Thưa quý vị, vào những ngày này có lẽ Sàigòn không còn nắng gay gắt chói chang như những ngày hè oi bức đã qua, trong khi tại Hà Nội, “tín hiệu Thu không còn ngấp nghé ngoài cửa ô mà đã thong dong vào phố” – nói theo lời blogger Thùy Linh. Và lộc vừng nở hoa vào muà này khiến tác giả “chợt rộn lên trong lòng một nỗi niềm mơ hồ thường hay xuất hiện mỗi khi thu về”.
Nguy cơ đáng ngại
Cho dù Thu về mang theo “từng làn gió heo may buổi sớm. Từng tán lá chuyển mùa sang màu vàng nhạt” khiến tác giả yêu hoa Thu, nắng Thu, và bạn bè. Nhưng sao vẫn thấy “nao lòng”. Chúng ta hãy nghe tác giả tâm sự:
“Vẫn thấy lộc vừng đang nở hoa đẹp nao lòng.
Vẫn thấy nắng hanh hao vàng dịu dàng đến nao lòng.
Vẫn thấy mùa thu lãng mạn đến nao lòng.
Nhưng thấy người với người xa nhau cũng đến nao lòng.
Và “thành phố vì hòa bình” không còn bình yên.
Và nguy cơ mất nước đã đến gần lắm rồi…”
Vậy ai sẽ đền ơn cho dân tộc Việt Nam đã đổ một núi xương biển máu để làm “tiền đồn” bảo vệ cho cái hệ thống XHCN đã vĩnh viễn đi vào lịch sử ấy?
GS Vũ Cao Đàm
Trong thời gian gần đây, nguy cơ này xem chừng như ngày càng trở nên đáng ngại theo hành động gây hấn táo bạo gia tăng từ Phương Bắc. Chẳng hạn như mới đây, tàu chiến mà báo chí trong nước chỉ dám nói là “tàu lạ”, “tàu nước ngoài”, “tàu chiến nước ngoài”, đã xua đuổi 2 tàu cá của ngư dân Việt trú bão ở vùng Hoàng Sa của VN, xả súng bắn làm cháy cabin, cháy máy bộ đàm của ngư phủ VN, rồi bơm nước, đâm vào thân tàu VN giữa lúc bốn bề phong ba bão táp. Báo chí “lề phải” vừa mới đăng tin này thì được lệnh gỡ xuống. Bài “Hèn cực kỳ” trên blog Dân Làm Báo nhận xét rằng diễn biến vừa nói chứng tỏ:
-Tàu chiến của Trung Quốc đang làm chủ vùng biển chủ quyền của tổ quốc Việt Nam.
-Suốt 4 giờ bị tàu chiến Trung Quốc chạy áp bên hông, suốt 2 ngày đêm bị tàu chiến lạ đuổi bắt mà không có bóng dáng của hải quân Việt Nam. Điều này chứng tỏ đảng, nhà nước và quân đội Việt Nam đã bỏ ngỏ biển Đông.
-Ngư dân Việt Nam đã không những không được bảo vệ để kiếm sống trên vùng biển của tổ tiên mà những đe dọa đối với họ còn bị che đậy bởi âm mưu của những kẻ lãnh đạo cao cấp trong đảng.
-Tất cả những vòng tay ôm ấp của Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng với Đới Bỉnh Quốc đã thể hiện rõ bản chất…
-Những lời tuyên bố ngoại giao của lãnh đạo đảng CSVN tiếp tục lộ rõ là những tuyên bố của những…Thái thú đã cúi đầu thần phục Bắc triều.
-Những chương trình như "Góp Đá Xây Trường Sa" dù có ra sức quảng bá ồn ào chăng nữa cũng không khiến người dân quên được bộ mặt thật...
-Cái gọi là "những viên đá mang ý nghĩa lớn", "góp lòng yêu nước", "ý chí kiên cường và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc" tự dưng trở nên vô duyên, kệch cỡm trong màn kịch "16 chữ vàng" và "4 tốt" của Đảng...
Hãy tỉnh táo – không mộng mị

Blogger Đinh Tấn Lực đề cập tới chuyến đi TQ mới đây của tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, Quân đội Nhân dân VN, qua đó, tướng Lịch tâm sự với tướng Tàu tương nhiệm Lý Kế Nãi rằng nhân dân VN mãi mãi ghi ơn nhân dân TQ từng giúp đỡ VN dù trong điều kiện cực kỳ khó khăn; hay Bộ trưởng KH-CN VN Nguyễn Quân lên tiếng với Đại sứ TQ Khổng Huyễn Hựu rằng ông “thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân VN, gửi tới Đảng, Chính phủ và nhân dân TQ lời chúc mừng nhiệt liệt nhất nhân ngày lễ trọng đại (Quốc Khánh 01 tháng 10) của nhân dân TQ”. Blogger Đinh Tấn Lực nhận xét:
“Những rung động đến mờ lệ đó đã đánh nhòe khung cảnh thời sự tàu chiến nước lạ xả súng và bắn chất cháy vào hai tàu cá QNg-95337-TS và QNg-95850-TS trên đường tìm chỗ trú bão số 4 tại đảo Trụ Cấu của Việt Nam, vào lúc 13 giờ ngày 24-9-2011. Quy trình tấn công và rượt đuổi đó kéo dài non hai ngày liền. Tin tức về vụ này được ém kín, trang nào đã đăng đều được lệnh gỡ xuống. Cũng ngay trong ngày 24-9-2011 đó, tại cuộc họp ở trụ sở Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (BNG) VN Phạm Bình Minh đã lễ phép đáp lời đồng nhiệm Dương Khiết Trì của TQ rằng: VN sẵn sàng làm việc với TQ để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Có phải Đời Đời Nhớ Ơn và Sẵn Sàng Làm Việc là hai công thức ngoại giao của ta? Xem ra đó chỉ là nguyên nhân và hệ quả tất yếu, nếu xét trên chiều dài những tuyên bố ngoại giao của ta từ thời sơ khai của người phát ngôn (NPN) Hồ Thể Lan, xuyên suốt các thế hệ Phan Thúy Thanh, Lê Dũng, Nguyễn Phương Nga, cho tới thời đương nhiệm Lương Thanh Nghị… Bộ Ngoại giao đã trước sau chứng tỏ một lòng một dạ, không chỉ với quan thầy hay đàn anh vĩ đại, mà còn với cả chủ nghĩa cộng sản, hay nỗ lực thờ phụng chủ nghĩa chư hầu của dàn ủy viên Bộ chính trị xứ ta."
Nhân nhắc tới chuyện “đời đời nhớ ơn” Phương Bắc, GS Vũ Cao Đàm có bài viết nhân ngày Quốc Khánh TQ 1/10, nhấn mạnh rằng “Đã tới lúc phải xóa món nợ ân oán giang hồ!”, qua đó có đoạn phân tích rằng:
Đúng là đối đầu với Trung Quốc là một thách thức lớn. Cái vị trí địa lý núi liền núi, sông liền sông của hai quốc gia đã tạo nên cái địa chính trị khắc nghiệt mà chúng ta phải đương đầu.
Bùi Công Tự
“Hãy tỉnh táo, không mộng mị quẩn quanh với cái “tình cảm tri ân” của lịch sử. Nếu cứ nhắc nhở người Việt Nam chúng ta phải tri ân kẻ đã viện trợ cho Việt Nam để thực hiện vai trò “tiền đồn” của phe XHCN… Vậy ai sẽ đền ơn cho dân tộc Việt Nam đã đổ một núi xương biển máu để làm “tiền đồn” bảo vệ cho cái hệ thống XHCN đã vĩnh viễn đi vào lịch sử ấy?... Tôi chưa đọc được tài liệu nào của Mỹ kể ơn đã chi viện VNCH, như Trung Quốc đã kể ơn với những người cộng sản Việt Nam. Nhưng giả dụ người Mỹ kể ơn, thì câu chuyện sẽ lại là: Vậy ai đền cho xương máu của người Việt đã đổ xuống mảnh đất “tiền đồn” cho cả hai phe? Không. Trong Cựu ước Kinh có ghi lời Chúa: “Oeil pour oeil, dent pour dent”! Đúng, “Mắt đã được trả bằng Mắt, Răng đã được trả bằng Răng”. Thế là đủ lắm rồi. Dân tộc Việt Nam không còn nợ nần ai hết cả. Cái gì đã là lịch sử hãy trả cho nó về với lịch sử.”
Cách đây khoảng 1 tuần, bài xã luận của phân tích gia chiến lược Long Tao đăng trên Hoàn Cầu Thời Báo của đảng CSTQ lưu ý rằng bây giờ là “thời cơ tốt để hành động quân sự tại Nam Hải”, và kêu gọi Bắc Kinh “dạy cho VN và Philippines 1 bài học đạo đức bằng võ lực”. Blogger Hà Văn Thịnh nhận thấy “nguy cơ không những rất thật mà lại còn rất gần”, và ông lưu ý:
“Vấn đề bây giờ là ở chỗ quỹ thời gian chỉ còn rất ít. Những động thái về phát triển nội lực cần phải được tiến hành song song với sự vững chắc, an toàn ngoại giao. Sự nửa vời của mọi mối quan hệ là đầu mối tất nhiên của thất bại và tai họa. Cơ hội tốt của kẻ thù luôn đồng nghĩa với sự không thể tha thứ cho mọi tính toan u mê, xuẩn ngốc của tất cả chúng ta. Muỗi phải mừng vui vì sinh nhật của voi cho dù chỉ một tháng trước đó voi chẳng thèm biết là muỗi cũng có ngày sinh nhật! Chẳng lẽ đó không là một lời cảnh báo hay sao? …Không có gì cay đắng và khủng khiếp hơn khi TQ biến “thời cơ tốt” của nó thành hiện thực, trong khi chúng ta cứ chờ – mong con voi thương xót cho số phận của muỗi! Tất nhiên, ViệtNam chưa bao giờ là muỗi và TQ cũng đã chưa bao giờ – và không bao giờ có thể là voi. Gò Đống Đa hình như đang chứa trong lòng nó hàng vạn xác voi giấy ngu xuẩn, ngông cuồng?”
Một thách thức lớn

Tác giả Bùi Công Tự thì “tản mạn nhân ngày Quốc Khánh TQ” nhận xét rằng có lẽ trên thế giới này, ngoại trừ TQ, không có nơi nào mà đề tài TQ lại được đề cập nhiều như ở VN, từ truyền thanh, truyền hình, báo mạng, báo giấy cho tới tận chốn viả hè, chợ búa…Theo tác giả thì TQ “ có mặt từ trại chăn nuôi cho đến trại giam …vì ở trại chăn nuôi, con vật được nuôi bằng thức ăn gia súc của các công ty Trung Quốc, còn ở trại giam thì giam giữ người biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm biển đảo”; TQ “có mặt cả nơi các cô gái Việt bán trôn nuôi miệng đến nơi các chàng trai Việt bán thận cứu nhà”. Và
“Nguy hiểm nhất là khuôn mặt Trung Quốc hằm hằm ở biển Đông và bàn tay Trung Quốc bí hiểm có thể luồn vào nơi thâm cung bí sử”.
Tác giả cho biết tiếp:
“Đúng là đối đầu với Trung Quốc là một thách thức lớn. Cái vị trí địa lý núi liền núi, sông liền sông của hai quốc gia đã tạo nên cái địa chính trị khắc nghiệt mà chúng ta phải đương đầu. Trong điện văn mừng quốc khánh Trung Quốc của lãnh đạo nước ta năm nay có hai chữ anh em. Nói thật tôi không ưng hai chữ này. Xin hỏi: Ai là anh, ai là em? Chỉ vì đất hẹp hơn, người ít hơn mà ta chịu là em ư? Là em theo văn hóa Trung Hoa thì quyền huynh thế phụ(anh có quyền thay cha đối với em).
Cái gọi là ngôn ngữ ngoại giao, phát ngôn nên lịch sự nhưng không thể làm mất thể diện quốc gia. Ông Lê Hiếu Đằng đã nói thẳng: Không thể quỵ lụy Trung Quốc.
Bùi Công Tự
Trên phương diện quốc gia mà nhận là đàn em thì chấp nhận sao được! Cha ông chúng ta đã quan niệm rõ ràng: Bắc là Bắc. Nam là Nam! Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc - Nam cũng khác(Nguyễn Trãi). Điều đó đã định rành rành tại thiên thư (Lý Thường Kiệt). Đối diện với Bắc đế là Nam đế (Lý Nam Đế). Đối diện với Đại Hán là Đại Việt. Chúng ta phải kế thừa tinh thần tự cường ấy của cha ông. Tôi hiểu rằng có cái gọi là ngôn ngữ ngoại giao, phát ngôn nên lịch sự nhưng không thể làm mất thể diện quốc gia. Ông Lê Hiếu Đằng đã nói thẳng: Không thể quỵ lụy Trung Quốc."
Thưa quý vị, nếu nhà thơ Trần Dần ngày trước khi “bước đi, không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”, thì nhà thơ Nguyễn Bá Chổi ngày nay, qua bài “Lối Cũ Trần Dần” trên blog Dân Làm Báo, tâm sự với những đoạn thơ như sau:
"Tôi bước đi
Ra biển ngắm
Không thấy ta
Chỉ thấy tàu lạ
Treo cờ đỏ năm sao
…
Tôi mở Ti Vi
Học lịch sử
Không thấy ta
Chỉ thấy Tàu
Và những chữ Hán
…
Tôi lên rừng
Rừng cho thuê
Tôi thăm quặng
Quặng khách xới
Đất chới với
Bùn đỏ trôi
Tôi nhắm mắt
Thấy mắt Mẹ
Mẹ Việt Nam
Lệ chan hoà
Trên cờ đỏ
Như mưa sa"
Và bài thơ "Buồn em và quê hương" của tác giả Đoàn Thanh Linh được nhiều mạng nhật ký phổ biến cũng có đoạn thơ sau đây để "tặng những tấm lòng yêu nước đang bị đàn áp, tù đày trên quê hương của mình".
“…
Khi buồn em khóc
Giòng lệ còn bến đỗ ở bờ môi mặn
Khi quê hương khóc
Nước mắt chảy về đâu
Nam quan lạnh một ải sầu
Hoàng Sa đá cũng đỏ ngầu nhớ mong
Nghẹn ngào máu lệ biển Đông
Tây Nguyên rừng thẳm cũng không trở về
…”
Tạp chí Điểm Blog tuần này xin tạm dừng lại ở đây. Thanh Quang mong gặp lại tất cả quý vị cũng vào giờ này tuần sau.