Dân ca Việt Nam qua đàn dân tộc Bandura của Ukraine

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015.05.07
Dàn nhạc giao hưởng do nhạc trưởng Trần Khánh Hồng điều khiển tại Long Beach California, nhạc sĩ  Kateryna Myronyuk mặc áo trắng với cây đàn Bandura. Dàn nhạc giao hưởng do nhạc trưởng Trần Khánh Hồng điều khiển tại Long Beach California, nhạc sĩ Kateryna Myronyuk mặc áo trắng với cây đàn Bandura.
Photo Khoi Turner

Với nhiều người Việt Nam đang sinh sống tại Ukraine, đây là nơi đất lành chim đậu nếu không có chiến tranh, một nơi rất dễ sống khi mà  đa số người Việt gần như làm chủ chứ không làm công, làm thầy chứ không làm thợ.

Người Việt ở Ukraine chí thú kinh doanh buôn bán và không để ý đến chuyện gì khác. Ít ai biết nếu người Việt coi Đàn Tranh là nhạc cụ cổ truyền thì người Ukraine lại hãnh diện với cây đàn truyền thống Bandura có âm thanh du dương không kém Đàn Tranh nhưng âm vực thì rộng hơn nhiều so với ngũ cung trong đàn tranh. Về kỹ thuật trình diễn, người chơi đàn Bandura có thể cùng lúc vừa đàn giai điệu vừa đàn tiếng đệm của bè trầm vừa vỗ thùng đàn để hòa vào phần nhịp của trống tựa như khi đàn Tây Ban Cầm.

Âm nhạc Việt Nam ở Ukraina

Cuối tháng Tư vừa qua, quyển sách có tựa khá dài: Nghệ Thuật Và Sự Phát Triển Của Đàn Bandura Ukraina Trong Thế Kỷ XX Và Đầu Thế Kỹ XXI, Viện Cao Học Quốc Gia Ukraina ấn hành, nêu tên một người Việt ở Mỹ , ông Lê Văn Khoa, là một trong ba nhạc sĩ trên thế giới đã soạn nhạc cho đàn Bandura độc tấu với giàn nhạc giao hưởng.

Tác giả cuốn sách, tiến sĩ Violetta Dutchak, trong lời đề tặng nhạc sĩ Lê Văn Khoa, đã trân trọng trước sự đóng góp của ông vào sự phát triển và giao lưu văn hóa giữa người dân hai nước.

Đó là vì hai nhạc phẩm dân gian Việt Nam, Trống Cơm và Se Chỉ Luồn Kim, được nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa sử dụng để viết lại cho nhạc sĩ Ukraine trình diễn đàn trên cây đàn dân tộc Bandura của họ:

Chuyện tôi ao ước và tôi muốn tiếp tục là làm sao để cho thế giới biết đến Việt Nam qua âm nhạc. Âm nhạc mình có những cái hay nhưng vẫn còn là con số không trong biển cả âm nhạc mênh mông của thế giới. Cho nên tối cố làm được một chút gì đó cho người ta biết tới một Việt Nam đàng hoàng, một Việt Nam hòa bình.

Chuyện tôi ao ước và tôi muốn tiếp tục là làm sao để cho thế giới biết đến Việt Nam qua âm nhạc. Âm nhạc mình có những cái hay nhưng vẫn còn là con số không trong biển cả âm nhạc mênh mông của thế giới

Lê Văn Khoa

Năm 2005, nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa đến thủ đô Kyiv của Ukraine và đã bị chinh phục bởi cây đàn Bandura trên 60 dây dưới đôi tay tuyệt vời của nữ nhạc sĩ Kateryna Myronyuk:

Tôi muốn thực hiện cái Symphony Vietnam 1975 của tôi, lúc đó tôi viết nhạc không lời. Giàn nhạc giao hưởng của Ukraine sẵn sàng tiếp tôi thực hiện chương trình đó nên tôi qua Ukraine để thu thanh với Kyiv Symphony Orchestra. Phải nói rằng ban đầu thì họ ngờ vực lắm, họ không biết mình như thế nào. Khi trình diễn rồi thì các nhạc sĩ yêu cầu nhạc trưởng cho phép tôi để nhạc lại cho họ trình diễn. Tôi thấy đó là một vinh hạnh lớn cho mình.

