Công ty người Việt trúng thầu xử lý rác cho thành phố Oakland, California

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014.08.29
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
techgel.jpg Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước của công ty Vietnam Waste Solutions tại tỉnh Long An
Photo courtesy of techgel.com

 

CWS, Cal Waste Solutions, là công ty chuyên thu gom và xử lý rác của một người Mỹ gốc Việt, ông David Dương, tại thành phố Oakland, tiểu bang California.

Năm 2007, CWS Cal Waste Solutions lập chi nhánh VWS Vietnam Waste Solutions, trở thành chủ đầu tư dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn, gọi chung là rác đủ loại, tại Đa Phước thuộc thành phố Sài Gòn.

Từ sự thành công của dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, một khu công nghệ môi trường xanh đang được tiến hành trên một qui mô lớn tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Tuần trước, Cal Waste Solutions CWS được hội đồng thành phố Oakland giao một hợp đồng trị giá 2 tỷ 700 triệu đô la để thu gom rác, phế liệu tái chế và cây xanh cho thành phố. Đây là lần đầu tiên một công ty của người Mỹ gốc Việt giành được chiến thắng trước một đối thủ  nặng ký là Waste Management, công ty xử lý rác lớn nhất của Hoa Kỳ có trụ sở tại Texas với nhiều chi nhánh khắp 50 tiểu bang cũng như nhiều nước trên thế giới:

Đây là một sự kiện lịch sử của thành phố Oakland là đã giao một gói thầu bạc tỷ cho một công ty người thiểu số da màu, đặc biệt là của người Việt Nam. Đây cũng được coi như một dự án thầu rất lớn đối với đất nước Hoa Kỳ.

Đó là lời chủ tịch  kiêm tổng giám đốc  CWS Cal Waste Solutions:

Đây là một sự kiện lịch sử của thành phố Oakland là đã giao một gói thầu bạc tỷ cho một công ty người thiểu số da màu, đặc biệt là của người Việt Nam.
- Tổng giám đốc  CWS

David Dương, Dương Tử Trung là tên ba mẹ tôi đặt cho tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, còn cha mẹ tôi ở miền Tây, Long An. Tổng công ty hiện đang có 1.000 nhân viên, trong đó 65% là ở Việt Nam và 35% là ở Hoa Kỳ.  Nên nhớ ở Hoa Kỳ thì tất cả nhân viên của công ty nằm trong công đoàn thành ra về vấn đề lương hướng, y tế và những phúc lợi khác mà công nhân ở đây có đều rất là cao.

Trên 20 năm hoạt động tại thành phố Oakland, Cal Waste Solutions chỉ thu gom và recycle tức tái chế biến phế liệu mà thôi. Sau 40 năm thành phố cho đấu thầu lại vấn đề thu gom rác, phế liệu tái chế và cây xanh thì đây cũng là lần đầu tiên một công ty của người Việt ở đây trúng thầu. Rất tự tin, ông David Dương chia sẻ:

Cái chính là mình chứng minh được mình đủ khả năng và đủ tiềm lực, mấy chục năm này mình chứng minh được mình làm rất tốt. Cái thứ hai nữa là trong gói thầu thì mình lại đưa nhiều cái công nghệ gọi là Zero Waste mà mình có thể cạnh tranh được với đối thủ lớn nhất của Hoa Kỳ là Waste Management. Văn phòng chính của mình ở tại Oakland cho nên khí đấu thầu mình không cần phải xuất lợi nhuận của mình để chia về văn phòng chính của mình.

Và cái thứ ba nữa là nhờ hội đồng thành phố Oakland  đa số là người thiểu số, hiểu sự khó khăn của một công ty nhỏ dù rằng mình đầy đủ tiềm năng, nhưng đánh bại một công ty lớn nhất của Hoa Kỳ không phải một chuyện dễ. Họ có sự đồng cảm, thấy mình có đầy đủ công nghệ, kỹ thuật, uy tín và khả năng để làm.

Thêm một điều cuối, họ thấy không phải riêng cộng đồng người Mỹ đến ủng hộ mình mà trong đó có cả cộng đồng người Hoa, cộng đồng người Phi Luật Tân, cộng đồng người Mễ đã tới trong cuộc điều trần, đưa tới sự chiến thắng vẻ vang của mình trong cuộc thầu này.

Hướng xử lý rác mới

Được yêu cầu giải thích thêm về công nghệ zero waste  trong việc xử lý rác, tổng giám đốc CWS cho biết zero  waste là một hướng mới trong tương lai, tận dụng và giảm thiểu tối đa chi phí cũng như sự tốn kém trong việc  xử lý cũng như tái chế khối lượng rác. Nói một cách khác, vẫn lời ông David Dương, đây là phương cách bảo vệ môi trường sống của con người trong tương lai:

Xe gom rác tại thành phố Oakland, California
Xe gom rác tại thành phố Oakland, California
Xe gom rác tại thành phố Oakland, California

Thí dụ trước đây mình chỉ tái chế, chỉ làm phân, nhưng bây giờ từ rác mình sẽ làm nhiều nguyên liệu khác nhau, làm sao giảm thiểu khối rác đem đi chôn lấp, đưa được khối lượng rác biến thành sản phẩm. Kể cả rác đem đi chôn lấp thì mình phải chôn lấp cho thật tốt và thu lại khí gia đó để sản xuất điện thay vì phải đốt bỏ như từ trước tới nay. Coi như  tận dụng hết tất  cả những gì từ rác  thì đó là zero waste, và mình làm sao khuyến khích, vận động cũng như giáo dục người dân  giảm thiểu đi rác thải trong đường hướng bao gồm tất cả. Bảo vệ môi trường và bảo vệ cuộc sống của người dân là cái chính của việc thu gom xử lý rác.

Cuối 1989 đầu 1990, chuyến đi Việt Nam là sự khởi đầu của dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, một ý nguyện mà cha mẹ ông David Dương muốn ông thực hiện cho Sài Gòn:

Sự hình thành của Đa Phước là khi chúng tôi trở về năm 89-90, thấy trên đường sá, sông rạch,  cống rãnh ..nói chung nơi đâu cũng rác và rác.

Nhưng mãi đến năm 2003 thì cơ hội mới đến khi thành phố Sài Gòn cử một đoàn đi khắp nơi, tìm kiếm những nhà đầu tư trong lãnh vực làm sạch môi trường rác cho Việt Nam:

Thấy đó là cơ hội chúng tôi mới tham gia, bắt đầu cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên với ý chí bảo vệ môi trường mà  được hưởng trực tiếp là những người dân, làm sạch môi trường thì người dân bớt bệnh hoạn, thêm vào sự đôn đốc của cha mẹ, gia đình, bà con, bạn bè… là tại sao mình làm ở đây được mà không về đó giúp cho người dân của mình, từ đó tôi mới có quyết định đi về để đầu tư. Khu  liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước có giấy phép từ 2005, bắt đầu xây dựng từ 2006, đưa vào vận hành cuối 2007 với dự kiến ban đầu là 90 triệu đô và đã tăng dần cho đến ngày hôm nay đã lên tới 140 triệu đô.

Mỗi ngày khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tiếp nhận trên 3.000 tấn rác đủ loại từ hai nơi là Long An và Sài Gòn. Cũng từ 2007 đến giờ VWS tức Vietnam WSTE Solutions đã xử lý hơn 8 triệu tấn rác, áp dụng công nghệ cao:

Cái chính là mình chứng minh được mình đủ khả năng và đủ tiềm lực, mấy chục năm này mình chứng minh được mình làm rất tốt.
- Ông David Dương

Tiêu chuẩn là USEPA, tất cả những công nghệ xử lý phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam, bảo vệ được không khí, nước mặt và nước ngầm. Chúng tôi đưa những chuyên gia Hoa Kỳ về làm việc trong nước, giai đoạn đầu có 8 người thay phiên nhau đi đi về về. Dần dần tới hôm nay chúng tôi còn giữ lại 4 chuyên gia người Mỹ bên đó, đồng thời huấn luyện rất  nhiều chuyên gia của Việt Nam,  thí dụ đội ngũ kỹ sư trẻ đi du học ở nước ngoài về thì chúng tôi tuyển dụng và huấn luyện cho họ. Giờ này chúng tôi chỉ còn 4 chuyên gia nước ngoài làm bên đó, còn phần đông là đội ngũ chuyên gia trẻ của Việt Nam.

Về hoạt động của VWS Vietnam Waste Solutions tại Đa Phước, ông Trần Hồng Phúc, chủ tịch Phòng Thương Mại Việt Nam ở thành phố Oakland, nói:

Cái nhìn của tôi về công ty của ông David Dương ở Việt Nam, áp dụng những kinh nghiệm kỹ thuật xử lý chất thải rắn thì tôi nghĩ họ làm việc rất hữu hiệu. Quan trọng hơn nữa là khi có một công ty về Việt Nam mà người Việt Nam quản lý như vậy thì cũng tạo được công ăn việc làm cho nhiều người trong nước, đặc biệt những người ở địa phương.

Từ sự thành công của Đa Phước, VWS được nhiều tỉnh thành trong nước mời gọi đầu tư vào địa phương. Biết không thể cùng lúc thực hiện đầu tư vào nhiều nơi  với nhiều dự án qui mô như vậy, VWS nghĩ đến mô hình khu liên hợp xử lý chất thải rắn thứ nhì tại Thủ Thừa, Long An:

Thứ hai nữa, với những qui mô đầu tư từ những thành phố mà thí dụ họ có năm sáu trăm tấn rác tới một ngàn hay ngàn rưỡi tấn mỗi ngày. Nếu  đầu tư như vậy thì phải nghĩ tới việc là giá  xử lý rác của thế giới hiện nay rất là cao mà đối với Việt Nam hiện nay thì giá xử lý rác họ không trả nỗi. Họ chỉ trả coi như rất thấp, mà thấp thì làm sao mình xử lý được hoàn chỉnh một công nghệ gọi là công nghệ tốt. Với số lượng rác coi như ít thì không chi trả nỗi cái việc đó, cho nên tôi mới nãy  ra cái ý nghĩ là bây giờ mình phải làm những khu tập trung. Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ ra khu công nghệ môi trường xanh tại Thủ Thừa tỉnh Long An.

Với diện tích đất khoảng 2.000 mẫu, một khu liên hợp có khả năng xử lý tất cả mọi loại rác thải từ sinh hoạt, công nghiệp, y tế, điện tử, kể cả những chất thải dơ bẩn, độc hại và nguy hiểm đến môi sinh cũng như  môi trường sống của con người, đang hình thành tại Long An:

Thí dụ hiện nay Việt Nam mình chưa có rác máy vi tính hay vỏ xe cũ vân vân và vân vân, chưa có nhiều để thải ra. Nhưng mà mai  mốt phát triển đây, trong tương lai thì những cái đó cũng sẽ có, rồi rác thải y tế, rác thải độc hại nhiều thứ mà hiện nay chưa được xử lý hoàn hảo và đang được chôn lấp bừa bãi và đang được thải ra bừa bãi. Nếu không tập trung xử lý được thì nó sẽ rải  rác nhiều nơi rồi mưa nắng sẽ làm những thứ đó đưa những chất độc vào lòng nước ngầm. Nước ngầm thì hiện nay cả thế giới đang bảo vệ bởi vì trong tương lai rất quí, thành ra lòng nước ngầm là cái người ta đang bảo vệ.

Chủ tịch kiêm tổng giám đốc CWS Cal Waste Solutions, ông David Dương
Chủ tịch kiêm tổng giám đốc CWS Cal Waste Solutions, ông David Dương
Chủ tịch kiêm tổng giám đốc CWS Cal Waste Solutions, ông David Dương

Với công nghệ thì  tôi nghĩ tại sao Việt Nam không làm được với những gì mình có, chúng tôi nghĩ ra những nơi tập trung như vậy để thu gom rác từ thành  phố Hồ Chí Minh và tất cả các tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long, đưa bằng xà lan chuyên dùng để nó không ảnh hưởng đến môi trường. Mỗi một nơi như vậy chúng tôi sẽ cung cấp những container chuyên chế để vận chuyển rác. Mỗi một nơi chỉ cần một trạm trung chuyển, xà lan cứ đi đến mỗi một nơi mỗi một ngày như vậy, được đổ rác đầy và đưa về nơi trạm trung chuyển ở Long An.

