Tự do báo chí hay là Cứu cánh biện minh cho phương tiện?

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015.06.29
Báo chí vẫn là công cụ của đảng Báo chí vẫn là công cụ của đảng
File photo

Ngày báo chí hay ngày báo chí cách mạng

Đến hẹn lại lên, hàng trăm tờ báo Việt nam do đảng cộng sản lãnh đạo kỷ niệm ngày 21/6, được gọi một cách chính thức là ngày Báo chí Việt nam. Đôi khi ngày này cũng được gọi là ngày Báo chí cách mạng.

Không hẹn mà gặp, nhà báo Bùi Tín và blogger Kami đều có nhận xét về chữ cách mạng dùng cho ngày 21/6.  Ông Bùi Tín người từng là Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, hiện sống ở Pháp như một nhà bất đồng chính kiến, đặt câu hỏi cách mạng là gì? Ông trả lời rằng cách mạng là thay đổi tận gốc, là đổi đời. Blogger Kami ở trong nước cũng cho rằng khái niệm cách mạng phải được hiểu là: quá trình thay đổi lớn và căn bản theo hướng tiến bộ trong một lĩnh vực nào đó. Ông Kami viết trong bài về báo chí tư nhân trên trang blog của mình rằng nếu cách mạng là như thế thì báo chí hiện nay ở Việt nam không phải là báo chí cách mạng, vì báo chí Việt nam hiện nay không phục vụ cho một sự tiến bộ mà phục vụ cho đảng cầm quyền của những người cộng sản.

Blogger Song Chi thì thêm rằng nền báo chí Việt nam hiện nay là nền báo chí không phục vụ nhân dân mà phục vụ giai cấp cầm quyền và những người có tiền. Song Chi là một người bất đồng chính kiến với những người cộng sản, hiện đang sống như một người tị nạn chính trị tại Na Uy. Điều trớ trêu là những người cộng sản cũng là những người hay nói đến giai cấp trong cuộc đấu tranh của họ. Nhưng khi họ cầm quyền thì họ biến thành một giai cấp mới nói theo Milovan Djilas, người từng là nhân vật số hai của đảng cộng sản Nam Tư. Trình trạng cầm quyền của những người cộng sản Việt nam lại càng phức tạp hơn khi họ công nhận một số nguyên tắc của kinh tế tư bản từ 30 năm nay, và điều đó sinh ra một tầng lớp giàu có. Tầng lớp này có thể lũng đoạn báo chí như blogger Song Chi đề cập, hay một cách tổng quát hơn trong lời phó ban tuyên giáo của Đảng, họ có thể cấu kết với giai tầng cầm quyền để trở thành những nhóm lợi ích đầy quyền lực, trong đó có cả quyền lực truyền thông.

Nền báo chí Việt nam hiện nay là nền báo chí không phục vụ nhân dân mà phục vụ giai cấp cầm quyền và những người có tiền

Blogger Song Chi

Sự xuống cấp của báo chí và sự tự do

Năm nay báo chí chính thống không chỉ ca ngợi mà đăng cả những lời than phiền, điển hình là lời than phiền của ông Hữu Thọ một nhà báo có nhiều danh vọng trong bậc thang phẩm hàm của đảng cộng sản. Ông Thọ nói là ông rất buồn lòng vì tình trạng báo chí hiện nay.

Nhà báo kỳ cựu Huỳnh Ngọc Chênh đáp lời:

Bên cạnh đó ông còn chịu trách nhiệm đúc ra hàng loạt những cán bộ tư tưởng tuyên giáo nữa, một trong những sản phẩm do ông góp phần tạo ra là ông Nguyễn Phú Trọng mới rồi đã tuyên bố nhân ngày báo chí cộng sản: "báo chí là công cụ tuyên truyền, là công cụ đấu tranh giai cấp của đảng" thì còn đâu là báo chí của sự thật nữa ông.

Đã tuyên truyền là phải dối trá.

Blogger Nguyễn Đình Ấm, cũng từng là một nhà báo phát biểu tương tự như ông Chênh, rằng xã hội lưu manh thì nhà báo cũng là sản phẩm của xã hội ấy.

Tác giả Hà Linh Quân thì đặt vấn đề là phải chăng “Sự xa rời những tiêu chuẩn làm báo tất yếu phải dẫn đến sự xuống cấp của nhiều nhà báo.”

Cây bút Đinh Liên trả lời Hà Linh Quân:

Nhưng tiêu chuẩn đặt ra là gì? Đó có phải là sự thật, là khách quan, là trung thực? Hay nói trắng ra là vì tiêu chuẩn báo chí bị hạ thấp bởi chính “nhiệm vụ chính trị”, cái thứ làm nên một nền báo chí tự do trong khuôn khổ mà Đảng “quy hoạch.”.

Nhà báo kỳ cựu Mạnh Kim tiếp lời về khái niệm Tự do trong nền báo chí do đảng cộng sản lãnh đạo rằng “Tự do” là khái niệm được hiểu là khoảng không gian giới hạn mà phóng viên phải mặc nhiên hiểu như một ý thức nghề nghiệp hình thành như một quán tính nhắc nhở thường trực chớ nên dại dột vượt qua.

Báo chí là công cụ tuyên truyền, là công cụ đấu tranh giai cấp của đảng

TBT Nguyễn Phú Trọng

Mạnh Kim viết tiếp về hai bài báo trên báo chí chính thống trong ngày 21/6:

Có một điều mà ít ai chú ý, nhưng rất thật, là cả hai bài viết về báo chí cách mạng đều không có chữ "tự do". Hoàn toàn không nhắc đến khái niệm "tự do báo chí". Có đáng ngạc nhiên không? Có lẽ khái niệm đó không tồn tại trong nền "báo chí cách mạng."

Cũng trong ngày 21/6 một tờ báo chính thống lại đăng bài chỉ trích nền báo chí của chế độ Việt nam cộng hòa tại miền Nam trước năm 1975. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng những tờ báo mà ông biết ở miền Nam trước đây phần lớn là của tư nhân, và họ thường xuyên chỉ trích chính phủ. Trong khi đó nhà nước cộng sản Việt nam hiện nay tuyệt đối không cho phép tư nhân tham gia lĩnh vực báo chí, một điều mà trớ trêu thay, chính người sáng lập đảng cộng sản Việt nam đã từng lên tiếng chỉ trích người Pháp thời thực dân về điều đó.

Một công nhân đang đọc báo đảng bên canh cờ đảng ở Hà Nội
Một công nhân đang đọc báo đảng bên canh cờ đảng ở Hà Nội

Giáo sư Tuấn trích nguyên văn lời ông Hồ Chí Minh trong cuốn sách của ông có tên là Bản án chế độ thực dân Pháp:

Mãi đến bây giờ, chưa có người An Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả.  Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay vǎn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hoá và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy

Viết giữa hai dòng chữ

Giáo sư Tuấn bình luận tiếp về bài báo chỉ trích báo chí Việt nam cộng hòa:

Nghĩ thật trớ trêu: một nền báo chí bị xếp hạng tự do 174/180, đứng chung với những nước "đầu trâu mặt ngựa" như Tàu, Bắc Hàn, Somalia, Syria, Turkmenistan. Eritrea, v.v. mà chê bai một nền báo chí tự do hơn mình! Nhưng cũng có thể người viết phải viết như thế để có dịp gửi một thông điệp về tự do báo chí đến bạn đọc, và như thế thì là một việc đáng phục.

Nghi vấn mà Giáo sư Tuấn đặt ra được nhiều blogger xác nhận. Bà Song Chi gọi những nhà báo đó là những anh hùng

Họ là những nhà báo vẫn đang làm việc cho một tờ báo của nhà nước, nhưng cố gắng không trở thành bồi bút hoặc không góp phần “ xả rác” vào xã hội bởi những tin bài của mình.

Tôi vô cùng khâm phục những nhà báo tử tế, chân chính còn sót lại giữa làng báo thiếu vắng tự do dân chủ và tràn ngập những cướp, giết, hiếp, mông đùi hở hang…như ở VN.

Có người nhận xét sự can đảm đó ít hay nhiều mang tính bi kịch như những nhà nho khẳng khái thời phong kiến, những người phải ý tại ngôn ngoại để người đọc hiểu ra thông điệp về sự thật.

Nghĩ thật trớ trêu: một nền báo chí bị xếp hạng tự do 174/180, đứng chung với những nước "đầu trâu mặt ngựa" như Tàu, Bắc Hàn, Somalia, Syria, Turkmenistan. Eritrea, v.v. mà chê bai một nền báo chí tự do hơn mình!

Giáo sư Tuấn

Cứu cánh biện minh cho phương tiện

Người ta cho rằng những người cộng sản hoàn toàn ý thức được sức mạnh của báo chí như là một quyền lực thứ tư cho nên họ một mực phải kiểm soát, không cho nó rơi vào tay những người đối lập. Do đó nó đã trở thành công cụ cho sự cầm quyền của họ, mục tiêu tối thượng của họ.

Tương tự như vậy là luật pháp.

Trong bài tìm hiểu về pháp luật hiện tại ở Việt nam, blogger Nguyễn Thị Từ Huy so sánh điều luật chống phản cách mạng ngày ông Hồ Chí Minh còn sống, và những điều luật phản dân chủ ngày nay của pháp luật Việt nam. Bà thấy rằng nội dung của nó không khác sau thời gian dài nửa thế kỳ. Nguyễn Thị Từ Huy viết rằng Luật pháp là để bảo vệ đảng cầm quyền chứ không phải để bảo vệ người dân.

Nhưng tất cả những hành động dựa trên quan điểm cứu cánh biện minh cho phương tiện đó đã dẫn đến những hệ lụy đáng buồn cho nước Việt hiện nay.

Nguyễn Thị Từ Huy đặt câu hỏi là tại sao ông Hồ Chí Minh lại đánh đồng Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội trong luật của ông! Rồi đến một ngày đảng của ông đứng trước thế lưỡng nan là không thể cứu Tổ quốc đồng thời với chủ nghĩa xã hội, một lý tưởng chung với kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc.

Một hệ lụy khác trầm trọng hơn là sự tan rã của xã hội.

Blogger Nguyễn Vũ Bình viết rằng hiện nay lòng tin là sự xa xỉ, không có lòng tin ở cái chung, những cá nhân xây dựng riêng cho mình những lòng tin khác nhau, tránh chuyện nhạy cảm và do vậy không ai chịu ai, lòng người ly tán.

Sự ly tán của Nguyễn Vũ Bình cũng chính là sự tan rã của nhà văn Bùi Ngọc Tấn khi nói về quyển sách của mình, mà blogger Tưởng Năng Tiến trích lời

“Tôi chỉ có thể tóm tắt lại như thế này, đây là sử thi, quyển tiểu thuyết sử thi thời sự tan rã. Tan rã trong hệ tư tưởng, tan rã trong quan hệ sản xuất, nghĩa là tan rã trong ý thức hệ, tan rã trong quan hệ giữa người với người.”

Nhưng còn đảng cầm quyền?

Cánh Cò viết bài Hội chứng đảng, trong đó tác giả cho rằng những người cầm quyền ở Việt nam đang mắc một hội chứng đảng, và đang biến mình thành những con bệnh vì đang tin vào những điều sáo rỗng và mù quáng.

Người bị trị và kẻ cai trị  cũng đều có thể có số phận bi kịch vì như blogger Viết từ Sài gòn bình luận:

Bởi suy cho cùng, bất kỳ phương tiện nào đi đến mục đích có tính chất gian manh đều cho thấy mục đích chẳng tốt đẹp của nó.

 

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.