Mua lúa tạm trữ kiểu chữa cháy nghiệp dư
2010.07.23

Tuần này Thời Báo Kinh Tế Saigon đưa lên mạng hai bài được giật tít khá ấn tượng “Mua lúa tạm trữ: Đến hẹn lại lên” và “Mua lúa tạm trữ: Lấn cấn đủ bề” còn báo SGGP Online có bài “Tạm trữ hay dự trữ chiến lược”. Sở dĩ vấn đề tạm trữ nóng lên như vậy, vì họat động này đã bộc lộ quá nhiều nhược điểm trong những vụ mùa vừa qua, đặc biệt trong vụ Hè Thu hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long. Vựa lúa xuất khẩu của cả nước sẽ cho ra khoảng 9 triệu tấn lúa tương đương gần 5 triệu tấn gạo gồm cả lúa sớm, chính vụ và lúa muộn.
Nông dân Trương Minh Tâm ở Cần Thơ làm lúa Hè Thu sớm đã bán hết với giá thấp vì không thể trữ lại cho biết tình hình:
“Vụ này nói chung chi phí nặng lắm, công cắt lúa ngã tới 300.000đ một công (1.000m2), lời mỏng lắm không đủ xoay sở. Một héc-ta lời chừng 3 triệu lời kiểu đó một năm làm hai vụ lúa đâu có đủ vào đâu. Sống lây lất cũng phải chịu chớ sao nợ ngân hàng trả hoài không dứt.”
Bế tắc xuất khẩu
Nam Nguyên trao đổi nhanh với TS Lê Văn Bảnh Viện Trưởng Viện Lúa Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long về tình hình tiêu thụ lúa hè thu:
Nam Nguyên: Giải pháp mua tạm trữ lúa bị phê bình nhiều, trước khi nói tới 1 chiến lược lâu dài, nếu phải thực hiện mua tạm trữ thì phải tránh những nhược điểm vướng mắc gì?
Có chính sách tạm trữ nhưng hơi trễ, thành ra tới giờ này một số bà con lúng túng vì lúa đang từ 4.000đ/kg tụt xuống còn 3.000-3.200 bà con bị thiệt hại rất lớn.
TS Lê Văn Bảnh
TS Lê Văn Bảnh: “Hiện nay chính sách mua tạm trữ của chính phủ giúp cho giá lúa ổn định, nó không xuống nữa nhưng cũng không lên nhiều. Tình trạng kho tàng của các doanh nghiệp tương đối ít mà còn trữ lúa cũ, do đó tạm trữ lúa mới gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Điểm thứ hai các doanh nghiệp tuy được hỗ trợ được ưu đãi nhưng thực chất không có đầu ra bán tốt, các kho tàng không bảo đảm kỹ thuật, gạo để lâu bị ảnh hưởng chất lượng, do đó các doanh nghiệp rất lo. Mặt khác trong dân không có bồ chứa nên lúa ẩm độ khá cao 16-18% để lâu không tốt. Cho nên đây cũng là một trở ngại cho vấn đề tồn trữ lúa cho dân cũng như cho các doanh nghiệp.”
Nam Nguyên: Thưa có ý kiến nói là phải công bố thời gian mua tạm trữ ngay từ đầu vụ, ấn định giá cả để hai bên nông dân và doanh nghiệp được biết. Còn hiện nay chỉ là giải pháp tình thế và không nên lặp lại nữa. Tiến sĩ nhận định gì?
TS Lê Văn Bảnh: “Việc này là lỗi bên ngành Công Thương, thực ra chúng tôi họp giao ban nông nghiệp thống nhất, đầu vụ thì phải tính được giá thành sản xuất, làm sao bà con nông dân có lãi ít nhất 30%. Vậy mà từ đầu đến cuối vụ bên ngành công thương không công bố. Thứ hai nữa, bây giờ việc tạm trữ có chính sách tạm trữ nhưng hơi trễ, thành ra tới giờ này một số bà con lúng túng vì lúa đang từ 4.000đ/kg tụt xuống còn 3.000-3.200 bà con bị thiệt hại rất lớn.”
Vừa rồi là những nhận định của TS Lê Văn Bảnh qua điện thoại từ Cần Thơ tối ngày 22/7.
Trong bài “Mua lúa tạm trữ: Đến hẹn lại lên” trên TBKTSG Online, ông Nguyễn Minh Nhị nguyên chủ tịch Tỉnh An Giang nhận định là, chính sách mua lúa tạm trữ đã có từ khoảng 10 năm qua lúc đầu thấy hay nhưng lâu dần mới thấy là việc làm này không hiệu quả càng làm cho nông nghiệp thêm tụt hậu. Theo ông Nhị, mua tạm trữ là giải pháp tình thế, mỗi khi lúa khó tiêu thụ chính phủ cấp bù lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp lương thực để mua lúa tạm trữ.
Lỗi do điều hành kém
Trong bài viết, ông Nguyễn Minh Nhị chừng như nén tiếng thở dài khi đưa ra sự so sánh: Thời xưa, lúa mùa, sản lượng ít, trung nông nhà nào cũng có bồ chứa lúa, chờ sau thu hoạch một lúc, lúa có giá mới bán. Chủ chành thì mua gom dự trữ lớn hơn, bán ra từ từ nhưng luôn luôn có lãi, ai đầu cơ đẩy giá lên quá cao hoặc không bán ra thì bị nhà cầm quyền can thiệp. Còn bây giờ ta điều hành sản xuất và tiêu thụ lúa gạo sao mà vất vả trăm bề?
Trên TBKTSG Online, ông Nhị nhận định chủ trương mua tạm trữ là nhằm giúp nông dân hạn chế thiệt hại khi lúa rớt giá. Nhưng do chưa có chiến lược ở tầm vĩ mô nên giải quyết vấn đề này thường bị động bằng giải pháp tình thế, có thời hiệu đôi ba tháng nên hễ lúa rớt giá thì cho mua tạm trữ, chính phủ bù lãi suất cho doanh nghiệp như đến hẹn lại lên mà hiệu quả thì không đong đếm được.
Người nông dân Cần Thơ, mà chúng tôi trao đổi, đưa ra những nhận xét của riêng mình nhưng có thể phản ánh suy nghĩ chung của tầng lớp dân cày, những người góp phần làm ra những 5-6 triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm:
“Ông nhà nước này hỗ trợ cho doanh nghiệp công ty không à, còn mấy người làm lúa có được gì đâu, cho vay vốn thì lãi suất cao ngất.”
Ông nhà nước này hỗ trợ cho doanh nghiệp công ty không à, còn mấy người làm lúa có được gì đâu, cho vay vốn thì lãi suất cao ngất.
Nông dân ở Cần Thơ
Vụ lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch khoảng hơn phân nửa, thu hoạch rộ trong tháng 8. Hiệp Hội Lương Thực loan báo mua lúa khô đủ tiêu chuẩn xuất khẩu giao tại kho doanh nghiệp với giá 3.500đ/kg chỉ là thông tin mang tính hình thức. Thật ra các doanh nghiệp chỉ mua gạo từ thương lái và nhà máy xay xát, thương lái mới là người mua lúa trực tiếp cho dân. Điều này dẫn tới hệ quả là thương lái sẽ mua lúa tại nhà dân thấp hơn mức 3.500đ/kg.
Theo TBKTSG Online giá thành lúa hè thu ở Cần Thơ được ngành nông nghiệp tính toán là 2.950đ/kg lúa thường, 3.200 đ/kg lúa dài. Nông dân bán lúa cho thương lái từ 3.000đ tới 3.300đ/kg thì tỷ lệ lãi của nông dân chỉ từ 1,6 tới 3,1% khoảng cách quá xa mới tới con số 30%.
Có thể trích lời ông Nguyễn Minh Nhị trên TBKTSG Online để thấy hết mọi vấn đề một cách đơn giản nhất: Khâu tổ chức sản xuất chưa tốt, khâu điều hành thị trường (xuất khẩu) cũng chưa tốt, đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Mua lúa tạm trữ như là chữa cháy. Và vì không phòng cháy nên cứ bị cháy, năm nào cũng tạm trữ.