Buổi tối cuối cùng tại Kyiv, tại nhà nhạc trưởng Taras Myronyuk, ông Lê Văn Khoa được nghe người vợ ông Taras là nhạc sĩ Kateryna Myronuyk, chơi đàn Bandura. Đây là cây đàn từ thế kỷ thứ III hay thứ VI ở Ukraine, kéo dài qua năm tháng và được cải biến nhiều lần, biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần ái quốc của người dân Ukraine trước sự đô hộ của người Nga:

Kateryna Myronyuk với đàn Bandura (Photo dung Vu)
Kateryna Myronyuk với đàn Bandura (Photo dung Vu)

Đàn Bandura bị Nga, bị Đức, bị Ba Lan tìm cách diệt nó mà diệt không nỗi. Chính Stalin đã tập trung lại một chỗ trên 300 nhạc sĩ rồi giết hết vì cớ họ dùng đàn đó để đàn những bài ca ái quốc, nuôi dưỡng tinh thần ái quốc trong quần chúng. Nó làm tôi liên tưởng phần nào với âm hưởng nhạc Việt Nam của chúng ta, nó rất giống tiếng đàn tranh của chúng ta nhưng nó có một âm trầm khác và âm vực của nó rộng hơn rất nhiều, nó đàn được cả những bán cung theo nhạc Tây Phương chứ không chỉ ngũ cung theo nhạc Á Đông.

Cô Kateryna Maryonuk đánh gọi là tiễn chân tôi lên đường và tôi thấy tiếng đàn đó rất lạ cho nên tôi hỏi cô những câu hỏi cần thiết rồi tôi hứa sẽ viết nhạc cho cô đàn và tôi đã làm điều đó. Tôi nghĩ làm sao phải đưa nhạc Việt Nam hòa nhập với nhạc cụ của Ukraine, cho nên tôi dùng dân ca Việt Nam tôi viết lại cho đàn Bandura trình diễn:

Đàn Bandura và nhạc dân tộc Việt Nam

Trống Cơm, nhạc phẩm dân gian quen thuộc của Việt Nam, được nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa viết lại cho đàn Bandura. Nhạc phẩm thứ hai là Se Chỉ Luồn Kim.

Năm 2007, trong chương trình nhạc Lê Văn Khoa tại thủ đô Kyiv của Ukraine, chính nhạc sĩ Taras Yanitsky, vị thầy Bandura của nhiều nhạc viện bản xứ, trình tấu bài Trống Cơm trên đàn Bandura với giàn nhạc thính phòng Kyiv.

Năm 2009, hai bản dân nhạc Việt trên đàn Bandura được nữ nhạc sĩ Kateryna Myronyuk sử dụng khi bảo vệ luận án tiến sĩ của cô từ học viện Tchaikowsky lừng danh của Ukraine.

Điểm quan trọng là chính những người thầy và những người nghiên cứu về Bandura rất đỗi ngạc nhiên là một người, không phải người Ukraine, đem âm nhạc của một quốc gia khác hòa nhập với âm nhạc của Ukraine. Cho nên khi cô Kateryna Maronyuk ra bảo vệ luận án tiến sĩ thì cô có đàn một bài của tôi viết cho đàn Ukraine thỉ cả hội đồng chấm thi ngạc nhiên qua, họ không ngờ chuyện đó xảy ra.. Cũng nhờ đó mà họ theo dõi cô và theo dõi công việc làm của cô.

