Dự án Thriive tại Việt Nam

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016.02.01
duytanhue-620 Đoàn dự án Thriive chụp hình kỷ niệm tại Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Duy Tân chiều ngày 17/09/2014
Photo courtesy of duytanhue.edu.vn

Thriive là một  tổ chức từ thiện do một người Mỹ,  ông Arthur Schultz, sáng lập tại thành phố Ketchum, tiểu bang Idaho, Hoa Kỳ.

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Từ  giữa năm 1990, Thriive khởi sự đi vào hoạt động phi lợi nhuận tại Nga. Tính đến lúc này, dự án cho vay không lãi suất của Thriive đã có mặt tại 4 quốc gia đang mở mang trên thế giới là Kenya, Palestine, Nicaragua, Việt Nam.

Từng đôi ba lần sang thăm Việt Nam, ông  Athur Schultz, bày  tỏ là ông cảm thấy ấn tượng trước sức sống và tiềm năng kinh tế của đất nước đang phát triển này, dẫn tới quyết  định mở văn phòng tại  đây.

Năm 2005, Thriive được thành lập tại Hà Nội qua Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế, Đại Học  Kinh Tế, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn không lãi suất để mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất để phục vụ việc phát triển kinh doanh. Vốn vay được trả trong vòng 2 năm bằng cách cung cấp miễn phí các sản phẩm, dịch vụ của chính doanh nghiệp vay với  giá trị tương đương vốn vay gốc cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Doanh nghiệp cũng có thể trả nợ bằng hình thức đào tạo nghề, giúp tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người nghèo.

Thriive còn giúp chủ doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo  miễn phí để có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất cũng như biết sử dụng nguồn vay có hiệu quả.

We are operating only in Hue and Ha Noi, I think Vietnam has proved the most successful so far.

Ông  Einar Schultz, thành viên ban quản trị Thriive, cho biết như vậy.

Trên trang web Anh ngữ của Thriive, người ta có thể đọc thấy tại Hà Nội từ 2005 đến nay, với 80 lần cho vay, 66 doanh nghiệp đã được vay với tổng số tiền 675.000 đô la Mỹ, trong lúc 96.000 dân nghèo đã nhận được sản phẩm hay dịch vụ từ thiện của chương trình.

Cuối 2010 đầu 2011 Thriive xin được giấy phép  hoạt động tại  Huế, được gọi là ThriiveHue Dự Án Hỗ Trợ Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ - Phát Triển Cộng Đồng. Chị Lê Thị Châu Quỳnh, đến với ThriiveHue từ 4  năm trước, hiện là quản lý dự án, giải thích:

Lý do có tên như vậy là vì 2 mục đích chính của dự án,  mảng thứ nhất là mình hỗ trợ những doanh nghiệp trong qui mô vừa và nhỏ trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Mảng thứ hai mình làm là cac doanh nghiệp khi vay vốn thì trả lại cho cộng đồng.

Năm năm qua, 69 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Huế đã nhận được sự hỗ trợ tài chính của chương trình Thriive. Vẫn lời chị Châu Quỳnh:

Hàng năm khoảng tháng Sáu đến tháng Bảy mình đăng tuyển trên các kênh như TV, truyền thanh rồi facebook chẳng hạn, hay là nhờ chính quyền địa phương giới thiệu các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh để người ta  đến văn phòng nộp hồ sơ xin hỗ trợ vay vốn.

Điểm đặc biệt của mô hình này là mình không đưa tiền hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp hay người nghèo. Thí dụ một nhà may tìm đến với dự án và có nhu cầu mua 10 máy may chẳng hạn thì mình sẽ duyệt. Quá trình phỏng vấn mình đồng ý thì mình sẽ mua 10 máy may đó cho người ta. Vốn vay này là không lãi suất, không thế chấp, khi trả thì được trả bằng cái giá bán lẻ cho thị trường, trong đó họ cũng có lời rồi.

Mặt khác, nếu doanh nghiệp đó vay 10 máy may thì họ phải tương ứng may lại 100 bộ áo quần cho 100 người có khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Họ có thể lên một kế hoạch trả vốn, 100 bộ quần áo có thể trả thành 10 lần, mỗi lần 10 bộ. Mười bộ đó mình sẽ cho các đối tương là hộ nghèo, cận nghèo, các em học sinh nghèo.

Khi người ta trả đến bộ thứ 100 có nghĩa  là đã hoàn thành việc trả vốn đối với dự án thì 10 máy may đó sẽ thuốc quyền sở hữu của họ.

