Think Playgrouds, Nghĩ Về Sân Chơi Trong Thành Phố, là tên và việc làm của một nhóm bạn Hà Nội từ 2014.
Ba năm qua, Think Playgrounds với các nhà báo, họa sĩ, kiến trúc sư, lập trình viên, đã dựng được những sân chơi an toàn cho trẻ tha hồ trèo cao, nhảy xa, vận động thân thể trong một thành phố mà không gian chơi đùa bên ngoài càng ngày càng thu hẹp dần.
Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, người đồng sáng lập Think Playgrounds ở Hà Nội, cho biết:
Đến thời điểm này chúng tôi đã làm được khoảng 25 sân chơi trong thành phố, gần 10 sân ở vùng sâu vùng xa, hải đảo. Cộng thêm là chúng tôi cũng tổ chức thành công các mô hình như sự kiện Playday hàng năm, sự kiện Playstreet chơi trên phố, kết hợp với ban quản lý Phố Cổ Hà Nội để làm trong phố đi bộ.
Mọi chuyện của Think Playgrounds bắt đầu từ một nữ giáo viên Mỹ, bà Judith Hansen, người thích chụp ảnh những sân chơi trên toàn thế giới, đến Việt Nam lần đầu tiên năm 2013. Từ thành phố Los Angeles mạn Nam California, bà Hansen nói rằng ý tưởng là của bà nhưng không bao giờ thành hiện thực nếu không có những người bà gặp ở Hà Nội như anh Quốc Đạt, chị Kim Đức và những người bạn của họ. Những ngày ở Hà Nội, bà Hansen thích dạo quanh Hồ Gươm mỗi sáng:
Tôi đi quanh hồ và thấy nhiều người lớn ra đó tập thể dục hay đi bộ, nhưng không thấy có chỗ nào cho trẻ con chơi đùa. Tôi thấy các cháu nhỏ trèo lên nhảy xuống từ cái tháp bút của ngôi chùa nhỏ trên đồi gần hồ và điều đó thật nguy hiểm. Ý nghĩ làm sao giúp nơi này có một sân chơi hẳn cho trẻ con nẩy ra trong đầu tôi từ đó.
Khi thành công thì chúng tôi mới lập nhóm, tên Think Playgrounds là một phần đóng góp ý tưởng của bà Judith Hansen, tên tiếng Việt là Nghĩ Về Sân Chơi Trong Thành Phố. <br/> - Anh Quốc Đạt
Bà giáo Hansen tìm cách gặp những người có thẩm quyền tại Hà Nội, nói rằng bà sẵn sàng tặng 10.000 Đô La để thành phố có thể xây được một sân chơi cho trẻ với biểu tượng con rùa mà trẻ có thể chơi được trong đó.
Đáng tiếc là sau nhiều tiếp xúc, dự tính rồi lên kế hoạch, sân chơi cho trẻ ở Hồ Gươm không thành công. Khi đó, bà Hansen đã quen biết với chị Kim Đức và anh Quốc Đạt là hai sáng lập viên Think Playgrounds sau này:
Chúng tôi phát hiện sở dĩ bà không thành công vì người dân Hà Nội không hề biết được thế nào là sân chơi, cái khái niệm playground nó rất là mới. Chúng tôi mới bảo nếu là người Hà Nội thì chúng tôi phải làm chứ không thể để một phụ nữ Mỹ già cả đi làm việc đấy.
