Phía sau vụ kỷ luật Chủ tịch tỉnh Bình Thuận
2010.01.29
Hồ sơ của nhân vật này được báo chí tìm hiểu và đưa lên mạng. Ông chủ tịch tỉnh đồng thời là phó bí thư tỉnh ủy, vụ kỷ luật nhân vật này vì nguyên do đất đai khá hiếm hoi trong thời sự chính trị Việt Nam.
Kỷ luật đảng hay xử lý nội bộ?
Nhận định về vấn đề liên quan, Luật Sư Nguyễn Văn Hậu ở TP.HCM nói:
“Những sai phạm đã rõ như báo chí có đăng, những sai phạm về mặt đất đai, ông ta không làm đúng trình tự luật đất đai qui định cho nên bị xử lý kỷ luật…nó có ý nghĩa về mặt pháp lý, ông ta là đảng viên trước hết Đảng xử lý ông ta, đồng thời về mặt chính quyền cũng phải xử lý, đó là nguyên tắc.”
Những sai phạm đã rõ như báo chí có đăng, những sai phạm về mặt đất đai, ông ta không làm đúng trình tự luật đất đai qui định cho nên bị xử lý kỷ luật.
LS Nguyễn Văn Hậu.
Bình Thuận nổi tiếng với nước mắm Phan Thiết, thanh long, hạt tiêu, hạt điều. Nông nghiệp nuôi sống hơn triệu dân cư khu vực duyên hải đông nam bộ. Với bờ biển dài hơn 190km, trong thập niên vừa qua Bình Thuận đã hấp dẫn nhiều dự án và đã có tên trong bản đồ du lịch. Từ một tỉnh không mấy giàu có, nhưng đất đai làm nhiều người trở thành triệu phú đô la, danh sách dân oan mất đất cũng dài thêm khi Bình Thuận tới tấp với nhiều dự án mà đất được giao toàn là đất vàng đất bạc.
Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam cuối
năm ngoái đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Huỳnh Tấn
Thành, phó bí thư Tỉnh Ủy, bí thư ban cán sự Đảng kiêm Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân
Tỉnh Bình Thuận. Ủy ban kiểm tra cũng kiến nghị cấp trên xử lý hành chính theo
thẩm quyền.
Ông Thành có nhiều sai phạm như xâm phạm quyền lợi của người dân khi giải tỏa đất, khuất tất trong 6 dự án lớn của tỉnh cho nhà đầu tư thuê đất không qua đấu giá. Ông chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị cáo buộc để vợ làm từ thiện không đúng qui định, mở tài khoản riêng nhận tiền của các doanh nghiệp gây quĩ từ thiện, những doanh nghiệp đóng góp nhiều được ông Chủ tịch Tỉnh Bình Thuận ưu ái giao nhiều dự án, điều mà Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng cho rằng đã gây bức xúc dư luận.
Không tham ô?
Chủ tịch một tỉnh với dân số gần 1 triệu 200 ngàn, quản lý một diện tích hơn 7.800 km vuông là một chức vụ cao cấp. Vụ bê bối của ông Huỳnh Tấn Thành được dư luận chú ý, Báo Tuổi Trẻ Online ngày 28/1 đã đưa lên mạng bài “Vì sao kỷ luật chủ tịch tỉnh Bình Thuận” với nhiều chi tiết đáng chú ý.
Tổng cộng có đến 7 dự án mà ông chủ tịch tỉnh Bình Thuận đã thể hiện nhiều sai phạm, trong bài báo không nêu một chi tiết nào là có chấm mút tham ô tham nhũng hay không, nhưng giao những khu đất vàng hàng chục ngàn mét vuông mà không qua đấu thầu khiến dự luận đặt nhiều nghi vấn.
Theo Tuổi Trẻ Online, năm 2001 tỉnh Bình Thuận có quyết định giao hơn 50 ngàn m2 đất tại bãi biển Thương Chánh, phường Hưng Long thành phố Phan Thiết cho Ban quản lý dự án công trình giao thông Bình Thuận để đầu tư cảng vận tải Phan Thiết. Trong 6 gói thầu ở dự án cảng này, 2 dự án bến cập tàu và kè bờ đã hoàn tất trị giá 6 tỷ đồng. Bỗng dưng đến tháng 2/2009 Chủ tịch tỉnh Bình Thuận ra quyết định thu hồi dự án cảng vận tải Phan Thiết đang thực hiện dở dang, giao cho công ty TNHH thép Trung Nguyên với hình thức cho thuê đất trả tiền mỗi năm, kéo dài 49 năm nhưng hoàn toàn không tổ chức đấu thầu công khai việc khai thác, sử dụng, kinh doanh cảng theo qui định hiện hành. Khu đất vàng này chỉ nằm trong tay công ty Thép Trung Nguyên được 8 tháng, trước búa rìu dư luận ngày 30/10/2009 ông Huỳnh Tấn Thành ký quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án cảng Phan Thiết mà ông đã cấp cho công ty TNHH Thép Trung Nguyên.
Ông ta là đảng viên trước hết Đảng xử lý ông ta, đồng thời về mặt chính quyền cũng phải xử lý, đó là nguyên tắc.
LS Nguyễn Văn Hậu.
Báo Tuổi Trẻ Online kể ra trường hợp khá lạ lùng thứ nhì, liên quan tới một khu đất vàng khác, cùng những quyết định thay đổi như chong chóng của ông Huỳnh Tấn Thành. Nằm liền kề dự án cảng vận tải biển Phan Thiết, là một khu đất 17 ngàn mét vuông. Năm 2004 khu đất này được giao cho đơn vị nhà nước là Ban Quản lý khu du lịch Đồi Dương-Thương Chánh để xây dựng khu du lịch cộng đồng. Thành phố Phan Thiết đã trích từ vốn ngân sách hơn 4 tỷ đồng để bồi thường cho gần 100 hộ dân bị giải tỏa.
Bàn giao, thu hồi như thay áo
Cũng như trường hợp thứ nhất, trong khi dự án đang chuẩn
bị thực hiện, tháng 5/2008. Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Thuận lại ra quyết định
thu hồi, giao cho công ty Công ty TNHH thương mại và sản xuất Quản Trung
để xây dựng khu du lịch Đồi Dương-Thương Chánh, việc giao đất lần thứ hai này
cũng không qua đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất theo qui định.
Theo Báo Tuổi Trẻ Online, câu chuyện chưa dừng ở đây, đến tháng 2/2009 UBND tỉnh Bình Thuận lại ký một quyết định bãi bỏ quyết định trước đó, nâng diện tích đất vàng cấp cho doanh nghiệp Quản Trung từ 17 ngàn mét vuông lên hơn 19 ngàn mét vuông. Công ty này được giao thêm 1 ngàn 200 mét vuông để làm một con đường sử dụng chung cho hai dự án cảng vận tải và khu du lịch. Nhà báo cho rằng với sự điều chỉnh này, hai dự án giống như được gộp vào một và tạo ra thêm một số lớn diện tích mặt tiền nằm đối diện nhau.
Theo cơ quan chức năng, với cương vị là chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Huỳnh Tấn Thành phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm xung quanh hai dự án trên.
Tuổi Trẻ online còn nêu một số chuyện mà nhà báo gọi là “lùm xùm” của 5 dự án hết sức quan trọng, mà thường vụ tỉnh ủy đang yêu cầu làm rõ. Đó là các dự án cảng cá La gi, cảng nước sâu Kê gà, bờ kè Đồi Dương, rừng dầu Hồng Liêm, sân golf Sealink.
Ngoài bảy dự án có sai phạm mà chúng tôi đã ghi nhận từ báo Tuổi Trẻ Online, thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận còn đề nghị ngừng thực hiện dự án Trung tâm thương mại Phú Hải, xem xét lại khiếu kiện của người dân liên quan đến đất đai ở dự án này không để quyền lợi của dân bị xâm phạm.
Đó là các ghi nhận qua bài báo Tuổi Trẻ Online “Vì sao kỷ luật chủ tịch tỉnh Bình Thuận”. Sự kiện Bình Thuận làm cho người ta liên tưởng tới một điểm nóng khác đang âm ỉ ở Đà Nẵng, 400 hộ dân với hai ngàn nhân khẩu và 100 ha đất ở Cồn Dầu bị giải tỏa để xây biệt thự nhà vườn hình thành khu du lịch sinh thái Hòa Xuân.
“Chắc chắn rằng giáo dân Cồn Dầu sẽ kêu cứu tới cùng, có thể họ cùng sống chết với nhà thờ và đất của mình.”
Sự phẫn nộ của giáo dân Cồn Dầu Đà Nẵng, qua lời ông Thái Văn Liên quyền chủ tịch ban đại diện giáo xứ, chắc hẳn cũng giống thực tế ở các nơi khác, khi người dân bị mất nhà mất đất để chính quyền thực hiện dự án này dự án khác.
Khi Việt Nam tăng tốc phát triển trong hai thập niên vừa qua, người ta thấy xuất hiện những vụ khiếu kiện đông người, có khi hàng trăm người tụ tập để kiến nghị ở trụ sở tiếp dân ở TPHCM hay Hà Nội, đôi khi đám đông biểu tình ngồi trước Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Saigon để tạo sự chú ý. Những người tâm huyết với đất nước nói rằng, nếu từ lâu có nhiều vụ kỷ luật Đảng đưa ra ánh sáng như trường hợp ông Huỳnh Tấn Thành chủ tịch tỉnh Bình Thuận, thì có lẽ không có phong trào dân oan kêu cứu làm bực mình chế độ.