Tái cấu trúc kinh tế: Quá nhiều rào cản

Chưa khi nào giới chuyên gia và báo chí lại đề cập nhiều tới vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế như hiện nay. Công luận quan tâm nhiều là một sự kiện tốt, nhưng ông Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương đã nhận định là báo chí và các nhà khoa học lạm dụng nói về thay đổi cơ cấu kinh tế như là một cái mốt.

0:00 / 0:00

Trên báo điện tử SGTT, ông Võ Trí Thành cho rằng các cuộc bàn luận theo phong trào mang tính cách đơn giản hóa và như vậy là nguy hiểm. Ông Thành nhấn mạnh, tái cấu trúc nền kinh tế là câu chuyện dài hạn về tầm nhìn và phát triển của Việt Nam. Được biết nhóm chuyên gia của Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương được chính phủ ủy nhiệm việc xây dựng đề án tái cấu trúc nền kinh tế.

Đối mặt nhiều nút thắt

Báo mạng SGTT ngày 9/7, trong bài Tái Cấu Trúc Kinh Tế: Thách Thức và Kỳ Vọng, tác giả Tư Giang nhận định, sau hai mươi năm đổi mới và mở cửa công cuộc phát triển kinh tế, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều nút thắt như thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, mô hình tăng trưởng dựa trên sự mở rộng đầu tư, đặc biệt là đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước, phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, thâm dụng lao động, khai thác tài nguyên, chất lượng nguồn nhân lực, bế tắc trong cải cách hành chính, tham nhũng, ô nhiễm môi trường và hàng loạt các vấn đề phát triển khác. SGTT cho rằng không thể phủ nhận là những nút thắt này, đang ngáng đường cho công cuộc phát triển kinh tế trong trung hạn.

Tờ báo trích lời ông Võ Trí Thành nói rằng, làm sao tháo gỡ được những nút thắt, đó là câu hỏi rất khó và vấn đề của Việt Nam hiện nay là phải làm thế nào chứ không phải làm gì.

Trong ý nghĩa tương tự, TS Vũ Trọng Bình Giám Đốc Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi đã nói:

"Nếu nhìn lại lịch sử Việt Nam thì khủng hoảng 1986 thời kỳ gọi là kinh tế tập thể đen tối nhất, lúc bấy giờ mới có tái cấu trúc và cải cách tốt nhất cho nền kinh tế. Những thời kỳ về sau, lúc nào kinh tế khó khăn nhất là lúc có tái cấu trúc và đất nước phục hồi phát triển sau đấy… về mặt thể chế cũng như chính sách… cho nên bây giờ việc phải nghĩ đến là sau khủng hoảng thì tái cấu trúc của Việt Nam là gì."

Những thời kỳ về sau, lúc nào kinh tế khó khăn nhất là lúc có tái cấu trúc và đất nước phục hồi phát triển sau đấy… về mặt thể chế cũng như chính sách… cho nên bây giờ việc phải nghĩ đến là sau khủng hoảng thì tái cấu trúc của Việt Nam là gì.

TS Vũ Trọng Bình

SGTT đưa ra những ví dụ điển hình trong hàng loạt những nút thắt mà tờ báo cho rằng đang ngáng đường công cuộc phát triển kinh tế. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ sau đổi mới đến nay là dựa trên mở rộng đầu tư, và hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước được xác định là đầu tàu thúc đẩy kinh tế ở Việt Nam. Theo số liệu Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, trong giai đoạn từ 2006 tới 2008 vốn đầu tư của nhà nước vẫn luôn chiếm từ 41 tới 46% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Tờ báo cho rằng, nhiều chính sách tài chính tiền tệ, ngân sách đã được thiết kế để phục vụ cho mục tiêu này trong thời gian qua, mà bỏ qua những cảnh báo rủi ro cho ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay vốn của nhà nước đã chiếm tới gần 44% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân là việc thực hiện các gói kích thích tài chính với tổng trị giá 8 tỷ USD.

Tuy vậy, SGTT nhấn mạnh rằng, hiệu quả vốn đầu tư của khu vực nhà nước không cao, mà biểu hiện rõ nhất có thể kể đến là đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, sử dụng vốn kém hiệu quả, chậm tiến độ thi công, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản. Có nghĩa là, để tạo ra năng lực sản xuất, nhà nước phải bỏ ra nhiều kinh phí hơn và nhập khẩu nhiều đầu vào cho đầu tư hơn. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước, cũng như cải cách khu vực này cũng rất cần được đề cập tới.

