Cúm gia cầm và những âu lo

Người dân VN chừng như đã chấp nhận sống chung với cúm gia cầm, dịch bệnh nguy hiểm do vi rút H5N1 gây nên.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2009.01.10
Xe chở gia cầm vào chợ Mỗi khi có xe chở gia cầm vào chợ,nhân viên thú y chỉ làm một động tác duy nhất là phun thuốc tiệt trùng
AFP photo

Đến đây là mục đọc báo trong nước trên mạng Internet do Nam Nguyên phụ trách, mời quí vị và các bạn cùng nghe.

Từng đợt dịch này qua đợt dịch khác, cúm gia cầm nguy hiểm ở chỗ vừa làm thiệt hại kinh tế chăn nuôi, vừa có khả năng lây nhiễm cho con người với tỷ lệ tử vong cao.

Tuy vậy có những biểu hiện cho thấy người dân đã lơ là thiếu cảnh giác, nếu không muốn nói là đã xem thường mối hiểm họa chết người của bệnh cúm gia cầm H5N1.

Vẫn còn tồn tại

Một cư dân TP.HCM đưa ra nhận xét của mình:

“Dường như mọi người không còn nhớ, không còn quan tâm tới cúm gia cầm nữa, mặc dù nó vẫn còn tái phát lẻ tẻ cũng vẫn còn gây chết người. Có lẽ người dân bị tác động bởi những sự kiện mới, còn chuyện này thì lập đi lập lại không còn ở mức độ cảnh báo cao đối với người dân. Theo tôi nghĩ do việc tuyên truyền không được tốt.”

Dường như mọi người không còn nhớ, không còn quan tâm tới cúm gia cầm nữa, mặc dù nó vẫn còn tái phát lẻ tẻ cũng vẫn còn gây chết người.

Một cư dân TPHCM

Theo các số liệu được Tổ chức Y tế thế giới công bố và cập nhật, thì trong gần 5 năm kể từ ca lây nhiễm đầu tiên cho người được phát hiện hồi cuối năm 2003 ở VN, đến nay đã có 106 trường hợp lây nhiễm H5N1, trong đó 51 người thiệt mạng, mức tử vong vì cúm gia cầm ở VN đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Indonesia . Ca tử vong sau cùng được ghi nhận là vào hồi tháng 3/2008 ở Hà Nam miền Bắc VN. Trường hợp lây nhiễm H5N1 gần đây nhất được công bố hôm 7/1, bệnh nhân là bé gái 8 tuổi ở Bá Thước một Huyện miền núi của Tỉnh Thanh Hoá.

Ngoài số người lây nhiễm và chết vì cúm H5N1, trong những năm qua Việt Nam đã tiêu hủy trên dưới 50 triệu con gia cầm, người chăn nuôi điêu đứng. 2 năm vừa qua VN phần nào khống chế được cúm gia cầm, nhờ chương trình tiêm vắc xin cho gia cầm thủy cầm cả nước. Tuy vậy các ổ dịch vẫn tái diễn dù ở qui mô nhỏ và không bùng phát thành đại dịch. Các chuyên gia thú y lưu ý rằng vi rút H5N1 vẫn tiềm ẩn trong môi trường và phương cách chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống ở VN, làm cho dịch cúm gia cầm luôn tồn tại.

Nguyên nhân

Ngoài những nguyên nhân như chim di cư mang vi rút, gia cầm sống và sản phẩm gia cầm nhập lậu từ các nước láng giềng đem mầm bệnh tới, thì nguyên nhân nội tại lớn lao nhất là đàn vịt chăn thả tự do hàng chục triệu con ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở một số nơi khác.

Một người dân vùng sông nước Cửu Long mô tả cho chúng tôi nghe về tình trạng vịt chạy đồng quen thuộc ở miền tây:

“Vịt chạy đồng là từ vùng khác người ta đem lại cho chạy đồng. Người ta khỏi cần tốn chi phí mua thức ăn, khi mình cắt lúa xong xuôi, người ta xin đất mình cho vịt vô ăn những cái lúa cắt rơi. Thí dụ mình không cho cũng không được, vì cắt lúa xong mình về nhà cách ruộng mấy cây số, mình về rồi họ lùa vịt vào cho nó ăn. Mỗi một bầy thường khoảng từ 3.000 tới 5.000 con một chủ nuôi, thả đồng gộp lại thì nhiều lắm.”

Ông nói rằng, cùng cảnh nông dân, người khá hơn phải giúp đỡ người ít phương tiện, vịt thả đồng là sinh kế của họ và truyền thống nuôi vịt chăn thả tự do sẽ không thể ngăn cấm:

“Cái đó là chuyện của Nhà nước, nông dân mình thấy người ta khổ thì cứ cho lùa vịt vô, đâu cấm người ta được. Tôi thấy đa số là những người nghèo mới làm nghề nuôi vịt. Người ta từ khắp nơi đa số là người nghèo, khi mình thu hoạch xong họ xin đất mình cho vịt vào.”

Vấn đề nan giải của ĐBSCL

Báo điện tử Saigon Giải Phóng ngày 8/1/2009 cảnh báo cúm gia cầm đang rình rập đồng bằng sông Cửu Long. Tờ báo cho rằng quản lý vịt chạy đồng luôn là khâu nan giải nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, vẫn theo báo này việc kiểm soát tiêm phòng đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn lọt lưới khi mạng lưới thú y ở cơ sở quá mỏng. Tết Nguyên Đán cận kề, tình trạng buôn bán gia cầm sống ở các chợ đồng bằng sông Cửu Long vẫn tràn lan.

Tờ báo trích các số liệu của cơ quan thú y, theo đó trong năm 2008 đồng bằng sông Cửu Long ít nhất có 34 điểm xảy ra bệnh cúm gia cầm ở Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang và Cần Thơ. Tổng số gia cầm tiêu hủy chỉ còn vài ba chục ngàn, không phải hàng trăm ngàn con như cách đây mấy năm.

TS Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ Cục Thú Y VN xác định rằng địa phương phải nỗ lực kiểm soát đàn vịt chạy đồng:

“Đàn vịt chạy đồng chúng tôi yêu cầu phải đặt nằm trong các đối tượng phải tiêm phòng. Trong năm 2009 chúng tôi vẫn chú trọng đối tượng vịt chạy đồng, nhất là nuôi vịt đẻ trứng, nuôi lấy trứng thương phẩm hoặc nuôi lấy trứng làm giống là những thứ có nguy cơ rất cao, những đàn vịt đó sẽ tồn tại rất lâu ở trong đời sống, có thể năm này qua năm khác. Chúng tôi rất quan tâm đối tượng này.”

Vẫn còn theo phương pháp công nghiệp

Trên 55 tỉnh thành cả nước, chỉ có TP.HCM là tương đối tổ chức có nề nếp việc giết mổ gia cầm tập trung. Không phải tất cả nhưng số đông người dân quen dần với việc tiêu thụ gà vịt đã qua kiểm dịch được giết mổ và đóng gói hợp vệ sinh. Tuy nhiên thay đổi một tập quán là chuyện không dễ làm. Cư dân TP.HCM nhận xét về những tồn tại trên thực tế:

Hoặc là họ nghĩ cúng kiến thì phải như vậy con gà mới tươi mới tốt, hoặc để tẩm bổ cho những cụ già bà đẻ. Thói quen đó rất nguy hiểm vì con gà đó có thể nhiễm H5N1.

Một cư dân TPHCM

“Phần lớn người dân sống ở vùng ven TP.HCM hoặc dân tỉnh nhập cư, những người có thu nhập thấp hơn, họ vẫn còn thói quen mua con gà còn lông để về cắt cổ lấy tiết nóng để ăn. Hoặc là họ nghĩ cúng kiến thì phải như vậy con gà mới tươi mới tốt, hoặc để tẩm bổ cho những cụ già bà đẻ. Thói quen đó rất nguy hiểm vì con gà đó có thể nhiễm H5N1. Rất dễ dàng để mua một con gà còn sống ở cửa ngõ thành phố, từ hướng Lái Thiêu, hướng Thủ Đức hay hướng Bình Chánh. Rải rác hai bên đường là những người bán gà vịt do chính họ chăn nuôi cá thể. Chính thức trong chợ thì có thể khó, nhưng bây giờ chợ quản lý lỏng lẻo, có những người đem gà vịt tới ngồi bán ở ven chợ.”

Ở những tỉnh thành khác ngay cả Hà Nội, hoạt động giết mổ gia cầm theo phương pháp công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Người dân nhiều nơi vẫn tự làm gà làm vịt, hoặc ra chợ mua con gà và người bán cắt tiết vặt lông ngay tại chỗ.

Tại VN ước tính đàn gia cầm khoảng 200 triệu con, tỷ lệ chăn nuôi công nghiệp còn hạn chế. Đại đa số nông dân có thói quen chăn nuôi đơn giản, ít đầu tư cho chuồng trại và qui trình kỹ thuật. Chỉ khi nào người dân thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, công nghiệp chế biến giết mổ tập trung phát triển tốt hơn, khâu phân phối lưu thông sản phẩm được kiểm soát và tổ chức tốt. Lúc ấy mới có thể bớt âu lo về sự trở lại của bóng ma H5N1.

Cho tới nay VN đưa ra chủ trương tiêm phòng vắc xin ngừa H5N1 cho đàn gia cầm thủy cầm, điều mà không phải quốc gia nào cũng chấp nhận, do những quan ngại về ảnh hưởng dịch tễ trên vật nuôi.

Theo hướng này, chừng nào vi rút chưa biến chủng, tỷ lệ tiêm phòng tổng đàn cao, thì lúc ấy ngành nông nghiệp và y tế còn có thể kiểm soát dịch bệnh dù là trong âu lo.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.