Bức tranh xã hội Việt Nam - Mảng tối và Nỗi ưu tư
2010.02.02
Qua hàng loạt sự kiện xảy ra gần đây như vụ một người phụ nữ nghèo ở Buôn Ma Thuộc đi mót hạt cà phê trong một trang trại bị người quản lý của trang trại bỏ mặc cho đàn chó dữ cắn xé đến chết, cho đến vụ án hiệu trưởng một trường phổ thông trung học ở tỉnh Hà Giang, ông Sầm Đức Xương mua dâm hàng loạt nữ sinh đang còn ở tuổi vị thành niên…đã cho thấy ngày càng rõ bức tranh xã hội Việt Nam bất ổn về nhiều mặt trong đó sự tha hóa về đạo đức, sự xuống cấp về các giá trị căn bản như lương tri, tình người, tính thiện… …đang là một sự báo động.
Sao mạng người chết dễ thế?
Từ cái chết của người phụ nữ đi mót hạt cà phê và cái chết oan ức của một đứa trẻ vì bị điện giật ngoài đường do cung cách làm ăn thiếu trách nhiệm của các cơ quan đơn vị liên quan, nhà thơ Đỗ Trung Quân ngậm ngùi than: “Cứ tạm gạt bỏ hết mọi tình tiết phải điều tra cái chết bi thảm của bà lão đi mót cà phê ở Dak Lak bị xua chó berger cắn nát xác. Hình ảnh ấy hệt 100% “ nhà mẹ lê” của Nguyễn Công Hoan đầu thế kỷ trước. Chúng ta đang sống ở thời đại nào đây? Chỉ một năm, ngay giữa sài gòn 3 đứa trẻ vô tội chết vì điện giật ngoài đường. Chúng ta đang sống ở thời đại nào đây?”.
Nhà văn Nguyễn Quang Thân nhớ lại thời thực dân Pháp cai trị Việt Nam chưa xa: “Tôi nghĩ tới ký ức bi thảm về các đồn điền cao su và cà phê cũng ở Tây Nguyên thời Pháp thuộc. Các ông chủ đồn điền có lính gác, có cả những đàn chó béc-giê. Các ông chủ đồn điền muốn làm gì thì làm…
Cái chết bi thảm của bà lão đi mót cà phê ở Dak Lak bị xua chó berger cắn nát xác. Hình ảnh ấy hệt 100% “ nhà mẹ lê” của Nguyễn Công Hoan đầu thế kỷ trước.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân.
Vụ đàn chó béc-giê xé xác người đàn bà tội nghiệp mới xảy ra ngày 21 tháng 01 năm 2010. Nó gợi lại những ám ảnh đau thương gần nửa thế kỷ về trước”. Nhà văn kết luận: “Chúng ta có pháp luật, chúng ta yêu cầu pháp luật phải được thực thi nghiêm khắc. Ai cũng có quyền bảo vệ của cải chống kẻ gian, kẻ đột nhập. Nhưng cái quyền ấy không cho phép dùng những biện pháp giết người như bẫy điện hay đàn chó dữ có thể xé xác người vì mấy hạt cà phê. Hãy chấp nhận một sự thật là vẫn còn kẻ lắm tiền nhiều của, mua chuộc được thế lực công quyền, đang hành xử với đồng loại như mấy ông chủ đồn điền thuở trước.
Chỉ có pháp luật ra tay mới có thể xua tan được những ám ảnh của một quá khứ đau buồn mà không ai muốn quay lại nữa.”
Blogger Trần Kỳ Trung bức xúc: “Sao mạng người Việt Nam chết dễ thế?”: “Ngày lại ngày, không đọc báo thì thôi, đọc cứ thấy tin này chồng lên tin kia, gây cho mình nhiều nỗi bức xúc. Nỗi bức xúc, biết rằng có viết như thế này, hoặc nữa, mạnh dạn gửi thư từ, viết đơn đưa chỗ này, chỗ kia... cũng không mong có sự hồi âm hay một lời giải thích vì có lẽ những tin như thế là quá đỗi ‘bình thường’, ‘không đáng quan tâm’, thậm chí, có người còn nói ‘Nếu không có chuyện đó mới là bất bình thường’. Không biết đã có ai tổng hợp một năm ở nước ta có bao nhiêu người chết, ngoài nguyên nhân bệnh tật. Chỉ riêng tai nạn giao thông, một năm đã có hơn mười ngàn người chết…”
Cũng từ những cái chết thảm của em bé Bảo Trân 18 tháng tuổi sau nhiều ngày hôn mê vì bị bảo mẫu dán băng keo vào miệng năm 2007, vụ em gái Nguyễn Thị Bình bị ngược đãi, bị nhục hình suốt 14 năm mà tổ dân phố, hội phụ nữ, chính quyền, đoàn thể địa phương không hề hay biết hoặc có biết mà không can thiệp cho tới vụ người phụ nữ bị đàn chó cắn chết vừa nêu trên, blogger Đào Văn Tuấn thốt lên:
“Dường như chúng ta đang phải sống chung với sự vô cảm, sống chung với cái ác quá lâu rồi.”
Cái ác hoành hành
Không chỉ cái ác ngày càng ngang nhiên hoành hành trong xã hội, sự tha hóa về đạo đức cũng ngày càng ở mức độ gia tăng mà vụ án hiệu trưởng mua dâm là một trong những vụ điển hình gần đây. Blogger Da Vàng viết trong bài “Suy ngẫm quanh vụ án hiệu trưởng mua dâm”: “Chưa biết kết quả như thế nào, ai đúng, ai sai, ai bị phạt tù bao nhiêu. Nhưng với tôi, điều đó không còn quan trọng nữa. Tôi thực sự buồn khi theo dõi sát sao vụ án này. Qua vụ án, cho ta thấy một sự thật hết sức đau buồn: Đạo đức xã hội bị xuống cấp. Đạo đức xã hội xuống cấp một cách trầm trọng. Thầy mua dâm học trò; trò “lên giường” với thầy để lấy điểm mong cho thi đậu; thầy giáo nhờ học sinh tìm, giới thiệu bạn bè “còn trinh” đến bán cho thầy và bạn bè thầy; trong vụ án này còn lộ ra một danh sách đen là các nhân vật lãnh đạo cao cấp của tỉnh Hà Giang…
Đạo đức xã hội xuống cấp một cách trầm trọng. Thầy mua dâm học trò; trò “lên giường” với thầy để lấy điểm mong cho thi đậu.
Blogger Da Vàng.
Đôi khi tôi tự hỏi, vụ án này, hiện tượng này là cá biệt, chỉ có ở tỉnh Hà Giang hay nó phổ biến trong xã hội chúng ta? Điều đó không ai trả lời được, chỉ khi nào vụ việc đem ra ánh sáng thì mọi người mới “té ngửa” ra mà than rằng: học trò thời nay đây sao? Thầy giáo thời nay đây sao? Cán bộ thời nay đây sao?… Thật khủng khiếp”.
Vụ án còn bộc lộ nhiều sai sót trong quá trình xét hỏi, điều tra thậm chí làm giả hồ sơ chứng cứ trước đó cũng như trong quá trình thẩm vấn, tranh luận trước tòa, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm v.v…mà trong bài viết “Một phiên tòa bày câu hỏi” nhà văn Nguyễn Quang Lập đã nêu ra và cả blogger Hà Văn Thịnh cũng đề cập đến trong bài : “Công lý không thể là trò chơi trốn tìm sự thật!” của mình: “Vụ án Hiệu trưởng mua dâm và những cô gái vị thành niên ‘môi giới mại dâm’ đang đẩy luật pháp và công lý đến những giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng. Tất cả đang diễn ra như một bộ phim mà nội dung của nó ai cũng biết rõ: Có những nhân vật đen, trong một danh sách đen đang cố tình làm sai lệch hồ sơ và kết quả của phiên tòa! Đó là điều không thể chấp nhận khi chúng ta luôn nói rằng sự ‘thượng tôn luật pháp’ (rule of the law) là nguyên tắc, thực thể hiện hữu trong thể chế XHCN minh bạch, công bằng!” Vụ án, thêm một ví dụ nữa cho thấy luật pháp việt nam và cà bộ máy vận hành còn có rất nhiều vấn đề và rõ ràng là còn xa mới đạt tới tiêu chuẩn vủa một nền pháp luật công bằng, khách quan, độc lập.
