Tên của bộ phim: Bình Yên Con Nhé, với nhân vật chính, ông Tống Phước Phúc, một cư dân ở Nha Trang, đang cứu mạng nuôi nấng những trẻ vô thừa nhận hoặc những em nhỏ sanh ra từ những cô gái trẻ lỡ mang thai khi tuổi còn nhỏ, được ông Tống Phước Phúc thuyết phục giữ con lại với sự giúp đỡ bảo bọc của vợ chồng ông thay vì đi phá thai.
Những đứa con kém may mắn
Đây cũng là người đàn ông mà từ 2004 đã bắt đầu đi tìm xin xác thai nhi bị trục bỏ rồi mang về khâm liệm và chôn cất tử tế trong nghĩa trang đồng nhi do ông coi sóc.
Vậy ông Tống Phước Phúc là ai, một người bình thường hay một người thích làm chuyện khác thường? Từ Nha Trang, người tự nhận là cha những đứa trẻ kém may mắn, vui vẻ khoe với Thanh Trúc:
Đầu xuân này thì nhà tôi tài lộc đều có cả. Đêm Ba Mươi người ta đem bỏ nơi nhà tôi một đứa con gái, rất đẹp, mới vừa lọt lòng. Sáng Mùng Một, một cô bé có ý định phá thai mà tôi giữ lại, thì sáng Mùng Một nó đẻ đứa con trai. Tài lộc đến sớm, có nếp có tẻ.
Tính đến lúc này, với bé gái sơ sinh bỏ nơi cửa ngày Ba Mươi cộng với bé trai mở mắt chào đời ngày mùng Một Tết, thì cả nhà , mà ông Tống Phước Phúc gọi là gia đình, có tất cả hai mươi mốt đứa con cả trai lẫn gái, nhỏ nhất là mười chín ngày, lớn nhất là năm tuổi.<br/>
Tính đến lúc này, với bé gái sơ sinh bỏ nơi cửa ngày Ba Mươi cộng với bé trai mở mắt chào đời ngày mùng Một Tết, thì cả nhà , mà ông Tống Phước Phúc gọi là gia đình, có tất cả hai mươi mốt đứa con cả trai lẫn gái, nhỏ nhất là mười chín ngày, lớn nhất là năm tuổi.
Một đứa vừa về đoàn tụ với gia đình, điều đáng mừng, còn lại hai mươi mốt là những đứa con mà tôi cứu được.
Trước đó, những em lớn tuổi hơn, được ông mang gởi tại mái ấm của dòng Ngôi Lời ở Nha Trang, mà nếu sau này người mẹ

nào trở về nhận lại thì đều được toại nguyện như tại mái ấm của nhà ông vậy.
Những người mẹ lỡ mang thai được ông bà Tống Phước Phúc mang về nuôi dưỡng chờ ngày sinh nở đa phần còn trẻ, điển hình như một cô ở Bắc Giang:
Từ lúc em vô đây thì cô chú nuôi cho tới lúc em sinh nở luôn. Cháu được năm tháng, dễ ghét lắm, nhìn nó giống em lắm. Giờ em cũng chưa biết đi đâu tại vì không dám noí với ở nhà, ở đây em phụ chú nuôi mấy em nữa, chờ con em lớn thêm chút nữa rồi nếu mà bắt buộc phải bỏ lại thì em gởi chú chứ không biết làm thế nào. Nhà thì vẫn liên lạc thường mà không dám nói cũng không dám về.
Trong căn nhà đó, những đứa con trai đều được ông Tống Phước Phúc đặt tên là Vinh , con gái thì mang tên Tâm, chỉ có tên lọt thì khác hầu dễ phân biệt:
Tôi chỉ là một công nhân xây dựng, những năm đầu rất khó khăn, tiền bạc không có, có những lúc trong nhà đã uống nước cháo rồi. Lúc đầu thì vợ cũng có phản đối, nhưng rồi sau đó mình chứng minh cho vợ mình thấy những khó khăn của người phụ nữ lầm lỡ như thế nào, từ đó là vợ con mới cảm thông.
