Công nhân Việt Nam ở Nigeria đình công đòi lương

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014.10.16
Sau nhiều lần đòi trả lương không được, 9 trong số 19 công nhân đã đình công, Algéri, tháng 9, 2014 Sau nhiều lần đòi trả lương không được, 9 trong số 19 công nhân đã đình công, Algéri, tháng 9, 2014
Source Mạch sống

Oran là thành phố lớn thứ nhì ở mạn Tây Bắc nước Algeria, có công ty Société Algero Chinoise (viết tắt là SARL C.2.SS) và 19 công nhân Việt Nam được Công Ty Cổ Phần Quốc Tế Nhật Minh NAMICO đưa sang Nigeria lao động từ tháng Tư 2014.

Hợp đồng một đằng thực hiện một nẻo

Hầu hết các công nhân Việt này xuất thân miền Bắc, Quảng Bình, Bắc Ninh, Hải Dương vân vân… Khi làm giấy tờ xuất khẩu lao động sang Algeria, họ phải trả cho Công Ty Cổ Phần Quốc Tế Nhật Minh, tức NAMICO, người 60 triệu, người 70 triệu, có người hơn 70 triệu tiền Việt Nam.

Trước khi lên đường, các công nhân ngành xây dựng này đã ký hợp đồng với NAMICO, lại còn được báo cho biết chủ sử dụng lao động bên Algeria là người Pháp. Ngay khi đến phi trường Algeria, người của công ty chủ ra đón đã thu giữ hộ chiếu của tất cả 19 công nhân Việt này. Sau đó, khi bắt đầu làm việc, công nhân mới vở lẽ rằng chủ sử dụng lao động không phải người Pháp mà là người Trung Quốc.

Sau gần 3 tháng làm lụng nặng nhọc mà không được bảo hộ lao động, người bị thương không được chăm sóc đúng mức, tiền lương không được chi trả đúng theo hợp đồng, các công nhân xây dựng của Société Algero Chinoise SARL C.2.SS bắt đầu có phản ứng. Họ đã nhờ phía môi giới bên Việt Nam là NAMICO can thiệp nhưng không được giải quyết ổn thỏa. Từ tháng Tám, họ quyết định đình công để phản đối.

Khi tuyển dụng công ty bảo là sang đây làm cho chủ Pháp nhưng mà sang đến bên này rồi bọn em mới biết là làm cho chủ Trung Quốc. Vì ngôn ngữ bất đồng nên bọn em hiện tại là cũng không biết tên ông chủ là gì

Trần Văn Duy

Đến lúc này, 10 người đã đi làm trở lại, 9 người khác tiếp tục lãng công trong mục đích đòi hỏi ông chủ người Trung Quốc cải thiện điều kiện ăn ở, làm việc cũng như lương hướng. Anh Duy, một trong 9 người không chịu đi làm, cho biết:

Em tên Trần Văn Duy, quê ở Bắc Ninh , chúng em qua đến đây là ngày 10 tháng Tư Dương Lịch. Công ty Nhật Minh NAMICO đưa 19 người sang Alger này, người thì quê ở Quảng Bình, người thì quê ở Hà Tĩnh Nghệ An, người thì quê ở Hải Dương, Như cá nhân em nộp cho công ty là 65 triệu đồng. Bọn em nộp tiền mặt, em hỏi những người khác cứ người thì 65, người thì 75, người thì 70 triệu đồng.

Khi tuyển dụng công ty bảo là sang đây làm cho chủ Pháp nhưng mà sang đến bên này rồi bọn em mới biết là làm cho chủ Trung Quốc. Vì ngôn ngữ bất đồng nên bọn em hiện tại là cũng không biết tên ông chủ là gì.

Ngay từ đầu thì chế độ ăn uống rất chi là tệ, anh Duy kể. Sáng nào cũng như sáng nào, công nhân chỉ được một nồi cháo trắng ăn kèm với bánh bao không nhân :

Bánh bao của người Trung Quốc không có nhân chỉ có bột nở và bột mì thôi. Sáng ra công nhân đi làm hay không đi làm cũng chỉ được ăn như thế.

