Dệt may 2009: đồng tiền khó kiếm

Dệt may xuất khẩu, ngành hàng quan trọng đóng góp vào GDP tổng sản phẩm nội địa của VN, đã trải qua năm 2009 đầy vất vả. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2009 chỉ bằng năm ngoái và không có tăng trưởng.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2009.12.19
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
cong-nhan-may-mac-305.jpg Công nhân Việt Nam làm việc ở một xưởng sản xuất áo quần thể thao cho hãng Nike ở TP. HCM.
Photo AFP

Tỷ lệ nội địa hóa quá thấp

Thời Báo Kinh Tế Việt Nam ngày 14/12 trích lời ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám Đốc Tập Đoàn Dệt May Việt Nam cho biết: kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2009 có thể chỉ đạt 9,1 tỷ USD, nghĩa là bằng năm ngoái không có tăng trưởng. Lúc đầu ngành dệt may đặt chỉ tiêu xuất khẩu 2009 là 10 tỷ USD, rồi hạ xuống 9,5 tỷ USD.

Một trong những thông tin được phổ biến công khai, năm 2008 tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may chỉ đạt 37%. Năm 2009 các số liệu cho thấy tỷ lệ nội địa hóa đã được nâng lên 5% đạt khoảng 42%. Nói dễ hiểu nếu cả năm 2009 xuất khẩu dệt may đạt 9,1 tỷ USD thì trong đó phần nhập khẩu nguyên phụ liệu lên tới 5 tỷ USD.

Dệt may là ngành thu hút nhiều nhân công, trước suy thoái kinh tế tài chánh thế giới, các nhà máy trên cả nước thu dụng khoảng 2 triệu người lao động, thời kỳ khó khăn cuối 2008 kéo dài cả năm 2009 đã khiến hàng trăm ngàn công nhân mất việc.

Sang năm 2010, ngành dệt may sẽ phát triển như thế nào, khi lợi thế công nhân giá rẻ đang mất dần. Chuẩn bị cho giai đoạn hậu suy thoái, ngành dệt may sẽ tái cơ cấu như thế nào, đặc biệt ở các đô thị lớn như TPHCM, Đồng Nai nơi chiếm hơn phân nửa sản lượng dệt may toàn quốc.

Ngày 18/12/2009  chúng tôi nêu câu hỏi này trong cuộc phỏng vấn ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ Tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM, đồng thời là Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Da Giày VN và được ông giải đáp:

Phải chuyển hướng cơ cấu về kinh doanh, trong đó giảm bớt tỷ lệ gia công, nâng dần tỷ lệ mình tự mua bán, có thể tìm nguyên phụ liệu ở trong nước.

Ô Diệp Thành Kiệt

Ông Diệp Thành Kiệt: Thứ nhất những thành phố lớn sẽ phải cơ cấu lại ngành hàng. Nếu duy trì ở thành phố thì phải là những sản phẩm cao cấp. Nếu tiếp tục duy trì sản xuất như hiện tại nghĩa là sản phẩm cấp trung thôi, thì phải có định hướng chuyển nhà máy ra bên ngoài. Thí dụ như Việt Tiến, Nhà Bè đã chuyển một số nhà máy đi Tiền Giang, Long An.

Thứ hai là phải chuyển hướng cơ cấu về kinh doanh, trong đó giảm bớt tỷ lệ gia công, nâng dần tỷ lệ mình tự mua bán, có thể tìm nguyên phụ liệu ở trong nước mà cũng có thể ở nước ngoài, nhưng phải chủ động vấn đề này.

Thứ ba là chuyển động đi về hướng đầu và hướng cuối của chuỗi giá trị, chủ động trong khâu thiết kế và khâu phân phối. Kênh nội địa là dạng để cho các doanh nghiệp trong nước đặc biệt ở các thành phố lớn chú ý tới và có những giải pháp của mình. Hiện nay thì một số doanh nghiệp lớn người ta đã làm thành công.

Công nhân xưởng Dệt 10 đang sản xuất quần áo may sẵn
Công nhân xưởng Dệt 10 đang sản xuất quần áo may sẵn để xuất khẩu ra nước ngoài. AFP photo
AFP photo
Nhưng mà trên tất cả chúng tôi vẫn nghĩ rằng, đây là nghĩ kiến cá nhân cũng là đề xuất, trong thời gian tới thì cả ngành và chính phủ đẩy mạnh hơn nữa việc nội địa hóa nguyên phụ liệu sản phẩm dệt may, nói cách khác là phải nâng cao hơn nữa ngành công nghiệp phụ trợ của ngành dệt may, đặc biệt đáp ứng tính cách thời trang.

Để thị trường quyết định?

Nam Nguyên: Thưa ông, vấn đề tỷ giá hối đoái hiện diện trên hai thị trường chính thức và tự do, có ảnh hưởng gì đối với ngành dệt may và da giày. Đặc biệt hai ngành này vừa có nhập khẩu vừa có xuất khẩu?

Ông Diệp Thành Kiệt: Tỷ giá hối đoái đồng tiền VN do với  USD về nguyên tắc khi tăng hay giảm đều có mặt tốt và không tốt. Đối với các doanh nghiệp gia công không có nhập chỉ có xuất, rõ ràng khi đồng bạc VN mất giá hơn, tỷ giá đổi ra đồng VN cao hơn thì xuất khẩu có lợi.

Người đã đem về cùng lượng ngoại tệ đó nhưng đổi ra tiền đồng được nhiều hơn, trong khi đó tiền lương và chi phí chưa hẳn sẽ tăng tương ứng theo tỷ giá đó, nó có lợi cho các nhà gia công. Nhưng điều này theo quan điểm của chúng tôi, không cần có sự phá giá mạnh cũng không mong muốn một sự giữ giá mạnh. Điều quan trọng là phải có sự ổn định.

Đi theo qui luật thị trường, thì rõ ràng phải thấy rằng nền kinh tế thị trường của chúng ta còn mới và nó bị tác động quá nhiều bởi yếu tố rủi ro.

Ô Diệp Thành Kiệt

Thứ hai nếu có chính sách nào kể cả nâng giá hay phá giá đồng VN thì phải có những bước đi thích hợp, để nền kinh tế nói chung còn có sức chịu đựng, đặc biệt những ngành kinh tế như dệt may hoặc một số ngành khác kể cả da giày hay gỗ là những ngành vẫn còn lệ thuộc nguyên liệu nước ngoài, thì việc đưa tỷ giá nhanh quá hay chậm quá thì rất nguy hiểm.

Thí dụ năm nay phá giá chúng ta có chuyển động làm mất giá, nhưng năm 2008 tiền VN tự nhiên lên giá 1 USD chỉ ăn 15 ngàn thôi, cũng làm cho nhiều doanh nghiệp chới với. Chúng tôi nghĩ biện pháp tốt nhất là phải ổn định được vĩ mô đặc biệt là cơ cấu tỷ giá. 

Nam Nguyên: Thưa ông, nếu để cho thị trường quyết định, tức là đi theo qui luật thị trường thì ông nghĩ thế nào?

Ông Diệp Thành Kiệt: Đi theo qui luật thị trường, thì rõ ràng phải thấy rằng nền kinh tế thị trường của chúng ta còn mới và nó bị tác động quá nhiều bởi yếu tố rủi ro. Thí dụ như năm rồi giá gạo tự nhiên tăng lên, nếu để theo thị trường thì rõ ràng người dân lãnh đủ, mặc dù lúc đó trong nước còn gạo rất nhiều.

Tôi lấy ví dụ đó để quay về nền kinh tế nói chung và dệt may nói riêng, tôi nghĩ rằng chính sách mà chính phủ VN đang chọn là cơ chế thị trường có điều tiết là hợp lý.

Tuy nhiên chữ “điều tiết” ở đằng sau là cả một vấn đề rất lớn, nếu được điều tiết hợp lý chọn giải pháp vừa đúng thì sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế, còn nếu chọn giải pháp không phù hợp lúc cần giảm lại tăng hoặc ngược lại thì nó sẽ tác động lên nền kinh tế. Nhưng tôi vẫn ủng hộ chính sách thị trường có điều tiết, vì điều đó sẽ giúp cho nền kinh tế thị trường quá mới mẻ và chịu quá nhiều rủi ro của VN có hướng đi vững chắc hơn.

Nam Nguyên: Dù có khó khăn, dù là gia công, nhân công giá rẻ, thu lợi ít, nhưng về việc giúp công ăn việc làm cho người lao động của ngành dệt may và da giày, ông đánh giá thế nào?

Ông Diệp Thành Kiệt: Về dệt may, theo Hiệp Hội Dệt May VN con số lao động trên hai triệu, ngành da giày khoảng bảy trăm ngàn, kể luôn các ngành phụ trợ ăn theo như đóng bao bì hoặc làm sản phẩm phụ cho hai ngành đó, thì con số khoảng dưới ba triệu.

Vấn đề này chúng tôi không nói một cách cường điệu quá đáng, không chỉ những người trong ngành chúng tôi mà kể cả những cơ quan chính phủ, cũng phải nhìn nhận, mặc dù trước đây có nhiều ý kiến cho là những ngành này thâm dụng quá nhiều lao động, hoặc có những ý kiến khắt khe cho là phải cắt giảm nhanh đối với cơ cấu những ngành hàng sử dụng nhiều lao động.

Nhưng qua giai đoạn vừa rồi, phải thấy rằng trong hoàn cảnh đất nước VN rõ ràng những ngành như dệt may, da giày, thủy sản hoặc gỗ, vẫn là những ngành cần thiết, là những bước đệm cần thiết để đất nước phát triển cũng như đặc biệt về an sinh xã hội.

Có thể nói rằng trong năm vừa qua ngoại trừ một số doanh nghiệp nước ngoài quá khó khăn phải bỏ trốn, còn lại hầu hết các doanh nghiệp VN và doanh nghiệp nước ngoài còn lại, đều đã giữ vững được lực lượng lao động của mình.

Chúng tôi không có những sự cố lớn như các nước phải sa thải công nhân hàng loạt. Chúng tôi đánh giá đó là một thành tựu lớn của hai ngành dệt may và da giày.

Trên đây là các nhận định của ông DiệpThành Kiệt  Phó Chủ Tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, đồng thời là Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Da Giày Việt Nam.

Năm 2009 sắp khép lại, nếu nền kinh tế thế giới chuẩn bị giai đoạn hồi phục, nhiều ngành kinh tế xuất khẩu của VN sẽ phải cơ cấu lại cho giai đoạn hậu suy thoái. Ngành dệt may và da giày đang đứng trước những thử thách mới cho tương lai.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.