Lúc đầu chính quyền cũng chưa tin được công việc của mình làm. Sau một thời gian chính quyền thấy cái sức cái nỗ lực của mình thì chính quyền cũng ưu ái cho tôi làm giấy khai sanh cho trẻ.
Các cháu có họ Tống nhưng sao cho cháu đừng lạc huyết thống của nó, nhất là những đứa mà mẹ bỏ lại. Chẳng hạn như một đứa bé ở Dalat khi xuống đây ở, đẻ đưa con trai rồi đi, thì mình đặt tên nó là Tống Phước Lâm Vinh tức là quê nó ở Lâm Đồng. Còn con gái thì đặt tên là Tâm, ví dụ Tống Phước Gia Tâm, tức là biết mẹ nó quê ở Gia Lai. Tất cả hồ sơ mình đã lưu rồi.
Năm 2006 trong đám con ông Tống Phước Phúc có một em người Kampuchia, năm nay là một em người Chăm. Bên cạnh đó, trẻ người Thượng cũng có mà trẻ bại liệt cũng có:
Một bé là người dân tộc Răklây, nhận nuôi lúc hai mươi chín ngày tuổi. Lúc ba tuổi phải đi giải phẩu cho nó vì nó không có hậu môn, đến năm bốn tuổi thì bác sĩ phát hiện cháu bị tim bẩm sinh. Gia đình đã đưa đi chữa bình, đã cấy được cái hậu môn và thông tim cho bé. Tên bé là Tống Phước Răk Vinh. Còn một đưa là Tống Phước Thảo Tâm, bãi não bẩm sinh từ lúc lọt lòng, giờ cháu ba tuổi vẫn nằm liệt tại chỗ.
Với những người mẹ trẻ chưa sinh con, ông Tống Phước Phúc chỉ yêu cầu họ phụ chăm sóc các em nhỏ trong nhà, với mục đích là tạo niềm yêu thương quyến luyến trẻ để khi sinh con của mình ra thì có thể không còn giữ ý định bỏ con đi nữa.

Nhưng những điều tốt lành mà ông Tống Phước Phúc làm cho trẻ bị bỏ rơi không phải lúc nào cũng được sự thiện cảm của người chung quanh đâu. Lắm người còn gán cho ông cái tội là tác giả của những bào thai nơi những cô gái bụng mang dạ chữa mà vợ chồng ông mang về nuôi nấng:
Người ta nói tôi là tác giả thì phải nuôi thôi tại vì những đứa đó làm phụ hồ cho ổng. Rồi họ nói mình nuôi trẻ lớn lên thì mình bán cho Trung Quốc tại nó là người Trung Quốc nó mang giòng họ Tống, nuôi một đưa tốn năm triệu đem đi bán được mười mấy triệu. Bị tai tiếng nhiều lắm nên là công an cứ theo dõi mình.
Ông Thắng, hàng xóm của ông Phúc, thuật lại những lời ong tiếng ve mà vợ chồng ông Tống Phước Phúc thường xuyên phải chịu đựng khi biến căn nhà nhỏ của mình thành một nhà nuôi giữ trẻ và một nơi trú ẩn cho những cô gái người ta gọi là chửa hoang:
Người chê có người khen có, nói là buôn bán trẻ nhỏ kinh doanh này nọ, mang tiếng rất là nhiều. Uỷ ban phường rồi cơ quan chức năng cũng xuống. Nhiều khi các cháu nó bệnh tật nó khóc thì cũng phiền phức hàng xóm chứ không phải không. Nhà anh Phúc nằm trong đường hẽm nhỏ mà. Thì cũng có ý kiến ra vào. Thiệt ra là công an theo rất sát chỗ anh Phúc, gần như lúc nào cũng có công an đi theo hết. Thường là một vài tháng họ kêu anh Phúc lên một lần, coi như kiểm tra vậy đó, nên chuyện đó rất thường.