Buổi trưa là mỗi công nhân được một quả trứng gà và một ít rau xào, buổi tối chỉ được thêm hai ab miếng thịt gà xào lẫn rau cải. Ngày nào cũng như ngày nào, không có một chút thay đổi. Cho nên nói về sinh hoạt hàng ngày là người ta đối xử tệ quá.

Không an toàn cũng là từ mà anh Trần Văn Duy cùng các bạn sử dụng để mô tả cách đãi ngộ công nhân của ông chủ người Trung Quốc:

Công việc của tụi em là công việc trong ngành xây dựng, ghép cốt pha và đổ bê tông cốt sắt, không có chút an toàn lao động nào. Dây an toàn không có là một, leo lên giáo không có bảo hộ an toàn là hai. Hiện tại chúng em có 3 người bị tai nạn, một người đang khoan bê tông thì bị khoan dập gẫy cánh tay. Công ty có đem ra bệnh viện bó bột xong cấp cho một ít thuốc thế là xong, coi như họ không còn trách nhiệm nữa.

Đấy chính là tình cảnh của anh Đinh Đồng Khuê, một người không may nhất trong số 9 công nhân đang rất muốn trở về nhà:

Em là Đinh Đồng Khuê, ở Lương Tài, Bắc Ninh, trong khi đang làm việc thì bị máy khoan nó đập vào gãy mắt cá tay phải. Nói chung người ta cũng đưa mình đi bệnh viện băng bó xong rồi về. Về một thời gian không tiến triển thì người ta lại đưa đi bó bột lại. Thực ra bây giờ tay mình đang bị biến dạng rất nghiêm trọng, đang rất muốn về Việt Nam càng sớm càng tốt. Về điều chỉnh lại để sau này giúp gia đình được tí nào thì giúp chứ không như bây giờ thực sự ra nó bị biến dạng quá.

Cách đây hai tháng công ty chậm trễ không trả lương tháng thứ sáu cho bọn em. Chúng em có hỏi và yêu cầu công ty trả lương thì hôm đó có ông chủ vào tận nơi và người phiên dịch nói rằng không đồng ý trả lương theo bản hợp đồng giữa hai công ty ký nữa mà người ta sẽ dựa vào năng lực tay nghề của từng người

anh Duy

Theo lời anh Duy, đã ba bốn tháng nay rồi mà công ty SARL C.2.SS không trả lương cũng không ứng cho nhóm chín công nhân này đồng nào. Không đi làm và không được trả tiền thì đương nhiên lâm cảnh khó khăn là chuyện không thể tránh:

Có một số anh em vừa rồi ốm đau phải bán cả điện thoại của mình để mua thuốc uống. Chúng em có gặp ông chủ nhưng mỗi lần ông ta đến và nói gì thì bọn em chỉ được nghe qua người phiên dịch thôi.

Chúng em có nói với ông chủ rằng công việc làm như này thứ nhất là không an toàn cho chúng tôi, khi chúng tôi bị tai nạn ốm đau gì , cụ thể nếu như người công nhân nào bị ốm nghỉ hay phải mua thuốc vào viện thì công ty trừ thẳng vào tiền lương của anh em. Nhưng mà ông chủ không hề giải thích trường hợp của chúng em.

Thực tế, giọt nước làm tràn ly nước đầy là chuyện ông chủ Trung Quốc thay đổi cách trả lương cho công nhân:

Cách đây hai tháng công ty chậm trễ không trả lương tháng thứ sáu cho bọn em. Chúng em có hỏi và yêu cầu công ty trả lương thì hôm đó có ông chủ vào tận nơi và người phiên dịch nói rằng không đồng ý trả lương theo bản hợp đồng giữa hai công ty ký nữa mà người ta sẽ dựa vào năng lực tay nghề của từng người để trả lương.

