mỗi tuần được hai bữa cơm. Nói chung cũng khó khăn lắm nhưng mà mọi sự trong cậy vào Chúa.

Hai bữa cơm mỗi tuần là những suất ăn miễn phí mà Hội Khiếm Thị Và Khuyết Tật cung cấp cho hội viên. Thế nhưng trên hết là vấn đề tinh thần, còn gọi là tương thân tương trợ, giữa những người cùng cảnh ngộ qua những chương trình sinh hoạt đều đặn:

Anh em thì tuần nào cũng họp lại với nhau, ngồi chia xẻ nói chuyện với nhau, ai mà hoàn cảnh có điều gì thì anh em góp gạo thổi cơm chung một chút xíu gì đó với khả năng anh em, rồi trong lời cầu nguyện nâng đỡ nhau, quan tâm đến nhau. Một người ốm đau thì gom nhau mỗi người năm ba ngàn mua ít quà cho người ta. Hoặc là thấy anh em, những người đang ở trong mặc cảm buồn chán thì gặp nhau nói chuyện với nhau, tỏ bày với nhau thì vơi đi cái sự buồn. Nâng đỡ nhau về tinh thần vật chất gì đó là trong khả năng của mỗi người.

Mỗi một năm hội viên của Hội Khiếm Thị Và Khuyết Tật được đi khám sức khỏe hai lần:

Chị Vũ Thị Thơm và hai con. RFA
Chị Vũ Thị Thơm và hai con. RFA
RFA

Mỗi một năm Cha cho hội khuyết tật đi khám bệnh tổng quát, mỗi một người là 800.000 mà một năm đi hai lần như vậy. Cứ tính một trăm mấy chục người thì số tiền khá lớn nhưng mà Cha cũng cố gắng hết sức.

Một chuyến đi biển

Hôm thứ Ba ngày 17 vừa qua, gần 100 người trong Hội Khiếm Thị Và Khuyết Tật được đưa ra Bãi Dâu của Vũng Tàu để nghỉ ngơi, tắm biển và thư giãn trong hai hôm. Theo linh mục Nguyễn Văn Luyến, đây là dịp sinh hoạt chung hàng năm mà những người tàn tật, ông gọi là anh em, không thể tự mình tổ chức được. Phí tổn di chuyển và ẩm thực của chuyến đi, linh mục Nguyễn Văn Luyến trình bày tiếp, đều do Hội Khiếm Thị Và Khuyết Tật hạt Xóm Mới đài thọ qua sự đóng góp của những người hảo tâm trong và ngoài nước:

Cứ mỗi một năm sau dịp lễ Quan Thầy của họ tức lễ Chúa Thánh Thần đó thì anh em cũng có nhu cầu đi nghỉ ngơi một chút, đi tắm biển được hai ngày. Đợt này chúng tôi đưa anh em đi, cả những người phục vụ nữa, là trên 90 người. Hai ngày thì ở trong nhà nghỉ của giòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, ăn uống thì cho anh em ra ngoài quán xá cũng như mọi người vậy, rồi cũng tắm biển như mọi người.

Chúng tôi phải mười mấy người đi phục dịch, nhiều khi cõng, bưng, bê. Anh em của chúng tôi là những con người bị khuyết tật, họ mang nhiều thứ bệnh nên họ đau đớn lắm, nếu có điều kiện đưa họ ra tắm biển thì nó bớt cái đau đi

LM Nguyễn Văn Luyến

Đưa một lúc mấy chục anh chị em vừa khiếm thị vừa khuyết tật ra biển quả là một trách nhiệm lớn lao và một công việc cực nhọc, linh mục Nguyễn Văn Luyến khẳng định:

Nên chúng tôi phải mười mấy người đi phục dịch, nhiều khi cõng, bưng, bê. Anh em của chúng tôi là những con người bị khuyết tật, họ mang nhiều thứ bệnh nên họ đau đớn lắm, nếu có điều kiện đưa họ ra tắm biển thì nó bớt cái đau đi. Nhu cầu của họ cũng giống như anh em chúng ta thôi, trong đó anh em khiếm thị và khuyết tật thì chúng tôi phải quan tâm hơn vì họ là những thành phần thiếu may mắn hơn chúng ta. Chính vì vậy mà nếu có vị ân nhân nào giúp đỡ thì chúng tôi cũng có thể một năm hai lần, còn bình thường là chỉ một năm một lần thôi.

Khi đi thì phải nhờ nhiều người giúp để đưa anh em xuống biển, những anh em nào thiếu khả năng đi lại thì phải cõng phải khiêng anh em xuống biển đấy. Thường là chúng tôi chỉ đi Vũng Tàu, có một năm thì đi Nha Trang. Căn bản là đi thì anh em phải bỏ một hai ngày bán vé số, thì tiền nhà hoặc tiền chi phí cũng đã thiếu hụt phần nào nên là chúng tôi cũng phải cố gắng chỉ ngắn gọn thôi để anh em về lại tiếp tục đi bán vé số.

Đối với chị Hiển, một thiện nguyện viên đi theo đoàn, nhìn thấy người khuyết tật vui vẻ cười đùa thì lòng mình cũng vui theo bởi nó thể hiện niềm an ủi tinh thần cho những người không lành lặn đó:

Ngày vui trên biển của anh chị em khuyết tật. RFA
Ngày vui trên biển của anh chị em khuyết tật. RFA
RFA

Cũng không có gì khó khăn lắm đâu, rất là hạnh phúc rất là vui, thấy ai cũng hồn nhiên như trẻ thơ vậy, mà không có ai phải bỏ tiền túi ra cả.

Anh Hiển, chồng của chị, cho rằng được nhìn thấy nỗi hân hoan và thư giãn của người khuyết tật là một cảm giác tuyệt vời:

Tuyệt vời lắm, đây là dịp để anh em đến nơi này sau những ngày làm việc, để quây quần bên nhau vui đùa với nhau. Nhận ra sự yêu thương của mọi người thì mình cảm thấy mình không bị lạc lõng, mình cảm thấy rằng có nhiều cánh tay vẫn nâng đỡ mình lên.

Tuy nhiên, cũng như linh mục Nguyễn Văn Luyến, sự an toàn cho anh chị em vẫn là nỗi lo của ông Cẩm, bị mù cả hai mắt, đại diện của Hội Khiếm Thị Và Khuyết Tật, sinh hoạt trong hội 20 năm qua:

Người ta thì vui mà riêng tôi rất lo, sợ xảy ra bất cứ một sự gì. Lúc nào đi cũng có bác sĩ đi theo chứ gần cả trăm người đưa lên trên này rất là nguy hiểm.

linh mục Nguyễn Văn Luyến

Người ta thì vui mà riêng tôi rất lo, sợ xảy ra bất cứ một sự gì. Lúc nào đi cũng có bác sĩ đi theo chứ gần cả trăm người đưa lên trên này rất là nguy hiểm.

Nhưng cái được là như thế này, thứ nhất là anh em tươi vui lên, thứ hai là anh em gặp nhau, có người cần cái này mà người kia có người này không có thì chia sẻ với nhau, cái đó là rất tốt. Hai mươi hai năm rồi năm nào tôi cũng giữ truyền thống như vậy đó.

Thanh Trúc cũng may mắn được trò chuyện với một số hội viên khuyết tật ra biển hôm thứ Ba và thứ Tư. Chị Nguyệt, liệt hai chân từ năm ba tuổi, được linh mục Nguyễn Văn Luyến vận động cho một xe lăn. Từ năm 2004 đến giờ chị Nguyệt ngồi xe lăn đi bán vé số, một mình lo cho con trai vừa tốt nghiệp Lớp 12 :

Cứ hàng năm lễ Chúa Thánh Thần là bổn mạng khuyết tật chúng em thì Cha cho đi chơi một chuyến hai ngày. Năm nào Cha cũng cho đi hết, em đi được bốn năm lần rồi.

