Hãy để vạn con tằm dệt chăn tơ cho người đắp
2015.11.26
Làng truyền thống ươm tơ dệt lụa
Trồng dâu nuôi tằm là một nghề truyền thống của Việt Nam tự ngàn xua, nếu bảo đây là niềm tự hào bao đời thì chắc chẳng ai có thể hơn người phụ nữ nhỏ nhắn bình dị này ở thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội:
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân có nghề truyền thống lâu đời ươm tơ dệt lụa. Từ bé tôi đã cùng với cha mẹ trồng dâu nuôi tằm. Lớn lên, thời bao cấp thì làm kế toán ngành dâu tằm cho Hợp Tác Xã Nông Nghiệp xã Phùng Xá, về nhà chồng cũng lại trồng dâu nuôi tằm ươm tơ.
Sau thời bao cấp vẫn cứ tự cung tự phát, vẫn cố gắng duy trì và phát triển nghề dâu tằm.
Đó là bà Phan Thị Thuận ở Phùng Xá, Mỹ Đức, nơi mà tự ngàn xưa cả làng cùng trồng dâu nuôi tằm nhưng giờ thì khá nhiều người đã bỏ nghề cha truyền con nối đó:
Từ ngày xưa là cả làng cả xã trồng dâu nuôi tằm. Các cụ trồng dâu nuôi tằm rồi cửi thì chân dần tay giật, dệt cái váy sồi váy đũi đã. Sau đấy khi Pháp đến bắt đầu ký được các máy móc dệt thì mới lên được cái cửi thủ công.
Đời bà cô của bố đã làm nghề thương mại ngành dệt, ký hợp đồng theo com măng dệt cho Pháp ở Hà Nội. Đến đời bố vẫn dệt lụa bán cho Pháp rồi là ra chợ Hàng Ngang, Hàng Đào. Từ thời xa xưa đến tôi là đời thứ ba cứ theo nghề của bố mẹ, vẫn là quay tơ dệt lụa rồi cửi rồi thoi. Nói đến trồng dâu nuôi tằm cứ như là mở trang sách ra mà đọc ấy.
Từ ngày xưa là cả làng cả xã trồng dâu nuôi tằm. Các cụ trồng dâu nuôi tằm rồi cửi thì chân dần tay giật, dệt cái váy sồi váy đũi đã. Sau đấy khi Pháp đến bắt đầu ký được các máy móc dệt thì mới lên được cái cửi thủ công
bà Phan Thị Thuận
Bây giờ còn ít người làm chứ từ ngày xưa là cả làng, từ lớn bé già trẻ trồng dâu nuôi tằm.
Yêu nghề và gắn bó với đất lề quê thói, bà Phan Thị Thuận được gán cho danh hiệu nghệ nhân với sáng kiến có một không hai của bà. Đó là cho tằm ăn dâu rồi để chúng tự nhả tơ, tự dệt thành những tấm chăn vừa đẹp, vừa bền, vừa tốt.
Nói một cách khác, đây là chăn bông tơ tằm do hàng vạn con tằm tự dệt ra chứ không để tằm nhả tơ làm kén rồi mới lấy tơ nơi kén đó để dệt thành chăn:
Vì tôi hiểu được con tằm, chỉ có con tằm mới làm được sản phẩm đặc biệt đó chứ còn không máy móc nào không người nào có thể làm được bằng con tằm. Con tằm ăn lá dâu trong 20 ngày thì nó tạo thành tơ từng ngày, từng ngày. Đến 20 ngày thì tơ của nó đã đầy lên tận mồm, xuống theo một tuyến nước bọt . Tơ tằm từ trong con tằm đến lúc nó nhà ra thì không một máy móc nào không con người nào có thể bằng được.
Từ năm 2010 là tôi có ý tưởng cho con tằm nó tự rút ruột nhả tơ ra cái mặt phẳng đấy,đến năm 2012 thì thành công. Mình biết con tằm nó làm được như thế thì phải cho nó làm. Đấy là cái phát minh không ai lẫn được vào, không ai có thể đánh lừa được cái mặt hàng ấy. Nếu dùng con người làm ra hàng đẹp thì nó khó khăn, có người đang làm họ lại nghĩ thì mình không có hàng để bán, thế là mới nghĩ phải cho con tằm nó tự dệt lên, lấy con tằm làm người thợ cho mình.
Nhớ lại những ngày đầu miệt mài với ý tưởng nuôi cho tằm tự dệt tơ trên một mặt phẳng, bà Phan Thị Thuận kể lại rằng mọi người trong làng, mà nhất là chồng con, đều cho rằng bà là người hoang tưởng:
Từ lúc 2010 bắt đầu quyết tâm làm như thế này thì tất nhiên là chồng con không thể ai tin. Tất cả tiền nong rồi là công sức, trí tuệ của mình dồn vào, mình cứ mạo hiểm cứ liều bỏ tiền xây xưởng. Đầu tiên cũng khó khăn, không ai ủng hộ mình, mình cứ cương quyết mình làm. Cả gia đình chồng con lo lắng là cứ thế này lấy gì mà ăn, không thành công thì dân làng người ta cười. Nhưng mà tôi cứ cương quyết tôi làm, tôi bảo nhất định tôi sẽ thành công. Làm được ra rồi thì nó cũng khó khăn về việc thế nào để ra thành phẩm được mọi người chấp nhận.
Huấn luyện tằm tự nhả tơ dệt, tầm tự dệt
Mà làm sao để huấn luyện tằm tự nhả tơ dệt chăn , bà Phan Thị Thuận khẳng định, là một quá trình tìm tòi, quan sát con tằm khi làm tơ, đan kén, ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào để tạo cho mình một cái vỏ bền chặt mà không kỹ thuật dệt tay nào của con người có thể làm được. Từ suy nghĩ đó, ý tưởng để tằm nhả tơ một cách tự do trên một mặt phẳng rộng hẹp tùy theo ý muốn và trong một môi trường an toàn như bên trong cái kén, nghĩa là không có gió, nắng và tiếng động, là những bước được bà Thuận thử nghiệm:
Nó như thế này, hàng ngàn, hàng vạn, hàng biết bao nhiêu con tằm nhưng chỉ một không gian mặt phẳng, nhưng phải trong một gian nhà không có ánh nắng, không có gió lùa, không có tiếng động. Có gió lùa vào thì nó chạy, không có ánh nắng xuyên vào nó, không có tiếng động mạnh thì nó mới yên tâm nó đan cho mình tốt đẹp được
bà Phan Thị Thuận
Nó như thế này, hàng ngàn, hàng vạn, hàng biết bao nhiêu con tằm nhưng chỉ một không gian mặt phẳng, nhưng phải trong một gian nhà không có ánh nắng, không có gió lùa, không có tiếng động. Có gió lùa vào thì nó chạy, không có ánh nắng xuyên vào nó, không có tiếng động mạnh thì nó mới yên tâm nó đan cho mình tốt đẹp được.
Khi được rải ra trên một mặt phẳng an toàn và sạch sẽ, những con tằm không có nơi bấu víu nên không thể cuộn tròn mình lại để cuốn kén . Cứ thế, đến lúc phải nhả tơ thì hàng vạn con tằm không còn cách nào khác là phải tự động ngóc đầu lên, tự động nhả tơ kéo tơ như những người thợ chăm chỉ:
Có mặt phẩng là con tằm nó vươn cổ nó đan được. Khi mình nuôi đủ 20 ngày thì đủ độ tơ trong bụng nó. Mình không bắt nó đan kén, không cho nó đan tổ nữa mà mình cho nó một mặt phẳng. Ngày đầu tiên nó phải tìm vị trí thích hợp như thế nào để nó có thể vươn cổ, ngoái đầu để có thể rút ruột nhả tơ. Kích cỡ con này với con kia không bị chồng lên nhau là tự con tằm nó đã sắp xếp được.
Mình chỉ có động tác là chia cho nó đều, không được cho nó dầy quá, dầy quá nó bò đi chỗ khác chứ không đan được tơ. Phải cho nó cái vị trí vừa phải, bao nhiêu con tằm trên một mét vuông thì mình tính.
Mùa hè một con tằm chưa trong bụng nó khoảng 300 mét tơ. Vào mùa thu, bà Phan Thị Thuận trình bày tiếp, một con tằm có thể cho ra 400 đến 450 mét tơ. Từ điểm này, người coi phải tính toán sao cho thích hợp để tằm vươn cổ nhả tơ trong phạm vi của nó và không vướng vào những con khác. Tơ con này cuốn vào tơ con kia thành những lớp dày tựa những chiếc kén được cán phẳng.
Hết chu kỳ nhả tơ của tằm cũng là lúc sản phẩm hoàn tất, trung bình mỗi chiếc chăn bông cần 45 kg tằm. Với phương pháp cho tằm tự nhả tơ và ươm tơ thì nhiều công đoạn được rút ngắn . Nếu làm chăn bông theo cách truyền thống thì phải cần 15 nhân công, bà Thuận giải thích tiếp, nhưng với chăn tơ tằm tự dệt thì số nhân công giảm gần 2/3, nghĩa là chỉ cần 6 người mà thôi
Lúc đan mà có con nào nó yếu, nó bịnh hoặc nó chết thì mình thế con khác vào. Một người có thể coi được nhiều diện tích chứ không phải một cái khung đấy đâu. Cứ như thế là trong 4 ngày nó kết thúc một chu kỳ nhả tơ. Khuôn khổ, kích cỡ, trọng lượng theo ý mình là cũng trong 4 ngày nó hoàn thiện một tấm kén phẳng, nhiều cái chứ không phải một cái.
Đây là công đoạn cuối cùng để công ty tơ tằm Mỹ Đức có được một tấm chăn tơ tằm tuyệt hảo:
Tấm kén phẳng nó căng như mặt da trống, sau đấy cho vào đun bằng nước tro. Bây giờ cho vào oxy già nguyên chất, đun ba tiếng rưỡi thi nó tan hết cái keo vàng ấy đi. Nó sẽ ra thành tấm bông tơ xốp, từng sợi tơ nhỏ li ti xếp chồng lên nhau thành một tấm bông. Nếu ôm nó vào người hoặc nếp đắp lên người có thể cảm nhận được là nó rất mềm mại và nó thân thiết với bàn tay mình, nó thân thiện với da thịt của mình.
Giáo sư Hoàng Văn Phụ, phó trưởng Khoa Quốc Tế tại đại học Thái Nguyên, nhận xét về phương cách cho con tằm tự dệt tơ của bà Phan Thị Thuận:
Theo cái khía cạnh cải tạo hay thay đổi của thiên nhiên thì đều gặp sự phản đối, ví dụ như thực phẩm biển đổi gen chẳng hạn. Thế nhưng nếu mà phân tích chẳng hạn như con tằm mình tạo điều kiện để nó không chỉ là về mặt di truyền của nó mà lại còn có thể tạo nên được sản phẩm mền chăn đó là mang lại lợi ích cho con người tức là con tằm cũng đóng góp cho cái lợi ích đấy
Giáo sư Hoàng Văn Phụ
Theo cái khía cạnh cải tạo hay thay đổi của thiên nhiên thì đều gặp sự phản đối, ví dụ như thực phẩm biển đổi gen chẳng hạn. Thế nhưng nếu mà phân tích chẳng hạn như con tằm mình tạo điều kiện để nó không chỉ là về mặt di truyền của nó mà lại còn có thể tạo nên được sản phẩm mền chăn đó là mang lại lợi ích cho con người tức là con tằm cũng đóng góp cho cái lợi ích đấy. Tức là theo quan điểm tích cực thì con người được hưởng lợi và con người phải có tài năng để sắp xếp để tạo cho con tằm có điều kiện thuận lợi để nó làm được. Tôi nghĩ nên khuyến khích cái việc đó.
Đối với anh Nguyễn Trọng Thắng, một doanh nhân trẻ ở Hà Nội:
Trong trường hợp một người làm kinh doanh hay sản xuất thì hình thức nào có lãi suất, có lợi nhuận mà không ảnh hưởng đến môi trường, không ảnh hưởng đến đạo đức kinh tế đều có thể làm được. Trong trường hợp chị Thuận phát minh và sáng tạo một cách làm mới mà có thể mang được lợi nhuận tốt nhất, mang lại lợi ích cho nhiều người thì việc ấy cũng nên làm. Thực tế con tằm nhả tơ hay con ong làm mật thì mục đích đều phục vụ cho con người nuôi nó, việc chúng ta là tận dụng thế nào cho nó được tốt nhất . Còn sau đó người ta có thể có những trại nhân giống khác để làm ra những con tằm khác thì việc đấy cũng đáng khuyến khích. Nếu thực tế công việc của bà đạt khả quan thì cũng nên nhân rộng ra và cho mọi người cùng biết. .
Hiện tại, bà Phan Thị Thuận là giám đốc công ty dâu tằm tơ Mỹ Đức chuyên sản xuất chăn, ra trải giường, gối và nệm bằng tơ tằm. Bí quyết luyện cho con tằm tự nhả tơ dệt chăn được bà Phan Thị Thuận hướng dẫn cho một số người trong làng nhưng chưa ai thành công được như bà. Cuộc sống bị công nghiệp hóa khiến người Phùng Xá không còn tha thiết lắm với nghề trồng dâu nuôi tằm do ông cha truyền lại nữa, bà Thuận nói như tâm sự:
Tôi yêu nghề tơ tằm, bây giờ thành công được như thế này trong đầu lúc nào cũng nghĩ để cho mọi người làm, muốn cho mọi người sử dụng hết sức mình ra cái giòng sản phẩm tơ tằm Việt Nam. Chỉ ước muốn tơ tằm của xã Phùng Xá huyện Mỹ Đức được mọi người trong nước cũng như ngoài nước sử dụng. Nguy6n liệu thì đấy, hàng năm cứ chắt chiu nhặt nhạnh được đồng nào thì lại đưa cho bà con để trồng dâu nuôi tằm. Người ta khó khăn cái gì mình cứ phải cố gắng cùng với họ, cho họ có điều kiện để họ nuôi được tằm. Làm sao mà cả làng nhà tôi cả huyện nhà tôi lại tằm như ngày xưa.
Từ nhiều năm qua làng nghề tơ tằm Phùng Xá càng ngày càng gặp trở ngại, hàng làm ra không bán được vì không địch lại với hàng từ Trung Quốc tràn sang.
Nhìn chung lụa Việt Nam khó cạnh tranh với lụa Trung Quốc, nhiều lúc gía kén lâm cảnh ế ẩm, bán ra chỉ còn bốn hay năm ngàn đồng một ký. Bất kể những chuyện đó, ước muốn trong tim người phụ nữ thôn Hạ Phan Thị Thuận là hàng tơ tằm Việt Nam phải có chổ đứng trên thị trường thế giới và nếu cương quyết thì sẽ làm được:
Thật ra tôi rất muốn sang thị trường nước ngoài. Khi làm cái chăn bông này điều mong muốn nhất của tôi là họ phải biết cái đặc sản tơ tằm này là do người điều khiển con tằm tự dệt. Xuất khẩu tơ tằm không bao giờ Việt Nam đạt tiêu chuẩn cấp A tơ Việt Nam, mình không sánh được với họ. Cho nên tôi quyết tâm phải có tơ tằm sang nước ngoài Mong muốn bao nhiêu năm nay của tôi là tơ rằm Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn gì đấy của quốc tế.Tôi mong muốn thế nên tôi phải cố làm cái này, không phải là tôi hoang tưởng.
Câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc kính chào và hẹn quí vị thứ Năm tuần tới.