Đào tạo nghề là một hình thức trả nợ khác của doanh nghiệp được vay vốn:

Ví dụ bình thường đào tạo cho một em như vậy thì chi phí là bao nhiêu tiền, mình sẽ hỗ trợ tiền ở tiền ăn cho các em đó. Đào tạo nghề nhưng không  gánh nặng  học phí,  gánh n85ng ăn ở.  Như vậy, hai hình thức trả vốn là bằng sản phẩm hoặc bằng đào tạo nghề.

Thriive giao lưu tại Trung tâm trẻ tự kỷ Phúc Tuệ, Nghi Tàm, Hà Nội. Photo courtesy of ueb.vnu.edu.vn
Thriive giao lưu tại Trung tâm trẻ tự kỷ Phúc Tuệ, Nghi Tàm, Hà Nội. Photo courtesy of ueb.vnu.edu.vn
Thriive giao lưu tại Trung tâm trẻ tự kỷ Phúc Tuệ, Nghi Tàm, Hà Nội. Photo courtesy of ueb.vnu.edu.vn

Bà Hà, chủ nhân xưởng  may mặc Phan Thanh Hà, kể lại con đường vay vốn tmà doanh nghiệp vừa của bà được Thriive hỗ trợ trong thời gian qua:

Khi chị làm nhà xong rồi thì không còn tiền để mua trang thiết bị máy móc nữa. Thấy người ta đưa tin là có dự án Thriive ở nước ngoài cho vay không lấy lãi, hỗ trợ trang thiết  bị máy móc, sau đó mình sẽ trả bằng sản phẩm chứ không trả bằng tiền mặt. Chị cũng qua làm đơn để vay.

Sau đó, cũng mấy đợt phỏng vấn, thì Thrive tạo điều kiện thuận lợi. Doanh nghiệp của chị được vay một trăm lẻ máy triệu, tương đương hơn năm nghìnđô la,  sau 2 năm trả hoàn vốn bằng sản phẩm. Nhà may của chị cần loại máy gì, mua ở chỗ nào là  cho mình tự lựa chọn, tham khảo vừa  giá cả vừa chất liệu. Số máy mình mua hết bao nhiêu tiền thì bên dự án trả.

Theo cách đó, doanh nghiệp may mặc Phan Thanh Hà được trang bị một máy ép keo, một máy làm khuy,  bốn máy may, một bàn ủi hơi, một máy vắt sổ:

Chị cũng rất  cố gắng, chưa được  2 năm chị cũng đã trả xong số tiền mình đã vay rồi. Trả bằng sản phẩm có nghĩa là trả bằng áo quần. Áo quần đó bên dự án cho các trường trong đó có những em khó khăn. Tiền công và tiền vải một bộ đồ là 200.000, nhưng may cho dự án thì 130.000 thôi. Bởi vì khi vay vốn người ta không tính lãi thì khi trả bằng sản phẩm mình không được tính công của mình, giá thành phải rẻ hơn là may cho khách hàng bên ngoài.

Bản thân chị khi làm nhà xong thì không còn tiền nữa, dự án Thriive đã giúp đỡ cho chị trang thiết bị tốt thì chị làm được nhiều hàng nhanh, chất lượng rồi số lượng cũng được, khách hàng cũng đông hơn.

Về kế hoạch đào tạo tay nghề mà dự án Thriive yêu cầu doanh nghiệp vay vốn thực hiện thì sao, bà Hà trả lời:

Em nào nghèo mà đến học với doanh nghiệp của chị thì một tháng bên dự án cho em đó 500.000 hỗ trợ cơm trưa,cho trong vòng 3 năm. Vừa rồi có mấy em đến học mà chuyên cần thì cuối tháng chị cho thêm 200.000 nữa để các em có thể mua thêm cái áo cái quần chẳng hạn.

Đối với chị trưởng dự án Lê Thị Châu Châu, tiêu chí của Thriive không chỉ là hỗ trợ kinh doanh một cách thiết thức và có sinh lợi mà còn khuyến khích tinh thần làm việc từ thiện, sự giúp đỡ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa cá thể với cá thể :

Giả sử một trường hợp hỗ trợ cho một hợp tác xã trồng rau. Hợp tác xã trồng rau này được trường Đại Học Nông Lâm Huế hướng dẫn cách trồng ra an toàn, không lạm dụng phân hóa học, không lạm dụng thuốc trừ sâu, cách trồng rau khoa học.