Khi tập trung rác về một nơi như vậy, ông David Dương khẳng định, nhờ khối lượng lớn mà giá thành sẽ rẻ, ngược lại nguồn thu sẽ cao hơn nhờ khối lượng lớn, từ đó mới có thể đầu tư được những công nghệ tiên tiến hơn:

Khu mới của chúng tôi sẽ có những công nghệ như rác có thể biến thành nguyên vật liệu thí dụ khí đốt rồi khí ga sử dụng cho xe, sản xuất ra dầu, sản xuất ra phân, rồi có thể sản xuất ra những sản phẩm xây dựng vân vân…Đó là ý tưởng trong tương lai chúng tôi sẽ lập nơi Long An. Dự án này tôi tin chắc sau khi thành và đưa vào  hoạt động hoàn chỉnh hết thí nó sẽ nếu không nói là nhất thế giới thì chắc chắn 100% là nhất Đông Nam Á.

Từng theo dõi việc làm của khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước ở Sài Gòn, tiến sĩ  Nguyễn Thị Kim Oanh, giảng sư Khoa Kỹ Thuật  Và Quản Lý Môi Trường thuộc AIT Viện Kỹ Thuật Châu Á ở Thái Lan, cho rằng công nghệ cao để xử lý chất thải rắn (solid Waste) là  điều vô cùng cần thiết bởi rác thải không chỉ là vấn đề của Việt Nam trong tương lai mà còn là sự quan tâm của thế giới:

Xã hội càng phát triển thì vấn đề chất thải rắn nói chung cũng tăng lên, thành phần nó cũng thay đổi nhiều, từ rác thải sinh hoạt cho đến rác thải  công nghiệp, cho nên công nghệ thích hợp để xử lý rất là cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thu hồi lại những cái gọi là tài nguyên.

Nếu công ty ở Đa Phước làm được rồi thì nên quảng bá xong rồi sau đấy nhân rộng ra. Công nghệ thì không phải là mới đâu nhưng vấn đề là con người làm và cách  làm cho phù hợp với điều kiện ở mình.

Với trị giá 700 triệu đô la theo  dự kiến ban đầu, dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn ở Thủ Thừa, Long An, có thể xử lý 40.000 tấn rác mỗi ngày cho Sài gòn, Long An và các tỉnh thuộc vùng kinh tê trọng điểm phía Nam.

Đây là tham vọng của chủ tịch kiêm tổng giám đốc David Dương cũng như  các chuyên gia trong VWS Vietnam Waste Solutions nói chung.

Bí quyết thành công của người sáng lập CWS ở Oakland, California, rồi đến VWS ở Đa Phước và Thủ Thừa , là câu hỏi sau cùng Thanh Trúc nêu ra với cá nhân ông David Dương:

Là khi mình chọn cái hướng đi rồi mình phải có quyết tâm, đã quyết tâm rồi thì mình phải tự tin và làm cho thành, đó là cái chính.

Nhưng trên hết và cần thiết hơn hết, ông nhấn mạnh, người ta không thể một mình làm chuyện lớn khi thiếu sự đóng góp của người chung quanh:

Mình cần rất nhiều người, gần là gia đình, kế đến là anh em công nhân, đội ngũ chuyên gia  rồi xa hơn là bạn bè và những người đồng hương. Nói chung mình cần hết tất cả những người đó.

Đặc biệt  hơn nữa, ông David Dương, chia sẻ tiếp:

Mình  gọi nôm na là người thật việc thật, làm ăn đàng hoàng chân chính. Đó là những cái bản thân tôi đã áp dụng , cho tôi sự thành công đến ngày hôm nay là những việc đó.

Thanh Trúc vừa cống hiến quí vị câu chuyện về người được mệnh danh là ông vua  rác ở thành phố Oakland, tiểu bang California, cũng là chủ đầu tư hai dự án xử lý rác quan trọng tại Việt Nam hiện nay.

Thanh Trúc: nguyent@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.