Dân sinh và Dân quyền

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015.04.06
Mới khánh thành nhưng công trình tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng hơn 400 tỷ đồng gạch nền dưới chân tượng đài bị bong tróc, bể nát Mới khánh thành nhưng công trình tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng hơn 400 tỷ đồng gạch nền dưới chân tượng đài bị bong tróc, bể nát
Hoituthienquangnam.com

Những điều bệ rạc và nhà lãnh đạo

Một dự án vĩ đại dù có bị phản đối nhưng cuối cùng cũng hoàn thành, đó là tượng đài Bà mẹ Việt nam được khánh thành tại tỉnh Quảng nam trong tuần qua. Ngay sau lễ khánh thành, sân lát đá trước tượng đài đã bị hư hại. Nhưng đó không phải là điều quan trọng mà blogger Tưởng Năng Tiến nhìn thấy qua tượng đài đồ sộ nhất Đông Nam Á này. Cái ông thấy là những người phụ nữ Việt Nam ủng hộ và hy sinh cho những người cộng sản ngày xưa nay được đền bù bằng các tượng đài và không có gì khác.

Lúc đói, mỗi người sẵn lòng giúp cho Nhà Nước hàng ngàn cân gạo; khi no, Đảng và Chính Phủ cũng không ngần ngại giúp lại cho nhân dân hàng ngàn tượng đài, nặng hàng ngàn tấn, với kinh phí hàng ngàn tỉ bạc chi từ tiền thuế của họ.

Nhưng tượng đài Bà mẹ Việt nam không phải là cái nhất duy nhất mà Việt nam thực hiện chỉ trong vòng một năm qua, người ta còn phải kể đến nào là cái bánh chưng lớn nhất, tô hủ tíu lớn nhất,… và trong tương lai còn có tháp truyền hình cao nhất thế giới nữa. Những cái nhất ấy, cộng với những nhiễu nhương khác như tranh giành đánh nhau trong lễ hội, xếp hàng hàng giờ đồng hồ để được ăn miễn phí, sự thờ ơ của dân chúng … được Viết từ Sài gòn gọi là những điều bệ rạc, và đặt câu hỏi là ai đã biến người dân Việt nam trở nên một trạng thái không phải là con người như thế?

Tác giả tìm kiếm nguyên nhân ở thời bao cấp, và kết luận rằng không thể đổ lỗi cho người dân, mà chính giới lãnh đạo phải chịu trách nhiệm vì đã đưa đất nước tới chỗ hỗn độn như ngày nay.

Những nhà lãnh đạo Việt nam họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề biết động lòng với chính đồng bào mình, nhưng làm phép tính giữa chi phí và lời lãi thu về thì rất nhanh. Chỉ có nguy cơ bị cộng đồng quốc tế ruồng bỏ mới khiến họ phải suy xét lại đường lối hiện tại

ông Lý Quang Diệu

Liên quan đến trách nhiệm đó của nhà cầm quyền, và cũng nhân lúc một nhà lãnh đạo lịch sử người châu Á là ông Lý Quang Diệu bên Singapore qua đời, nhà văn Phạm Thị Hoài đăng lại bức thư của ông Lý gửi bà Thủ tướng Anh Margaret Thatcher cách đây mấy mươi năm về thảm trạng thuyền nhân Việt nam lúc ấy. Trong bức thư này ông Lý viết rằng:

Những nhà lãnh đạo Việt nam họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề biết động lòng với chính đồng bào mình, nhưng làm phép tính giữa chi phí và lời lãi thu về thì rất nhanh. Chỉ có nguy cơ bị cộng đồng quốc tế ruồng bỏ mới khiến họ phải suy xét lại đường lối hiện tại.

Nội dung này lập tức được hàng chục trang FB và blog đăng lại.

Nhưng ông Lý cũng là nhân vật được nhiều nhà nước được xem là độc tài lấy làm gương. Người ta cho rằng có thể duy trì duy nhất một đảng như đảng Nhân dân hành động của ông Lý để đạt được phồn vinh của một đất nước.

Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc viết rằng ông Lý là một nhà lãnh đạo giỏi vì đã tạo nên đất nước Singapore, nhưng lại là người thầy dở vì những học trò tự nguyện của ông là những nhà độc tài.

Và ở những đất nước độc tài đó người ta chưa thấy Singapore nào xuất hiện.

Nay, ngay tại chính đảo quốc sư tử người ta cũng tự hỏi là tương lai của đất nước này sẽ như thế nào! Nhân đám tang ông Lý, mọt cậu học trò Singapore chỉ trích ông và bị bắt giam! Nhà báo Huy Đức từ Việt nam trông sang và cảnh báo rằng người dân Singapore còn phải làm rất nhiều việc để sửa đổi nó nếu muốn thành phố 5 triệu dân này mang gương mặt của họ thay vì chỉ mang gương mặt của chỉ một gia đình, một "cha già".

Dân sinh và dân quyền

Trở lại tiêu đề những điều bệ rạc mà chúng tôi mượn ý của blogger Viêt từ Sài gòn, thì ngẫm cho cùng nó cũng xảy ra trong thời gian khá dài, điều đáng nói trong tuần qua là những sự kiện liên quan đến môi trường và dân sinh.

Hàng nghìn công nhân Công ty Pouyen Việt Nam (TP HCM) đã xuống đường tuần hành phản đối quy định bảo hiểm mới trong 5 ngày qua. 31/3/2015. RFA
Hàng nghìn công nhân Công ty Pouyen Việt Nam (TP HCM) đã xuống đường tuần hành phản đối quy định bảo hiểm mới trong 5 ngày qua. 31/3/2015. RFA

Thoạt đầu là cuộc biểu tình chống chặt hạ cây xanh tại Hà nội, rồi đến việc ngăn lấp sông Đồng Nai bị tạm ngừng, và mới nhất là câu hỏi về dự án Bauxite Tây Nguyên lỗ hay lời, có hại môi trường hay không, lại trở lại làm sôi động báo chí.

Đã có một sự phản kháng xảy ra trong xã hội Việt nam đòi môi trường sống tốt hơn, hoặc với hình thức phản kháng trực tiếp là cuộc biểu tình vì cây xanh ở Hà nội, hay thông qua báo chí, dù vẫn còn bị nhà nước kiểm soát.

Và hơn 100 ngàn công nhân tại các khu công nghiệp ở Sài Gòn, Long An, Tiền Giang đình công chống luật bảo hiểm xã hội. Các blogger nói rằng cuộc đình công này của công nhân khác những cuộc đình công của họ chống giới chủ, lần này chống lại một chính sách của nhà nước.

Qua hai sự kiện trên, (biểu tình chống chặt cây xanh và chống luật bảo hiểm xã hội) chúng ta có thể thấy rằng người dân đã cam chịu, đã nhẫn nhục quá lâu, nhưng cuối cùng thì họ cũng đã thức tỉnh. Đất dưới chân của những kẻ độc tài đã bắt đầu rung chuyển

Trang Bauxite Việt nam

Blogger Cánh Cò viết rằng đã có một áp lực lớn hơn từ phía người dân để giành lại quyền của mình.

Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự  thì nói rằng đó là sự chuyển mình từ cam chịu sang phản kháng

Trang Bauxite Việt nam viết:

Qua hai sự kiện trên, (biểu tình chống chặt cây xanh và chống luật bảo hiểm xã hội) chúng ta có thể thấy rằng người dân đã cam chịu, đã nhẫn nhục quá lâu, nhưng cuối cùng thì họ cũng đã thức tỉnh. Đất dưới chân của những kẻ độc tài đã bắt đầu rung chuyển. Sẽ không có gì là bất thường nếu một ngày đẹp trời nào đó, không phải 90.000 mà 100.000, 200.000... con dân đất Việt xuống đường đòi xóa bỏ điều 79, 88 và 258 của Bộ luật hình sự nước Cộng hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Người ta nhớ lại rằng chính trang Bauxite Việt nam là nơi khởi nguồn của cuộc đấu tranh chống dự án Bauxite Tây nguyên cách đây hơn 6 năm của các nhân sĩ trí thức Việt nam. Và người ta thấy trong những ngày đầu tháng tư này các nhà khoa học vẫn không mệt mỏi cất lên tiếng nói phản biện về sông Đồng Nai, về dự án tinh lọc quạng nhôm trên đất Tây nguyên, nơi được dự báo sẽ là Sông khô hồ cạn, nếu các chính sách phát triển kinh tế cứ tiếp tục được thực hiện một cách độc đoán xem thường nhận thức và kiến thức của xã hội.

Nhân những cuộc biểu tình đòi dân sinh trong tuần qua, một blogger đồng thời cũng là một nhà tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng là cô Phạm Thanh Nghiên ở Hải phòng được một bạn đọc cật vấn là tại sao cô không hoạt động như những người đòi cây xanh ở Hà nội hay đòi bảo hiểm ở Sài gòn, tức là những điều mà người dân quan tâm, mà lại mơ những chuyện lớn lao là nhân quyền quá to tác. Cô Phạm Thanh Nghiên trả lời:

Nhưng bên cạnh, có những điều người dân không quan tâm. Chính vì không quan tâm cho nên chúng ta phải sống mà không có quyền. Và vì không có đầy đủ quyền nên mới nảy sinh những vấn nạn về Dân Sinh. Cho nên mới có mặt trận Nhân Quyền. Đó là một mối quan hệ hệ quả mang tính tất yếu song nhiều người vẫn ngộ nhận là có thể tách bạch được.

Khôn ngoan, Bối rối, và E ngại!

Trong những diễn từ giải quyết vụ cây xanh ở Hà nội, bài phát biểu của ông Bí thư Thành ủy Hà nội Phạm Quang Nghị được blogger Người Buôn Gió đánh gia là khôn ngoan đầy bản lĩnh nhất.

Người Buôn Gió phân tích rằng ông Nghị đã làm cho người ta nghĩ rằng chuyện chặt cây xanh là chuyện nóng vội, do đó nó trở thành không quan trọng nữa.

Rồi cuối cùng ông Nghị cũng cho rằng cuộc biểu tình bảo vệ cây xanh cũng bị kích động và xúi giục từ bên ngoài.

Người Buôn Gió kết luận rằng:

Nói thật thì hiếm có vị lãnh đạo nào trong BCT đủ bản lĩnh đứng ra để lèo lái sự việc đổ vỡ thành không có gì như ông đã làm.

Nhưng không phải phản ứng nào của cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản lại được đánh giá là khôn ngoan như ông Nghị. Tờ Petro Times lại bị giới blogger nói là đã bối rối khi không biết đưa tin như thế nào về vụ biểu tình bảo vệ cây xanh. Và cũng không phải blogger nào cũng nói là ông Nghị khôn ngoan khi ông nói rằng ông không lường được người dân. Câu nói này lại làm cho nhiều người lo lắng cho cái ghế của ông Nghị và tương lai chính trị của ông vì rằng tại sao ông làm lãnh đạo mà lại không lường được dân? Sự lo lắng này càng tăng thêm khi người ta đặt câu hỏi là tại sao báo chí Việt nam lại được tự do đưa tin về biểu tình đến thế, một điều vốn là điều cấm kỵ trong thể chế cộng sản? Người ta nghi có một âm mưu gì đó nhằm tấn công vào ông Bí thư thành ủy.

Nhưng bên cạnh, có những điều người dân không quan tâm. Chính vì không quan tâm cho nên chúng ta phải sống mà không có quyền. Và vì không có đầy đủ quyền nên mới nảy sinh những vấn nạn về Dân Sinh. Cho nên mới có mặt trận Nhân Quyền

Cô Phạm Thanh Nghiên

Một tin vui được các blogger đấu tranh cho nhân quyền đón nhận trong tuần qua là việc Việt nam đang từng bước thực hiện Công ước chống tra tấn mà mình đã cam kết.

Blogger, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết rằng có hy vọng là quyền lực của giới công an sẽ bị giảm với những điều luật về giam giữ sẽ ra đời trong thời gian tới.

Nhưng Tuấn Khanh đón nhận tin đó với sự cẩn trọng, ông viết rằng một lực cản đầy âm mưu vẫn hậu thuẫn cho bóng tối, vì rằng vẫn có sự e ngại từ một thể chế đặt mọi thứ trên nền tảng bạo lực.

Như để minh họa cho sự cẩn trọng đó của Tuấn Khanh, Luật sư Võ An Đôn viết về vụ án lạm dụng bạo lực của công an mà ông sắp thụ lý, rằng đó là một cuộc chiến không cân sức!

Mọi thứ không dừng lại ở đó

Viết về bản báo cáo của Tập đoàn than khoáng sản Việt nam được đưa ra để biện minh cho hiệu quả kinh tế của dự án Bauxite Tây Nguyên, nhà khoa học Tô Văn Trường mượn hai câu thơ của thi hào La Fontaine

Người hiền triết kẻ cuồng điên,

Mơ trong khi thức là tiên trên đời

Một biện minh dành cho một dự án lớn hơn, vĩ đại hơn, dự án cộng sản độc đảng tại Việt nam trong mấy mươi năm qua cũng đã và đang được đưa ra.

Nhân cái chết của ông Lý Quang Diệu, người ta nhắc lại câu hỏi của ông rằng Mục tiêu tối hậu của nền chính trị là gì? Ông trả lời rằng đó là cuộc sống của người dân có được cải thiện hay không! Trong một lần trao đổi với chúng tôi về mô hình độc đảng hay đa đảng, một cựu quan chức Việt nam cũng nói rằng hệ thống chính trị nào thì cũng phải nhắm đến việc giàu mạnh của dân chúng.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, nếu như thế thì dường như nền chính trị Việt nam đã thất bại, vì dường như mục tiêu của nền chính trị này chỉ nhằm vào việc duy trì sự tồn tại vĩnh viễn của đảng cộng sản mà thôi.

Nhưng có blogger lại nói rằng việc tranh cãi nhau về dự án Bauxite trên báo chí chính thống, hay là việc báo chí công khai sự bối rối của giới lãnh đạo thủ đô Hà nội trong việc chặt cây xanh, hay tin về việc cả trăm ngàn công nhân đình công… . đã là một điều đáng hy vọng.

Còn Blogger nhạc sĩ Tuấn Khanh thì viết Hãy tin rằng mọi thứ không dừng lại ở đó.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.