Ngay sau đó anh Quốc Đạt và chị Kim Đức thực hiện thử nghiệm một sân chơi tại bãi giữa sông Hồng:
Sân chơi đầu tiên là vào tháng Bốn 2014, nó ở xóm Phao dưới chân cầu Long Biên. Đấy là một xóm nghèo nhưng chúng tôi chọn vì không gian vẫn còn gần gũi với thiên nhiên, có cây cối, gần sông Hồng. Chúng tôi cũng không gặp kháo khăn trong việc thuyết phục cộng đồng ở đấy,
Chúng tôi sử dụng ý tưởng tái chế rất nhiều, sử dụng lốp xe và tất cả những vật liệu chung quanh khu vực đấy, làm việc cùng với Hội Thanh Niên, Hội Phụ Nữ và Hội Cao Niên ở đấy. Chúng tôi chỉ cần chôn những cái lốp xe xuống nền đất để trẻ con có thể nhảy lên đấy và di chuyển hoặc giữ thăng bằng. Ngoài ra chúng tôi còn lắp những miếng gỗ nối giữa hai bánh lốp tạo thành cây cầu. Duy nhất một đồ chơi sắt chúng tôi làm là cái xích đu, cầu quay kết hợp với cả cầu tuột nữa. Sau đấy chúng tôi làm thêm một trò chơi nữa là nối một sợi dây cáp giữa hai cái cây cho trẻ con trượt trên đó.
Chỉ với khoản tiền nhỏ tầm 20 triệu nhưng hiệu ứng rất tốt khi mà cộng đồng nhìn ra trẻ con đã có đồ chơi rồi, nó còn tốt hơn một cái Iphone cùng giá.
Ý tưởng từ một người nước ngoài
Mô hình sân chơi đầu tiên thành công và chinh phục được thiện cảm của bà Hansen. Bà quyết định trao tặng số tiền 10.000 Đô La bà có cho nhóm Think Playgrounds. Anh Quốc Đạt:

Khi thành công thì chúng tôi mới lập nhóm, tên Think Playgrounds là một phần đóng góp ý tưởng của bà Judith Hansen, tên tiếng Việt là Nghĩ Về Sân Chơi Trong Thành Phố.
Ở Hà Nội 2 năm trước thì chúng tôi cũng đã có một số sân chơi nhưng đa phần là sân chơi thiếu đồ chơi. Ngoài ra có một số nơi là sân chơi trong nhà mà phải trả tiền. Chừng như không gian công cộng ở Hà Nội đang ngày càng thiếu đi, thiết bị chơi thì ít ỏi nghèo nàn, xuất phát từ khái niệm playground sân chơi mà bà Judith mang từ Mỹ đến thì chúng tôi bắt đầu hiểu hóa ra không gian công cộng còn có một cái gọi là playground. Chúng tôi học tập cái mô hình trên thế giới thì mình áp dụng tại Việt Nam, được sự phản hồi rất tốt từ cộng đồng rồi truyền thông trong nước.
Kể từ đó bà Judith Hansen, người truyền cảm hứng và tạo động lực cho nhóm Nghĩ Về Sân Chơi Trong Thành Phố, đã trở qua Việt Nam 3 lần:
Đạt và Kim Đức là những người hoàn toàn phù hợp với công việc này, họ chưa từng làm việc này bao giờ nhưng cả hai đều có óc sáng tạo, lại còn biết cách tổ chức. Ở Hà Nội người ta không chú trọng nhiều đến sân chơi cho trẻ con mà chỉ nghĩ về giáo dục hoặc thực phẩm. Nhưng tôi nói với các bạn khi một thành phố đang phát triển, khi con người trở nên khấm khá hơn và yên tâm hơn thì họ cũng phải nghĩ đến một không gian để con cái họ có thể chơi đùa trong sự an toàn.
Tôi đã trao cho họ mười ngàn đô la nhưng quả thực tiền đó không đáng kể so với công sức nặng nhọc họ bỏ ra để xin thêm tài trợ, gây quĩ, lập kế hoạch, xin phép các ban ngành trong thành phố. Họ đã dành rất nhiều năng lực cho những chuyện như vậy.
Tôi cũng biết ở Hà Nội bây giờ tấc đất là tấc vàng, thế mà Đức và Đạt đã kiếm được những mảnh đất nhỏ để dựng thêm nhiều sân chơi cho trẻ con, điều đó không phải là tuyệt vời hay sao.
