Lúa sốt giá lời 50% nhưng ít người có lúa

Lúa sốt giá ở đồng bằng sông Cửu Long đạt mức cao nhất chưa từng có tính đến hết ngày 2/9.

0:00 / 0:00

Nông dân nào thu hoạch lúa hè thu muộn hoặc còn trữ lúa có thể lời trung bình 50%, tuy nhiên đây chỉ là vận may của một số rất ít người trồng lúa và có thể không giữ giá lâu.

Tối ngày 2/9, một nông dân vùng sông nước Cửu Long nói với chúng tôi là quá phấn khởi vì giá lúa tăng kỷ lục, thay vì đi chơi Lễ Quốc Khánh ông quyết định ở nhà để chờ chốt giá bán lúa hè thu muộn vừa thu hoạch xong:

“Cứ mỗi ngày mỗi lên trong 5 ngày nay mỗi ngày lên 100đ. Trước đây là 5.000đ qua ngày sau 5.100đ rồi 5.200đ, 5.300đ tới nay 5.600đ/kg, theo nông dân chúng tôi, giá này hình như là tột đỉnh, hồi nào giờ chưa từng bán được giá này.

Nhưng mà tôi vẫn chưa nóng ruột, tôi vẫn đợi thử xem thế nào, với giá lúa này nông dân chỗ tôi lời 60%. Tôi làm lúa dài giống OM 2517 hiện tại thương lái trả 5.600đ/kg, giống lúa thơm 4900 thương lái đang trả 6.800đ/kg nhưng tôi không làm lúa này.

Tôi nghĩ giá này là nhất thời thôi nhưng tôi vẫn chờ, hiện tại lúa của tôi đã khô được khoảng 40 tấn, ngày mai có thể tôi nhận cọc thương lái với giá 5.600đ/kg.”

Được giá nên bán lúa

VNricefield-200.jpg
Mùa gặt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. AFP photo.

Theo quan điểm của TS Lê Văn Bảnh Viện Trưởng Viện Lúa Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, vụ hè thu nói chung không đem lại nhiều lợi nhuận cho nông dân, trước khi lúa tăng giá thì có lúc giá xuống quá thấp và chính phủ đã phải cho mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, phần lớn bà con đã bán hết để trả nợ ngân hàng và chi phí sinh hoạt gia đình. Đối với những người may mắn còn lúa khi giá cao, TS Bảnh góp ý:

“Theo tôi giá trên 5.000đ/kg bà con thu hoạch nên bán là được, giá lúa lên cao tới khoảng đó thôi chớ khó mà lên cao hơn nữa. Bởi vì lên cao thì sẽ có sự điều chỉnh, do lúa gạo là mặt hàng đặc biệt mang tính an ninh lương thực và có tính chính trị.

Do vậy giá không thể lên cao được, vì nếu lên cao thì nhà nước sẵn sàng không xuất khẩu, hoặc tung gạo dự trữ để đảm bảo, để tránh lạm phát và những ảnh hưởng khác. Để có giá lúa lên cao là rất khó, hiện nay đã trên 5.000đ/kg thì là ước mơ của bà con nông dân, với giá này bà con có lãi 40%-50% là tốt rồi.”

Trang mạng Dân Việt của báo Nông Thôn Ngày Nay hôm 1/9 trích lời ông Nguyễn Thành Biên, Thứ Trưởng Công Thương xác định rằng, chính phủ giữ chủ trương tiếp tục xuất khẩu gạo, do nguồn cung cấp gạo không thiếu. Sản lượng lúa hè thu đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 8 triệu tấn lúa tương đương 5 triệu tấn gạo hàng hóa, từ nay đến cuối năm khu vực này sẽ có thêm khoảng 3 triệu tấn lúa nữa của vụ thu đông.

Cứ mỗi ngày mỗi lên trong 5 ngày nay mỗi ngày lên 100đ. Trước đây là 5.000đ qua ngày sau 5.100đ rồi 5.200đ, 5.300đ tới nay 5.600đ/kg, theo nông dân chúng tôi, giá này hình như là tột đỉnh, hồi nào giờ chưa từng bán được giá này.

Một nông dân vùng ĐBSCL

Hiện nay các doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long còn trữ trong kho hơn 1 triệu tấn gạo và nếu chỉ xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo như lượng hợp đồng đã ký kết, các doanh nghiệp vẫn phải đẩy mạnh mua thêm gạo. Chưa kể nếu các doanh nghiệp ký thêm được hợp đồng thương mại theo thời giá, việc tiêu thụ lúa gạo sẽ đầy hứa hẹn cho nông dân.

Trang mạng Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam VFA cho thấy Hiệp Hội đã nâng giá sàn xuất khẩu gạo thêm 50 USD/tấn trong vòng 2 tuần. Cụ thể ngày 11/8 VFA hướng dẫn giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm là 400 USD/tấn thì đến 27/8 nâng lên 450USD/tấn. Mức giá tối thiểu gạo 25% tấm xuất khẩu từ 370 USD/tấn cũng tăng dần lên 410 USD/tấn.

Bảng chào giá ngày 2/9 trên mạng lúa gạo quốc tế Rice Online cho thấy khoảng cách giá gạo cùng loại của Thái Lan và Việt Nam đã được thu hẹp dần. Theo đó ở chủng loại gạo trắng 5% tấm cách biệt giá chỉ còn 20USD/tấn còn loại 25% tấm thì gạo Thái Lan chỉ hơn gạo Việt Nam 15 USD/tấn. Điều này có thể ảnh hưởng không tốt cho Việt Nam vì gạo Việt Nam tuy phẩm chất chưa bằng gạo cùng loại của Thái Lan, nhưng lợi thế giá rẻ được mô tả là một chọn lựa cho các nhà nhập khẩu.

Lý do lúa tăng giá

vualua-250.jpg
Nông dân đang canh tác vụ lúa hè thu 2010 trên một cánh đồng ở miền Trung. RFA photo (Nông dân đang canh tác vụ lúa hè thu 2010 trên một cánh đồng ở miền Trung. RFA photo)

Giá lúa gạo ở Việt Nam tăng vì ảnh hưởng giá thế giới hay vì lần đầu tiên chính phủ qua Bộ Công Thương xác định không hạn chế xuất khẩu dù lượng hợp đồng đã đạt chỉ tiêu 6, 2 triệu tấn.

Người nông dân vùng sông nước Cửu Long mà chúng tôi tiếp xúc tỏ ra tiếp cận nhiều thông tin, ông phát biểu:

“Tôi nghĩ là nếu nhà nước chính phủ đừng kềm chế thì sẽ có lợi cho người nông dân, còn nếu can thiệp vô thì bất lợi cho chúng tôi. Bởi vì nhà nước sợ lạm phát, giá lúa tăng thì tất cả các mặt hàng khác sẽ tăng.

Chúng tôi không tin vào ai hết, tự mình canh giá lúa ai thấy bán được thì cứ bán. Trong anh em đang có khoảng 100 tấn nhưng đang chờ mức giá chấp nhận được. Nếu nhà nước can thiệp vô thì giá lúa sẽ giảm xuống. Nông dân chúng tôi thấy lợi là cứ làm, bây giờ thương lái đang đổ về tìm lúa để mua.”

Theo Pháp Luật TP.HCM bản điện tử, thấy chiều hướng giá lúa gạo tăng, nên nông dân đồng bằng sông Cửu Long tranh thủ xuống giống vụ thu đông hứa hẹn mở rộng diện tích.

TS Lê Văn Bảnh Viện Trưởng Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long phân tích những khả năng tối ưu cho vụ thu đông. Ông nói:

Chúng tôi không tin vào ai hết, tự mình canh giá lúa ai thấy bán được thì cứ bán ... Nông dân chúng tôi thấy lợi là cứ làm, bây giờ thương lái đang đổ về tìm lúa để mua.

Một nông dân vùng ĐBSCL

“Có một số người nghĩ rằng có thể tăng diện tích vụ thu đông, thực chất từ bao nhiêu năm nay bà con rất muốn tăng diện tích vụ thu đông giảm vụ hè thu vì hè thu làm việc rất vất vả.

Nhưng mà do các vùng sinh thái khác nhau nên rất khó tăng, thành ra chỉ có thể có 450.000 Ha tới 500.000 Ha trong một vụ, nếu có tăng cũng chỉ thêm được chút ít. Bởi vì những vùng đầu nguồn đầu lũ nếu làm sớm sẽ bị lũ đầu vụ hoặc hạn cuối vụ, mà hạn cuối vụ ở những nơi đặc biệt các tỉnh ven biển sẽ bị ngập mặn. Lúa đòng trổ mà bị ngập mặn thì coi như hỏng, do vậy diện tích khó mà tăng nhiều hơn.

Vụ thu đông làm trong mùa khô thu hoạch rất thuận lợi, bà con nông dân nên chọn giống lúa chất lượng cao để đảm bảo dùng cho xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa. Bà con nên chọn giống lúa tốt, giống xác nhận để đảm bảo ngừa sâu bệnh, áp dụng phương pháp thâm canh và tổng hợp tăng năng suất, tăng chất lượng nhưng giảm chi phí, bởi vì giá lên xuống bấp bênh bất thường hiệu quả sẽ không cao nếu bà con chi phí nhiều quá.”

Theo Nông Thôn Ngày Nay, ông Phạm Văn Bảy Phó chủ tịch VFA cho biết trong tháng 9, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu từ 700 ngàn tới 800 ngàn tấn gạo, tương đương như tháng 8. Vụ lúa hè thu sẽ kết thúc trong vòng 10 ngày đầu tháng 9, ba tháng cuối năm sẽ có lúa thu đông, nông dân đồng bằng sông Cửu Long trông đợi các doanh nghiệp có thể xuất khẩu vượt qua mức 6,2 triệu tấn gạo như kế hoạch định sẵn. Bởi vì đầu ra xuất khẩu sẽ quyết định giá cả trong những ngày sắp tới.

Theo dòng thời sự: