Hãy nói thật trước khi quá muộn

Còn một tuần nữa là tới thời điểm kỷ niệm biến cố 30 tháng Tư năm 1975, khi Saigòn thất thủ về tay người CS.

Binh sĩ VNCH bị bắt đi cải tạo sau ngày 30 tháng 4, 1975.
Binh sĩ VNCH bị bắt đi cải tạo sau ngày 30 tháng 4, 1975. (AFP photo)

0:00 / 0:00

Cuộc chiến chưa kết thúc

Biến cố ấy khiến blogger Bùi Minh Quốc một dạo nào hồi tưởng, qua những dòng thơ:

Tôi treo lên lá cờ máu
Đau đáu hồn tôi
Giờ này năm ấy
Vẫn ngã xuống bao người
Những người cuối trong trận cuối
Cuộc chiến tranh dằng dặc mấy đời

Nhưng rồi nhà thơ Bùi Minh Quốc mới nhận ra rằng đó chưa phải là trận cuối của cuộc chiến “dằng dặc mấy đời”, mà người dân Việt “vẫn ngã xuống bao người”, trong những năm 1978, 1979, 1988, ngã xuống tại vùng biên giới Tây-Nam, tại vùng biên giới phía Bắc Biển Đông, khi “đồng chí” lộ nguyên hình là lũ giặc, khi các “đồng chí’ không cho ai được nhắc tới. Và tác giả thấy xót xa – lẫn uất hận:

Im lìm phố trưa
Chợt nghe ục vào tai tiếng quát :
"Này bà kia sao chưa treo cờ ?"
Gã công an kinh ngạc
Trố mắt nhìn bà hàng xóm giả lơ
Tôi nhìn lên màu máu rực trên cờ
Thấy người chết bật mồ đứng dậy.

Sắp đến ngày 30 tháng Tư – cũng là sinh nhật của nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhưng ông không lo “cái già xồng xộc nó thì theo sau”, mà lo cho quê hương, đất nước. Nhà văn nêu lên một loạt câu hỏi, rằng “sau 37 năm hòa bình thống nhất, 67 năm xây dựng CNXH, đất nước ta đang ở đâu?”, “Sự thật thế nào ?”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, tức blogger Quê Choa, trích dẫn báo Người Lao Động mà lấy làm “ngao ngán”, vì “Theo Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore”. Rồi nhà văn bày tỏ nỗi “ngao ngán” này qua bài tựa đề “Hãy nói thật với nhau đi!”.

“Lại càng ngao ngán hơn khi thấy một loạt những cái nhất của Việt Nam ta. Đây là thống kê của báo lề phải nhé, chứ không lại bảo của lực lượng thù địch đang cố tình bôi nhọ chế độ ta. Nhưng tất cả những điều đó cũng không bì được với đại nạn đất đai ở nước ta. Đọc bài Bàn chân nổi giận của bác Tương Lai thấy đắng cay không thể tả:

“…chính ông Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sau “sự kiện Tiên Lãng”, số lượt người đi khiếu nại tăng tới 50%, số lượt người khiếu nại tố cáo tăng 50% so với tháng 2, số đoàn đông người tăng 30%. Trong số này chủ yếu vẫn là các vụ khiếu kiện liên quan tới đất đai với tính chất rất phức tạp, gay gắt.” Thế nào rồi cũng có vài quả bom Đoàn Văn Vươn nữa cho mà xem.”

Dân oan ngày càng nhiều

danchimviet-250.jpg
Dân oan trong một lần tụ tập trước trụ sở của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam để khiếu kiện. Photo courtesy of danchimviet (Dân oan trong một lần tụ tập trước trụ sở của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam để khiếu kiện. Photo courtesy of danchimviet)

Từ tâm trạng “ngao ngán, lại càng ngao ngán hơn”, nhà văn Nguyễn Quang Lập chuyển sang “nộ khí” trước thực trạng được các quan chức – dù về hưu hay tại nhiệm – mô tả. Chẳng hạn như nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu nhìn nhận việc một số nơi thu hồi đất của nông dân với giá rất rẻ để sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng và bán với giá cao hơn thậm chí gấp 15 lần.

