Giáo dục, chuyện nói hoài không hết

Từ lâu rồi, báo chí và dư luận xã hội đã nhiều lần lên tiếng về chất lượng yếu kém cũng như những vấn nạn của ngành giáo dục Việt Nam.

0:00 / 0:00

Nhà nước Việt Nam cùng với Bộ, ngành giáo dục cũng liên tục cải cách, thay đổi…Nhưng có điều là công luận càng lên tiếng thì những vấn đề của ngành giáo dục càng bừa bộn; càng cải cách, sửa chữa thì càng nát hơn …Những năm gần đây, môi trường giáo dục lại phơi bày ra thêm nhiều hiện tượng nhức nhối: từ tệ quay cóp trong thi cử của học trò cho đến đạo văn, “luộc” sách, mua bằng, chạy bằng của các giáo sư, phó tiến sĩ…; tệ bạo lực học đường, mua tình bán điểm, thậm chí mua dâm cưỡng dâm học trò tuổi vị thành niên…; tình trạng đại học mọc lên vô tổ chức, tình hình giáo dục đại học đáng báo động v.v…

Bức tranh giáo dục Việt Nam

Có thể nói không ngày nào mà không có những tin tức, bài viết đáng buồn về chất lượng cũng như những tệ nạn đang xảy ra trong môi trường giáo dục ở Việt Nam xuất hiện trên báo chí cũng như các trang blog, khiến người có tâm với sự nghiệp trồng người của nước nhà và tương lai của các thế hệ con cháu đều hết sức lo ngại.

Đau đớn hơn, quả "thôi sơn" của đám trẻ mang tính côn đồ còn nhằm thẳng vào mặt cha mẹ và ngành giáo dục. Những người từng sinh thành và nuôi dậy chúng đã bị knock-out.

Blogger Hiệu Minh

Mấy tháng gần đây, dư luận liên tục bàng hoàng vì nhiều vụ việc có liên quan đến ngành giáo dục. Như vụ ông Sầm Đức Xương, hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ở Hà Giang không những đã cưỡng dâm và mua dâm hàng chục học trò đang tuổi vị thành niên, mà còn ép buộc các em phải quan hệ với hàng loạt quan chức, nhân vật quan trọng trong vùng để có lợi cho mình; vụ hàng loạt video clip nữ sinh đánh nhau phản ánh vấn đề bạo lực học đường thật ra đã xảy ra lâu nay, nhiều người gọi đó là “cái tát vào mặt ngành giáo dục”còn blogger Hiệu Minh thì dùng chữ “Dục đấm”. Trong bài “Văn ‘dâm’, dục ‘đấm’… dân đo ván”, tác giả viết:

“Đau đớn hơn, quả “thôi sơn” của đám trẻ mang tính côn đồ còn nhằm thẳng vào mặt cha mẹ và ngành giáo dục. Những người từng sinh thành và nuôi dậy chúng đã bị knock-out.”

Tác giả kết luận: "Có Văn "dâm" thì dễ có cả Giáo dục "đấm" và dân ta sẽ còn bị những cú knock-out. Câu hỏi ở đây là, lỗi của con trẻ hay của chính người lớn chúng ta?"

Nhà văn Nguyễn Quang Lập than thở: "Cứ mỗi ngày vào mạng lại thấy ít nhất một vụ bạo lực học đường, hết chuyện học sinh đánh nhau đến sinh viên đánh nhau, tùm lum tùm la. Một video clip nữ sinh đánh hội đồng được tung lên gây dư luận xôn xao, lập tức có hàng chục hàng trăm cái clip tương tự được tung lên tối tăm mặt mũi.

Chuyện nam sinh đánh nhau có từ tám hoánh, chẳng phải bây giờ, xưa cũng đánh nhau túi bụi, cũng băng nọ đảng kia, khoa này tẩn khoa kia, trường này trị trường nọ, có điều chỉ thượng cẳng chân hạ cẳng tay rồi thôi, ngay nay tiến lên đâm chém giết hiếp, thất kinh.