Đức, Đạt và các bạn của họ còn nghĩ ra ý tưởng về một sân chơi di động nếu không kiếm được chỗ. Họ đã tạo ra những sân chơi ngày cuối tuần cho trẻ trên những phố đi bộ, họ có thật nhiều sáng kiến.
Nhìn lại con đường hai năm đã qua của Nghĩ Về Sân Chơi Trong Thành Phố, anh Quốc Đạt kể tiếp:
Đến thời điểm này chúng tôi đã làm được khoảng 25 sân chơi trong thành phố, gần 10 sân ở vùng sâu vùng xa, hải đảo.<br/> - Anh Quốc Đạt
Sau sân chơi đầu tiên thì chúng tôi bắt đầu có thêm các kiến trúc sư tham gia cùng, lúc đấy nhóm có nhiều người hơn và nhiều ý tưởng hơn. Chúng tôi kết hợp với rất nhiều nhóm khác, kể cả nhóm NGO của Canada để mà vận động cho Hà Nội có chính sách ưu tiên xây dựng sân chơi cho trẻ em.
Những ý tưởng mới đó là sự kiện Play Day hay Play Street mà anh Quốc Đạt nêu ra lúc đầu:
Năm 2015, thời điểm đó thì phố đi bộ chỉ là một khu vực hẹp thôi. Chúng tôi đã chọn được phố Đào Duy Từ rất gần với ban quản lý phố cổ và phường Hàng Buồm, kết hợp với tổ chức HealthBridge của Canada và chúng tôi tổ chức thí điểm trong vòng 4 tháng. Sau 4 tháng đấy thì chúng tôi bàn giao cho phường Hàng Buồm. Tức là cứ vào thứ Bảy cuối tuần chúng tôi mang đồ chơi ra cho trẻ con phường và trẻ con từ những nơi khác đến. Chúng tôi cố gắng thiết kế đồ chơi ở Playstreet gọn nhẹ, di chuyển được. Ngoài ra nó vẫn phải bảo đảm sự thích thú sự vận động cho trẻ em.
Một trong những triết lý quan trọng là trẻ em phải được chơi cùng nhau. Chúng tôi muốn nhấn mạnh là những sân chơi phải ở trong cộng đồng, trẻ em dễ dàng tiếp cận và bố mẹ không mất nhiều thời gian đưa các em từ nhà ra công viên mà phải mất khoảng 15, 20 phút hoặc một tiếng. Chính vì thể trẻ con mới tăng được thời gian chơi nhiều hơn.
Ngoài ra chơi trong cộng đồng còn quan trọng hơn vì nó xây dựng được cái liên kết xã hội. Trẻ khi chơi với nhau sẽ tạo nên tình cảm làng xóm, tạo nên tuổi thơ tốt. Sân chơi đấy trở thành nhân tố xây dựng cộng đồng, từ đấy các em có được ký ức tốt để trở thành những công dân tốt.
Mỗi năm chúng tôi cố gắng tìm ý tưởng mới. Thí dụ năm 2015 thì chúng tôi tổ chức những sự kiện khuyến khích trẻ chơi trên cỏ,. Năm nay thì chúng tôi khuyến khích trẻ chơi phiêu lưu, thử nghiệm những trò chơi có sự thách thức để em vượt qua sợ hãi, tự chịu trách nhiệm trong các quyết định của mình. Năm 2017 thì chúng tôi đang cố gắng tạo ra những sân chơi mà người khuyết tật cũng có thể tiếp cận được.
Đem niềm vui đến cho trẻ em

Chị Hà là một phụ huynh, thường đem con tới với sân chơi của nhóm Think Playgrounds:
Mình đã đưa con đến Play Street của Playgrounds là sân chơi trong khu phố cổ. Playstreet là một sân chơi di động, cuối tuần các bạn trong nhóm Think Playgrounds mang các đồ chơi bày ra đấy rồi hết buổi tối lại cất đi để hôm sau lại thành đường phố cho mọi người đi lại bình thường.
Mọi khi đến đây con thường chỉ đi loanh quanh thôi, không có chỗ nào chơi thì rất nhanh chán nhưng từ khi có play Street thì hầu như tuần nào cháu cũng muốn mẹ đưa đến đấy chơi vì những đồ chơi ở đấy hấp dẫn trẻ con mà còn màng tính chất truyền thống. Các bạn có thể mang rơm ra đấy cho các cháu chơi, các cháu ở thanh phố hầu như không bao giờ được chơi rơm hay lá khô. Có những nhóm bạn mang sỏi ra dạy các con chơi ô quan này, ngoài ra có những đồ chơi tái chế như con vịt làm bằng lốp xe... vân vân... Nói chung mình thấy đây là cái rất sáng tạo của Think Playgrounds.
Nhóm Nghĩ Về Sân Chơi Trong Thành Phố thì em thấy các anh chị đều là kiến trúc sư nên các anh chị tính kỹ về phần an toàn, những đồ chơi các anh chị làm ra đều mang tính an toàn cao. <br/> - Việt Anh<br/>
Việt Anh, một bạn trẻ thích làm việc xã hội:
Tại vì thành phố hiện nay thì không gian vui chơi phát triển lành mạnh cho trẻ con gần như không có, công viên rất là ít. Nhóm Nghĩ Về Sân Chơi Trong Thành Phố thì em thấy các anh chị đều là kiến trúc sư nên các anh chị tính kỹ về phần an toàn, những đồ chơi các anh chị làm ra đều mang tính an toàn cao. Cầu trượt, xích đu, những con ngựa bập bênh, leo xà, leo trèo nữa, những trò chơi kết hợp để vừa giải trí mà còn được vận động cơ thể.
Không có việc gì hoàn toàn thuận buồm xuôi gió, công việc của nhóm Nghĩ Về Sân Chơi Trong Thành Phố đôi lúc cũng gặp trở ngại. Có hai điều anh Quốc Đạt thấy cần chia sẻ:
Chúng tôi đối mặt với vấn đề là những vật liệu tái chế nó dễ hỏng nên buộc phải nâng cấp và sử dụng vật liệu tốt hơn. Thứ hai, gây quĩ cho những sân chơi vùng sâu vùng xa thường là rất dễ bởi vì tâm lý mọi người nghĩ vùng sâu vùng xa cần được hỗ trợ nhiều hơn nên họ dễ dàng đóng góp. Tuy nhiên chúng tôi muốn nhấn mạnh với cộng đồng là trẻ miền núi thiếu ăn mặc nhưng có đủ không gian để phát triển, trẻ thành phố thừa ăn thừa mặc nhưng lại rất thiếu không gian để trưởng thành. Tuy rằng những sân chơi không tốn nhiều tiền nhưng chúng tôi phải mất nhiều thời gian để gây được quĩ cho sân chơi.
Sau cùng, một điều mà nhóm Nghĩ Về Sân Chơi Trong Thanh Phố rất muốn thức hiện và hy vọng sẽ thực hiện được dù biết sẽ rất khó:
Một trong những tiêu chí sâu thẳm mà nhóm muốn làm là ước nguyện của bà Judith. Bà muốn đặt con rùa cầu trượt trong khu vực hồ Hoàn Kiếm. Chúng tôi biết rất khó khăn vì đấy là khu vực thuộc dạng di sản di tích bậc một, để tác động vào không gian đấy thì chúng tôi có thể phải cần rất nhiều sự may mắn nữa. Hy vọng mọi người nhìn thấy cái không gian quanh Hồ Gươm là một nơi cho trẻ em vui chơi chứ không chỉ là nơi cho các dịch vụ của người lớn. Đấy là một trong những cái mà chúng tôi cố gắng theo đuổi.