Cần được gia đình và xã hội giúp đỡ
Gần đây lại xảy ra chuyện học viên cai nghiện đập phá, trốn trại ra ngoài gây náo động.
Điển hình vào ngày 6 tháng Mười Một 2016, hàng trăm học viên ở trung tâm cai nghiện Đồng Nai sau khi đập phá trại đã tràn ra ngoài tìm cách tẩu thoát.
Hơn 200 cảnh sát cơ động được triển khai đến giữ trật tự, trong lúc một số học viên bên trong tiếp tục la hét và nổi lửa làm khói xông lên mù mịt. Mãi đến chiếu tối các lực lượng chức năng mới kiểm soát được tình hình, tuy vậy đã có hơn 100 con nghiện trốn thoát ra ngoài. Tin nói hầu hết những học viên gây rối đều thuộc diện bị tòa quyết định cai nghiện bắt buộc.
Trước đó, tối ngày 23 tháng Mười, hàng trăm con nghiện tại trung tâm cai nghiện xã Xuân Phú, tỉnh Đồng Nai, cũng lợi dụng lúc tối trời và mưa gió đã phá cửa trốn ra ngoài, tụ tập gây náo loạn trên Quốc Lộ 1, chặn xe xin tiền khiến người dân hoảng sợ.
Anh sinh viên tên Chánh, trên đường chạy xe về nhà đêm hôm đó, nói rằng anh đã vô cùng hoảng hốt khi thấy một lúc bao nhiêu con nghiện hung hăng ồn ào chận đường xin tiền dân:
Trên thực tế để cai nghiện được rất là khó, nếu gia đình giàu có và có thể nuôi được người nghiện thì không sao, thế nhưng phần lớn người nghiện lại rơi vào tầng lớp bần cùng nhất, khi xã hội phát triển lên dần thì số lượng này càng ngày càng tăng. <br/> -Ông Thắng
Họ là những người bần cùng rồi, họ rất là nguy hiểm nên gặp thì một là tránh, không tránh được nữa thì có sao đưa vậy thôi chứ không dám phản ứng lại. Mình mà phản ứng lại là làm cho những đối tượng đó sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì họ không còn gì để mất.
Ngay trong đêm trên 150 trong tổng số gần 600 bị bắt lại. Qua hôm sau chừng 400 bị bắt đưa trở lại trại trong lúc những con nghiện khác còn lẫn trốn bên ngoài tiếp tục bị truy lùng.
Chuyện hàng trăm con nghiện nổi loạn rồi bỏ trốn cũng đã xảy ra tại Trung Tâm Cai Nghiện Bình Phước miền Nam năm 2012 hoặc trung tâm cai nghiện Gia Minh ở Hải Phòng năm 2014. Tình trạng tương tự cũng liên tục xảy ra tại Bà Rịa, Vũng Tàu. Hầu hết đều bị bắt trở lại nhưng một số khác hoặc chạy về gia đình hoặc tự động trở lại trung tâm.
Mới đây nhất, ngày 13 tháng Mười Một vừa qua, hai học viên tại trung tâm cai nghiện Thanh Đa, Sài Gòn, đã khống chế bảo vệ bằng cách dùng mảnh chai cứa cổ cổ người này. Trước đó, cả hai con nghiện này đã cùng một số học viên khác dùng cây sắt đập vỡ của kính nhưng không thể chui thoát ra ngoài.
Báo chí trong nước đưa tin những con nghiện đầu têu gây rối ở Đồng Nai sẽ bị xử phạt nặng. Chuyện có vẻ nghiêm trọng hơn khi vào hôm 10 tháng Mười Một, Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội gởi công điện đến các địa phương trên cả nước, đề nghị phải thực hiện nghiêm một số việc như rà soát, phân loại toàn bộ con nghiện khi tiếp nhận, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, chăm sóc y tế, điều kiện ăn ở, sinh hoạt học nghề, lao động trị liệu , tư vấn hỗ trợ tái hòa nhập công đồng, nghiêm khắc xử phạt những học viên có hành vi kích động, gây rối, làm mất trật tự, phá hoại tài sản của cơ sở cai nghiện.
Giới hữu trách rồi báo chí cũng đề cập đến tình trạng quá tải tại các trại cai nghiện khắp nơi. Thí dụ khi xảy ra chuyện hơn 400 trong tổng số 600 con nghiện trốn khỏi trung tâm cai nghiện Đồng Nai ngày 23 tháng Mười, giám đốc Sở Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội tỉnh Đồng Nai, ông Hồ Văn Lộc, cho biết khả năng tiếp nhận của trung tâm cai nghiện Đồng Nai là 600 đến 700 học viên, thế nhưng thực tế trung tâm phải tiếp nhận đến 1500 học viên.
