Không bất ngờ khi Nhật Bản ngưng viện trợ cho Việt Nam

Thông tin về hội nghị các nhà tài trợ cho VN diễn ra ở Hà Nội trong hai ngày 4 và 5/12 cũng như các hoạt động liên quan, đã làm cho những người lưu tâm tới thời cuộc cảm thấy nhiều quan ngại.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2008.12.06
Ông huỳnh Ngọc Sĩ đang thuyết trình Ông Huỳnh Ngọc Sĩ đang thuyết trình tại một cuộc họp khi còn là Giám đốc Dự án Đại lộ Đông Tây.
Photo courtesy Vietnamnet

Quả bom tấn liên quan đến vụ án tham nhũng ở dự án xa lộ đông tây TP.HCM được kích nổ ngay ngày khai mạc hội nghị. Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba loan báo nước ông tạm ngừng các khoản viện trợ phát triển gọi tắt là ODA cho VN.

Tôi không biết là điều đó có gây ngạc nhiên hay không cho các vị lãnh đạo. Đối với tôi đây là điều không có gì ngạc nhiên cả, có thể cũng có người dân ngạc nhiên nhưng tôi nghĩ với số đông thì không.

TS Nguyễn Quang A

Vụ án PCI

Theo Vietnam Economy, phía Nhật Bản xác định những khoản cho vay ưu đãi dành cho VN trị giá 65 tỷ Yên khoảng 700 triệu đô la trong nửa đầu năm tài chính 2008 đã bị đình chỉ sau khi có thông tin về vụ đưa hối lộ liên quan đến công ty Tư Vấn Quốc Tế Thái Bình Dương gọi tắt là PCI. Các khoản vay này liên quan tới các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và hệ thống thoát nước.

4 doanh nhân Nhật Bản đã nhận tội vi phạm luật chống cạnh tranh bất bình đẳng. Họ bị cáo buộc đã hối lộ hơn 2 triệu đô la cho quan chức VN. Người được nêu tên cụ thể là ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên giám đốc ban quản lý dự án đại lộ đông tây ở TPHCM. Đại sứ Nhật Bản nói rằng Quốc Hội nước ông không vui và muốn làm rõ vụ việc.

Theo Vietnam Net, Đại sứ Mitsuo Sakaba tuyên bố rằng, Nhật Bản đã tạm ngừng nguồn vốn vay ODA cho VN, và nước ông đang chờ kết luận cuối cùng của ủy ban chung về vụ tham nhũng này cũng như cơ chế để tránh tham nhũng.

Không gây ngạc nhiên

Được hỏi sự kiện Nhật Bản loan báo tạm ngừng viện trợ phát triển ODA có gây bất ngờ cho VN hay không, TS Nguyễn Quang A, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển một tổ chức tư nhân ở Hà Nội nhận định:

“Tôi không biết là điều đó có gây ngạc nhiên hay không cho các vị lãnh đạo. Đối với tôi đây là điều không có gì ngạc nhiên cả, có thể cũng có người dân ngạc nhiên nhưng tôi nghĩ với số đông thì không. Bởi vì phản ứng của VN đối với việc này tương đối là chậm, lẽ ra có thể phản ứng một cách rất là quyết liệt, nhưng mà hình như nó bị kéo dài ra. Thậm chí lúc đầu có những phản ứng, tôi nghĩ rằng không khôn ngoan một chút nào cả; và những chuyện đó gây bức xúc đối với công chúng Nhật Bản với dư luận Nhật Bản, sức ép đó đối với chính quyền Nhật Bản quốc hội Nhật Bản là điều hiển nhiên. Trong tình hình khó khăn chung của các nền kinh tế, chúng tôi cũng đã dự đoán từ mấy tháng trước, chắc chắn ODA sẽ có vấn đề và nhân cơ hội ấy người ta đã tạm dừng. Chuyện này đối với tôi không có gì đáng ngạc nhiên cả.”

Nhật Bản là quốc gia tài trợ hàng đầu cho VN cho tới nay. Trong khoảng thời gian từ 1991 tới 2007 Nhật đã cho VN vay hơn 1.400 tỷ Yên tương đương 15 tỷ 500 triệu đô la, trong đó phần vốn vay ưu đãi chiếm tới 89%, còn lại là viện trợ không hoàn lại và viện trợ hợp tác kỹ thuật. Năm 2007 Nhật Bản cam kết 1 tỷ 100 triệu đô la vốn ODA cho VN chiếm 1/5 tổng nguồn vốn ODA mà VN được các nhà tài trợ nước ngoài cam kết.

Sẽ tạo nhiều khó khăn

Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia Việt Kiều đang làm việc tại VN đưa ra nhận định với Đài ACTD:

“Nó sẽ tạo sự khó khăn cho VN rất là lớn về một số công trình do Nhật tài trợ qua chương trình ODA. Việc triển khai đình hoãn như thế nào thì cũng chưa rõ phải chờ xem về chi tiết nó ra sao. Hoàn cảnh của VN bây giờ đương gặp rất nhiều khó khăn, cách đây hai ngày thì Thủ Tướng chính phủ công bố một gói 5 biện pháp để chặn sự suy giảm của nền kinh tế như vậy là VN cũng đã đối diện với nhiều vấn đề rồi. Nếu bây giờ còn có vấn đề cắt giảm hay cắt bỏ ODA của Nhật Bản thì sẽ tạo cho tình hình kinh tế tài chánh VN thêm những khó khăn nữa.”

Như vậy theo các chuyên gia, nền kinh tế VN đang trực diện với muôn vàn khó khăn, quyết định tạm ngừng viện trợ của Nhật Bản chỉ là một trong những vấn đề mà VN phải đương đầu. TS Nguyễn Quang A chuyên gia nghiên cứu độc lập về chính sách nhận định:

“Tôi nghĩ rằng ODA chắc chắn có ảnh hưởng, nó ảnh hưởng bởi nhiều lẽ. Nhưng mà trong tình hình khủng hoảng kinh tế ở toàn thế giới đang rất trầm trọng như thế này, nước nào cũng phải lo cho chuyện của mình, việc người ta giúp người ta cho vay thì điều kiện cũng sẽ phải ngặt nghèo hơn, người ta cũng phải tính đến nhiều yếu tố. Giả sử con số vẫn còn giữ nguyên được thì trong thời gian tới, việc giải ngân các khoản đó chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng.”

Hoàn cảnh của VN bây giờ đương gặp rất nhiều khó khăn, cách đây hai ngày thì Thủ Tướng chính phủ công bố một gói 5 biện pháp để chặn sự suy giảm của nền kinh tế như vậy là VN cũng đã đối diện với nhiều vấn đề rồi. Nếu bây giờ còn có vấn đề cắt giảm hay cắt bỏ ODA của Nhật Bản thì sẽ tạo cho tình hình kinh tế tài chánh VN thêm những khó khăn nữa.

Ông Bùi Kiến Thành

Theo tường thuật của báo chí trong đó có Vietnam Net, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trấn an các nhà tài trợ tại hội nghị Hà nội rằng, VN trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao nhất với các nhà tài trợ. Thủ Tướng khẳng định, chính phủ VN sẽ nỗ lực và tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nửa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

Khuyến cáo của IMF

Trong khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2009 của VN khoảng 6,5%, thì IMF Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo tăng trưởng GDP của VN có thể ở mức 5% so với 6% của năm 2008. IMF tiên đoán lạm phát ở VN có thể giảm về một con số vào cuối năm 2009, do giá hàng hoá ngày càng giảm. IMF cũng dự báo chung là tăng trưởng kinh tế khu vực Á châu cũng như thế giới bị sụt giảm, tác động đến xuất khẩu và tài chính.

TS Nguyễn Quang A có cách nhìn khác đối với vấn đề dự báo tăng trưởng kinh tế của VN. Ông nói:

“Tôi nghĩ chạy theo những con số đặt ra những mục tiêu nội bộ thì là chuyện có thể làm. Bởi vì việc tăng trưởng là việc của doanh nghiệp, là chuyện của những người trực tiếp trong nền kinh tế. Chính phủ có thể tạo được những hành lang, tạo được những chính sách để hỗ trợ, còn đặt ra một cái mục tiêu bằng con số cụ thể 5% hay 6% rồi tìm mọi cách để mà đạt được mục tiêu ấy, tôi nghĩ đó là cách tiếp cận hơi cổ rồi và tôi nghĩ là nó không có tầm quan trọng lắm. Cho nên tôi không đánh giá cao việc chúng ta phấn đấu để đạt được mức 6,2% hay 6,5%. Vấn đề là phải tạo ra công ăn việc làm, vấn đề là phải phân bổ nguồn lực hạn hẹp của đất nước này một cách hiệu quả nhất. Và những cách làm của chính phủ phải nên theo hướng đó, rồi cuối cùng đạt được 5% hay 5,5% là chuyện về sau mới tính. Còn bây giờ đưa ra 1 cái mục tiêu rồi dùng những biện pháp hành chính, những biện pháp nào đó để cố gắng đạt được những mục tiêu như thế, mà không tính đến chuyện dài hạn tăng trưởng không bền vững, thì đó không phải là điều hay nhất.”

Vấn đề là phải tạo ra công ăn việc làm, vấn đề là phải phân bổ nguồn lực hạn hẹp của đất nước này một cách hiệu quả nhất. Và những cách làm của chính phủ phải nên theo hướng đó, rồi cuối cùng đạt được 5% hay 5,5% là chuyện về sau mới tính.

TS Nguyễn Quang A

Theo Thời Báo Kinh Tế VN, Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đã đưa ra một số khuyến cáo cho VN như thúc đẩy cải cách cơ cấu nền kinh tế. Theo đó chính phủ cần tiến hành một cách thận trọng việc nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để đạt được sự cân bằng thích hợp giữa tăng trưởng và những rủi ro bên ngoài. IMF nhận định về chính sách tài khoá, chính phủ VN cần rút nguồn lực ra khỏi các dự án đầu tư kém hiệu quả để dành cho các nhu cầu về cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng như giúp đỡ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Trong trường hợp triển vọng kinh tế xấu hơn dự đoán thì có thể cân nhắc đến việc tăng chi ngân sách cho an sinh xã hội.

Vẫn theo Thời Báo Kinh Tế VN, IMF khuyến cáo chính phủ VN nên giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp lớn trong khu vực Nhà nước, để phát hiện và xử lý các vấn đề có thể mang lại rủi ro lớn cho ngân sách và hệ thống ngân hàng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.