Vụ Vedan: khi sự coi thường dư luận bị đáp trả

Một trong mấy vụ việc được đề cập sôi nổi gần đây trên cả hai mạng lưới báo chí nhà nước và báo chí, diễn đàn tự do ngoài luồng là vụ công ty Vedan được trao giải thưởng “Sản phẩm an toàn chất lượng vì sức khỏe cộng đồng năm 2009” ngày 13.10 vừa qua.
Nhật Hiên, thông tín viên RFA
2009.11.04
Sản phẩm bột ngọt Vedan Sản phẩm bột ngọt Vedan được giải thưởng "Vì Sức Khỏe Cộng Đồng"
Ảnh đăng trên Blog 360-jcs

Cuối tuần trứơc, chúng tôi đã điểm qua báo chí nhà nước, nay xin đựơc điểm qua các Blog và diễn đàn tự do ngòai luồng về câu chuyện bi hài này.

Phản ứng của dư luận

Vedan là một công ty chuyên sản xuất bột ngọt, tinh bột biến tính, nước đường, xút (NaOH), thức ăn chăn nuôi, phân bón, các sản phẩm công nghệ sinh học...

Công ty này đã bị khởi tố vì xả chất thải chưa qua xử lý thẳng xuống dòng sông Thị Vải suốt một thời gian dài từ năm 1993 đến 2008, gây ô nhiễm trầm trọng nước sống Thị Vải có chiều dài gần 80 km chảy qua TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cũng như nguồn sống của hàng trăm ngàn hộ dân nơi đây.

Việc công ty Vedan được trao giải thường trong khi vẫn đang nợ tiền bồi thường tác hại sức khoẻ cho nông dân, vẫn chưa khắc phục hết hâu quả về môi trường quả là một sự kiện gây phẫn nộ cho dư luận.

Trong bài “Bình luận nóng: Không còn gì để nói nữa” tác giả Hà Văn Thịnh viết:

 “Sự kiện Vedan được giải thưởng “Sản phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009” do Cơ quan đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ ở phía Nam phối hợp với NATUSI TP HCM trao tặng là một cái tát trực diện vào toàn bộ dư luận và sự thật.

Vietnamnet gọi đó là một trò đùa dai, VT1 tối 27.10.2009 cho rằng khó chấp nhận vẫn chỉ là sự đáp trả quá ư nhẹ nhàng đối với việc làm vô lương tâm của một trong những cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước là Bộ KH&CN!”

 “Sự kiện Vedan được giải thưởng “Sản phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009” do Cơ quan đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ ở phía Nam phối hợp với NATUSI TP HCM trao tặng là một cái tát trực diện vào toàn bộ dư luận và sự thật. Vietnamnet gọi đó là một trò đùa dai,
Hà Văn Thịnh

Muốn  được tham dự chương trình trao giải thửơng này, mỗi công ty trong đó có Vedan phải đóng 30 triệu đồng gọi là hỗ trợ kinh phí cho chương trình. Bàn về chuyện này, Blogger Hà Văn Thịnh phê phán mạnh mẽ: 

 “Số tiền 30 triệu đồng là quá rẻ đối với việc giết chết một dòng sông, đối

với công lao đầu tắt mặt tối của hàng ngàn nhà báo đưa tin và bình luận về Vedan. Và, chắc chắn người dân hai bên bờ Thị Vải sẽ không còn nước mắt để mà khóc, mà đau bởi thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng đó bỗng chốc bị xóa bỏ bởi cơ sở pháp lý mà “giải thưởng” đã thừa nhận (!?)…

Có  còn niềm tin nữa hay không khi hết bộ  này đến bộ khác cứ  chạy vòng quanh như đèn cù  để đuổi theo sự “nhầm”, sự  “chưa thẩm định kỹ  càng”, sự chung chung của việc xử  lý kỷ luật nhẹ  hều như mơ ngủ? Luật pháp và  cơ chế của bộ  máy nhà nước đâu phải là  chỗ để cho các quan chức  đùa dai? Nếu ai cũng có quyền sai, có quyền xin lỗi sau khi gây ra sự đổ vỡ nghiêm trọng của niềm tin, công lý, thì đất nước sẽ đi về đâu?

Dư  luận đòi hỏi cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ  vì sao chỉ cần có  “30 triệu” là dám coi thường kỷ  cương, phép nước? Dư luận cũng đòi hỏi phải có hình thức kỷ  luật nghiêm khắc đối với tất cả  những ai dám đưa luật pháp, chính quyền ra để làm trò hề đẫm nước mắt!”

 “Một công ty hủy hoại môi trường, “giết chết” dòng sông Thị Vải đang gây nhức nhối lại được vinh danh! Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân đã phải thốt lên: “Đùa dai!”.

Hồ Bất Khuất cũng nói rất mạnh trong bài “ Phải chăng dư luận đang bị thách thức?”:

 “Một công ty hủy hoại môi trường, “giết chết” dòng sông Thị Vải đang gây nhức nhối lại được vinh danh! Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân đã phải thốt lên: “Đùa dai!”. Ai đùa đây? Những người cấp bằng vinh danh cho Vedan đùa cợt tất cả chúng ta? Tôi cho rằng, không chỉ như vậy, họ còn đi xa hơn: Họ thách thức dư luận!” Sau khi điểm qua một loạt vụ việc gần đây cho đến vụ Vedan, tác giả viết: “có những ai đó đang thể hiện thái độ ngang ngược, xem thường pháp luật và đạo lý, thách thức dư luận, chà đạp lên niềm tin vào công lý của nhân dân. Đây có lẽ không phải là chuyện đùa nữa rồi.”

Nhà  báo Phan Lợi tức blogger Bút Lông còn đi xa hơn, khi nói thẳng việc Vedan có giải thưởng là…do chạy tiền. Tác già Bút Lông gọi đó là “Triết lý Năm Cam”: “Sau khi bị hành quyết, dư luận xã hội không còn nhắc đến Năm Cam nữa. Song có một thứ “triết lý” mà Năm Cam sử dụng để tồn tại, bành trướng và reo rắc tội ác vẫn cứ ám ảnh và đeo đẳng đi lên cùng đời sống xã hội. Đó là triết lý: “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng… rất nhiều tiền”!

Vedan có giải thưởng là…do chạy tiền.Song có một thứ “triết lý” mà Năm Cam sử dụng để tồn tại, bành trướng và reo rắc tội ác vẫn cứ ám ảnh và đeo đẳng đi lên cùng đời sống xã hội. Đó là triết lý: “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng… rất nhiều tiền”!
Blogger Bút Lông

Đó cũng là nhận định của nhà văn Nguyễn Quang Thân. Ông viết:

 “Đó là sự lên ngôi của “tiền và rất nhiều tiền”, có thể đổi trắng thay đen, làm các giá trị nhân bản bình thường kể cả công lý, thành bộ mặt cười méo mó.

Đó là sự sợ hãi không có can đảm chịu trách nhiệm dẫn tới nói dối lộ liễu và kém cỏi, muốn coi công luận như trẻ con, đến nỗi một nhà văn đã phải đưa ra lời khuyên mỉa mai cho một số quan chức trong vụ này là họ “cần cố gắng nói dối tốt hơn”!”

Còn tác giả Sao Hồng trên trang bauxitevietnam thì điểm mặt các vị chức sắc trong Ban Tồ chức xét duyệt giải thưởng, toàn những vị thuộc loại có vai có vế trong hàng ngũ “cộng bộc của dân” cả. Tác giả này muợn một nhóm từ trong tục ngữ để mô tà hành vi của họ trong vụ này là “Bán danh ba đồng”.

Nhà  báo Mạnh Quân thì nhân vụ việc để bàn về sự đảo lộn các giá trị trong xã hội Việt Nam hôm nay. Blogger Mạnh Quân bày tỏ sự quan ngại rằng: “Nền móng của một sự ổn định và phát triển cho mỗi quốc gia được xây lên bởi những giá trị về đạo đức, luật pháp, khoa học...Những giá trị ấy được dựng xây và củng cố qua nhiều thế hệ và không thể bị đảo ngược trong ngày một ngày hai. Nay những giá trị ấy dễ dàng bị đổi trắng, thay đen bởi tiền, bởi quyền...thì sự ổn định của nền móng sẽ không còn nữa.”

Thái độ của những người có trách nhiệm

Không chỉ riêng việc trao giải thưởng cho Vedan làm cho mọi người phẫn nộ, điểu mà dư luận khó chấp nhân được là, khi sự việc xảy ra, những người có trách nhiệm từ ông Thứ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho tới hàng loạt các nhân vật khác hoặc vẫn cố bào chữa cho sự việc, hoặc đùn đẩy đồ thừa trách nhiệm qua lại.

