Một người Việt được giải thưởng khoa học Canada
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2012.03.08
2012.03.08
(Ảnh LHNVC)
Giải thưởng này còn gọi là Synergy, giải thưởng danh dự và cao quí về thành quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào nền kỹ nghệ của đất nước Canada.
Năm 1953, ông Bùi Tiến Rũng rời Hà Nội sang Pháp du học, tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại École Navale. Năm 1956, ông trở về nước. Năm 1964, ông có bằng PhD của Naval Postgraduate School ở Hoa Kỳ.
Trước 1975, ông phục vụ trong Hải Quân Công Xưởng Sài Gòn và Trung tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang , cấp bậc sau cùng là trung tá kỹ sư. Ông cũng từng là giám đốc Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ, giám đốc Trung Tâm Kỹ Thuật Quốc Gia ở Sài Gòn, sau đó là cố vấn Toà Đại Sứ của chính phủ miền Nam ở Thái Lan, đại diện cho Việt Nam Cộng Hoà tại Uỷ Hội ECAFE của Lướiên Hiệp Quốc.
Rời quê nhà sau 30 tháng Tư 1975, ông Bùi Tiến Rũng trở thành giáo sư khoa học ứng dụng và khảo cứu những phương thức tân tiến để chế tác kim loại tại đại học Québec à Chicoutimi, gọi tắt là UQAC.
Đó là thân thế và học vị của giáo sư Bùi Tiến Rũng, vừa được vinh danh về kết quả làm việc cũng như khảo cứu có lợi cho đất nước Canada.
Bây giờ mời quí vị nghe ông Bùi Tiến Rũng, đã nghĩ hưu nhưng vẫn trong cương vị giáo sư danh dự, vẫn tiếp tay với đại học trong các chương trình nghiên cứu và hướng dẫn, trình bày công việc và hoạt động khảo cứu của ông trong hơn ba thập niên qua mà kết quả là giải thưởng vinh dự về khảo cứu khoa học hàng đầu của Canada:
"Ở Canada thì chính phủ liên bang có một giải để cấp cho những nhà khảo cứu hàng đầu của Canada, được định nghĩa là Award Of Exellence In Research mà trong đó có hai ba loại. Một loại dành cho những thành quả đặc sắc về nghiên cứu khoa học ứng dụng với sự hợp tác của những đại kỹ nghệ mà điều kiện là phải có áp dụng thực tiễn và có hiệu quả.
Vì thế cho nên loại giải này còn có tên là Synergy Award For Innovation, tạm dịch ra tiếng Việt là Cộng Năng Để Canh Tân. Giải này là do Hội Đồng Nghiên Cứu Khoa Học Kỹ Thuật của Canada, viết tắt là NSERC, được ông toàn quyền Canada David Johnston trao tân tay trong một buổi lễ long trọng."
Thanh Trúc: Thưa giáo sư, xin cho biết những thành quả ông gặt hái được dẫn đến việc ông được vinh danh?
GS Bùi Tiến Rũng: Tôi cũng là may mắn năm 75 sang đây thì đi làm việc ở phân khoa Khoa Học Ứng Dụng của một đại học gần với công ty nhôm ALCAN( Aluminium Of Canada )lúc đó lớn nhất Canada và lớn nhì thế giới, chỉ sau ALCOA của Mỹ mà thôi. Tôi ở gần nên lựa đại học đó để có thể nghiên cứu về cái tôi thích là phương thức tân tiến để chế tác kim loại. Chúng tôi được tài trợ bởi cả hai chính phủ Canada lẫn Québec, rồi lại thêm đại học của chúng tôi nữa. Thành ra họ lập cho tôi một giảng đàn, tiếng Anh gọi là Research Chair trong hơn mười năm.