Nhận thấy đây là một mô hình rất hay, Thrive đã cho hợp tác xã rau này vay một chiếc xe tải để có thể chuyên chở rau an toàn, không bị bầm dập mà cũng không cần chất bảo quản gì cả.

Hình thức trả vốn của Hợp Tác Xã Rau này là cung cấp rau, củ, quả mà họ trồng ra được cho một quán cơm xã hội trong thành phố:

Mình tính theo kilôgram người ta bỏ theo giá ngoài chợ, định kỳ trong một tuần là giao rau 2 đến 3 lần để quán cơm phục vụ cho các sinh viên hàng tuần.

Khi người ta trả vốn vay cho dự án bằng sản phẩm làm ra thì họ sẽ có thói quen làm việc từ thiện. Nghĩa là mình tập cho họ làm việc từ thiện nho nhỏ như vậy. Có nhiều doanh nghiệp sau khi tham gia dự án xong họ lại tiếp tục làm từ thiện nhiều hơn nữa.  Đó là điều rất đáng mừng.

Nơi được hưởng những loại rau quả tươi sạch, mà chị Châu Quỳnh vừa đề cập đến, chính là quán ăn miễn phí cho sinh viên nghèo từ những nơi xa đến Huế và đi học trong các đại học hoặc cao đẳng ở Huế.

Bà Đặng Thị Thanh Nhã, người trông coi bếp ăn của Quán Cơm Xã Hội Huế, nơi người sáng lập tổ chức vô vị lợi Thriive là  ông Arthur  Schultz từng có lần ghé thăm trước kia,  nói rằng đây là sự may  mắn cho quán vào khi cái tâm lý lo sợ dè chừng vì tin tức về những loại thực phẩm độc hai tràn lan trên thị trường trong nước:

Những thông tin đó làm cho mình rất là sợ,  bởi vì quản lý một quán cơm thì không phải chỉ  gia đình mình ăn mà là cả một tập thể nên  mình cũng lo lắng lắm. Vừa rồi được  dự án Thriive hỗ trợ cho  một số những sản phẩm sạch mà dự án đó cho các doanh nghiệp vay vốn để sản xuất rồi mua lại để chia sẻ lại cho cộng đồng. Họ hỗ trợ cho bọn mình một số rau sạch và  gạo sạch, cho nên vấn đề thực phẩm tụi mình cũng yên tâm hơn.

Mỗi năm Thriive nhận được từ 10 đến 15 hồ sơ doanh nghiệp xin được trang  bị máy móc thiết bị và phương tiện kinh doanh rồi hoàn lại vốn bằng sản phẩm như vậy.

Làm cho chương trình Thriive vận hành có hiệu quả là cả một quá trình đào tạo mà ban quản trị ở văn phòng chính tại Idaho phải nghĩ tới:

Cố vấn ở nước ngoài tình nguyện về Việt Nam tư vấn về tài chính, tiếp thị hay quản lý nhân sự cho các doamnh nghiệp ở đây. Nói là doanh nghiệp mà thực ra qui mô rất nhỏ, trong việc thu chi tài chính nhiều khi còn thiên về gia đình, do vậy khi tham gia chương trình  họ phải biết cách quản lý, thu chi tài chính, đánh giá và theo dõi coi lời hay lỗ.

Ở Huế thì phần lớn doanh nghiệp rất nhỏ và mô hình giống như là gia đình vậy, thấy có tiền vào thì họ nghĩ có lời, tiền ra thì họ nghĩ là họ lỗ. Nhưng có khi tiền ra nhiều mà thức chất là họ lời. Mình đã hỗ trợ hình thức như vậy nhằm mục đích là số vốn đưa vào có hiệu quả chứ không phải họ làm gì thì họ làm đến khi nguồn vốn mình đầu tư vào là không có hiệu quả.

Lúc bắt đầu dự án năm 2011 thì việc tư vấn này chưa phát triển mạnh, đến cuối 2013, 2014 và  2015 thì bên mình tập trung vào việc hỗ trợ tư vấn phát triển doanh nghiệp rất mạnh. Từ đó đến nay cũng có nhiều doanh nghiệp là họ nhờ như vậy mà họ đi lên rất nhiều.

Thanh Trúc vừa trình bày câu chuyện về Thriive, một dự án hỗ trợ bất vụ lợi cho doanh nghiệp nhỏ phát triển trong mục đích thúc đẫy sự phát triển chung của cộng đồng cũng như sự liên đới giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại những quốc gia đang mở mang.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.