Không được gia hạn hộ chiếu
Trường hợp điển hình của một người Việt Nam ở Cộng Hoà Czech, anh Đỗ Xuân Cang, từ Ba Lan qua Cộng Hoà Czech năm 2004, đã và đang là đối tượng chú ý của đại sứ quán Việt Nam ở Praha do đã viết bài trên Đàn Chim Việt, trước là báo giấy nay là báo điện tử ở Ba Lan, rồi lại tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một tổ chức chính trị của người Việt ở Pháp mà diễn đàn là tờ Thông Luận gồm báo giấy và báo online.
Từ Ba Lan, chị Mạc Việt Hồng, tổng biên tập báo Đàn Chim Việt, chia sẻ với Thanh Trúc:
"Trường hợp của anh Cang thực ra không phải là trường hợp cá biệt. Anh em tranh đấu cho dân chủ ở Tiệp Khắc nói riêng và ở Đông Âu nói chung thì đều gặp những sức ép nhất định từ Tòa Đại Sứ và từ phía trong nước. Anh Cang cũng không phải là người đầu tiên bị từ chối cấp hộ chiếu. Theo tôi biết thì những anh em trong nhóm diễn đàn trước kia ở Tiệp cũng từng gặp sức ép tương tự và ở Ba Lan này cũng đã có trường hợp bị Đại Sứ Quán từ chối cấp hộ chiếu.
Thế nhưng sự việc của anh Cang gây chú ý bởi vì anh ấy là một người không khoan nhượng, đã hai lần biểu tình trước Đại Sứ Quán mặc dù chỉ có một mình anh ấy thôi.
Ngoài ra thì anh ấy cũng viết nhiều bài trình bày về hoàn cảnh của mình, cũng như tranh đấu trước những áp bức của Đại Sứ Quán, đưa lên trang web của chúng tôi và phổ biến trên Thông Luận nữa. Cho nên trường hợp của anh gây được tiếng vang nhất định."
Ngày 22 tháng Mười Một năm 2011, đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Praha gởi một công hàm đến Sở Di Trú thuộc Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Czech, báo rằng hộ chiếu của anh Đỗ Xuân Cang sẽ hết hạn ngày 24 tháng Mười Một 2011, rằng mấy năm trước anh từng đến tòa đại sứ Việt Nam xin gia hạn và được chấp thuận, nhưng lần này vì không nộp đủ giấy tờ theo yêu cầu nên không được gia hạn, vì thế anh Đỗ Xuân Cang tự động biểu tình ngày 16 tháng Mười Một 2011 để chống nhà nước, chống đại sứ quán và chống lãnh sự quán Việt Nam.
Chính vì thế, công hàm của Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Praha viết tiếp, là anh Đỗ Xuân Cang có thể dùng sự kiện bị Tòa Đại Sứ Việt Nam từ chối gia hạn hộ chiếu để xin qui chế tị nạn tại Cộng Hòa Czech, và nếu anh Cang được cấp qui chế tị nạn thì sẽ là tiền lệ xấu tạo ra những phức tạp không mong muốn trong quan hệ hợp tác giữa các cơ quan thẩm quyền hai nước.
Ngay khi được tin này Thanh Trúc đã liên lạc với Toà Đại Sứ Việt Nam tại Praha để tìm hiểu quy định của một toà đại sứ Việt Nam khi viết một công hàm như thế có vi phạm nguyên tắc hay không, một viên chức ngoại giao ở đó trả lời:
"Tôi là cán bộ nhân viên của sứ quán, chúng tôi làm theo đúng chức năng và bài bản."
Ông nói nguyên văn là nếu anh Đỗ Xuân Cang tuân thủ và chấp hành những qui định hành chính thì phía đại sứ quán Việt Nam sẽ tiến hành đổi hộ chiếu như những trường hợp công dân khác chứ không phân biệt cũng không có gì khó khăn:
"Nhưng ngược lại anh ấy không làm mà anh ấy nói nghĩa vụ của cơ quan đại diện là phải đổi cho anh ấy. Công dân bao giờ cũng phải có trách nhiệm nghĩa vụ đối với nhà nước, thế thì phần nghĩa vụ của anh ấy về mặt hành chính mà anh không làm đối với nhà nước thì nhà nước chưa thể cấp chưa đổi cho anh cái hộ chiếu được. Cho nên phần này trước hết phải nói là từ phía anh ấy."