Có quá nhiều chuyện nam sinh từ đánh nhau tiến lên giết nhau, đâm chết bạn ngay cổng trưởng, đâm luôn thầy giáo nhảy vào can gián. Sinh viên cùng nhà trọ đánh nhau, chủ nhà can ngăn, lập tức đâm chết luôn nhà trọ. Ôi thôi, kể không xuể.

Thì thầy giáo còn táng nhau nữa là sinh viên. Giáo viên tẩn giáo viên, giáo viên tấn công hiệu trưởng, hiệu trưởng đấm vỡ mũi giáo viên. Cả nữ hiệu trưởng cũng tung chưởng kungfu hạ gục ngay nữ giáo viên tại phiên họp hội đồng…”

Một trường học tại Việt Nam với khẩu hiệu
Một trường học tại Việt Nam với khẩu hiệu "Vì lợi ít trăm năm trồng người". Photo courtesy of NguyenDucDungblog.

Nhà phê bình nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn thì thẳng thắn chỉ ra “Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt”. Trò đánh trò chưa đủ, thầy đánh trò và trò đánh thầy dẫn đến cô giáo thì bị gãy răng còn trò thì bị đuổi học như vụ xảy ra tại trung tâm giáo dục thường xuyên quận Thủ Đức, TP.HCM ngày 26.3.2010. Thời buổi văn hóa đạo đức mọi thứ đều xuống cấp, nhiều thầy cô đôi khi cũng có những cách hành xử, trừng phạt học trò rất phản sư phạm như bắt học trò nuốt phấn, liếm ghế hay gần đây, một cô giáo dạy thể dục tại một trường THPT của TP.HCM phạt học trò nam bằng cách nhéo vào đùi non ngay sát chỗ kín; một cô giáo bắt các em học sinh nam lớp 8 trường PTCS Nguyễn Văn Bé, quận Bình Thạnh, TP.HCM xếp hàng rồi tát vào mặt các em…

Vụ đạo văn, “luộc sách” lại một lần nữa được xới lên khi GS-TS Trần Ngọc Thơ (Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) bị “luộc” sách và sau khi ông công khai vụ này với giới truyển thông thì liền nhận được tin nhắn hăm dọa. Báo chí chính thống còn vào cuộc khui ra thêm hàng loạt vụ khác. Nhiểu người đã phải gọi đó là nạn “tham nhũng học thuật.” Báo Người Lao Động có bài “Tham nhũng học thuật lan tràn”-hậu quả của “xã hội bằng cấp”, liệt kê hàng loạt vụ “đạo văn”, ăn cắp tương tự…

Quản lý yếu kém

Ông Nguyễn Thiện Nhân đã ra đi, để lại sau ông hàng loạt những tuyên ngôn, tuyên bố, những chính sách đối với ngành giáo dục - đào tạo do ông khởi xướng.

Blogger Phạm Viết Đào

Gần đây nhân vụ Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, người đứng đầu ngành giáo dục, sẽ rời bỏ chức vụ Bộ Trưởng để chuẩn bị cho những công việc mới, trên một số trang blog có bình luận về việc này. Trong bài "Em vẫn như ngày xưa" tác giả Hồ Như Hiển điểm lại hàng loạt việc làm có tính cách phong trào của vị bộ trưởng này trong thời gian ông tại chức, từ việc đề ra chính sách cải cách nền giáo dục Việt Nam với tiêu chí: "chống bệnh thành tích trong học tập và tiêu cực trong thi cử", "xây dựng một phương pháp học sáng tạo, thực chất, học là phải dùng được", "đổi mới phương pháp học tập theo xu hướng tiên tiến của thế giới"; tiếp theo, mở đầu năm học 2006 - 2007 ông thực hiện cuộc vận động hai không: "Nói không với tiêu cực trong thi cử" "Nói không với việc chạy theo thành tích" bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước phải làm theo; năm học 2007 - 2008 ông đưa ra chủ trương "năm không" gồm: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo…

Cuối tháng 12 năm 2007, ông đề xuất một ý kiến: "ghi số tiền sinh viên vay nợ trên bằng tốt nghiệp" dẫn đến một cuộc tranh cãi gay gắt. Đầu năm 2008, ông đệ trình chính phủ về việc tăng học phí cho giáo dục bậc đại học, tăng trách nhiệm tự chủ tài chính cho các trường đại học…Sau hàng loạt những phong trào này cộng thêm một vài vụ tai tiếng trong cách hành xử, ăn nói của ông Nguyễn Thiện Nhân, cho đến ngày ông rời chức vụ, ngành giáo dục vẫn bề bộn như cũ, lại còn thêm xảy ra thêm nhiều tệ nạn khác…Tác giả Hồ Như Hiển viết: "Khi mới nhậm chức Bộ trưởng, ông đã đem lại biết bao hi vọng cho giáo giới khi thấu hiểu cuộc sống cơ cực của họ rằng, xoá bỏ Tại chức là đập vỡ niêu cơm của rất nhiều giảng viên, rằng từ 2010 giáo viên sẽ sống được bằng nghề, rằng, nếu không đưa được nền Giáo dục nước nhà đi lên, ông sẽ không làm Bộ trưởng...

Nay đã sang quý II năm 2010, nhiều giáo viên cắn răng lấy tinh thần yêu nghề cầm cự chờ đến 2010 của ông. Ba tháng đầu năm, giá cả leo thang, đời sống nhân dân nói chung, những người cầm phấn nói riêng khó khăn, thiếu thốn trăm bề... Cục trưởng cục quản lí giá Bộ Tài chính thì mải đi đóng phim bên Trung Quốc, vậy mà Bộ trưởng Nhân lại đành lòng dứt áo ra đi.

Nhưng Bộ trưởng là người trọng khí tiết, nói là làm. Nền Giáo dục nước nhà sau bốn năm được ngài cầm cương khe khẽ hát câu "em vẫn như ngày xưa". Ông không làm Bộ trưởng nữa thật. Ông làm Phó thủ tướng.”

Ông Nguyễn Thiện Nhân. Photo courtesy of sonadezi.edu.vn
Ông Nguyễn Thiện Nhân. Photo courtesy of sonadezi.edu.vn

Blogger Phạm Viết Đào cũng có cùng một nhận định trong bài "Bộ trường Nguyễn Thiện Nhân: thăng tiến hay "bỏ trống mà chạy lấy dùi"? "Ông Nguyễn Thiện Nhân đã ra đi, để lại sau ông hàng loạt những tuyên ngôn, tuyên bố, những chính sách đối với ngành giáo dục-đào tạo do ông khởi xướng rất chi là vang động y như trống hội khai trường. Chưa ai tổng kết được những chính sách, chủ trương liệu pháp có vẻ sốc mà ông đề ra đó cho đến lúc ra đi hiệu quả được bao nhiêu phần trăm? Do vậy, việc thuyên chuyển của ông dân vỉa hè có người thì đoán ông thăng tiến, cũng có người bảo ông bỏ trống mà chạy lấy dùi."

Nhà báo Trương Duy Nhất thì tự hỏi "Giáo dục triều ông Nhân để lại ấn tượng gì, và dự báo cho giáo dục thời bất Nhân (không còn ông Nhân) sẽ ra sao?. Cũng điểm lại hàng loạt việc làm của ông Nhân, nhà báo Trương Duy Nhất cho rằng "Hàng loạt ý tưởng và chính sách từ ông đã thật sự cuốn thổi mặt bằng giáo dục sôi sóng. Đây là những chủ trương, phong trào đã trở thành "thương hiệu" cho giáo dục thời Nguyễn Thiện Nhân…" Tuy nhiên, cũng như các tác giả trên, nhà báo Trương Duy Nhất nhận xét: "Chưa thấy thời nào, triều đại nào mà ngành giáo dục lại phơi bày một khuôn diện nhem nhuốc, bầm vấy như thời ông Nhân…." Và:"Mức độ thành công và sự chuyển hóa của nền giáo dục thời ông Nhân đến đâu vẫn còn phải đợi… thời gian, cho dù ông đã đi khỏi Bộ Giáo dục. Ngay cả những dấu ấn được coi là thành công của ông vẫn đang được dư luận bàn xét và nhìn nhận theo hai chiều trái ngược. Người bảo ông có công. Nhưng cũng không ít lại bảo chính ông làm xấu đi khuôn diện giáo dục vốn đã quá nhiều tì vết và nhem nhuốc.