Theo SGTT, một nghiên cứu của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư thừa nhận rằng, giá trị tài sản cố định bình quân để tạo ra một chỗ làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước là 418 triệu đồng, cao gấp 4,7 lần so với doanh nghiệp tư nhân, và 1,8 lần so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gọi tắt là FDI. Hơn nữa, vẫn theo Bộ KHĐT, 1 đồng tài sản cố định tại doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo ra 1,2 đồng doanh thu thuần, chỉ bằng 1/3 mức của doanh nghiệp tư nhân và 70% của doanh nghiệp FDI. Tức là hiệu quả sử dụng vốn của khu vực kinh tế nhà nước là không hiệu quả bằng hai khu vực kinh tế kia.

Rào cản doanh nghiệp nhà nước

Với những số liệu đầy thuyết phục được SGTT trích dẫn, rõ ràng là khu vực kinh tế nhà nước được coi là đầu tàu của nền kinh tế quốc gia, đang chính là những trở ngại cho tiến trình phát triển kinh tế.

TS Nguyễn Quang A, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển một tổ chức tư nhân ở Hà Nội từng có nhận định:

“Không thể để cho một khu vực tiêu tốn nguồn lực quốc gia rất lớn nhưng lại tạo ra những hiệu quả thấp. Tôi luôn luôn có bằng chứng, có số liệu chứng minh rằng những doanh nghiệp đó, tuy họ có vai trò rất quan trọng nhưng họ hoạt động không hiệu quả. Điều này không phải vì họ là doanh nghiệp nhà nước, mà vì họ không chịu áp lực cạnh tranh và họ cứ nghĩ rằng nếu họ có khó khăn thì được nhà nước và các cơ quan khác cứu trợ, cứu giúp. Nếu rút được 2 điểm này và phá thế độc quyền của họ, để cho họ phải hoạt động trong điều kiện khác biệt về mặt tài chính, tức là doanh nghiệp nhà nước mà thua lỗ cũng cho phá sản cũng như các doanh nghiệp khác, trên một bình diện luật pháp ngang như nhau, không để cho họ có quá nhiều ưu đãi như bây giờ. Làm như thế thì bản thân doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ phát triển.”

Trở lại bài báo trên SGTT điện tử, sau khi phân tích sự kém hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước, tờ báo mô tả sự chậm chạp của tiến trình cải cách ở khu vực này. Trong hơn một thập niên, đến nay mới chỉ cổ phần hóa được khoảng 15 tới 20% tổng số vốn nhà nước. Đảng và nhà nước chỉ đạo hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vào năm 2010, nhưng SGTT cho rằng với tổng số vốn còn lại, có vẻ đây là nhiệm vụ bất khả thi, trong bối cảnh các tổng công ty nhà nước đang có xu hướng chuyển sang tập đoàn kinh tế.

Không thể để cho một khu vực tiêu tốn nguồn lực quốc gia rất lớn nhưng lại tạo ra những hiệu quả thấp. Tôi luôn luôn có bằng chứng, có số liệu chứng minh rằng những doanh nghiệp đó, tuy họ có vai trò rất quan trọng nhưng họ hoạt động không hiệu quả.

TS Nguyễn Quang A

Nhận diện những nút thắt cản trở công cuộc phát triển kinh tế không phải quá khó khăn. Nhưng theo tờ báo khó khăn lớn nhất, như ông Võ Trí Thành thừa nhận chính là phải làm thế nào để giải quyết.

Báo mạng VnEconomy ngày 18/6 trong bài ‘Tái cấu trúc kinh tế: Nói thì dễ’ trích lời ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, trưởng nhóm nghiên cứu bản đề án nói rằng, sau nửa năm mới có rất ít nội dung có giá trị thực hiện, và đề án gần như vẫn dậm chân tại chỗ.

VnEconomy nhấn mạnh điểm mặt những điểm yếu của nền kinh tế thì dễ, nhưng điều chỉnh thế nào thì không đơn giản. Theo những gì được viết ra một cách khá cầu kỳ thì chúng tôi hiểu rằng, các chuyên gia không thể nào có được giải pháp để tái cấu trúc nền kinh tế, khi mà có nhiều thành quả tăng trưởng thực chất bắt nguồn từ đặc quyền chia sẻ những tài sản giá trị nhất đất nước như đất đai và giá trị doanh nghiệp, hoặc một nền kinh tế phát triển theo bề rộng nhờ thu hút đầu tư, tăng trưởng không tính đến năng suất và chất lượng; hay những mất cân đối về ngành vùng kinh tế, mất cân đối giữa thành thị và nông thôn.

Cả SGTT và VnEconomy đều có một kết luận chung được hiểu là, đề án tái cấu trúc nền kinh tế sẽ không đáp ứng được sự trông đợi, nghĩa là không thể giải quyết được cốt lõi những khiếm khuyết của nền kinh tế. Hoặc theo như kết luận của Vn Economy ‘Cũng giống như người bệnh, nếu chỉ hạ sốt mà không lo chữa cái gốc của bệnh thì họ khó có thể xuất viện.’