Giảng đàn về chế tác kim khí sau đó lớn dần ra thì họ thành lập Trung Tâm Nghiên Cứu Kỹ Thuật Chế Tác Nhôm CURAL( Centre Universitaire De Recherche Sur L’Aluminium). Xong nó lại lớn dần ra và vì cần nhiều đến sự hợp tác của những chuyên gia các đại học khác, cần đến trao đổi sinh viên trao đổi chuyên viên và ngay cả trao đổi những trang thiết bị đắt tiền trong phòng thí nghiệm, vì thế cho nên chúng tôi thành lập mạng lưới bảy đại học ở Québec, gọi là REGAL(Regroupement Aluminium), tôi điều khiển trong vài năm thì về hưu. Chính những cái đó đưa đến việc tôi được đề nghị lãnh giải này.
Thành quả nghiên cứu
Thanh Trúc: Thưa ông, những thành quả đạt được, những việc ông làm trong suốt thời gian hơn ba mươi năm qua ông cho rằng có ảnh hưởng thế nào đến kinh tế cũng như đến kỹ nghệ của Canada?
GS Bùi Tiến Rũng: Tất cả tiến trình để làm kim khí từ lúc nó là quặng dưới đất cho đến lúc thành đồ kim khí dùng được chẳng hạn nhôm, dao, nĩa trên bàn ăn, nó qua nhiều giai đoạn lắm. Để không làm phí thì giờ của thính giả tôi chỉ xin đơn cử thí dụ thứ nhất đang được thính giả đài Á Châu Tự Do chú ý đến nhiều là vấn đề lọc bô xít. Tiến trình lọc bô xít để lấy ra Alumin rồi từ Alumin làm ra Aluminium. Cái đó gọi là tiến trình gạn lọc bô xít.
Chúng tôi nghiên cứu và đã giúp ALCAN tiến triển phương thức đó, bớt rất nhiều vấn đề phí tổn vấn đề nhân lực và nhất là vấn đề môi sinh. Chẳng hạn vấn đề kết tủa, làm sao để cho bùn đỏ kết tủa và đọng xuống rồi lắng tụ, đem đổ nơi khác mà không gây độc hại môi sinh.
Thí dụ thứ hai là làm sao mà lọc được Aluminium. Nếu dùng những dao nĩa trên bàn thì thấy dao hay dĩa bằng Aluminium mà người ta đem ra ngoài kỹ nghệ thì nó hết sức trong sạch bóng đẹp. Nhưng lúc ở trong nhà máy thì không thế, nó đầy gợn bẩn. Mà làm sao lọc được chất bẩn đó? Bởi vì Aluminium lỏng nó nóng tám chín trăm độ, những chất bẩn trong đó không phải là những chất bẩn thường mà ta có thể lọc được như làm bánh mà lọc qua vải. Tất cả những kỹ thuật đó, gọi là Filtration Of Liquid Aluminium, là cả một vấn đề lớn.
Tôi xin kể thí dụ thứ ba nữa, là khi người ta trộn Aluminium với một chất khác nữa thì nó có thể thành một thứ kim khí mới đẹp, bóng, nhẹ như nhôm nhưng lại cứng như sắt. Đó là những thí dụ mà chúng tôi đã đóng góp vào cho kỹ nghệ Aluminium ở Canada.
Thanh Trúc: Chừng như công việc của ông vượt cả ra ngoài biên giới Canada, có nghĩa là nó đã qua Hoa Kỳ và những quốc gia khác?
Khi người ta trộn Aluminium với một chất khác nữa thì nó có thể thành một thứ kim khí mới đẹp, bóng, nhẹ như nhôm nhưng lại cứng như sắt. Đó là những thí dụ mà chúng tôi đã đóng góp vào cho kỹ nghệ Aluminium ở Canada.
GS Bùi Tiến Rũng
GS Bùi Tiến Rũng: Vâng, lúc chúng tôi bắt đầu làm việc nhiều thì một group anh em bốn mươi người, khi bên ngoài người ta biết nhiều thì họ tìm đến hợp tác. Chúng tôi không phải là một cơ quan thương mại thành ra không có quyền tự quảng cáo, chỉ đi qua những hội nghị khoa học này khác và được người ta biết đến. Tổ chức gần nhất với chúng tôi là ALCOA( Aluminium Of America), công ty anh em với ALCAN ở Canada.
ALCOA ở vùng Pittsburgh sát biên giới Canada, là cơ quan hợp tác đầu tiên. Xa nhất là bên Úc, công ty lớn nhất tên COMALCO ở Melbourne. Ngoài ra chúng tôi còn có những dự án nghiên cứu với Pháp, công ty PECHINEY, với Hung, công ty HUNGALU, ở Đức là ALUNORF. . Bên Anh cũng có ở vùng Kittsgreen, và đi mãi đến tận tiểu quốc Ả rập Dubai, ở đó có công ty DUBAL cũng làm về Aluminium.
Ngoài ra còn sang đến Liên Hiệp Quốc vì khi Liên Hiệp Quốc trợ giúp các nước đang mở mang thì họ đề nghị chúng tôi tổ chức những lớp đào tạo về nghiên cứu gia cho những việc nghiên cứu bên Hung bên Ấn và bên Dubai, thành ra chúng tôi phải đi nhiều lắm.
Thanh Trúc: Thưa như ông có trình bày thì giải thưởng danh dự này có 260.000 đô la Canada . Với 260.000 đô la đó ông dự tính làm gì trong tương lai?
GS Bùi Tiến Rũng: Khi chính phủ tặng 260.000 Gia Kim thì họ có đường lối sẵn để sử dụng. Thành ra dự trù 60.000 để tuyển thêm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, để vừa làm vừa học luôn trong đại kỹ nghệ ALCAN và thường là học lên cấp tiến sĩ.
Hai trăm ngàn để làm khảo cứu khoa học nhắm vào việc đẩy xa hơn nữa những hoạt động trong lãnh vực mà chúng tôi say mê xây đắp trong suốt cuộc đời gần ba thập niên làm việc ở đại học trên đất nước Canada này.
Thanh Trúc: Như đã nói lúc nãy là không phải một mình ông đơn độc nhưng ông là người hướng dẫn. Vậy ông có điều gì để trình bày về công việc mà có rất nhiều bàn tay góp vào dưới sự hướng dẫn của ông để dẫn đến thành công như thế này?
GS Bùi Tiến Dũng: Nhóm chúng tôi ở đại học gồm bốn chục người, nếu mà lan ra cái réseau mà tôi nói chuyện ban nãy là REGAL đó thì có lên đến sáu mươi lăm giáo sư đại học, họ cần rất nhiều phương tiện để làm việc.
Tiền mà chính phủ Canada tặng làm giải thưởng người ta dùng như “seed money”(tiền thóc giống). Bởi vì khi chúng tôi dùng tiền đó đi về chính phủ của Québec thì gần như tự động chính phủ Québec sẽ đóng góp, gọi là Dollar For Dollar, họ sẽ tặng thêm một số tiền bằng chừng đó, và đại kỹ nghệ nào mà chúng tôi hợp tác để làm nghiên cứu thì họ cũng bỏ một số tiền như vậy.
Thành ra thường thường là số tiền của giải nó lên gấp ba hoặc đôi khi gấp bốn. Nếu có phần thứ tư nữa thì đó là chính đại học bỏ tiền vào hoặc là những cơ quan ủng hộ cho đại học bỏ tiền vào. Vì thế cho nên rằng chúng tôi có thể dễ dàng làm thành một số tiền lớn hơn nhiều.
Thanh Trúc: Chừng như ông cũng rất say mê trong việc đào tạo những nhà nghiên cứu, đào tạo những người say mê công việc như ông?