Với tôi, đọng lại là hình ảnh một vị Bộ trưởng Giáo dục thích viết thư (cứ có dịp là viết, khai trường, bế giảng, ngày nhà giáo, cuối năm, đầu năm… viết thư cho học sinh sinh viên, cho thầy cô giáo, cho phụ huynh, cho lãnh đạo các tỉnh thành cả nước…) và chuộng các phong trào hình thức.

Nhưng dù gì, công bằng mà nói, trong 4 năm ông Nhân đã gây dựng được một hình ảnh ấn tượng, cho cả cá nhân ông cũng như cho ngành giáo dục, ở cả hai nghĩa: cộng lẫn trừ.”

Cần một định nghĩa mới

Trong bài “Nỗi buồn giáo dục Việt Nam” đăng trên trang blog giaoducvietnam, tác giả Vũ Thị Phương Anh tâm tình:

“Tôi vẫn luôn tin rằng giáo dục là con suối trong, từ đó luôn chảy ra dòng nước ngọt ngào tưới mát tâm hồn mọi người và rửa sạch các vết nhơ của xã hội. Nhưng nay cả dòng nước ấy cũng đã bị ô nhiễm nặng nề rồi thì biết lấy gì mà uống cho qua cơn khát, hoặc rửa các vết nhơ đây?

Cần định nghĩa lại về giáo dục Việt Nam, nếu không định nghĩa được cụ thể và hợp lý thì chúng ta sẽ tiếp tục quẩn quanh trong lối mòn bao lâu nay, và giáo dục nước nhà ngày càng đi xuống.

Blogger Ngô Minh Trí

Nếu bảo rằng giáo dục là ngành công nghiệp chế tạo ra sản phẩm là con người, thì với một nền giáo dục xuống cấp trầm trọng như vậy, những con người VN được tạo ra còn có thể như thế nào, nếu không phải là những gì chúng ta đọc được trên báo chí hàng ngày như hiện nay?”

Blogger Ngô Minh Trí đặt vấn đề "Cần một định nghĩa mới cho giáo dục Việt Nam": "Thật sự, đã đến lúc chúng ta cần định nghĩa lại về giáo dục Việt Nam, nếu không định nghĩa được cụ thể và hợp lý thì chúng ta sẽ tiếp tục quẩn quanh trong lối mòn bao lâu nay, và giáo dục nước nhà ngày càng đi xuống.

…Liệu giáo dục có phải chỉ để tạo ra học sinh giỏi, cái này cũng không phải ,bởi chúng ta đang phải đối mặt với bệnh thành tích trầm kha và có hàng đàn hàng đàn “gà công nghiệp” trong các trường chuyên.

Nhìn qua các nước phát triển, đặc biệt là các nước có nền giáo dục phổ thông được cả thế giới đánh giá cao, người ta không hề định nghĩa giáo dục đi kèm với những thành tích học tập này nọ mà giáo dục chính là giúp một con người tự hoàn thiện, tự phát triển lấy bản thân, làm việc họ cảm thấy phù hợp nhất và hiểu được cộng đồng xung quanh cần gì ở họ nhất.”

Và: “nếu muốn có được thành tựu thì trước khi làm đúng phải nghĩ đúng. Bao năm qua, chúng ta vẫn chỉ nghĩ đơn thuần rằng “giáo dục là dạy học”, điều này không sai nhưng không thể xem đó là định nghĩa đúng của một nền giáo dục.” Tác giả kết luận: “Một quốc gia chỉ có thể phát triển khi nền giáo dục của nó được định nghĩa rõ ràng, bởi kết quả “đầu ra” của giáo dục chính là chất lượng “đầu vào” trên con đường quốc gia ấy phát triển.”

Một nền giáo dục sai lầm, yếu kém không chỉ ảnh hưởng đến hàng triệu con người, hàng thế hệ mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển lâu dài và bền vững của một đất nước, một dân tộc. Khi nhìn vào thực trạng của nền giáo dục Việt Nam lâu nay, chúng ta thực sự thấm thía về điều này.

Theo dòng thời sự: