Đồng Bằng Sông Cửu Long: Chìm trong nước thải hay nước biển?

Báo chí từng đưa tin về những kịch bản biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho Việt Nam. Nhưng chưa có nhà khoa học nào đưa ra cảnh báo sớm, là nếu Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) ngăn được nước biển thì lại bị chìm trong một thứ nước nguy hiểm bội phần.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2009.08.29

Trong tình huống xấu nhất ở tương lai, khi nước biển dâng cao thêm 1 mét, thì 1/3 diện tích vùng châu thổ sông Cửu Long bị nước biển tràn ngập. Muốn bảo vệ vựa lúa lớn nhất Việt Nam, chính quyền sẽ phải tìm cách ngăn nước biển bằng đê, đập, cống ngăn mặn trải dài 700km dọc bờ biển, những đê đập này có chiều cao không dưới 3 mét. Trong hoàn cảnh đó, báo Saigon Tiếp Thị ĐiệnTử ngày 27/8/2009 cảnh báo rằng, chống được nước biển ngăn được mặn, nhưng ĐBSCL chịu nguy cơ chìm trong đủ loại nước thải thay vì nước biển. Đây là đề tài chúng tôi đọc báo trên mạng tuần này.

Trong một cuộc phỏng vấn của Đài chúng tôi, Bà Lê thị Xuân Lan chuyên gia khí tượng thủy văn ở TPHCM, mô tả tác hại ghê gớm mà Việt Nam có thể hứng chịu do hậu quả biến đổi khí hậu:

“Cả nước VN phải chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nhưng riêng với đồng bằng sông Cửu Long có tác động rất nhiều. Bởi vì vùng này ở độ cao thấp. Theo dự đoán tính toán thì tới 2070, nước biển có thể dâng cao khoảng 70 tới 90cm, như vậy một số diện tích nhất là vùng ven biển sẽ bị chìm dưới nước.” 

Saigon Tiếp Thị trích lời GS Đào Công Tiến, nguyên hiệu trưởng Trường Đại Học Kinh Tế TPHCM nói rằng, nếu mực nước biển cao thêm 1m thì 1/3 diện tích vùng ĐBSCL bị chìm, gần 20 triệu người ở vùng châu thổ này phải chấp nhận sống chung với nước mặn. Nếu thực hiện những công trình đê bao ngăn mặn, giữ ngọt, ngoài việc tốn kém chi phí, môi trường toàn vùng sẽ bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải công nghiệp.

Từ nuôi trồng thủy sản

Sau khi trích lời GS Đào Công Tiến, SGTT mô tả về điều gọi là ‘ Nước biển chưa dâng, ô nhiễm đã báo động’. Theo đó ĐBSCL hàng năm hứng chịu hơn 500 triệu tấn chất thải do nuôi trồng thủy sản. Ghi nhận của tờ báo có thể gây sốc cho nhiều người, dù rằng các chuyên gia cũng đã biết trước hiểm họa này. Ông Nguyễn Tử Cương, ủy viên thường vụ Hội Nghề Cá Việt Nam đặc trách về chất lượng, dịch bệnh và thị trường nhận định:

“Nếu không giải quyết được triệt để vấn đề môi trường do chất thải từ cá tra,sẽ dẫn tới hậu quả không thể lường trước được.”

Đến chất thải công nghiệp

Theo bài báo SGTT, đồng bằng sông Cửu Long không chỉ chịu trận về, vùng đất này còn chứa đựng lượng chất độc tồn dư từ 2 triệu tấn phân hóa học và hơn nửa triệu tấn thuốc bảo vệ thực vật được nông dân sử dụng mỗi năm. Ngoài ra 13 tỉnh vùng ĐBSCL có khoảng 100 triệu tấn nước thải sinh hoạt và 600 ngàn tấn rác thải sinh hoạt hàng năm. Nhưng hệ trọng hơn nữa, SGTT ghi nhận là ĐBSCL đang có hàng chục khu công nghiệp tập trung và hơn 200 cụm, điểm công nghiệp, hàng năm thải ra môi trường hơn 50 triệu mét khối nước thải công nghiệp (trong đó 70% chưa qua hệ thống xử lý nước thải), hơn 220.000 tấn rác thải công nghiệp/năm.

Chưa nói chuyện tương lai nước biển dâng, ngay trong hiện tại SGTT dẫn ý kiến giới khoa học cho rằng, mức độ ô nhiễm môi trường ở ĐBSCL đang rất nghiêm trọng nhưng chưa có hướng xử lý triệt để. Trong khi đó theo qui hoạch phát triển công nghiệp vùng ĐBSCL, đến năm 2010 diện tích đất phát triển khu công nghiệp sẽ đạt 31.500ha, đến năm 2020 đạt 50.000ha. Những số liệu này, theo SGTT cho thấy là trong 10 năm sắp tới ô nhiễm từ nước thải rác thải công nghiệp sẽ cao gấp nhiều lần mức độ hiện nay.

Bài toán xử lý nước thải

Tờ báo trích ý kiến Tiến sĩ Nguyễn Thành Chương Ban Tuyên Giáo Trung ương, cho rằng khi đắp đê, xây cống ngăn mặn, các địa phương sẽ phải giải cho được bài toán xử lý nước thải công nghiệp. Một khi không xử lý được, không bơm ra biển được thì nguy cơ ô nhiễm toàn vùng là khó tránh khỏi.

Vẫn theo SGTT, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, giám đốc phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho biết ĐBSCL rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương với môi trường nước. Nếu phát triển công nghiệp ồ ạt nhưng không có phương án xử lý nước thải, môi trường ĐBSCL sẽ bị thay đổi và rất khó phục hồi.

Tờ báo phác họa một viễn cảnh khá u tối, theo đó khi toàn vùng ĐBSCL trở thành vùng gọi là ngọt hóa khổng lồ, bị bao vây bằng hệ thống đê bao và cống đập ngăn mặn, cơ chế tự làm sạch bằng dòng chảy của các con sông sẽ không còn tác dụng. Vào mùa khô kiệt, các con sông chính ở ĐBSCL cần phải có tốc độ dòng chảy tối thiểu 2.000m3/giây mới có thể ngăn nước mặn xâm nhập. Nhưng ở điều kiện mực nước biển bên ngoài đê bao cao, cống ngăn mặn đóng kín, dòng chảy cạn kiệt do các quốc gia phía thượng lưu sông Mekong xây các đập thủy điện thì cơ chế làm sạch bằng dòng chảy của sông Tiền, sông Hậu sẽ gần như bằng không. Khi đó, khối nước thải công nghiệp khổng lồ và các loại nước thải sinh hoạt, những chất độc hại tồn lưu trong quá trình sản xuất nông nghiệp sẽ tích tụ ngày càng nhiều trong các dòng sông, gần 30.000km sông rạch chằng chịt của ĐBSCL sẽ biến thành những dòng sông chết.

SGTT nhấn mạnh, viễn cảnh này đang đến rất gần với vùng ĐBSCL, bởi trước đây đã có những khu vực ô nhiễm nặng nề do đê bao khép kín và cống ngăn mặn như vùng ngọt hóa bán đảo Gò Công của Tiền Giang, toàn bộ thành phố Cà Mau. Tại những nơi này, vào mùa khô hạn, xâm nhập mặn, toàn bộ cống ngăn mặn đều đóng kín, nguồn nước thải sinh hoạt, sản xuất và rác thải đều xả thẳng xuống sông rạch trong khi dòng chảy bị chết cứng, gây ra tình trạng ô nhiễm rất nghiêm trọng.

Những gì mà báo SGTT mô tả cũng là điều nông dân ĐBSCL nhìn thấy ở quê mình và nói với chúng tôi:

“Nếu cống ngăn lại thì tuy nguồn nước không mặn nhưng nó lại ô nhiễm nặng, bị đen, tất cả chất thải của heo lẫn người, nông dân làm chuồng heo trên sông, nếu cống ngăn mặn từ 7 tới 10 ngày không xả ra thì nước sẽ đen không thể xài được.”

Tổn thất nghiêm trọng

Ở đoạn kết bài báo, SGTT dẫn lời Tiến sĩ Võ Hùng Dũng cho rằng, do tâm lý thi đua công nghiệp hóa, lâu nay các tỉnh ĐBSCL đã chấp nhận nhiều dự án đầu tư với những ngành nghề gây ô nhiễm môi trường nhưng không có hệ thống xử lý nước thải, rác thải, hậu quả là tình trạng ô nhiễm ngày càng gay gắt. Dưới nhãn quan của chuyên gia kinh tế, TS Võ Hùng Dũng cảnh báo, nếu 1/3 diện tích ĐBSCL bị nước biển tràn ngập, tổn thất về sản xuất, đời sống dân cư sẽ rất lớn. Nhưng khi cả đồng bằng bị ô nhiễm vì nguồn nước thải, rác thải công nghiệp, tổn thất lớn hơn gấp nhiều lần.

Đó là nội dung bài ‘ĐBSCL, Nguy cơ chìm trong nước thải’ do Báo SGTT đưa lên mạng ngày 27/8/2009. Chúng tôi xin thêm rằng ngày 20/8 vừa qua Bộ Tài Nguyên Môi Trường đã công bố các kịch bản nước biển dâng do tình trạng biến đổi khí hậu, để các bộ ngành và địa phương xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với Biến Đổi Khí Hậu. Việt Nam xây dựng ba kịch bản biến đổi khí hậu dựa trên ba kịch bản phát thải khí hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên. Tất cả còn tùy thuộc vào việc lượng phát thải khí của thế giới từ mức độ thấp tới trung bình và cao. Nếu dựa vào kịch bản trung bình, vào năm 2050 mực nước biển có thể dâng thêm từ 28 tới 33cm, đến cuối thế kỷ này mực nước biển có thể dâng thêm từ 65cm tới 100cm so với thời kỳ 1980-1999.

Đối với TP.HCM, nếu nước biển dâng từ 65 cm tới 100cm thì phạm vi ngập từ 6% tới 23% diện tích, tức từ 128km2 tới 473km2. Còn vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập hơn 5.000km2 tới hơn 15.000km2 tương đương từ 13% tới 38% diện tích toàn vùng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.