Đây không phải là chứng nhận cho doanh nghiệp (DN) mà là cho sản phẩm cụ thể. Nếu một công ty nào đó giám đốc tham nhũng chẳng hạn mà công ty làm ra sản phẩm xã hội chấp nhận thì mình cũng phải công nhận
Ô.Nguyễn Quân, Thứ Trưởng Bộ Khoa học

Blogger Nguyễn Văn Tuấn đưa luôn câu trả lời của ông Thứ Trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ Nguyễn Quân lên thành tựa cho bài viết của mình: “ Vedan: Sản phẩm an toàn, sản phẩm không có tội ”.

Tác giả viết: “Trả lời câu hỏi của báo Người lao động "Có nghịch lý không khi Công ty Vedan VN gây ô nhiễm môi trường nặng nề, chưa khắc phục xong hậu quả mà sản phẩm đã được công nhận vì sức khỏe cộng đồng?", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói : "Đây không phải là chứng nhận cho doanh nghiệp (DN) mà là cho sản phẩm cụ thể. Nếu một công ty nào đó giám đốc tham nhũng chẳng hạn mà công ty làm ra sản phẩm xã hội chấp nhận thì mình cũng phải công nhận. Sản phẩm của Công ty Vedan VN không có tội. Quy trình, công nghệ sản xuất gây ô nhiễm chứ người ăn sản phẩm ấy thì không sao. Nếu sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế thì sao không được chứng nhận. Thực chất sản phẩm Vedan vẫn có mặt trên thị trường và người dân vẫn sử dụng."

Tôi thấy  lí giải "gây sốc" này của ông thứ trưởng tuy mới nghe qua thì có vẻ khách quan (tức cần phải phân biệt giữa công ti Vedan và sản phẩm của công ti Vedan), nhưng suy nghĩ kĩ thì nó có cái gì lấn cấn trong phát biểu này.

Gây ô nhiễm, tiêu diệt môi sinh của một dòng sông, gây ảnh hưởng đển môi trường sống của hàng vạn người, thì cái câu "Vì sức khỏe cộng đồng" thật là mỉa mai làm sao! Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã rất chính xác khi than rằng : "thật chẳng còn đạo lý gì nữa!".

Sau khi phân tích sự liên quan giữa doanh nghiệp và sản phẩm, giữa quy trình sản xuất và con người, cũng như bột ngọt thực tế là một sản phẩm mà vấn đề an toàn cho sức khoẻ đã được đặt ra từ lâu, blogger Nguyễn Văn Tuấn cho rằng:

 “Vinh danh một sản phẩm, nhất là sản phẩm mang danh hiệu "an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009" tôi nghĩ chúng ta phải cực kì cẩn thận vì (a) nó liên quan đến một cộng đồng, và (b) chúng ta không muốn đưa ra một thông điệp hoàn toàn an toàn với ấn chứng của cơ quan y tế cao nhất nước trong khi bằng chứng khoa học còn chưa đầy đủ” Và:

 “Đã không an toàn tuyệt đối, tôi nghĩ không nên tuyên dương vào hàng "Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009".

"Vì sức khỏe cộng đồng". Nghe qua thì rất cao thượng, nhưng với những qui trình sản xuất gây ô nhiễm, tiêu diệt môi sinh của một dòng sông, gây ảnh hưởng đển môi trường sống của hàng vạn người, thì cái câu "Vì sức khỏe cộng đồng" thật là mỉa mai làm sao! Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã rất chính xác khi than rằng : "thật chẳng còn đạo lý gì nữa!".

Blogger Nguyễn Hữu Vinh đặt câu hỏi: “Với Thứ trưởng Nguyễn Quân: Không có tội hay không có đạo đức xã hội? : “Nếu một Thứ trưởng của một bộ quản lý về khoa học, công nghệ mà vẫn có não trạng quan niệm cái tốt chỉ ở sản phẩm mà không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ tội ác của nó, thì [chúng ta] không thể cứ chỉ trách các doanh nghiệp, các tập đoàn tội phạm vẫn cứ có đất tồn tại.

Nếu một Thứ trưởng của một bộ quản lý về khoa học, công nghệ mà vẫn có não trạng quan niệm cái tốt chỉ ở sản phẩm mà không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ tội ác của nó, thì [chúng ta] không thể cứ chỉ trách các doanh nghiệp, các tập đoàn tội phạm vẫn cứ có đất tồn tại.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh

Vấn  đề ở đây, người ta không nói  đến “tội” của sản phẩm, mà người ta nhắc đến vấn đề đang thiếu trầm trọng ngay cả nơi những quan chức cấp cao là “Đạo đức xã hội”.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập thì nói thẳng cái lý  của ông Thứ Trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ  ở miền Trung quê anh người ta goi là …lý  điềm, và đưa ra thêm một loạt dẫn chứng về cách bào chữa, chống chế vụng về của các vị. Khi thấy vụ việc có vẻ không xong với dư luận, sau khi báo chí đã đưa lên với đầy đủ bằng chứng, ông Bùi Văn Quyền Vụ trưởng và là Trưởng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ tại TP.HCM liền vội vàng cam đoan Vedan và sản phẩm của Vedan không có trong danh sách được giải, thấy vậy ông Nguyễn Quân cũng vội vàng đính chính với báo Tiền phong là “Vedan chỉ được xướng tên và lên sân khấu để trao 100 triệu đồng ủng hộ đồng bào bão lụt miền Trung”.

Tiếp đến bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc NATUSI cũng vội vàng khẳng định Vedan chỉ được đề xuất trao giải chứ không được công nhận. Nhưng ông Yeh Sheau Yeh giám đốc Văn phòng Tổng giám đốc Công ty Vedan Việt Nam thì  bảo có. Ông còn đưa ra ba bằng chứng nhận hẳn hòi vừa được cấp.

Báo Tuổi trẻ còn trưng lên ba cái bằng của Vedan, trang web của NATUSI cũng ghi rành rành tên Vedan trong danh sách giải thưởng, rồi MC đêm trao giải cũng đọc tên Vedan bao nhiêu người nghe được. Đến lúc đó thì các vị lại tìm cách chống chế cho là có sự nhầm lẫn.

Đừng vì thấy đầu tư nước ngoài đến với quê hương mà vội vui. Có dự án đem lại công ăn việc làm cho vài nghìn người nhưng có thể mang theo hàng chục vạn tấn chất độc ô nhiễm từ quốc gia khác để đổ vào nước ta. Thu hút đầu tư không có chọn lọc về ảnh hưởng môi trường sẽ là tai họa cho tương lai.
Blogger Hiệu Minh

Cuối cùng trước sự phẫn nộ của dư luận, các biện pháp sửa sai đã được vội vã tiến hành: thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm an toàn của Vedan, tạm đình chỉ công tác ông Hoàng Thủy Tiến, Cục phó Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, người đã ký giải thưởng cho Vedan, lập đoàn thanh tra làm rõ vụ việc sau cùng kết luận do lỗi của một… nhân viên đánh máy vì để xảy ra sai sót dẫn đến việc “trao nhầm” giấy chứng nhận!

Bình về việc này, trong bài “Cần cố gắng nói dối tốt hơn” nhà văn Nguyễn Quang Lập chua chát: “Người ta lại tiếp tục đổ lỗi cho nhân viên trong việc vinh danh Vedan có 3 sản phẩm “vì sức khỏe cộng đồng”. Nào là “giấy chứng nhận đã được ký khống”, nào là “từng sản phẩm cụ thể của Vedan là tốt”…

Nhà  văn đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không thẳng thắn công nhận những sai lầm của mình để hy vọng có ngày khá lên?”

Cuối cùng xin mượn lời của blogger Hiệu Minh trong một entry viết như một lời kết cho câu chuyện Vedan, hay nói rộng hơn là câu chuyện đầu tư nước ngòai:

“ Đừng vì thấy đầu tư nước ngoài đến với quê hương mà vội vui. Có dự án đem lại công ăn việc làm cho vài nghìn người nhưng có thể mang theo hàng chục vạn tấn chất độc ô nhiễm từ quốc gia khác để đổ vào nước ta. Thu hút đầu tư không có chọn lọc về ảnh hưởng môi trường sẽ là tai họa cho tương lai. Không quản lý chặt, Việt Nam dễ thành bãi rác thải công nghiệp của các nước phát triển.

Khi duyệt các công trình, câu hỏi  đầu tiên là dự án này ảnh hưởng đến môi trường như  thế nào. Mang lại bao nhiêu tiền và  số người có công ăn việc làm nên là những câu hỏi cuối cùng”.

Thật  ít khi có một chuyện xẩy ra, mà  báo chí nhà nước và  các Blog lại ‘Hợp  đồng tác chiền’ nhịp nhàng và  đẹp đẽ như vụ này. Quả là  một hình ảnh đẹp! Nhật Hiên xin dung hình ảnh ấy để kết thúc mục đọc Blog tuần này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.