Vui lắm, tại vì những lúc đi làm mệt mỏi được cái dịp này Cha cho đi ra đây cho khuây khỏa đầu óc, anh chị em tụ họp lại , tâm sự với nhau, chia xẻ buồn vui này kia, thấy vơi đi phần nào cực khổ ở nhà.

Thanh Trúc chắc quí vị cũng còn nhớ hai thành viên khác của Hội Khiếm Thị Và Khuyết Tật hạt Xóm Mới, Gò Vấp, anh Nguyễn Văn Cúng bị gù lưng và bại liệt, chị Vũ Thị Thơm bị dị dạng bẩm sinh. Cả hai nên vợ nên chồng và có được hai con nhờ vào sự tác hợp của vị linh hướng nhà thờ Lạng Sơn, linh mục Nguyễn Văn Luyến.

Có mặt trong chuyến đi Vũng Tàu hai hôm trước cùng với chị Vũ Thị Thơm và hai con, anh Cúng kể anh thật may mắn khi được nhà thờ Lạng Sơn để mắt tới vì cách đây mấy tháng anh lại không may bị té gãy tay:

Chân em thì đi không được nên em ở trong nhà , bò tới bò lui để lo cho con, vợ em vẫn đi bán vé số.

Cái may mắn là chị Thơm vợ anh Cúng, có chiều cao không tới một mét, được một người nước ngoài và một linh mục trong nước giúp cho một xe lắc tay để có thể di chuyển khi đi bán vé số:

Cha cho em chiếc xe lắc ba triệu rưỡi, rồi chú Hà là ân nhân có người nhà bên nước ngoài cho em bốn triệu, thế là bây giờ em có cái xe điện em đi bán rồi. Em mừng lắm, em ước ao cái xe từ lâu rồi

chị Thơm

Cha cho em chiếc xe lắc ba triệu rưỡi, rồi chú Hà là ân nhân có người nhà bên nước ngoài cho em bốn triệu, thế là bây giờ em có cái xe điện em đi bán rồi. Em mừng lắm, em ước ao cái xe từ lâu rồi. Bây giờ em tự em đi được rồi, em chở một cháu ngồi trên yên xe của em, còn một đứa thì ngồi dưới chỗ để chân của em, chở con đi thấy mừng quá chị ơi.

Ngoài việc qui tụ những người khuyết tật lại với nhau không phân biệt tôn giáo, nếu được thì tác hợp cho họ nên vợ nên chồng đàng hoàng, đồng thời còn giáo dục căn bản cho họ về vấn đề sinh nở :

Khi tôi về Giáo xứ Lạng Sơn năm 1992 thì chúng tôi bắt đầu, bây giờ con số nó phải 150 người rồi. Ai cần sự giúp đỡ thì chúng tôi có thể chia xẻ. Tôi hy vọng có thể phát triển nhiều hơn, còn bây giờ thì anh em cứ phải một hai người hay ba bốn người thuê một phòng trọ nho nhỏ ở chung với nhau để họ đi buôn bán.

Hầu hết là anh em ở các vùng miền quê đổ về thành phố, còn trong hạt của chúng tôi thì quãng chừng một phần ba thôi. Những anh em ở các địa phương có khi từ ngoài miền Bắc có khi ở miền Tây, thấy chúng tôi làm công việc đó thì anh em đến để mà tham gia, cùng chia sẻ với nhau. Tinh thần cũng như của cải vật chất nào mà chúng tôi có được thì chúng tôi phải giúp đỡ anh em một chút vậy thôi.

Linh mục Nguyễn Văn Luyến và những người thiện nguyện còn tìm cách tạo công ăn việc làm cho những người không may ấy, thí dụ mở đại lý vé số để anh chị em khuyết tật hàng ngày đến nhận đi bán kiếm lời, tiền vốn trả lại cho hội.

Chưa hết, đức tin, niềm vui tinh thần và sự thư giãn của người khuyết tật cũng được chú trọng, điển hình những chuyến dã ngoại ra Vũng Tàu hôm thứ Ba và thứ Tư vừa qua.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc kính chào, xin hẹn quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Liên lạc góp ý với Thanh Trúc nguyent@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.