GS Bùi Tiến Rũng: Thật ra mỗi lãnh vực hoạt động có một sắc thái khác nhau nhưng tôi thấy có một mẫu số chung. Ví dụ muốn xây đắp lâu dài thì tôi cho rằng mình làm việc có trình tự thì nó sẽ đỡ cho mình nhiều. Chẳng hạn muốn nghiên cứu thì phải có cơ sở bền vững, bắt đầu bằng nhóm nhỏ thôi như năm 75 tôi mới sang thì hai ba anh em thôi và làm dự án nhỏ.
Muốn thành công thì sự say mê là chính. Bản thân tôi nghĩ đến việc làm như một thích thú một đặc quyền thay vì một gánh nặng. Khi gặp khó khăn tôi nghĩ đó là thách đố. Không có thách đố thì người ta cần gì đến mình, thì làm gì có dự án này?Khi mà mình có thêm khả năng thêm kinh nghiệm rồi thì nó buộc mình phải mở những cuộc nghiên cứu lớn hơn rồi lập những phòng thí nghiệm rồi thì những trung tâm. Và khi được chính phủ giúp đỡ thì mình lập những cơ sở nghiên cứu có nền móng qui mô hơn.
GS Bùi Tiến Rũng
Rồi khi hợp tác với những đại học khác thì mình thấy mình cần người ta và người ta cũng cần đến mình. Thế thì tại sao không hợp tác với nhau để thành lập ra mạng lưới mà theo thời gian nó trở thành thời thượng đến mức mà các chính phủ cho tiền để mà thành lập những mạng lưới. Bởi vì các đại học không có nhiều tiền thành chúng tôi đã lập cái mạng lưới REGAL (Regroupement Aluminium) đó ở Canada với bảy đại học liền vào với nhau. Những đại học đó có những hoạt động tương tự để mà có thể bổ túc cho nhau.
Thanh Trúc: Thưa giáo sư Bùi Tiến Rũng, những khó khăn những trở ngại mà bản thân ông phải tự phấn đấu tự vượt qua để có được cương vị như ngày hôm nay?
G.S. Bùi Tiến Rũng: Ngoài làm việc tích cực ra thì tôi nghĩ những sự khó khăn thường là do áp lực của chính phủ. Khi người ta đã giúp mình thì người ta muốn có kết quả để cho kỹ nghệ phát triển để giữ được công việc làm cho công dân và để chính phủ có thuế để mà thâu.
Thành tôi thiết nghĩ muốn thành công thì sự say mê là chính. Bản thân tôi nghĩ đến việc làm như một thích thú một đặc quyền thay vì một gánh nặng. Khi gặp khó khăn tôi nghĩ đó là thách đố. Không có thách đố thì người ta cần gì đến mình, thì làm gì có dự án này?
Tôi cũng xin nói thêm là trong nghề khảo cứu, nhất là trong khảo cứu khoa học ứng dụng của chúng tôi thì cái mà tiếng Việt mình gọi nôm na là “đồ nghề” rất quan trọng!
Có đồ nghề thích hợp mình sẽ tiến nhanh hơn, mới có thể kiếm ra được những cái mà người khác chưa tìm ra. Đồ nghề có thể là những trang bị tin học, máy móc và máy tính hay là những máy móc về phòng thí nghiệm. Nhưng phải là loại tân tiến chứ nếu mà những loại mà kỹ nghệ người ta đã biết đến từ lâu ngày rồi thì lúc đó không còn cái gì mới để mà tìm tòi nữa. Khi nói chuyện với sinh viên tôi cứ lấy những thí dụ tầm thường nhưng mà có ý nghĩa. Tôi nói với các bạn rằng sửa ống nước mà còn cần dùng đồ nghề nói chi tới làm khoa học.
Quí thính giả vừa nghe cuộc phỏng vấn mà Thanh trúc thực hiện với giáo sư Bùi Tiến Rũng, người được chính phủ Canada vinh danh về thành tích khảo cứu khoa học có lợi ích cho đất nước.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tới đây tạm dừng. Xin hẹn lại quí vị tối thứ Năm tuần tới.