Điều này có nghĩa từ nay chủ nhân công ty Société Algero Chinoise SARL C.2.SS sẽ trả lương theo mức khoán sản phẩm mà thôi. Tính ra từ đó thì mức lương quá thấp nên không ai đồng ý và thế là chủ nhân cũng không phát lương cho công nhân luôn:

Chúng em có phản kháng có phản đối và vẫn đi làm việc nhưng chủ không trả lương nên chúng em nghỉ luôn không đi làm nữa. Không đi làm nữa thì người ta cũng không cho chúng em ứng một đồng nào. Người ta bắt ép chúng em phải đi làm lại thì mới có tiền để sinh hoạt, có tiền để gởi về nhà.

Còn nếu công nhân nào muốn về nước thì phải nộp 30.000 nhân dân tệ cho ông chủ thì ông chủ mới trả hộ chiếu và mua vé cho về nước.

Công ty môi giới có thực sự lo cho công nhân?

Xin được nhắc theo hợp đồng ký trước khi đi Algeria thì mức lương tối thiểu mà công ty SARL C.2.SS trả cho công nhân xây dựng Việt Nam là 3.600 nhân dân tệ, tương đương 580 đô la một tháng:

Nhưng đến tháng thứ ba là người ta quay sang người ta không đồng ý trả chúng em mức lương tối thiểu như thế mà người ta trả mức lương thấp hơn thế.

Trong số 19 anh em chúng em là có người sang trước người sang sau, anh em đã từng phản đối quyết liệt nhưng không làm gì được bởi vì người ta cứ giam hãm như cái cách đang giam hãm chúng em bây giờ nên buộc là một số anh em đành phải đi làm để nhận mức lương thấp để có tiền gởi về nhà.

Chúng em gọi về thì công ty trả lời là sẽ đàm phán với công ty Trung Quốc. Chỉ nhận được câu trả lời như vậy thôi mà sự việc không tiến triển một tí nào cả. Công ty cứ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, cứ nói là chúng tôi sẽ đàm phán

anh Duy

Được hỏi các anh có gọi về Công ty Cổ Phần Quốc Tế Nhật Minh để nhờ can thiệp không, anh Duy trả lời:

Chúng em gọi về thì công ty trả lời là sẽ đàm phán với công ty Trung Quốc. Chỉ nhận được câu trả lời như vậy thôi mà sự việc không tiến triển một tí nào cả. Công ty cứ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, cứ nói là chúng tôi sẽ đàm phán.

Hiện tại 9 công nhân được nói tới ở đây đều bày tỏ là họ muốn được công ty môi giới giúp can thiệp cho họ lấy lại hộ chiếu hầu có thể quay  trở về Việt Nam. Trong lúc cùng quẩn, anh Duy và các bạn được người bà con ở bên Đức góp ý là nên báo cho tổ chức BPSOS ở Hoa Kỳ biết:

Không những 9 anh em chúng em mà hiện tại 19 anh em không ai được cầm hộ chiếu ở người. Do cá nhân em có một người chị đang sống ở Đức, chị em rất bức xúc về vấn đề của tụi em. Các bạn của chị em với chị em có giới thiệu bên Ủy Ban Bảo Vệ Người Vượt Biển Và Chống Nạn Buôn Người thì chúng em gởi mail và đơn thư cầu cứu.

Trong mục đích tìm hiểu thêm vấn đề, Thanh Trúc gọi về Công ty Nhật Minh NAMICO, gặp ông phó tổng giám đốc Vũ Hải Việt, nghe ông giải thích:

Khi họ đi họ có ký hai hợp đồng , một hợp đồng ký với đơn vị là doanh nghiệp chúng tôi, là chúng tôi quản lý và đại diện cho họ trong các vấn đề tranh chấp. Hợp đồng thứ hai là ký với chủ, trong hợp đồng ký với chủ sử dụng thì có vấn để trả lương theo làm khoán.

