Ông Nguyễn Hữu Cầu: Đời tôi như một giấc mơ

Thanh Quang, phóng viên RFA
2014.03.31
danluan-305.jpg Ông Nguyễn Hữu Cầu cùng cô con gái Anh Thư trong bệnh viện Bình An hôm 24/3/2014.
Courtesy of danluan

 

Lên tiếng với phóng viên Mặc Lâm hôm 28 tháng Ba, người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu tâm sự “ngắn gọn” rằng cuộc đời ông như một “giấc mơ”, “không ngờ cuộc đời mình phủi hết, không còn gì hết”, và “đã nhiều lần định tự tử nhưng mà tới giờ đó tự nhiên có tâm linh gì khiến mình mạnh mẽ lại” để bây giờ, sau gần 4 thập niên trong cảnh tù đày, người tù thế kỷ ấy đã trở về đầm ấm với “hai giọt máu” cùng mấy đứa cháu, trong đó, có đứa cháu nội – theo lời ông Nguyễn Hữu Cầu, “sao mới 13, 14 tuổi mà nó làm kinh động võ lâm”.

Cho dù cuộc đời ông “phủi hết, không còn gì hết” vào lúc cao niên và mang nhiều chứng bệnh, nhưng tù nhân thế kỷ ấy vẫn kiên quyết:

Cả miền Bắc, miền Nam từ hồi xưa tôi quan niệm là cùng con cháu Hùng Vương cùng một trăm trứng sanh ra. Đất nước mình vô tình lọt vô hai cái thế lực như vậy. Nhưng những người miền Nam hiểu rõ, còn những người bị bịt mắt như con ngựa già của Chúa Trịnh nó khăng khăng nó đi. Bởi vậy phải từ từ cải tạo, phải làm lại chứ không phải một sớm một chiều mà được. Quan niệm của tôi là như vậy, thành ra bây giờ có yếu thì tôi cũng dùng hết tất cả tâm huyết của mình bằng lời nói việc làm, bằng những ca khúc, bằng những vần thơ.

“Những ca khúc, những vần thơ” ấy khiến người ta liên tưởng đến một người tù bất khuất khác là “ngục sĩ” Nguyễn Chí Thiện, khi thi nhân từng mạnh mẽ khẳng định rằng:

Thơ của tôi không phải là thơ

Mà là tiếng cuộc đời nức nở

Tiếng cửa nhà giam ngòm đen khép mở

Tiếng khò khè hai lá phổi hang sơ

Tiếng đất vùi đổ xuống lấp niềm mơ

Tiếng khai quật cuộc đào lên nỗi nhớ

(Thơ Của Tôi, Nguyễn Chí Thiện)

Đất nước mình vô tình lọt vô hai cái thế lực như vậy...phải từ từ cải tạo chứ không phải một sớm một chiều mà được.
- Ông Nguyễn Hữu Cầu

Thì thơ và nhạc của “ngục sĩ” Nguyễn Hữu Cầu cũng tỏa sáng qua những vầng Thánh ca, Kinh ca, tình ca và tù ca, như bài “Khỏe re như con bò kéo xe” do chính tác giả Nguyễn Hữu Cầu trình bày khi được phóng viên Con Đường VN đến thăm và phỏng vấn tại bệnh viện hôm 24 tháng Ba vừa rồi:

Mai mốt ta về ta mua một con bò

Rồi ta sẽ đi, đi lên trên núi cao

Mai mốt ta về ta đóng cái quan tài

Rồi ta sẽ nhờ con bò kéo theo đằng sau.

Khỏe re như con bò kéo xe

Khỏe re như con bò kéo xe…

Hôm 25 tháng Ba vừa rồi, MS Thân Văn Trường từ Đồng Nai có đến bệnh viện Bình An ở TP Rạch Giá để thăm “thi nhân” Nguyễn Hữu Cầu. MS Thân Văn Trường kể lại:

Tôi mới đi thăm anh Nguyễn Hữu Cầu về, và tôi cũng được nghe anh hát một bài hát mà anh sáng tác ở trong tù. Tôi rất cảm động, thấy tâm hồn của một người ở tù gần 40 năm như vậy. Qua ca khúc mà anh hát cho tôi nghe, tôi thấy anh có một tâm hồn rất vị tha, cao thượng khiến tôi rất quý mến. Ngòai việc anh hát, anh còn đọc cho tôi nghe bài Kinh trong đó có câu mà tôi nhớ mãi, là “xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ phạm tội cùng chúng con”. Cho nên tôi rất quý mến anh Cầu. Đặc biệt là anh có khả năng sáng tác và ca hay như vậy.

Theo MS Thân Văn Trường thì hai vị sĩ quan này – một từng là sĩ quan của Bộ Đội Miền Bắc và một từng là sĩ quan của quân lực VNCH ở Miền Nam đã gặp nhau trong sự tương kính, đầy cảm động, như sau:

Tâm tư của tôi khi gặp anh Nguyễn Hữu Cầu là tôi rất vui mừng. Tôi là bộ đội mà anh Cầu là sĩ quan quân đội Quốc gia và chúng tôi được gặp nhau, được bắt tay nhau. Rồi tôi ôm chân anh và nói lời xin lỗi vì sau khi chiến tranh đã qua đi gần 40 năm, nhưng từ đó tới nay, anh ở tù liên tục và chúng tôi đến bây giờ mới có dịp gặp nhau. Chúng tôi cảm nhận, nhớ đến câu Kinh Thánh với lời Chúa nói “ chiến tranh chỉ chấm dứt ở Thập Tự Giá”. Khi tôi và anh Cầu cùng có Đức Tin nơi Chúa, cho nên chúng tôi cảm nhận được câu Kinh Thánh đó. Và chúng tôi rất vui khi một người Miền Bắc được đến với anh Cầu trong hòan cảnh anh mới ra tù như vậy.

Người tù bất khuất

Ông Nguyễn Hữu Cầu trong bệnh viện. Courtesy of hoilatraloi
Ông Nguyễn Hữu Cầu trong bệnh viện. Courtesy of hoilatraloi
Ông Nguyễn Hữu Cầu trong bệnh viện. Courtesy of hoilatraloi

Một bạn tù của ông Nguyễn Hữu Cầu là ký giả Trương Minh Đức rất trân quý và cảm kích tính bất khuất cùng sự đa tài của ngừơi tù thế kỷ, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Cầu. Ký Giả Trương Minh Đức cho biết:

Anh Nguyễn Hữu Cầu khi bị bắt ở Kiên Giang, thì lúc đó tôi có tham dự phiên tòa của anh, chứng kiến cách đây ba mươi mấy năm. Và sau đó tôi cũng bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam. Nhưng tôi cũng có may mắn là được ở tù chung với người đồng hương như anh Cầu - ở cùng một buồng giam. Tôi nhận thấy anh Cầu là một người đa tài, chơi đàn, sáng tác nhạc và làm thơ mặc dù đang trong chốn lao tù rất là khắc nghiệt tới ba mươi mấy năm trời. Anh yêu thơ, nhạc và cho ra đời bản nhạc mà hiện được dư luận cùng rất nhiều người thưởng thức, đó là “Oan khúc người tù Kiên Giang”. Rồi anh còn nhiều bài hát nữa mà tôi được biết khi ở tù chung với anh. Trong tương lai thì chắc có lẽ những bài hát đó sẽ được phổ biến. Tôi cho đây là một sự kiên trì của một người tù thuộc sĩ quan Quân lực VNCH, mặc dù trong cảnh tù đày nhưng vẫn lạc quan, tin tưởng. Hiện nay thì anh Nguyễn Hữu Cầu đã trở về với con, cháu. Đó là điều chúng tôi rất mừng cho anh.

Blogger Trương Minh Đức cũng không quên nhấn mạnh tới sự bất khuất của người bạn tù Nguyễn Hữu Cầu thể hiện qua việc ông luôn lên tiếng bảo vệ công lý. Và khi bị bắt vào tù, ông cũng luôn lên tiếng như vậy. Cũng chính vì thế mà ông bị ngồi tù lâu hơn cả người tù thế kỷ Nelson Mandala bên Nam Phi. Nhà báo Trương Minh Đức nhân tiện lưu ý rằng tù nhân Nguyễn Hữu Cầu không bao giờ nhận tội, và ông cũng không bao giờ xin, không có truyền thống gọi là xin đặc xá. Vì nếu xin đặc xá thì có thể ông đã được về lâu rồi. Đó là tinh thần bất khuất của tù nhân thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu.

Theo một tù nhân khác cũng từng ở tù chung với ông Nguyễn Hữu Cầu là LS Nguyễn Bắc Truyển, thì ông Nguyễn Hữu Cầu quả là người đấu tranh cho công lý, cho những bất công trong xã hội từ năm 1982, tại Rạch Giá ( Kiên Giang). Và sau ba mươi mấy năm tù đày, ông vẫn giữ lập trường như vậy. Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển phân tích:

Nếu là một người khác thì họ có thể ký vào giấy nhận tội và đã ra tù cách đây mười mấy năm. Tại vì từ án tử hình xuống chung thân, thì chung thân ở tù cao lắm là 16-17 hay nhiều lắm là 20 năm. Nhưng anh Nguyễn Hữu Cầu đã ờ tù gần 32 năm ( chưa kể 5 năm gọi là “học tập cải tạo”). Thì tính kiên định của anh Cầu cho tới giờ này vẫn vững. Anh đã phát biểu trên các đài, báo cũng như mới gặp mấy anh em cựu tù nhân chính trị tại Dòng Chúa Cứu Thế ở Sàigòn. Điều cho thấy rằng tinh thần đấu tranh cho công lý, cho những bất công trong xã hội, thì anh Cầu vẫn còn giữ vững.

Nếu là một người khác thì họ có thể ký vào giấy nhận tội và đã ra tù cách đây mười mấy năm...Nhưng anh Nguyễn Hữu Cầu đã ờ tù gần 32 năm ...tính kiên định của anh Cầu cho tới giờ này vẫn vững.
- Ông Nguyễn Bắc Truyển

Và nhân dịp này, LS Nguyễn Bắc Truyển cũng không quên đề cập tới biệt tài thơ nhạc của người bạn tù ngày nào:

Anh Nguyễn Hữu Cầu bị bắt hồi năm 1975 và đi tù cho tới năm 1980. Ở ngoài được năm 1981 thì năm 1982 anh bị bắt trở lại nữa. Trong suốt những năm tháng dài ở tù như vậy, anh Cầu rất là có tài năng về âm nhạc và thơ, nên đã nói lên cảm nghĩ của mình qua thơ, nhạc như vậy. Anh có khỏang 100 bài nhạc về Thánh ca, Kinh ca cũng như tình ca; khỏang 40 bài nhạc về những người tù.

Những vần thơ, nhạc ấy được LS Nguyễn Bắc Truyển trình bày sau đây qua trích đọan “Mai mốt ta về…” từ “Thơ Người Tử Tù Kiên Giang” của tác giả Nguyễn Hữu Cầu:

(Mai mốt ta về…của Nguyễn Hữu Cầu)

Ta sẽ nói về những người tử tù Kiên Giang
Ta sẽ nói về những người tử tù xứ Huế
Những người tử tù Quảng Nam
Những người tử tù Phương Bắc
Những người tử tù Phương Nam
Những người tử tù Tiền Giang
Những người tử tù Long Xuyên
Tử hình vô số ba miền
AK cướp mạng Nhân quyền rác rơm …

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.