Trăn trở trước thềm đại hội nhà văn
2010.08.04
Các hội viên quan tâm điều gì?
Theo dõi quanh những trang blog này, người đọc có thể hiểu các nhà văn quan tâm, mong mỏi điều gì ở đại hội lần này, ở Hội nhà văn với tư cách một hội nghề nghiệp cũng như những vấn đề của Hội và của bản thân nhà văn, những trăn trở tận đáy lòng của người cầm bút trước hiện trạng đất nước và xã hội v.v…
Trước hết phải thấy rằng về phía Đảng và nhà nước VN, luôn luôn tỏ ra rất “quan tâm” đến trí thức văn nghệ sĩ nói chung và giới nhà văn nói riêng. Đó là vì bất cứ một chế độ độc tài nào cũng đều có sự “cảnh giác” đối với thành phần thường tỏ ra đối lập, phản kháng trước những sai trái của chính quyền và những bất công phi lý trong xã hội này.
Ngược lại, bản thân các hội viên hội nhà văn thì họ quan tâm đến điều gì? Câu trả lời đáng buồn là vấn đề mà đa số quan tâm nhất là chuyện bầu bán, nhân sự…
Giáo sư Nguyễn Xuân Diện viết trong bài “Nghẹt thở theo dõi diễn biến Đại hội nhà văn”: “Một câu chuyện mà bất kỳ Đại hội nào cũng là quan trọng bậc nhất, đó là chuyện bầu bán, chuyện BCH, chuyện ai sẽ là Chủ tịch Hội.”
Một câu chuyện mà bất kỳ Đại hội nào cũng là quan trọng bậc nhất, đó là chuyện bầu bán, chuyện BCH, chuyện ai sẽ là Chủ tịch Hội.
Giáo sư Nguyễn Xuân Diện
Viết “Gửi một nhà văn trước thềm đại hội” nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo than:“Nhận được cú điện thoại của bạn gọi ra từ phía nam, tôi buồn. Buồn là bởi bạn không hỏi tôi đang viết gì, các nhà văn đang viết gì, nghĩ gì về văn học nước nhà, mà lại hỏi ai sẽ làm lãnh đạo hội Nhà Văn?
Thưa bạn thân mến, gần đây câu hỏi của bạn luôn được lặp lại trên môi nhiều nhà văn, thậm chí có cả một nhóm nào đó tự xưng là “Người đưa tin” đưa ra hết danh sách này đến danh sách nọ về nhân sự HNV để “định hướng” cho việc bàu bán tại đại hội tới. Những câu chuyện nội bộ trong hội, trong lãnh đạo hội được tung lên có vẻ rất khách quan, nhưng thực ra đều có mưu đồ riêng nhằm vận động cho nhóm này, người nọ. Cứ tưởng nhà văn phải nghĩ chuyện cao siêu lắm, hóa ra lại chỉ nghĩ về mấy cái ghế long chân!
Buồn!”.
Những vấn đề của hội và của nhà văn
Ngoài việc quan tâm đến chuyện bầu bán, chức vụ, những vấn đề muôn năm của Hội lại được đem ra mổ xẻ lần này đó là sửa đổi điều lệ hội, hội nên là tổ chức “chính trị xã hội nghề nghiệp” hay chỉ là “xã hội, nghề nghiệp”, hội nên tự túc nuôi mình hay vẫn sống bằng tiền bao cấp của nhà nước như từ trước đến nay?
“Góp ý về đại hội hội nhà văn Việt Nam”, nhà văn Nam Ninh cho rằng: “…Theo tôi, thực chất, “chính trị” đã nằm trong tác phẩm văn học. Tư tưởng trong tác phẩm văn học có “chính trị” nằm trong đó. Ngay từ khi chưa có Đảng Cộng sản ra đời, tư tưởng nhiều tác phẩm văn học đã mang màu sắc chính trị. Vì thế theo tôi không nên máy móc đưa cụm từ này vào trong Điều lệ.”