Theo cựu viên chức này thì “chính sách như vậy làm giàu cho một số người mà làm nghèo nông dân” khiến diễn ra cảnh “bên trong là lễ khởi công, bên ngoài là những nông dân khiếu kiện”; hay kết luận của Tổng Thanh tra Chính phủ rằng “Một số địa phương chưa tập trung giải quyết tới nơi tới chốn, còn né tránh đùn đẩy nên người dân bức xúc. Một số trường hợp còn kết luận không chính xác nên dân không đồng tình” khiến nhà văn Nguyễn Quang Lập “nộ khí” rằng “Cái gì cũng chưa… chưa… chưa..”, “một số” và “chưa” nghe nhẹ hều, nghe như chẳng có vấn đề gì lắm. Chỉ khuyết điểm thôi mà, có sai phạm gì đâu... Muốn văng tục một câu cho bõ tức…

Và tác giả đề nghị “hãy nói thật với nhau đi trước khi quá muộn”:

“Thôi đừng nói ta “đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh..” vân vân và vân vân, nghe ngượng lắm. Hãy hỏi nhau thực lòng, chính quyền ta đang xây dựng là của ai, cho ai và vì ai? Chế độ ta đang phấn đấu là của ai, cho ai và vì ai? Đừng có vòng vòng vèo vèo nữa, nói thật với nhau một câu cho nhẹ người.”

Thôi đừng nói ta “đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh..” vân vân và vân vân, nghe ngượng lắm.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập

Trong khi blogger Quê Choa “ngao ngán" và “nộ khí” như vậy thì blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận thấy trong mấy ngày qua có “Ba chuyện làm dư luận sôi lên”. Chuyện thứ nhất là chuyến công du Châu Mỹ La Tinh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Cuba và Braxil. Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng “rao giảng về CNXH” tại Cuba khiến blogger Quê Choa “chán như con gián” thì blogger Huỳnh Ngọc Chênh lưu ý rằng “dư luận muốn phát sốt lên vì mẫu tin rất ngắn chỉ vài dòng của TTXVN nói về việc huỷ bỏ chuyến đi kế tiếp của TBT vì điều gọi là “sự khó khăn đột xuất” của Braxil.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh mô tả “ Ông Trọng gần như đã đến trước cửa của nước chủ nhà, nhưng rồi người ta đã đóng cửa im ỉm”. Theo tác giả thì cho dù vì lý do gì đi nữa, vấn đề cũng bắt nguồn từ sự khác biệt chế độ chính trị giữa VN và phần lớn còn lại của thế giới, đó là “Độc đảng và dân chủ đa đảng”. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận định:

“Với một nước độc đảng toàn trị như Việt Nam, ông Trọng là lãnh tụ tối cao nhưng với các quốc gia dân chủ đa đảng, ông chỉ là người đứng đầu một tổ chức chính trị của một nước và nguyên thủ quốc gia của họ không thể tùy tiện đón tiếp chính thức những người như vậy.”

Chính quyền đang sợ hãi

DieuCay-Basg-taphongtan2-danlambao-250.jpg
Từ trái qua: Bà Tạ Phong Tần, blogger Điếu Cày, blogger Anh Ba Saigon. (Từ trái qua: Bà Tạ Phong Tần, blogger Điếu Cày, blogger Anh Ba Saigon.)

Chuyện thứ hai mà nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhận thấy “làm dư luận sôi lên” là “cả một bộ máy báo đài của nhà nước được huy động vào việc bôi nhọ và bới móc đời tư của một người phụ nữ đáng thương” chỉ vì chị phạm “tội” nhiều lần tham gia biểu tình chống TQ xâm lược và trấn lột ngư dân VN . Người phụ nữ có tâm huyết với đất nước đó là Bùi Hằng. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh thắc mắc:

“Thế nhưng không hiểu vì sao nhân phẩm của người phụ nữ đáng thương nầy đang bị xúc phạm và chà đạp nghiêm trọng bởi các cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước. Bỗng dưng đùng đùng các cơ quan báo đài nầy được huy động vào. Các cơ quan ngôn luận chính thống ấy dấy lên chiến dịch xúc phạm nhân phẩm người phụ nữ đáng thương nầy qua hàng loạt tin bài bôi nhọ và bới móc chuyện đời tư của chị một cách tồi tệ...

Với cung cách ứng xử như vậy, không khỏi không làm cho mọi người nghĩ rằng nhà nước đã xem Bùi Hằng là kẻ thù cần phải chà đạp bằng mọi cách …Hay là có một nỗi sợ hãi nào đó đối với người phụ nữ cô thế đáng thương nầy?”

Và chuyện thứ ba, theo blogger Huỳnh Ngọc Chênh, là tin gây xôn xao dư luận khi giới cầm quyền VN chuẩn bị đưa các bloggers Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Anh Ba Saigòn Phan Thanh Hải và Sự thật và Công lý Tạ Phong Tần ra xét xử giữa lúc giới cầm quyền bắt giam một cách bí mật và kỳ lạ 3 công dân ấy như giam những “tội phạm an ninh quốc gia cực kỳ nguy hiểm”. Theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, thì những gì vừa được công bố cho thấy 3 bloggers ấy bị gán tù tội chỉ vì dám viết blog phản biện, nói lên suy nghĩ bất đồng chính kiến, thể hiện hành động yêu nước, trong khi Hiến pháp VN công nhận quyền tự do lập hội, không ngăn cấm người dân biểu tình, Đảng và Nhà nước khuyến khích phát huy dân chủ, phản biện xã hội. Tác giả nêu lên câu hỏi:

“Liệu việc đối xử với ba công dân nói trên có đi ngược lại hiến pháp của Việt Nam? Hay là phải làm vậy vì bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi nào đó? Nếu CNXH là chế độ tốt đẹp và đang phát triển ngày càng vững mạnh như những gì ông Nguyễn Phú Trọng vừa khẳng định ở Cuba thì nhà nước sợ gì vài lời phản biện của một vài blogger hoặc sợ gì một người phụ nữ cô thế đang bị giam giữ để chịu sự cải tạo cưỡng bức như Bùi Hằng?”

Theo báo Người Lao Động, thì 3 bloggers này bị truy tố theo khoản 2 điều 88, bộ luật hình sự vốn quy định tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN. Qua bài “Kết án theo điều 88 mãi vi phạm quyền tự do ngôn luận”, blogger Nguyễn Ngọc Già lưu ý:

“Điều 88 không có gì mới lạ trong suốt ít nhất hai mươi năm qua. Nó được sử dụng nhiều lần, lặp đi lặp lại cho rất nhiều tù nhân chính trị. Điều cần bàn là từ trước tới nay, dù bị nhiều chỉ trích với phân tích, bình luận khoa học, hợp lý từ trong nước ra tới quốc tế, nhưng giới cầm quyền vẫn cố tình giữ nguyên, bất chấp lời kêu gọi xóa bỏ nó. Nhiều người thống nhất với nhận định: đó là điều luật mơ hồ, chủ quan, cảm tính, dùng để áp đặt theo ý muốn của giới cầm quyền hòng khép tội cho những người đấu tranh dân chủ ôn hòa, bất bạo động.

Liệu việc đối xử với ba công dân nói trên có đi ngược lại hiến pháp của Việt Nam? Hay là phải làm vậy vì bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi nào đó?

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh

Ông Nguyễn Văn Hải, ông Phan Thanh Hải và cô Tạ Phong Tần chuẩn bị đối mặt với điều 88 – phi lý và vi phạm công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam ký cũng như cam kết thực hiện nhiều năm qua….Nếu vẫn cố chấp kết tội ông Nguyễn Văn Hải, ông Phan Thanh Hải, cô Tạ Phong Tần, yêu cầu từ nay về sau, giới cầm quyền Việt Nam không được để người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói với thế giới: Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do ngôn luận.”

Theo blogger Người Buôn Gió thì “ba cái loại blog viết theo cảm hứng” chỉ đề giải toả bức xúc, “dăm ba bạn bè liên kết tự sướng với nhau” thì “gây được hậu quả gì, phá sập bao nhiêu cây cầu, bao nhiêu bệnh viện, trường học, hại chết bao nhiêu người, làm được cái gì mà gớm đến mức lật đổ chế độ” lại bị cáo buộc vào khoản 2 điều 88 BLHS với khung hình phạt từ 10 tới 20 năm tù.

Blogger Người Buôn gió chua chát rằng cả 3 bloggers Điếu Cày, Anh Ba Saigòn, Sự thật và Công Lý chỉ có 94 bài viết mà gặp nguy cơ đối mặt với án 20 năm tù, mà nếu quy đổi với vụ Vinashin thì mỗi bài viết tương đương với 1 nghìn tỷ đồng.

Opens in new window

Video: Việt Nam tuần qua 21-04-2012Opens in new window ]

Theo dòng thời sự: