Thiếu vốn và lạm phát?

Trong lúc guồng máy chính phủ đang kỳ nghỉ Tết kéo dài, các chuyên gia đưa ra những dự báo đầy khó khăn về lạm phát hai con số và khả năng nền kinh tế không được cung cấp đủ vốn.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010.02.19
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
Tiền đồng Việt Nam. Tiền đồng Việt Nam.
AFP PHOTO

Thiếu vốn

VnExpress ngày mùng 5 Tết đưa lên mạng bài ‘Vốn vẫn sẽ là câu hỏi lớn nhất của kinh tế Việt Nam’. Tờ báo mạng trích lời ông Bùi Kiến Thành 68 tuổi, nhà tư vấn chiến lược kinh tế của chính phủ Việt Nam, nhận định rằng, người làm nông nghiệp có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Soi vào một nền kinh tế, vào doanh nghiệp thì vốn chẳng khác nào nguồn nước để làm nông. Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, đây là câu hỏi lớn nhất đối với thị trường tài chính năm nay.

Bên cạnh sự hồi phục kinh tế, tăng trưởng cao hơn, cũng phải hết sức chú ý đến những mất cân đối kinh tế vĩ mô đã bộc lộ ra trong suốt hai năm 2008-2009.

TS Lê Đăng Doanh.

Chuyên gia việt kiều Bùi Kiến Thành, hiện là CEO Chủ tịch điều hành  của một Quĩ đầu tư vốn nước ngoài tại Việt Nam, ông tiên đoán là nhiều doanh nghiệp sẽ bị sốc vì không còn được cấp bù lãi suất 4% kể từ 1/1/2010. Nếu năm ngoái doanh nghiệp hoạt động với vốn chịu lãi suất 6,5% thì nay sẽ là 12%. Quả là một thử thách lớn khi doanh nghiệp phải họat động với chi phí vốn đầu vào tăng gấp đôi.  

Đối với ý kiến về việc nâng lãi suất cơ bản để ngăn chặn lạm phát trở lại trong năm nay, ông Bùi Kiến Thành không đồng thuận với quan điểm này. Theo ông, chính sách tiền tệ nới lỏng như trong năm 2009, sẽ có một số hệ quả không mong muốn. Nhưng lạm phát là điều người ta có thể thấy trước chứ không phải một tai nạn. Vị chuyên gia Việt Kiều nhấn mạnh, thấy trước chiều hướng lạm phát để đưa ra biện pháp khắc phục chứ không phải “đạp phanh”, khiến bánh xe kinh tế  dừng lại. Ông Bùi Kiến Thành tiếp lời, nền kinh tế là một thực thể sống, phải nhấn mạnh yếu tố phát triển ổn định bền vững. Doanh nghiệp cần vốn để tồn tại và phát triển ổn định. Nếu cắt nước, đồng sẽ cháy, ruộng sẽ khô. Những từ vừa rồi được VnExpress in đậm.

Trong dịp trả lời Ban Việt Ngữ RFA đầu năm 2010, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định:

“Sang năm 2010, chính phủ đã trình Quốc hội phương án tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%. Tuy vậy bên cạnh sự hồi phục kinh tế, tăng trưởng cao hơn, cũng phải hết sức chú ý đến những mất cân đối kinh tế vĩ mô đã bộc lộ ra trong suốt hai năm 2008-2009 và làm cho chính phủ phải đối phó hết sức vất vả. Đó là nhập siêu, là mất cân đối trong cán cân thanh toán quốc tế, đó là bội chi ngân sách lớn và hiệu quả của nền kinh tế chưa cao. Tôi nghĩ rằng đó là những vấn đề mà chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát rồi mới đặt ưu tiên đạt tăng trưởng cao. Nếu muốn tăng trưởng cao thì phải nhập nhiều trang thiết bị, vật tư và như vậy nhập siêu lại có thể tăng lên.”

Nhà máy lọc dầu Dung Quất, một dự án bị thiếu vốn. Photo courtesy of dungquat.com.vn
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, một dự án bị thiếu vốn. Photo courtesy of dungquat.com.vn

Lạm phát

Nếu như chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng “Vốn vẫn sẽ là câu hỏi lớn nhất của kinh tế Việt Nam”, thì một chuyên gia khác TS Vũ Đình Ánh lại đầy quan ngại về giá cả và lạm phát. Là Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Khoa Học Thị Trường Giá Cả, TS Ánh nhận định là khả năng kềm giữ lạm phát năm nay ở mức một con số, phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh và cách thức điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Trong bài viết ngày mùng 6 Tết cũng trên VnExpress, TS Vũ Đình Ánh cho người đọc cảm nhận mối nguy lạm phát rất lớn. Theo ông, nếu tính quy luật của diễn biến thị trường giá cả được duy trì trong năm 2010, kết hợp với những chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý thị trường giá cả hợp lý, thì  CPI cả năm có thể ở mức 1 con số. TS Ánh nhấn mạnh, chỉ cần một trong số các điều kiện trên không đảm bảo thì mức tăng chỉ số giá tiêu dùng có thể từ 12 tới 15%.  TS Ánh cho rằng, trong năm 2010  Việt Nam vẫn cần sử dụng lãi suất cơ bản, theo đó là trần lãi suất cho vay, như một công cụ quyết định để kiểm soát tổng tín dụng, thị trường tín dụng ngân hàng, huy động tiền gởi và cho vay và cả thị trường liên ngân hàng theo đúng các nguyên tắc thị trường. TS Ánh dự báo biến động thị trường vàng và ngoại tệ năm 2010 có thể còn gay gắt hơn so với năm 2009, nếu Việt Nam không chủ động điều hành chính sách tỷ giá hối đoái tốt, kết hợp với kiểm soát được thâm hụt thương mại và thâm hụt cán cân thanh toán, trong khi sự phục hồi kinh tế toàn cầu còn rất mong manh và tiềm ẩn không ít nguy cơ tạo ra những cơn chấn động, không chỉ trên thị trường nguyên nhiên vật liệu cơ bản, mà còn trên thị trường tài chính tiền tệ.

Chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát rồi mới đặt ưu tiên đạt tăng trưởng cao.

TS Lê Đăng Doanh.

Ngân Hàng Nhà Nước đã giảm giá đồng nội tệ gần 9% so với đô la Mỹ trong vòng ba tháng qua. Lần trước vào tháng 11 năm ngoái giảm 5,44% và mới đây hôm 11/2 tức 28 Tết giảm giá thêm 3,4%. Tuy vậy, TS Vũ Đình Ánh đưa ra dự kiến, với các sức ép mất cân đối kinh tế giữa trong và ngoài nước, năm nay 2010, giảm giá đồng tiền quốc gia là tất yếu song mức độ và thời điểm điều chỉnh giảm, cần đồng bộ với chính sách quản lý ngoại hối và chính sách thương mại, đảm bảo không tạo ra các cú sốc đối với ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời, không quá kỳ vọng vào việc giải quyết ngay những mất cân đối vĩ mô đã tích tụ trong khoảng 5 năm gần đây, nhất là chỉ thông qua công cụ đơn độc như điều chỉnh tỷ giá hối đoái.  

Giải pháp

Năm 2010 bên cạnh, những câu hỏi về vốn cho nền kinh tế, dự báo lạm phát 2 con số, cũng có những tín hiệu cải tổ tích cực. Trước Tết, Ban Bí Thư Trung Ương Đảng ra kết luận về tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Theo Vietnam Net, sẽ có cơ chế để doanh nghiệp của tư nhân được vay vốn viện trợ phát triển chính thức ODA như các doanh nghiệp nhà nước. Tán dương sự đóng góp hiệu quả của khu vực kinh tế  tư nhân, tăng thu ngân sách tạo công ăn việc làm, duy trì tăng trưởng tốt ngay trong suy thoái, Ban Bí Thư Trung Ương Đảng nhìn nhận vai trò kinh tế tư nhân đã chưa được nhận thức đầy đủ và thiếu nhất quán. Ban Bí Thư yêu cầu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các qui định về pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

Nếu lạm phát tăng, người dân sẽ e ngại đem tiền gởi ngân hàng. AFP PHOTO.
Nếu lạm phát tăng, người dân sẽ e ngại đem tiền gởi ngân hàng. AFP PHOTO.

Vốn ODA, viện trợ phát triển chính thức của nước ngoài trước đây chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước. ODA có lãi suất ưu đãi và trong nhiều trường hợp không lãi suất, tuy nhiên do các dự án triển khai và thực hiện rất chậm nhiều khi còn tham ô tham nhũng như PMU 18 hay Ban Quản Lý Dự Án Đại Lộ Đông Tây TP.HCM, nên giải ngân thực tế chậm và thấp hơn hẳn vốn cam kết.

Doanh nghiệp tư nhân sử dụng đồng vốn có hiệu quả nhiều lần hơn doanh nghiệp nhà nứơc, tuy nhiên  từ 2010 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp, thu nhập bình quân đầu người 1.200 USD/năm, thì vốn ODA sẽ không còn nhiều sự ưu đãi về lãi suất như giai đoạn trước. Doanh nghiệp tư nhân tới khi được vay vốn ODA sẽ chịu cảnh ‘trâu chậm uống nước đục’, nhưng để khu vực kinh tế tư nhân được vay nguồn vốn này là một sự cải cách lớn.

Từ nghị quyết tới hành động là một khoảng cách khá xa theo kinh nghiệm ở Việt Nam, tuy nhiên sự kiện Ban Bí Thư có nhận thức về việc tạo cơ chế để doanh nghiệp tư nhân vay vốn ODA là một chuyển biến rất đáng chú ý.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.