Nhà thơ Tô Nhuận Vỹ thì băn khoăn về việc “Hội nhà văn đang phát triển đúng hướng không?”. Theo nhà thơ, trong mấy điều khiến cho hội nhà văn có vẻ như đang phát triển không đúng đó có việc hội vẫn sống bằng cơ chế bao cấp, xin-cho, mọi sự nhất nhất đều lấy từ ngân sách nhà nước tức là từ tiền thuế của dân, từ đó tạo ra nhiều sự tiêu cực, lãng phí, không hiệu quả. Đồng thời sự thiếu độc lập đó dường như cũng là một trong nguyên nhân dẫn đến vấn đề chính của văn học VN: thiếu vắng những tác phẩm lớn.
Cũng có cùng quan điểm như vậy, nhưng nhà văn Phan Thế Hải trong bài “Nhà văn xứ thiên đường” lại nhắc đến ý kiến của nhà thơ Nguyễn Duy để nhấn mạnh thêm ý của mình: “Nhà văn Nguyễn Duy có ý kiến khá hay đại lý là: chính sự ủng hộ bằng tiền của Nhà nước lại gây nên sự cản trở của chính Hội nhà văn. Vô tình, các nhà văn được “Họa mi hóa”. Nhà văn được nuôi trong những chiếc lồng có sẵn và hót theo nguyện vọng của những người bỏ tiền ra mua thức ăn công nghiệp cho nó.
Giữa hiện tượng này và sự còi cọc của văn chương Việt Nam phải chăng có sự liên hệ với nhau?"
Nhà văn Hồ Bất Khuất thì cho rằng đó là hệ quả do “Hai nhược điểm lớn của trí thức đương đại VN: tham và hèn.”: “Tựu trung là trong mấy chục năm qua, văn học Việt Nam không có những tác phẩm xứng tầm cuộc sống. Người ta có thể giải thích theo nhiều kiểu, nhưng nếu các nhà văn của chúng ta không dốt mà vẫn không có những tác phẩm tốt thì rõ ràng là có sự hèn ở đây. Khi người ta hèn, người ta tự tước đi quyền tự do sáng tạo. Nhà văn mà không có tự do sáng tạo thì những thứ viết ra chỉ ngang tầm tuyên truyền viên…”
Nhà văn cần gì?
Làm thế nào để có những tác phẩm hay, nói lên những vấn đề cốt yếu của đất nước, dân tộc và thời đại, làm sao để văn chương Việt đến được với thế giới điều mà xã hội mong muốn, yêu cầu ở các nhà văn và ngược lại, cũng là điều mà một nhà văn có trách nhiệm với ngòi bút của mình, có những trăn trở với nghề phải đau đáu suy nghĩ.
Trong khi đó tình trạng hiện nay của hội nhà văn-một hội nghề nghiệp và giới làm văn là gì? Trong bài “Nhà văn cần gì?” nhà văn Nguyễn Quang Lập mô tả tình trạng đó như sau:
“Trước đó, tại các đại hội khu vực, ở đâu cũng thấy thiếu vắng rất nhiều…Điều này cho thấy các nhà văn đã không còn quan tâm đến cái hội của mình như trước đây nữa.
Khi người ta hèn, người ta tự tước đi quyền tự do sáng tạo. Nhà văn mà không có tự do sáng tạo thì những thứ viết ra chỉ ngang tầm tuyên truyền viên...
Nhà văn Hồ Bất Khuất
…Hội viên Hội nhà văn nhiều đến nỗi ngay các nhà văn cũng chẳng biết họ là ai, viết cái gì. Những nhà văn thực danh một ngày bỗng bẽ bàng thấy mình ngồi cùng chiếu với những người mù tịt về văn chương.
…Sách được giải không ai biết, trao giải khi nào không ai hay, thậm chí sách được giải còn kém hơn cả những sách không được giải. Uy tín Hội nhà văn trước xã hội mất mát dần đi, teo dần cho đến zero.
…Chỉ có các nhà văn là tự… sướng với nhau. Ai được vào Hội thì tiệc tùng linh đình, hân hoan lắm…Rồi thì bon chen đi tìm kiếm danh hiệu, chức này danh nọ…
Khi nhà văn rời bỏ tác phẩm, cũng là rời bỏ thực danh để đi kiếm hư danh thì Hội nhà văn liệu có thực hay không, hay cũng chỉ là một hư danh? Có lẽ nghĩ như vậy mà nhiều người không đi dự đại hội nữa, họ ngồi nhà để cứu lấy cái thực danh của họ, ấy là tác phẩm, cái làm nên họ, cũng là làm nên Hội nhà văn.”
Nhà văn Phan Thế Hải nhận xét: “Trong số hàng trăm tác phẩm được xuất bản theo con đường quốc doanh, đều có cái gì đó na ná nhau, khó nói. Đặc biệt là đều không thể thiếu được bóng dáng của sự lãnh đạo này, lãnh đạo nọ, đường lối của nghị quyết này, nghị quyết kia… và kiên định Thiên đường.”
Vậy các nhà văn cần gì? Câu trả lời rất cũ: tự do sáng tác. Nhà văn Đỗ Trọng Khơi cho rằng đôi chìa khóa để có được “những tác phẩm có giá trị như mong mỏi của xã hội, để xứng đáng với các sự kiện bi tráng – kiêu hùng của lịch sử dân tộc trong thế kỷ qua” là “chiếc chìa khoá kinh tế, và tinh thần cởi mở tự do trong sáng tác.”
Nhà văn Phan Thế Hải nói thẳng quyền tự do ngôn luận, “được thừa nhận như là một quyền con người trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và được thừa nhận trong luật nhân quyền quốc tế tại Điều 19 Công ước Quốc tế về các “Quyền dân sự và chính trị”. Những thứ này, với những người dân Việt vẫn là những điều xa xỉ, trong đó, Nhà văn vẫn không phải là một ngoại lệ. Phải chăng đó vẫn là khát vọng của nhà văn ở xứ Thiên đường!”
Tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Duy khi trả lời phỏng vấn Tuần Việt Nam số ra ngày 29.7 lại nghĩ khác: “Với nhà văn, không gian tự do nội tâm quan trọng hơn không gian tự do ngoại cảnh. ..Tự do nhà văn là cái tự do tự có, như tự điều chế lấy oxy mà thở, không thể trông nhờ vào bất cứ sự ban phát nào.”
Những tiếng nói tâm huyết
Bên cạnh đó, nhân dịp đại hội nhà văn, những tiếng chuông cảnh tỉnh, những tiếng nói tâm huyết từ những trái tim luôn phụng sự Tổ quốc và nhân dân lại được cất lên.
Với văn phong mạnh mẽ quyết liệt thường thấy lâu nay, nhà thơ Trần Mạnh Hảo gửi tới đại hội bản tham luận gần 9000 chữ “Chỉ có sự thật mới giải phóng con người, giải phóng văn học và đất nước" trong đó nhà thơ vạch trần sự dối trá, lộng giả thành chân, sự không chính danh…đang hoành hoành trong toàn xã hội VN từ trên xuống dưới, trong khắp mọi lĩnh vực…và đưa ra 3 sự thật trong vô số “những sự thật cay đắng nhất, khủng khiếp nhất của đất nước chúng ta hiện nay, những sự thật chết người, ai ai cũng biết mà vì sợ tù tội nên không ai dám nói ra.”Đó là “nước nhà đang bị giặc ngoại bang xâm lấn bằng cuộc chiến tranh ngọt ngào” dưới “chiêu bài “ý thức hệ” và “16 chữ vàng”, trong nước thì “giặc nội xâm có tên là tham nhũng lại hoành hành ngang nhiên, kinh hãi như dịch hạch”, thứ ba là Đảng và nhà nước VN “nói một đằng làm một nẻo, hay là danh không chính thì ngôn không thuận… Sự không chính danh này thể hiện trong mọi nguyên tắc, nguyên lý, luật pháp, chính sách, đường lối của Đảng cầm quyền và Nhà nước Việt Nam hiện nay.”
Nhà thơ Bùi Minh Quốc viết tham luận “Tổ quốc và tự do”. Từ ý trong hồn thơ hồn nhạc của Văn Cao: “Lập quyền dân, tiến lên, Việt Nam” và câu nói của Hồ Chí Minh: “Nước được Độc lập mà dân không được hưởng Tự do Hạnh phúc thì Độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, “để khẳng định nguyên lý tồn tại và phát triển của đất nước Việt Nam và con người Việt Nam.” Nhà thơ nhắc lại nỗi niềm của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khi có lần tuyệt vọng đến muốn tự sát năm 1981: “Khao khát tự do thì tự do bị trói”, hay của nhà thơ Thanh Thảo năm 2008 trong bài thơ “Lại chào đất nước” có câu:
“Cứ tự mình dán
băng keo vào miệng
Con gọi Mẹ chỉ còn nghe ú ớ
Yêu Tổ Quốc chỉ còn nghe ú ớ”
Hay tâm sự của nhà thơ Nguyễn Duy, tiến sĩ Hà Sĩ Phu, nhà văn Ma Văn Kháng, những câu thơ câu văn sám hối cuối đời của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Khải, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Nguyễn Minh Châu…để thấy nỗi ưu tư day dứt lớn nhất của những người nghệ sĩ, nhà văn có lương tâm là đã không có tự do và việc phải viết những điều không đúng với sự thật. Cuối cùng nhà thơ kết luận:
Khi nhà văn rời bỏ tác phẩm, cũng là rời bỏ thực danh để đi kiếm hư danh thì Hội nhà văn liệu có thực hay không, hay cũng chỉ là một hư danh?
Nhà văn Nguyễn Quang Lập
“Không thể ú ớ trước hiểm họa bành trướng đang
đe dọa sự mất còn của Tổ Quốc
Không thể ú ớ trước tình cảnh các đồng nghiệp
lâm nạn vì ngòi bút
Không thể ú ớ trước yêu cầu bức bách về đổi mới
tổ chức Hội, tiếp tục theo con đường Hội xin tiền nhà nước hay dứt khoát chuyển
sang con đường Hội tự nuôi tự quản.”
Nhà báo Hà Sĩ Phu trong tham luận “Tổ quốc và Thơ” thì nói lên mối liên hệ giữa Tổ quốc-đất nước và thi ca-văn học nghệ thuật. Tác giả so sánh hai bài thơ “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng” của nhà thơ Chế Lan Viên viết năm 1965 ca ngợi đất nước, xã hội bằng những lời tụng ca “trên cả tuyệt vời” và một bài thơ khác được viết 40 năm sau, “Thế này là thế nào…” của nhà thơ Ái Dân cho thấy một bức tranh xã hội trần trụi, chân dung thật của nhân dân Việt Nam, của hình hài Tổ Quốc VN hôm nay. Rõ ràng là “sách vở gì, văn thơ gì cũng không đánh đổ được thực tế.” Ngay chính Chế Lan Viên về sau này cũng đã ăn năn sám hối về những bài thơ tô hồng một thời của mình mà ông gọi là “bánh vẽ”.
Và còn những tiếng nói tâm huyết khác nữa cho chúng ta niềm hy vọng trở lại vào khí phách, nhân cách của người nghệ sĩ đang hòa cùng những tiếng nói ngày càng mạnh mẽ của giới trí thức trước những vấn nạn của Tổ quốc và dân tộc ngày hôm nay.
Theo dòng thời sự:
- Những trăn trở về Hội Nhà Văn Việt Nam
- Trò chuyện cùng nhà thơ Lê Anh Hoài
- Nguyễn Đức Liêm – Gã say thích nghịch thơ
- “Trăng Nghẹn” bị nghẹn giải thưởng
- Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh
- Ngày Thơ Việt Nam
- Nhà thơ Trần Tiến Dũng và “Tiếng ho của một người đi về phía bức tường”
- Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan
- Nhà thơ phản kháng Bùi Minh Quốc