Năm 2009, hai bản dân nhạc Việt trên đàn Bandura được nữ nhạc sĩ Kateryna Myronyuk sử dụng khi bảo vệ luận án tiến sĩ của cô từ học viện Tchaikowsky lừng danh của Ukraine

Năm 2008, chương trình Người Viết Lịch Sử Bằng Âm Nhạc do Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ tổ chức tại Long Beach, California, thính giả mộ điệu đã nhìn thấy và thưởng thức tài nghệ của cô Kateryna Maronyuk qua cây đàn Bandura cùng giàn nhạc giao hưởng do nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng điều khiển.

Lê Văn Khoa và Kateryna Myronyuk, 2 người đưa nhạc Việt ra thế giới qua ngả Ukraine
Lê Văn Khoa và Kateryna Myronyuk, 2 người đưa nhạc Việt ra thế giới qua ngả Ukraine

Năm 2010, chương trình nhạc thính phòng Ngợi Ca Tự Do, dưới sự điều hợp của nhạc trưởng Lê Văn Khoa cùng giàn nhạc giao hưởng Kyiv, bên cạnh cây đàn Bandura trong những nhạc phẩm dân gian Việt Nam, đã tới vùng thủ đô Washington.

Trong cuốn Nghệ Thuật Và Sự Phát Triển Của Đàn Bandura Ukraina trong Thế Kỷ XX và XXI phát hành cuối thang Tư vừa rồi, tiến sĩ âm nhạc Violetta Dutchak, giáo sư nhạc viện thuộc Cao Học Quốc Gia Ukraine, đã dành chương thứ sáu để nói về sự đóng góp của nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa cho cây đàn Bandura. Với những nhận xét chuyên môn, bà đã phân tích về kỹ thuật chuyển tải của ông Lê Văn Khoa từ nhạc dân gian Việt Nam sang những giai điệu dùng cho đàn Bandura,:

Họ cảm kích vì đó là một cách đưa âm thanh của đàn Bandura đi ra xa hơn quốc gia, mà họ chưa nghĩ tới thì mình đã làm rồi. Cho nên trong đó có ghi Lê Văn Khoa là một trong ba nhạc sĩ trên toàn thế giới có viết nhạc cho đàn Bandura với giàn nhạc giao hưởng. Có những người viết nhạc cho đàn Bandura mà thôi, nhưng viết để độc tấu với giàn nhạc giao hưởng phải là một trình độ khác, một khía cạnh khác mà ít người làm tới. Đó cũng là điều để phát triển thêm nhạc cụ của họ.

Xin thưa rằng đối với những người đàn Bandura thì họ đọc nốt nhạc rất giỏi, họ có thể đàn cái giai điệu, tức cái melody, có thể đàn tiếng bass tiếng đàn trầm đi với cái melody, nó phong phú hơn đàn tranh của chúng ta rất nhiều. Khi Kateryna trình diễn ở Washington DC hồi 2010 thì cũng được ghi trong sách xuất bản mới đây. Tôi nhận thư họ gởi qua chừng một tuần lễ trước, quyền sách đến tôi mới vài ngày đây thôi thành ra tin này tôi không dám loan ra ngoài trước.

Việc làm của nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa, đưa dân nhạc Việt đến với người dân nước khác bằng chính nhạc cụ của dân tộc đó, hoàn toàn được sự tán đồng của tiến sĩ Trần Quang Hải. Là người chuyên nghiên cứu nhạc cổ truyền của các dân tộc trên thế giới, từng làm việc trong viện Dân Tộc Nhạc Học trực thuộc Viện Bảo Tàng Con Người ở Paris, Pháp, tiến sĩ Trần Quang Hải nói:

Tôi lấy làm hãnh diện là có một nhạc sĩ Việt Nam đủ khả năng chuyển hai bài dân ca quan họ là Trống Cơm và Se Chỉ Luồn Kim để dùng trong giàn nhạc giao hưởng mà trong đó đàn Bandura là cây đàn độc tấu, tạo sự thân thiện giữa hai dân tộc qua âm nhạc cổ truyền của hai xứ. Đó là chuyện không phải ai cũng làm được, cái ý nghĩa là đóng góp vào gia tài âm nhạc của xứ Ukraine.