Trường hợp của anh Cang thực ra không phải là trường hợp cá biệt. Anh em tranh đấu cho dân chủ ở Tiệp Khắc nói riêng và ở Đông Âu nói chung thì đều gặp những sức ép nhất định từ Tòa Đại Sứ và từ phía trong nước.
Nhà báo Mạc Việt Hồng, Balan
Viên chức này cũng nhắc đến hành động biểu tình trước Lãnh Sự Quán Việt Nam của anh Đỗ Xuân Cang, cho rằng đó là một phản ứng không thích hợp của một người không chịu tuân thủ qui định của nhà nước Việt Nam cũng như yêu cầu của sứ quán ở Cộng Hòa Czech.
Thực tế từ năm 2008 anh Đỗ Xuân Cang đã phải vượt qua nhiều trở ngại, trải qua nhiều ngày chờ đợi mới được Đại Sứ Quán Việt Nam gia hạn hộ chiếu cho ở lại Cộng Hoà Czech. Trình bày những suy nghĩ những cảm nghiệm chừng như đã tích tụ chất chứa trong lòng anh từ lâu, anh kể:
"Tôi ở đây từ 2004, năm 2008 tôi đã một lần xin cấp hộ chiếu mới, nhưng cũng vì lý do họ cho rằng tôi là người chống đảng và nhà nước thành ra họ yêu cầu tôi phải viết một giấy cam đoan không chống đảng và nhà nước. Tôi cũng có nói tôi sẵn sàng viết nếu như các ông chỉ cho tôi thấy cụ thể việc nào gọi là chống đảng nhà nước. Nhưng mà không ông nào chỉ cho tôi thấy điều đó, chỉ nói tôi hoạt động tôi viết bài tôi tham gia hội họp cũng như tôi tổ chức hội họp.
Thì tôi vẫn viết đầy đủ cho họ một bản tường trình năm 2008 là tôi đã làm những việc ấy, và tôi khẳng định những việc ấy nằm trong quyền của tôi."
Vì sao?
Vậy đâu là những điều mà anh Đỗ Xuân Cang cho là nằm trong quyền của mình ở Cộng Hoà Czech:
"Bản thân tôi là thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Năm 2005 tôi có tổ chức buổi hội thảo của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, tham gia tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với những người đã tham gia Khối Hiến Chương 77. Tôi làm một cách công khai thành ra tôi có viết thư mời sứ quán đến tham dự bởi vì tôi nghĩ rằng trao đổi trên tinh thần đối thoại là một điều cần thiết.
Cũng như việc tôi tham gia biên soạn lại và xuất bản cuốn sách của hòa thượng Thích Thiện Minh và thêm những việc khác. Tôi cho rằng những việc đó hoàn toàn bình thường nằm trong quyền của tôi, không có gì giấu diếm đối với họ cả. Tôi không gặp cản trở nào của chính phủ Czech về vấn đề đó. Điều duy nhất tôi gặp là với nhà nước, chẳng hạn họ cho công an về gia đình tôi và có những hành động mang tính cách uy hiếp với gia đình tôi thôi."
Khi đó, tức năm 2008, Đại Sứ Quán Việt Nam tịch thu hộ chiếu của anh Đỗ Xuân Cang. Sau nhiều lần trở đi trở lại, cuối cùng hộ chiếu của anh được trả lại với những lời khất lần khất hồi là chưa thể gia hạn hộ chiếu vì trong nước không cho phép, yêu cầu anh viết giấy cam đoan không được có những hành động chống đảng và nhà nước:
"Và tôi đã viết nhưng có một điều là tôi không hứa nên họ không cấp cho tôi. Và vì đến sát thời hạn mà hộ chiếu của tôi hết hạn nên cuối cùng là tôi đành phải fax lên trên đó một tờ báo do tôi tự soạn lấy. Bằng những thông tin trong đó thì tôi tuyên bố rằng nếu không gia hạn hộ chiếu cho tôi thì tôi sẽ biểu tình trước Đại Sứ Quán và sẽ phát những tờ báo đó."
