Cho nước ngoài thuê rừng, lợi bất cập hại

Nhiều chuyên gia trong giới khoa học, quân sự… đã lên tiếng phản đối việc cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn, đến nay dư luận vẫn tiếp tục xôn xao về vấn đề này.
Nhật Hiên, thông tín viên RFA
2010.03.12
Hình chụp đất dành cho dự án “Trồng rừng nguyên liệu tại Quảng Nam” do Công ty Innov Green (Hồng Kong-Trung Quốc) thuê đất sử dụng dự kiến là 30.000ha. Hình chụp đất dành cho dự án “Trồng rừng nguyên liệu tại Quảng Nam” do Công ty Innov Green (Hồng Kong-Trung Quốc) thuê đất sử dụng dự kiến là 30.000ha.
Photo courtesy of Innov Green.

Kể từ sau bài viết của trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cảnh báo về việc một số tỉnh biên giới phía Bắc cho các công ty nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn để trồng rừng nguyên liệu cho đến nay đã hơn một tháng trôi qua nhưng công luận vẫn tiếp tục xôn xao. Vấn đề mà hai ông khơi lên đã trở thành cả một sự cố trong đời sống xã hội Việt Nam, ai biết chuyện cũng phải quan tâm. Một số bài báo đã lên tiếng. Và trên các trang blog hoặc các trang mạng độc lập, nhiều nhà trí thức, nhà dân báo vẫn tiếp tục lên tiếng trước “hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt”, như lời của hai vị lão tướng.

Tác hại quá rõ

Cái hại của việc cho thuê đất rừng đầu nguồn là quá rõ ràng, đã được hai vị tướng nêu ra trong bài viết nói trên. Trong lần trả lời phỏng vấn báo Pháp luật TP.HCM, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh lại nhắc lại những nguy cơ tiềm ẩn khó kiểm soát của sự việc:

“Người ta có thể chặt phá, khai thác bừa bãi mà hậu quả sẽ hết sức nghiêm trọng: thủy lợi hết nước, lũ lụt, lũ quét đổ về đồng bằng. Đó là chưa kể mối đe dọa về an ninh quốc phòng. Cho thuê dài hạn lại càng không thể được. 50 năm là quá dài, ba thế hệ chứ có ít đâu. Phía doanh nghiệp nước ngoài sẽ đưa người sang khai thác, làm nhà, định cư, hình thành những cộng đồng dân cư ở một số vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng…”.

Người ta có thể chặt phá, khai thác bừa bãi mà hậu quả sẽ hết sức nghiêm trọng: thủy lợi hết nước, lũ lụt, lũ quét đổ về đồng bằng.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Bên cạnh nỗi lo về an ninh quốc phòng, Đại biểu quốc hội Nguyễn Đình Xuân còn lo ngại về đời sống của người dân, nhất là đồng bào miền núi, sẽ bị xáo trộn, khó khăn một khi mất rừng. Ông nói:

“Nên nhớ rằng người dân, nhất là đồng bào dân tộc sống bằng tài nguyên của rừng… Nếu giao đất, giao rừng cho nhà đầu tư nước ngoài, dân sẽ không còn rừng để sống, thì, họ vừa lâm vào cảnh khó khăn về vật chất, vừa làm mai một đi nền văn hóa gắn chặt với rừng.Tôi được biết vừa rồi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có hướng dẫn là khi Nhà nước thu hồi rừng thì chỉ bồi thường cho chủ rừng chi phí đầu tư. Như vậy họ không được bồi thường về đất và tài nguyên rừng tương tự như đất nông nghiệp của người miền xuôi. Điều này sẽ đẩy người dân địa phương vào khó khăn, mất kế sinh nhai, gây ra nhiều vấn đề xã hội khác”.

Thực tế đã chứng minh ngay những điều lo ngại này. Phóng sự “Tận mắt chứng kiến việc giao đất rừng cho người nước ngoài” đăng trên tuanvietnam.net đã kể lại tình cảnh khó khăn của nhiều người dân ở xã Đông Quan (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) khi nghe theo lời hứa được đền bù đất, được mở đường, đưa điện vào thôn và tạo công ăn việc làm cho người dân của Công ty Innov Green (Hồng Kong-Trung Quốc) nên đã đồng ý giao đất giao rừng cho họ. Thế nhưng sau đó người dân vừa bị mất đất, vừa phải trở thành người làm thuê vất vả ngay trên đất của mình mà tiền công còn bị nợ nói gì đến tiền bồi thường từ đất rừng, còn những lợi ích khác thì không thấy…

Cũng theo đại biểu quốc hội Nguyễn Đình Xuân: “Trong các dự án trên, vấn đề di dân tái định cư chưa được đặt ra nghiêm túc và nếu chúng ta không đảm bảo được cho cuộc sống của những người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ xảy ra nguy cơ họ bỏ đi sang những cánh rừng khác và tiếp tục phá rừng để sinh sống. Như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ mất rừng ở những khu vực khác”.

Vườn ươm cây Bạch Đàn giống của Công ty Innov Green. Photo courtesy of Innov Green.
Vườn ươm cây Bạch Đàn giống của Công ty Innov Green. Photo courtesy of Innov Green.

Và người nước ngoài trồng gì trên đất rừng của ta? Ông Dean Wu, người Đài Loan, Tổng Giám đốc InnovGreen Việt Nam trả lời phỏng vấn đài BBC: “Chúng tôi trồng bạch đàn, là loại cây rất phổ biến tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)”.

Theo đại biểu quốc hội Nguyễn Đình Xuân: “Đây là loại cây mà nhiều nhà khoa học trước đây đã phản đối vì nó không phải là cây bản địa, không duy trì sự đa dạng sinh học, làm hệ sinh thái trở nên nghèo nàn và có hại cho đất”.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập trong bài “Sống chết mặc bay” đăng trên trang blog của mình cũng cho biết: “Bạch đàn là loài cây giết đất, ở đâu có cây bạch đàn thì ở đây đến cỏ cũng không mọc nổi đừng nói đến cây khác.”

Nhà văn còn chỉ ra trước đậy, chính chủ tịch hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười đã từng ra chỉ thị cấm trồng bạch đàn bừa bãi như sau: “Từ nay trở đi, việc trồng rừng bạch đàn tập trung nhất thiết phải thực hiện phương thức thâm canh, hỗn giao thích hợp với các loài cây họ đậu hoặc các loài cây bản địa khác; tuyệt đối không trồng bạch đàn để phòng hộ đầu nguồn, không trồng bạch đàn ở nơi núi cao, đất quá dốc. Nghiêm cấm việc chặt phá rừng tự nhiên, kể cả rừng nghèo kiệt để trồng bạch đàn”.

Lãnh đạo nhiệm kỳ này đưa ra quyết định, nhiệm kỳ sau mới thấy tác hại thì không còn ai đứng ra chịu trách nhiệm nữa.

Bà Phạm Chi Lan

Đại biểu quốc hội Nguyễn Đình Xuân cũng thắc mắc: “Theo tôi, nếu cần kêu gọi các dự án nước ngoài đầu tư cho lĩnh vực lâm nghiệp thì cần phải chứng minh rằng các dự án đó ưu việt hơn so với dự án mà người dân hay các công ty trong nước đang đầu tư, hoặc họ có trình độ quản lý tốt hơn, còn nếu chỉ để trồng bạch đàn thì đâu cần đến nhà đầu tư nước ngoài”

Nghĩa là cũng như dự án cho nước ngoài vào khai thác bauxite ở vùng Tây Nguyên đã bị đông đảo nhân dân phản đối dữ dội gần đây, dự án cho thuê đất rừng đầu nguồn này rõ ràng lợi ít hại nhiều, cái lợi thì ngắn hạn mà cái hại thì lâu dài và không lường hết được. Nhưng vì sao những dự án kiểu như vậy vẫn được các cấp chính  quyền Việt Nam nhắm mắt thực hiện bất kể hậu quả ra sao?

Tư duy nhiệm kỳ

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Tổng thư ký và Phó chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, khi trả lời phỏng vấn trang bee.net.vn đã chỉ ra một số nguyên nhân đưa đến những hành động vô trách nhiệm, gây tác hại cho đất nước này, trong đó, theo bà:

“Quan trọng nhất là năng lực thẩm  định dự án của cấp tỉnh còn chưa tốt, do “quan trí” ở một số nơi chưa cao, trong khi các cơ quan trung ương lại chưa làm tốt vai trò hỗ trợ, phối hợp, giám sát các địa phương trong lĩnh vực này. Hầu hết quyết định thường do lãnh đạo đưa ra, thiếu sự phản biện hoặc tham vấn giới chuyên môn hoặc các đối tượng liên quan một cách nghiêm túc. Chưa kể, tư duy nhiệm kỳ và cách đánh giá của chúng ta hầu như không có tính hồi tố dễ dẫn đến lãnh đạo nhiệm kỳ này đưa ra quyết định, nhiệm kỳ sau mới thấy tác hại thì không còn ai đứng ra chịu trách nhiệm nữa”.

Chính phủ một không gian điều hành lớn hơn, đặc biệt là chính quyền trung ương, bởi “chúng ta phân cấp quá nhiều và bây giờ đang phải đối mặt với các hệ lụy của nó.

Ô. Nguyễn Đình Cung

Cụm từ “tư duy nhiệm kỳ” cũng được mà blogger người buôn gió đề cập đến trong bài “Phát triển kinh tế hay tư duy nhiệm kỳ”:

“Ở nhiệm kỳ của mình, vị lãnh đạo nào cũng muốn thể hiện được việc gì đó rõ ràng mang ích lợi về cho địa phận mình quản lý. Ở tình trạng dân chúng làm ăn tư duy manh mún, chụp giật, cán bộ dưới quyền quan liêu , năng lực yếu, bộ máy hành chính cồng kềnh những vận hành trì trệ, không ăn khớp… để giải quyết hạ tầng năng lực, tư duy ở một địa phương như vậy, nhà lãnh đạo cần bao nhiêu năm? Giải quyết vấn đề phi vật thể như vậy, công sức bỏ ra nhiều, thời gian cũng nhiều mà kết quả không thể đánh giá được ngay. Người lãnh đạo cầu toàn thường hay chọn cho mình phương án tối ưu nhất trong thời gian mình lãnh đạo địa phương. Và cách thu được tiền bạc nhanh nhất là cho thuê đất, đào tài nguyên đem bán lấy tiền? Nhất là không thể không nói đến những khoản hoa hồng cho người đặt bút ký.

Nhiệm kỳ 10 năm làm vậy, thì các lãnh đạo khác của 40 năm sau này còn gì để thuê, còn gì để khai thác. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì chỉ thêm vài nhiệm kỳ nữa, con người Việt Nam còn chưa chắc thuộc về mình chứ đừng nói đến đất đai, tài nguyên, chủ quyền, văn hóa…”.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng nói gần như vậy, “nhiệm kỳ nào nhớ chỉ thị của nhiệm kỳ đó” nên bây giờ nhiều nhà lãnh đạo địa phương khi đặt bút ký thông qua dự án cho thuê đất rừng trồng bạch đàn đã quên mất trước đây chủ tịch hồi đồng bộ trưởng Đỗ Mười từng cấm trồng bạch đàn bừa bãi, hay ngay trong luật pháp của nhà nước Việt Nam có ghi: “Khoản 1, điều 30 của Luật Đầu tư hiện hành quy định “Cấm đầu tư các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích cộng đồng”.

Khoán trắng cho địa phương

Một nguyên nhân nữa mà báo chí cũng đã đặt ra đó là tình trạng phân cấp theo kiểu “khoán trắng” cho các địa phương, nhưng lại thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành, thiếu cơ chế giám sát, hậu kiểm. Trong bài “ Từ “phân cấp” đến cát cứ” nhà báo Phan Vĩnh tức blogger Bút Lông gọi đó là “nạn cát cứ” của các chính quyền địa phương trong việc sử dụng nguồn lực.

Cán bộ địa phương huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh thăm đất rừng cho Công ty Innov Green thuê. Photo courtesy of Innov Green.
Cán bộ địa phương huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh thăm đất rừng cho Công ty Innov Green thuê. Photo courtesy of Innov Green.
Tác giả dẫn lời ông Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “đề xuất cần cho Chính phủ một không gian điều hành lớn hơn, đặc biệt là chính quyền trung ương, bởi “chúng ta phân cấp quá nhiều và bây giờ đang phải đối mặt với các hệ lụy của nó. Chính sách phân cấp hiện đã giới hạn không gian phát triển kinh tế ở địa phương. Giới hạn đó bó hẹp, phân tán quá, không đảm bảo quy mô phát triển”.

Còn ở góc độ chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng thì quá rõ: sự cát cứ mang“tư duy nhiệm kỳ” chạy theo thành tích bắt đầu đưa tới những hệ lụy nghiêm trọng mà cảnh báo của hai tướng Đồng Sỹ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh đã khá cụ thể.

“Cơ chế do chúng ta tạo ra và chúng ta có thể sửa đổi được”. Ông Cung nói và điều cơ bản là chúng ta muốn làm hay không”.

Một khi đã ký, có cách nào rút lại để sửa sai? Cũng trong bài phỏng vấn đăng trên trang bee.net.vn nói trên, khi trả lời câu hỏi của phóng viên: “Đặt giả thiết các dự án đầu tư nói trên có sai phạm, liệu có cơ sở pháp lý nào để rút giấy phép đầu tư không?” nhà nghiên cứu Phạm Chi Lan đã nói: “Trước hết theo tôi cần rà soát lại toàn bộ các dự án đó xem có phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư hiện hành và với quy hoạch quốc gia không. Nếu dự án nào không phù hợp thì cương quyết rút phép lại. Điều đó hoàn toàn có thể làm được.

Khoản 4, điều 72 của Luật Đầu tư về Thay đổi nội dung, hoãn, đình chỉ, hủy bỏ dự án đầu tư nêu rõ: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn, đình chỉ hoặc hủy bỏ dự án đầu tư phải xác định rõ lý do và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

Nhà văn Phạm Viết Đào thì gợi ý “ Chính phủ nên áp dụng cách ứng xử với báo chí để xử lý vụ cho thuê rừng”, như vận dụng khái niệm: vấn đề nhạy cảm, không phù hợp với lợi ích quốc gia để có thể ban hành quyết định hủy các dự án mà các tỉnh đã cho người Trung Quốc thuê 305.354 ha rừng vừa qua…

Người dân nói chung đang chờ xem chính quyền sẽ quyết định như thế nào trong vụ này, hay lại cũng như vụ bauxite, nghĩa là mặc cho công luận phản đối với biết bao nhiêu lời can ngăn có lý có tình của những người có hiểu biết, có kiến thức chuyên môn, đến nay dự án khai thác bauxite tại Đắc Nông vẫn tiến hành. Phải chăng từ lâu rồi đất nước này không còn thuộc về nhân dân nữa nên người dân chẳng có quyền gì “được biết, được bàn, được kiểm tra”?

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.