Việt Nam đã tập trung cải tạo khoảng 140.000 con nghiện vào các trại cai nghiện trên cả nước. Số liệu chính thức cho thấy thành phố Sài Gòn có gần 20.000 người nghiện ma túy, tăng hơn 7.000 người so với cuối 2013. Thực tế đây là con số chưa đầy đủ vì một bác sĩ đang làm việc tại Trung Tâm Tư Vấn Người Nghiện Ma Túy tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết việc thống kê rất khó, hầu như phường quận nào cũng có người nghiện và đây là một căn bệnh mãn tình cần được gia đình và xã hội giúp đỡ:
Gọi là căn bệnh mãn tính thì phải sống với nó, với ma túy thì điều trị có thể từ bỏ được. Từ bỏ được có khi 5 năm, 10 năm, 20 năm nó lại sử dụng lại giống như căn bệnh tái phát. Điều trị hiệu quả hay không thì tùy thuộc vào người đó cũng như sự hỗ trợ của gia đình, không ai nói được là trị dứt điểm như thế nào.
Ông Thắng, một nhà hoạt động ở Hà Nội, nói rằng nghiện ngập là vấn đề của người ghiến mà cũng là gánh nặng cho xã hội:

Ma túy là tệ nạn mà hầu hết các xã hội đều gặp phải. Thành phần nghiện ngập bây giờ, theo xu hướng chung của sự phát triển xã hội, nhất là nông thôn chuyển lên thành phố, số lượng người nghiện gia tăng dẫn đến tình trạng bất ổn, người nghiện là một nhức nhối của xã hội và gia đình.
Thường thường ở các thành phố lớn là những nơi mà người nghiện tập trung nhiều nhất. Chẳng hạn Hải Phòng hay là Quảng Ninh, Hạ Long, khu vực gần mỏ than Quảng Bồ, khu vực gần Uông Bí, hay là cả trong Đồng Nai có đông công nhân ngoại tỉnh tập trung, người ta cho rằng con gái lấy chồng không nghiện đã là một hạnh phúc.
Trên thực tế để cai nghiện được rất là khó, nếu gia đình giàu có và có thể nuôi được người nghiện thì không sao, thế nhưng phần lớn người nghiện lại rơi vào tầng lớp bần cùng nhất, khi xã hội phát triển lên dần thì số lượng này càng ngày càng tăng. Luật mới yêu cầu cải tạo những người sử dụng ma túy, bắt buộc phải vào trại cải tạo. Số lượng những trại cải tạo ngày trước có thể phù hợp với số người nghiện lúc đó nhưng mà hiện nay thì không đủ. Thực ra nhận thức của các gia đình có người nghiện cũng tăng, họ dần dà đưa con em họ đến các trại cai nghiện.
Đối xử khắc nghiệt khiến họ hung bạo hơn
Việt Nam có chính sách về công tác quản lý và phương pháp cai nghiện cho người nghiện dứt khỏi ma túy hầu có thể tái hòa nhập cộng đồng. Đã có 140.000 con nghiện được tập trung vào các trung tâm hoặc các trường phục hồi trên toàn quốc. Tại những nơi này, học viên phải lao động mỗi ngày, phải được theo dõi và được hướng dẫn chống lại cơn nghiện, được học nghề một nghề khả dĩ để có thể kiếm sống khi ra trại.
Sau những vụ trốn trại hàng mấy trăm người như đã nêu ở đầu bài, tưởng nên tìm hiểu là đưa người ghiền ma túy vào các trung tâm cai nghiện quá đông và quá tải với cơ sở vật chất thiếu thốn, cung cách đối xử khắc nghiệt thì có thể giúp họ phục hồi hay khiến họ trở nên hung bạo và dễ mất kỹ luật hơn.
Một chị không muốn nêu tên, từng là học viên một trung tâm cai nghiện hơn 3 năm, mô tả cách làm việc đòn roi chị phải chịu đựng:
Những người đó vẫn bị đánh đập, khi làm cái gì không vừa lòng cán bộ thì là họ đánh, còn bị đem ra phơi nắng luôn, nhìn thấy xót xa vô cùng.<br/>-Chị Kim
Mới bước vô phòng là bị ăn đòn rồi, đánh bầm dập như vậy đó, nó gọi nó nói cái gì cũng nghe hết, đánh một trận đầu tiên là nói gì cũng nghe hết, quăng cho một bịch hột điều, kêu nửa tiếng xong, không xong là bị ăn đòn. Bữa nay là một mẫu mía, một đứa làm mấy trăm mét đó, đứa nào đứa nấy hăng hái làm, đứa nào mệt nghỉ tay một chút là cái cây giáng vô đầu liền. Đánh xỉu dội nước ra làm tiếp. Ban ngày làm không xong nó đánh chưa đủ,tối vô phòng đánh tiếp, đánh sao ngày mai làm cho kịp thì thôi.
Một anh ở Hóc Môn, nhiều lần ra vào các trại cai nghiện ma túy, kể lại:
Bắt về cho cai nghiện là phải tốn tiền đi học nghề, đi lao động, đi sản xuất, làm chiếu làm manh đem bán. Nói chung cán bô cũng giáo dục đàng hoàng, những người không chấp hành thì có biện pháp xử lý. Còn như lao động không tốt, như chỉ tiêu một ngày lột tiêu lột tỏi hay làm cho đủ hai chiếc chiếu. Cũng vất vả, không đủ chỉ tiêu họ cũng đánh nặng lắm rồi họ đưa biệt giam, còng một giò lại, cho ăn cơm với muối, uống nước phải nhịn, kêu là biệt giam.
Chị Kim, từng có dịp tiếp cận các tù nhân nữ ghiến ma túy ở một trại giam miền Bắc, nói rằng người ghiền bị quản giáo đối xử rất nặng tay:
Những người đó vẫn bị đánh đập, khi làm cái gì không vừa lòng cán bộ thì là họ đánh, còn bị đem ra phơi nắng luôn, nhìn thấy xót xa vô cùng.
Từ năm 2011, tổ chức Giám Sát Nhân Quyền Human Rights Watch đã công bố phúc trình nói rằng người nghiện ma túy ở Việt Nam bị giam giữ trong những trung tâm lao động cưỡng bách, không được điều trị đúng cách mà còn bị lạm dụng rất nhiều.
Phúc trình dài 126 trang của Human Rights Watch công bố một ngày sau khi Liên Hiệp Quốc lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải cấp tốc thay đổi cách thức cầm giữ người ghiền trong các trung tâm cai nghiện.
Ông Phil Robertson, giám đốc chuyên trách Đông Nam Á trong Human Rights Watch, nhắc lại:
Kết quả điều tra khi đó của Human Rights Watch, qua phỏng vấn kín với những người bị đưa vào các trung tâm cai nghiện, cộng thêm nhiều nguồn thông tin khác, cho thấy người nghiện bị đánh và bị bắt lao động ngoài ý muốn để sản xuất hạt điều, giày dép, quần áo hoặc những sản n phẩm khác không chỉ để tiêu thụ trong nước mà còn để bán ra nước ngoài.
Việt Nam nên dẹp bỏ những hành vi lạm dụng này, bởi thay vì giúp người nghiện chữa dứt cơn ghiền thì lại để cho họ bị hành hạ bị ngược đãi và bị buộc lao động cho những kẻ kiếm lợi trên những người nghiện như vậy.
Vẫn theo Human Rights Watch, người cai nghiện khi phạm kỹ luật hay từ chối không chịu lao động đều bị đánh đập hoặc bị tra tấn trong đó có biện pháp chích điện.
Ngay khi đó Bộ Ngoại Giao Việt Nam, qua lời phát ngôn viên Nguyễn Phương Nga, lập tức phản bác lại phúc trình của Human Rights Watch, nói rằng người nghiện Việt Nam được đối xử tử tế theo đúng luật pháp và tiêu chuẩn nhân quyền, rằng lao động hay làm việc là phương cách giúp tăng cường sức khỏe trong thời gian được cho uống thuốc cai nghiện.
Trở lại với những vụ việc quậy phá rồi bỏ trốn khỏi trung tâm cai nghiện hồi tháng Mười và tháng Mười Một này, hôm thứ Hai 14 vừa qua thứ trưởng Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội, ông Nguyễn Trọng Đàm, trả lời phỏng vấn trên báo Sài Gòn Giải Phóng rằng việc cai nghiện ma túy đang bộc lộ một số bất cập, công tác tuyên truyền, giải thích và vận động cai nghiện còn hạn chế, việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc chưa được sự cộng tác và chấp hành từ người nghiện.
Ông nói học viên bỏ trốn là vì nhận thức kém, nghĩ rằng vào trung tâm là bị bắt giam, vì thế mới có suy nghĩ phá rối, vượt rào trốn ra ngoài.
Trước những ý kiến nên hạn chế cai nghiện tập trung, ông thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho hay kể từ giờ đến ngày 31 tháng Mười Hai thì việc chuyển đồi phải hoàn tất, các cơ sở cai nghiện không còn được gọi là Trung Tâm Giáo Dục Lao Động Xã Hội nữa mà gọi là Cơ Sở Xã Hội.
Thêm vào đó, các Cơ Sở Xã Hội này phải làm cho học viên cảm thấy thoải mái và tự tin để có thể thay đổi nhận thức và hành vi trong quyết tâm cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc sẽ trở lại thứ Năm tuần tới.