Sau đó thì tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam liên lạc với anh Đỗ Xuân Cang, gọi anh lên làm việc:
"Họ yêu cầu tôi một lần nữa là viết tờ giấy cam đoan, tôi bảo tôi không thể cam đoan để bị tước những quyền mà tôi cho là hiến định, các anh không thể chờ đợi điều đó. Vấn đề ở đây là trước quyết định của tôi như vậy thì các anh sẽ hành xử như thế nào. Tôi có bảo nếu các anh không cấp thì xin cho tôi một cái giấy là các anh không cấp hộ chiếu."
Cuối cùng anh Đỗ Xuân Cang được gia hạn hộ chiếu nhưng theo lẽ mười năm thì chỉ được ba năm mà thôi. Đó là lý do đến ngày 24 tháng Mười Một 2011 thì hộ chiếu của anh đáo hạn.
Một tuần lễ trước khi hộ chiếu ba năm hết hạn, anh Đỗ Xuân Cang lại đến Toà Đại Sứ Việt Nam ở Praha. Vẫn những câu trả lời như ba năm trước là không thể gia hạn hộ chiếu vì thuộc thanh phần có hoạt động chống đảng chống nhà nước, Đại Sứ Quán Việt Nam loan báo quyết định không gia hạn hộ chiếu cho anh.
Ngày 16 tháng Mười Một 2011, anh Đỗ Xuân Cang một mình đứng biểu tình trước Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Praha, phản đối quyết định không gia hạn hộ chiếu cho anh. Một tuần sau, ngày 23 tháng Mười Một 2011 anh biểu tình một lần nữa.
Hậu quả là bức công hàm của Đại Sứ Quán Việt Nam ở Cộng Hòa Czech gởi đến Sở Di Trú thuộc Bộ Nội Vụ Praha, yêu cầu không nên cấp qui chế tị nạn cho anh Đỗ Xuân Cang vì sẽ tạo tiền lệ xấu cùng những sự phức tạp không mong muốn trong quan hệ hợp tác giữa các cơ quan thẩm quyền hai quốc gia:
Ở bên này, ở Ba Lan, ở Tiệp, ở Đức, ở Nga, và tôi tin là có đông người Việt Nam đi từ miền Bắc, đều có hiện tượng tương tự. Tức là mức phí đặt ra thông thường rất thấp, thế nhưng Đại Sứ Quán thường thu gấp nhiều lần.
Nhà báo Mạc Việt Hồng, Balan
"Trước ngày biểu tình thứ hai tức ngày 22 thì họ gởi công hàm đó lên trên Sở Di Trú Bộ Nội Vụ Czech. Vì vấn đề đó nên Sở Di Trú Cộng Hòa Czech nói rằng tình hình của tôi là giấy tờ họ không gia hạn. Vì vậy tôi đã yêu cầu họ nếu có thể cho tôi khả năng di trú nào đó. Trước tình hình đó thì họ đã cấp cho tôi một giấy thông hành tạm thời trong vòng sáu tháng."
Theo quan điểm của anh Đỗ Xuân Cang, Đại Sứ Quán Việt Nam ở Praha thường sử dụng chuyện cấp giấy tờ hay gia hạn hộ chiếu để trấn áp hoặc gây khó dễ hoặc lạm thu mức phí không chỉ đối với riêng anh mà đối với rất nhiều cư dân Việt ở Cộng Hòa Czech. Nhưng người cán bộ nhân viên ngoại giao đã trả lời Thanh Trúc về trường hợp từ chối gia hạn hộ chiếu cho anh Đỗ Xuân Cang, phủ nhận không có chuyện thu lệ phí làm giấy tờ quá mức qui định:
"Khẳng định là không có đâu, chẳng qua bà con người ta không hiểu mà cái này thì chúng tôi đã giải thích rất nhiều lần."
Lạm thu

Bởi vì theo thông tư 236 của Bộ Tài Chính, ông giải thích tiếp, những trường hợp mất hộ chiếu và muốn cấp lại thì phải nộp một trăm năm mươi đô la mà theo tỷ giá hối đoái giữa hai nước khi qui đổi ra là bốn nghìn cua rôn (tiền Tiệp), vì thế khẳng định là không có chuyện lạm thu ở đây.
Còn theo anh Đỗ Xuân Cang, lạm thu cũng chính là vấn đề mà bản thân anh từng gặp. Anh kể có lần anh phải trả hai trăm đô la, tương đương với bốn ngàn cua ron Tiệp, chứ không phải một trăm năm chục đô la như qui định. Khi đó anh đã mạnh mẽ nêu thắc mắc với nhân viên sứ quán và được trả lại tiền. Từ chuyện này, anh đã thảo một bản kiến nghị gởi cho ông đại sứ Đỗ Xuân Đông, để nói rằng mọi vấn đề từ thủ tục lãnh sự, chuyện lạm thu tiền lệ phí của lãnh sự quán, và mọi sự hạch sách khác nữa, đều là cách hành xử không chấp nhận được:
"Tôi yêu cầu họ thay đổi và cho biết trong vòng một tháng nếu không có sự phúc đáp rõ ràng cho vấn đề đó thì tôi sẽ kêu gọi biểu tình."
Anh Cang cho biết những người mà anh sẽ kêu gọi biểu tình với anh cũng chính là những người không ít thì nhiều đã gặp khó khăn gặp sự sách nhiễu từ Đại Sứ Quán Việt Nam hoặc tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam ở Praha trước giờ.
Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Ba Lan góp tiếng:
"Ở bên này, ở Ba Lan, ở Tiệp, ở Đức, ở Nga, và tôi tin là có đông người Việt Nam đi từ miền Bắc, đều có hiện tượng tương tự. Tức là mức phí đặt ra thông thường rất thấp, thế nhưng Đại Sứ Quán thường thu gấp nhiều lần. Thông thường họ không có hóa đơn, nếu người nào yêu cầu thì họ chỉ đưa một hóa đơn có dấu xác nhận là đã nhận tiền nhưng trên đó không ghi số tiền cụ thể."
Chị cho hay chuyện này xảy ra rất thường mà phần lớn đồng bào Việt ở Đông Âu chấp nhận như một thói quen:
"Lý do mọi người dễ dàng cho qua như thế là bởi vì mọi người không muốn kiện tụng, có nói thì cũng không chính danh, vì họ sợ ảnh hưởng đến con đường đi về Việt Nam.
Thứ hai cũng xuất phát từ phía người dân Việt Nam ở đây là họ thường làm tắt. Chẳng hạn qui định của Đại Sứ Quán là khi anh nộp giấy tờ như thế này thì anh phải chờ hai tuần mới có hộ chiếu nhưng họ lại muốn một hai tiếng sau thì lấy ngay cho nên cái tiền mà họ trả mà đòi hỏi thủ tục gấp gáp như vậy nên phía đại sứ người ta cũng qua đó mà người ta lấy tăng số tiền lên gấp vài lần."
Ở bên này, ở Ba Lan, ở Tiệp, ở Đức, ở Nga, và tôi tin là có đông người Việt Nam đi từ miền Bắc, đều có hiện tượng tương tự. Tức là mức phí đặt ra thông thường rất thấp, thế nhưng Đại Sứ Quán thường thu gấp nhiều lần.
Nhà báo Mạc Việt Hồng, Balan
Với câu hỏi là chị nhận xét về sự tương quan giữa các cộng đồng Việt ở Đông Âu với cơ quan đại diện của mình tức Đại Sứ Quán hay Lãnh Sự Quán Việt Nam ở tại quốc gia đó, nhà báo Mạc Việt Hồng trả lời:
"Đa số người Việt không lúc này thì lúc khác cũng phải cần đến họ, xin đổi hộ chiếu xin cấp thị thực, giấy khai sinh cho con… Vẫn cần đến nhau nhưng mà sự phục vụ của cơ quan ngoại giao thì tôi nghĩ chưa có nước nào làm cho cộng đồng thực sự hài lòng cả."
Có nhiều chuyện cần được thay đổi, vẫn lời anh Đỗ Xuân Cang, bày tỏ không chỉ trong tư thế vừa bị Đại Sứ Quán Việt Nam ngăn cản việc hợp thức hóa giấy tờ và tình trạng di trú, mà trong tư cách người Việt sống xa nhà, với gạch nối về quê hương là Toà Đại Sứ hay Toà Tổng Lãnh Sự của đất nước mình trên xứ người.