Với kiến thức uyên bác về nhạc dân tộc các nước, nhạc sĩ Trần Quang Hải phân tích tiếp:

Đối với tôi là làm sao đưa dân nhạc Việt Nam ra càng rộng càng tốt, bằng những phương tiện nào mình có thể làm được. Quan niệm đơn sơ của tôi là phải viết cho nhạc cụ của dân tộc đó đàn chứ không phải họ chỉ nghe mình đàn trên cái đàn của người Việt Nam thường đàn

Lê Văn Khoa

Từ nhạc ngũ cung chuyển qua một loại nhạc khác là nhạc thất cung hay nhạc Tây Phương thì trên 60 dây của đàn Bandura người ta cũng không cần thiết phải khảy tất cả những dây đó. Trên số 60 dây đó nhạc công co thể lựa chọn những giây no tạo ra một âm giai ngũ cung rất dễ dàng.tại mình chỉ bỏ những nốt nhạc thôi nhưng trong vấn đề viêt nhạc giao hưởng không phải là đàn ngủ cung mà thôi, nó có những phối hợp gọi là chuyển màu sắc làm thành những thanh âm khi thì ngũ cung khi thì thất cung. Anh Khoa là người thông hiểu được hai truyền thống âm nhạc Tây Phương và Việt Nam, hai truyền thống co thể đi chung được với nhau, tạo thành một sắc thái cho âm nhạc Ukraine có được cái âm sắc rất đặc biệt

Không riêng nhà dân tộc nhạc học Trần Quang Hải ở Paris, thân phụ ông ở Sài Gòn là giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê, người đã mang âm nhạc Việt Nam ra thế giới Tây Phương qua luận án đầu tiên về âm nhạc Việt từ năm 1958, sau này giảng dạy tại đại học Sorbonne của Paris, nói rằng ông vô cùng vui mừng khi nghe tin nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa chinh phục người yêu nhạc Ukraine bằng hai bản dân nhạc Quan Họ của Việt Nam trên cây đàn Bandura trong giàn nhạc giao hưởng Kyiv:

Sau cùng, theo quan niệm của sọan nhạc gia Lê Văn Khoa, một nhạc khúc Việt Nam trình tấu trên một nhạc cụ truyền thống của nước ngòai sẽ khiến cho nhạc khúc đó được người bản xứ lắng nghe và chú ý hơn:

Đối với tôi là làm sao đưa dân nhạc Việt Nam ra càng rộng càng tốt, bằng những phương tiện nào mình có thể làm được. Quan niệm đơn sơ của tôi là phải viết cho nhạc cụ của dân tộc đó đàn chứ không phải họ chỉ nghe mình đàn trên cái đàn của người Việt Nam thường đàn. Họ phải đàn được thì họ mới phổ biến được. Bằng cách đó người ta mới biết đến nhạc Việt Nam, bởi vì mình chỉ trình diễn một lần rồi mình đi thì ngừơi ta nghe người ta thưởng thức đó nhưng mà rồi người ta sẽ quên đi. Tôi muốn người ta còn lại cái gì đó. Riêng với đàn Bandura thì tôi có hy vọng hơn bởi vì Hội Bandura và trường Cao Học của Bandura họ đã nhìn nhận tôi rồi. Tôi nghĩ sau này tôi có gởi tác phẩm đến để họ tìm ngừơi trình diễn cũng dễ thôi.

Thực sự ra nhạc tối viết không chỉ cô Kateryna đã đàn ở Kyiv, Ukraine, mà cũng đã có nhiều nhạc sĩ và nhiều giáo sư Bandura khác đã trình diễn nhạc do tôi viết cho đàn Bandura. Đó là niềm vui chung cho âm nhạc Việt Nam .

Với nỗi vui và niềm mơ ước của nhà sọan nhạc Lê Văn Khoa trên hành trình dân nhạc Việt đi vào nhạc cụ xứ người, Thanh Trúc mạn phép ngưng mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi ở đây.

Kính chào và hẹn quý vị thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.