Khi anh em sang trong 3 tháng đầu thì doanh nghiệp cũng nghĩ họ mới sang mà tay nghề chưa quen với bên đấy thì họ vẫn cho làm và họ tính lương công nhật tức là tính ra tiền đô tầm 580 đô một tháng. Đấy là theo đúng như hợp đồng . Đã làm xong 3 tháng rồi thì đến tháng thứ tư họ muốn chuyển sang cho làm khoán. Thì số anh em này là tay nghề kém và ý thức kỷ luật cũng kém cho nên không muốn làm theo mức khoán tại vì tình trung bình ra đưa anh em vào mức khoán thì có người chỉ được 70 tệ, 80 tệ , 90 tệ, có người làm tốt thì được 120.

Trong khi một số nhóm khác đã làm rồi thì họ được rất cao, có người được 150, người 180, có người được 200 một ngày.

Bây giờ nhóm anh em không đi làm thì họ đòi hỏi phải cho họ làm công nhật trong khi năng lực lao động của họ rất kém. Đấy, khúc mắc ở chỗ đấy thôi.

Công ty Nhật Minh NAMICO nói giải quyết triệt để là giải quyết như thế nào là câu hỏi tiếp của Thanh Trúc với ông Vũ Hải Việt:

Chúng tôi đưa giải pháp như thế này, tức là nhóm đình công từ ngày 11 tháng Tám thì vừa rồi chủ họ bảo có vài công nhân thực sự là kém thì có thể họ cho về nước. Số còn lại họ đồng ý là vì họ đang nợ anh em lương tháng Bảy và tháng Tám và họ đình công thì chủ nói bây giờ họ đồng ý trả hết và trả theo mức cao nhất là đủ 580 đô và yêu cầu anh em về vị trí làm việc.

Bên Việt Nam thì công ty Nhật Minh sẽ bỏ ra hỗ trợ một phần tiền thêm, khoảng tầm hai đến ba trăm đô nữa cho một người nữa để bù cái thời gian họ nghỉ đình công.

Theo ông Vũ Hải Việt thì đây là thiện chí rất lớn của Công Ty Nhật Minh NAMICO vì chuyện này hoàn toàn không phải lỗi của công ty, trong lúc công nhân cứ nhất quyết đòi về:

Mà phải hiểu đi ra nước ngoài làm việc thì việc tranh chấp giữa người làm với chủ sử dụng lao động có thể không thường xuyên nhưng mà cũng không thể tránh được nhiều trường hợp có thể xảy ra.

Công ty Nhật Minh đứng ra chắp mối bên này chắp mối bên kia để xử lý, xong xuôi rồi thì các anh phải quay lại làm việc để thực hiện nốt hợp đồng và các anh chỉ có vé về khi đã hoàn thiện đủ hai năm hợp đồng. Còn các anh không đủ hai năm hợp đồng thì xin mời các anh tự túc tiền vé về.

Câu hỏi sau cùng, mà rất nhiều người ở hải ngoại thắc mắc, là tại sao các công ty môi giới ở Việt Nam lại để cho những công ty sử dụng lao động ở nước ngoài thu giữ hộ chiếu của công nhân khi họ vừa chân ướt chân ráo đến nơi. Ông Vũ Hải Việt cho rằng  thu giữ hộ chiếu là chuyện hết sức bình thường:

Không chỉ Algerie mà tất cả các chủ sử dụng nước ngoài đều quản lý hộ chiếu của người lao động. Khi người lao động sang bên kia thì họ được làm một thẻ cư trú dài hạn để họ có quyền làm việc hợp pháp giống như người bản địa. Họ chỉ được trả lại hộ chiếu khi họ về nước.

Đấy là vấn đề quản lý tại vì khi mà giao hộ chiếu cho họ thì có thể nảy sinh vấn đề bỏ trốn hoặc ra ngoài kiếm việc khác.

Câu chuyện  về công nhân lao động Việt Nam ở Algeria xin được tạm ngưng nơi đây với mong ước thành phần bị thiệt thòi không phải những người lao động. Thanh Trúc vẫn tiếp tục theo dõi mọi diển biến để tường trình tiếp đến quí vị. Kính chào và xin hẹn lại tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.