Luật pháp chưa nghiêm
Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến một môi trường xã hội Việt Nam bất ổn, đạo đức tha hóa, cái xấu cái ác ngày càng lan tràn như cỏ dại…như hiện nay. Trong cái nhìn của blogger Đào Văn Tuấn, chính sự vô cảm của mọi người trước cái ác đã tạo điều kiện cho cái ác tiếp tục sinh sôi nảy nở. Nhưng vô cảm không phải là một tính cách của người việt vậy tại sao sự vô cảm lại trở nên phổ biến trong xã hội?: “…rõ ràng sự vô cảm sinh ra từ sự sợ hãi cái ác. Có người nói: Nỗi sợ hãi cái ác hiện nay là có thật. Và sự sợ hãi đó bắt nguồn từ sự thiếu tin tưởng vào hiệu năng của chính quyền, vào bộ máy thực thi pháp luật trong việc xử lý cái ác. Đó là nguyên nhân khiến người ta thấy cái ác mà không dám tố cáo, thấy điều bất lương mà không dám can thiệp, sợ kẻ gian mà không dám bênh người ngay vì sợ liên luỵ đến bản thân mà không được bảo vệ”. Tác giả kết luận: “Và sự vô cảm lãnh đạm, khi thành thói quen, sẽ biến chúng ta thành những kẻ ác bởi sự lãnh cảm của số đông mới là cái ác đáng sợ nhất.”
Sự bất lực của chính quyền trong việc xử lý tận gốc rễ cái xấu cái ác và sự thiếu nghiêm minh của luật pháp không chỉ khiến cho cái ác lan tràn, mà còn là nguyên nhân sâu xa của bao nhiêu sự bất công phi lý, trái tai gai mắt, những thảm cảnh trong xã hội. Khi lý giải về việc có quá nhiều cái chết không đáng xảy ra nhưng vẫn đang xảy ra hàng ngày tại Việt Nam, blogger Trần Kỳ Trung cũng cho rằng: “…chung quy lại, như nhiều người nói, “Ở nước ta có luật pháp mà như không có”, nên mới có nhiều người chết vô lý!
Giá như luật pháp được thượng tôn, không phân biệt người có chức vụ đến người dân thường, rồi người lãnh đạo phải là những tấm gương tốt để người dân tin tưởng, chắc chắc sẽ bớt đi nhiều cái chết vô nghĩa.
Nếu luật pháp nghiêm minh, chặt chẽ, cộng với một chính quyền hành xử đúng đắn, minh bạch thì sẽ tạo đựơc niềm tin trong người dân, họ cảm thấy được an toàn, được bảo vệ, và do đó họ sẽ hành xử đúng đắn theo pháp luật. Ngược lại, khi người dân đã mất lòng tin vào chính quyền, vào luật pháp, mọi sự sẽ trở nên tồi tệ như nhận định của nhà báo Ngô Nhân Dụng trong bài viết: “Tin tặc và tản tặc”:
“…người dân, người lớn đến trẻ em, phải chứng kiến những hành động trộm, cướp, côn đồ xảy ra trước mắt mà không thấy ai bị trừng phạt; ngược lại còn thấy cả guồng máy tuyên truyền hô hoán những lời gian dối để hỗ trợ các hành động côn đồ đó. Lâu ngày, người ta sẽ quên cách sống theo đạo lý bình thường, không còn biết thế nào là nhân nghĩa nữa…”.
Và đó chính là tình trạng đang diễn ra lâu nay trong xã hội Việt Nam!