Ông Trương Viên, một người vẫn theo dõi việc làm của ông Tống Phước Phúc, trình bày:
Tôi ở Nha Trang, tôi thấy công việc làm của ông cũng đáng trân trọng. Bởi vì thật sự những công việc như vậy đâu có ai đứng ra mà làm. Tôi cũng nghe nhiều luồng dư luận mà thấy tội cho ông. Tiếp xúc thì tôi thấy đó là con người thành thật, làm việc vì lương tâm. Đồng ý khi xưa nhà ông cũng khó khăn cũng xập xệ lắm, sau nhờ sự giúp đỡ của một số người nên ảnh đã xây lên được một cái nhà khang trang hơn. Nhưng mà chính nhờ đó mà các em mồ côi và các cô cơ nhỡ có được nơi tạm trú tốt hơn, vệ sinh hơn.
Cái tôi thấy trước mắt là anh Phúc anh cần thức ăn cho trẻ, bởi vì có lần đột xuất tôi tới thì tôi thấy có một bé ngồi ăn một chén cơm với nước tương xì dầu thôi.
Trưởng thành sau chuyến đi
Hẳn nhiên những việc làm đầy tình ngươì cuả ông Tống Phước Phúc đã làm lay động các bạn trẻ, và một trong những thể hiện là thực hiện cuốn phim ngắn Bình yên Con nhé.
Một trong năm bạn thực hiện phim Bình Yên Con Nhé, cô Tú Uyên, sinh viên năm hai Khoa Báo Chí Truyền Thông Đại học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn, cho biết:
Khi mà ban giám khảo của liên hoan phim này họp lại để chấm giải thì họ cũng có trao đổi với nhóm làm phim, nói chung họ đánh giá cao chất lượng bộ phim. Điều quan trọng nữa là theo họ thì nhân vật chú Phúc và những công việc cụ thể mà chú Phúc làm là đề tài mới lạ cho nên được giải cao.
Sau khi chọn để tài , Tú Uyên kể tiếp, cô cùng các bạn bỏ tiền túi đi Nha Trang, lưu lại nhà ông Tống Phước Phúc bốn ngày, chứng kiến tình yêu bao la ông dành cho các em nhỏ trong mái ấm, theo dõi và thu vào ống kính từng thước phim khi ông tự tay khâm liệm và chôn cất những thai nhi bị trục ra khỏi lòng mẹ:
Trước khi tới nhà ông Tống Phước Phúc thì tụi em chỉ là một sinh viên năm hai, mà dưới lăng kính của một sinh viên năm hai

thì mặc dù vẫn có những khó khăn những vấp váp nhưng cuộc sống đa phần là màu hồng. Vậy mà sau khi trở về thì em phát hiện ra là trong cuộc sống này không phải tất cả mọi thứ đều tốt đẹp đều bình yên đều bằng phẳng như mình nghĩ. Cuộc sống vẫn có những góc khuất, những cuộc đời khá là đau khổ, những thân phận không được may mắn.
Nhưng mà điều đó không làm tụi em bi quan hay cảm thấy cuộc sống này tệ hơn, mà tụi em cảm thấy hạnh phúc và tự hào bởi mình có cuộc sống bình yên. Nhờ có chú Phúc mà em vẫn tin tưởng cuộc đời có nhiều người rất là nhân hậu. Sau chuyến đi thì các bạn trong nhóm cũng như em đều cảm thấy mình trưởng thành hơn, có suy nghĩ sâu sắc hơn rất nhiều.
Vũ , sinh viên năm thứ tư Khoa Quay Phim Trường Sân Khấu Điện Ảnh thành phố Hồ Chí Minh, tay cameraman chính của đoàn:
Nói chung khi bước chân đi thì em không có hình dung phim sẽ ra như vậy, nhưng khi tới Nha Trang rồi bước vào nhà thì rất là xúc động, và khi quay cảnh chú liệm thì em cầm máy quay mà cứ run lên, quay xong vẫn chưa hoàn hồn, mấy ngày sau còn bị ám ảnh.
Điều gì làm Vũ và các bạn xúc động đến vậy, Vũ bộc bạch:
Lần đầu tiên em thấy những cái thai sau khi phá ra mà hồi giờ em cũng chưa tưởng tượng được người ta xử lý ra sao, cả đoàn phim ai cũng xúc động, các bạn em bọn nó nhìn nó khóc.. khóc, em cố gắng lắm mới quay được.
Từ những hình ảnh từ những cảm xúc đó, Vũ trở về thành phố với tấm lòng biết ơn thay cho những đứa trẻ được mang về hoặc được sinh ra trong mái ấm của ông Tống Phước Phúc:
So với những đứa trẻ đã nằm xuống thì những đứa trẻ này dù bất hạnh những vẫn hạnh phúc hơn những đứa bé không được cất tiếng khóc chào đời mà phải về đất sớm. Hạnh phúc hơn nữa khi được chú Tống Phước Phúc nhận về nuôi dưỡng.
Suy nghĩ của em sau chuyến đi là có nhiều điều làm cho con người ta trưởng thành hơn, những nhận thức tốt về mối quan hệ trong cuộc sống. Trước đó có thể mình yêu đương rất hồn nhiên, sau chuyến đi về thì những suy nghĩ về chuyện yêu đương trai gái tình dục cũng có mặt tích cực hơn để mình không bước vào những tình huống như vậy.
Tại Virginia, Hoa Kỳ, một tổ chức từ thiện nhỏ , Nhóm Tính Thương, biết được nghĩa cử bảo vệ sự sống của vợ chồng ông Tống Phước Phúc nên đã nhờ người về thăm hỏi và tìm cách giúp đỡ phương tiện cho mái ấm của gia đình ông. Trưởng Nhóm Tình Thương, bà Lê Tống Mộng Hoa:
Khi được biết những việc làm của anh Tống Phước Phúc ở Nha Trang, hiện tại anh có nuôi hai mươi mấy em thì nhóm tình thương muốn giúp các em đó. Chúng tôi đã liên lạc để coi thử nhóm tình thương trong khả năng hạn hẹp của mình có thể giúp gì, thì được biết là các em ăn cơm mà khômg có thức ăn. Nhóm tình thương đã giúp một số tiền nhỏ, tức là mỗi tháng các em cần bốn trăm ngàn tiền Việt Nam để mua thức ăn, thì chúng tôi góp lại trong một năm 2011 này để có tiền mua thức ăn cho các em trong năm nay.
Dưới mắt một huynh trưởng Hướng Đạo ở Hoa Kỳ, anh Nguyễn Tấn Đệ, đã về Nha Trang và đến thăm nhà của ông Nguyễn Phước Phúc, thì anh tin nơi việc làm tốt lành của ông Tống Phước Phúc vì nhiều lý do:
Trong nhà của ông có hai mươi mốt đứa con là đúng rồi, và cũng có một số phụ nữ đang ở đó nữa. Mang về một số con không ai muốn để nuôi như vậy em thấy rất là cảm động.
Thât ra em về bên đó là để vô nhà ông để quan sát coi thử ông nuôi mấy đưá nhỏ như thế nào, nhà cửa sạch sẽ hay không, rồi mấy đứa đó đi đâu về đâu. Được lắm đó chị ơi.
Còn trước những lời đồn đãi không hay về ông Tống Phước Phúc, huynh trưởng Hướng Đạo Nguyễn Tấn Đệ khẳng định:
Nói thí dụ ông nuôi mấy đưa này để làm business, nếu thí dụ ông làm business đi, nhưng mà cái lợi là lợi cho những đứa bé, những đứa con mà không có ai muốn nuôi. Lợi nữa là những phụ nữ muốn phá thai mà bây giờ ông kéo mấy cô này vô để giúp mấy cô sanh con và đừng có phá thai, cái chuyện đó rất là tốt rồi!
Vẫn theo lời anh Nguyễn Tấn Đệ, nếu thực sự làm kinh doanh đi nữa thì trường hợp đặc biệt của ông Tống Phước Phúc là cứu vớt mạng người ngay từ những thời khắc sớm nhất của cuộc sống, một hành động mà nhiều người không thể làm không muốn làm trong lúc ông Tống Phước Phúc dám làm và đã làm được.
Mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi tạm kết thúc ở đây. Chân thành cảm ơn Tú Uyên, Vũ và các bạn trong nhóm quay phim Bình Yên Con Nhé, đã giúp Thanh Trúc hoàn thành câu chuyện về ông Tống Phước Phúc, người cha tự nguyện nhân từ của những hài nhi vô thừa nhận. Xin hẹn tái ngộ quí vị tối thứ Năm tuần tới.