Được mùa, nông dân vẫn phải lo
2010.03.03
Cái vòng luẩn quẩn ấy trở nên trầm trọng thêm khi nợ nần vật tư nông nghiệp lại đẩy người trồng lúa vào thế kẹt như lâu nay là phải bán rẻ sản phẩm mồ hôi nước mắt của mình để trả nợ. Thanh Quang trình bày thêm chi tiết về vấn đề này, mời quý vị theo dõi sau đây:
Thủ tướng VN, ông Nguyễn Tấn Dũng, vừa ban hành một quyết định chỉ đạo Bộ Tài Chính mua 50 ngàn tấn gạo bổ sung lương thực dự trữ quốc gia năm 2010 để vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa góp phẩn ổn định giá gạo trên thị trường.
Hiệp hội Lương thực VN cũng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tăng cường mua lúa hàng hóa của nông dân để dự trữ, thực hiện chương trình “bảo hiểm giá lúa” ở mức 4.000 đồng/ký để người trồng lúa được lời từ 40% trở lên.
Doanh nghiệp ngưng thu mua để lúa trong dân ứ đọng rồi sau đó mua với giá rẻ nhằm thu lãi lớn.
TS Lê Văn Bảnh
Trong khi đó lại có tin từ Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc cho hay là từ nay đến tháng 5 này, VN sẽ xuất khẩu sang Iraq 150.000 tấn gạo cao cấp, góp phần đáng kể cho việc tiêu thụ lúa Đông Xuân hiện đang được thu hoạch tại vùng ĐBSCL, mà theo ước tính của Viện Lúa ĐBSCL, thì trong vòng nửa tháng nữa, toàn vùng sẽ thu hoạch dứt điểm 1,6 triệu ha vụ mùa này.
Được mùa rớt giá
Giữa lúc có nhiều tin vui dồn dập như vậy từ giới lãnh đạo dành cho giới chân lấm tay bùn, thì báo mạng Người Lao Động số mùng 2 tháng 3 này có bài tựa đề “Dài cổ...chờ bán lúa”, qua đó, TS Lê Văn Bảnh, Viện Trưởng Viện Lúa ĐBSCL báo động rằng điệp khúc “được mùa rớt giá” đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nông dân, nhưng nhiều năm nay, các cơ quan quản lý vẫn không giải quyết căn cơ, dứt điểm, khiến “điệp khúc” đáng buồn này đang tái diễn cũng tựa như hồi cuối năm 2008, theo TS Lê Văn Bảnh: “doanh nghiệp ngưng thu mua để lúa trong dân ứ đọng rồi sau đó mua với giá rẻ nhằm thu lãi lớn”.
Theo Viện Lúa vùng ĐBSCL thì nông dân trong vùng hiện lâm cảnh “điêu đứng” vì lượng lúa Đông Xuân vừa thu hoạch được bán rất khó khăn, phải “vô bao chất đầy 2 bên kênh xáng chờ thương lái đến mua”, nhưng khi thấy bóng dáng một vài thương lái xuất hiện, nông dân “gọi khản cả cổ” mà họ chẳng buồn ghé lại.
Trong những ngày qua, các doanh nghiệp đang áp dụng phương cách mà bài báo gọi là “án binh bất động”, chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí có có nhiều doanh nghiệp “ăn Tết kỹ”, cho tới giờ vẫn chưa mở cửa trở lại.
Bài báo vừa nói cho biết nhiều nông dân “đỏ mắt tìm thương lái để bán lúa nhưng đều vô vọng”, trong khi một thiểu số nông dân bán được lúa thì giá rất rẻ, giảm tới cả ngàn đồng/1 ký.
Một số nông dân vùng ĐBSCL cho biết:
“Giá lúa xuống thì nông dân phải chịu khổ.”
“ Tình trạng bán lúa hiện chậm, lúa rẻ nên bán không mau. Khi nào nhà nước muốn mua, mua bao nhiêu thì mua, chứ bán thì giá lúa không cao. Thương lái hiện cũng có tới mua, nhưng không mạnh như mọi năm. Nông dân bây giờ chỉ như người làm mướn vậy thôi, chớ không còn hy vọng gì hết. Mà phải mắc nợ nhà nước nhiều mới mần lúa được. Hiện thời nhà nước không cho vay nhiều. Họ mới hỏi tiền vay bên ngòai. Mà bên ngòai thì lãi thật cao. Nên thấy hoàn cảnh của nông dân bây giờ khổ lắm”.
Theo bài báo vừa nói thì các doanh nghiệp ngừng thu mua chờ giá hạ trong khi người trồng lúa quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đang nợ nần chồng chất nên đành phải bán lúa với giá rẻ.
Trung gian hưởng lợi
Quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu không có, đi qua mấy ông trung gian hết. Do đó nếu tình trạng này tiếp diễn thì nông dân VN tiếp tục nghèo.
GS Võ Tòng Xuân
Giữa lúc điệp khúc “được mùa rớt giá” tái diễn, TS Lê Văn Bảnh cảnh báo nông dân “coi chừng sập bẫy những doanh nghiệp cơ hội”.
Nhắc tới các doanh nghiệp thu mua lúa gạo, cách nay ít lâu, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp vùng ĐBSCL từng gắn bó với nông dân và cây lúa, có lưu ý rằng người trồng lúa trong nước nghèo triền miên vì sau khi vất vả làm ra hạt lúa, họ không biết bán cho ai và với giá bao nhiêu, khiến sau cùng rồi, “lợi nhuận không vào tay nông dân, mà lớp trung gian và giới đầu cơ... hưởng hết lợi”.
GS Võ Tòng Xuân giải thích: “Quan hệ người nông dân với nông dân rời rạc, quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu càng không có, đi qua mấy ông trung gian hết. Do đó nếu tình trạng này tiếp diễn thì nông dân VN tiếp tục nghèo”.
Như vậy là nông dân vì không có điều kiện đành phải chịu cảnh “tầng nấc trung gian” khi thương lái đi thu mua rồi về bán lại cho các công ty. Giá chênh lệch đó người nông dân không biết, mà họ chỉ biết là sau vụ thu hoạch vẫn lâm cảnh thiếu trước, hụt sau. Tình trạng giới trung gian và đầu cơ ép giá lúa tiếp diễn giữa lúc nông dân tiếp tục gặp phải gánh nặng giá cả vật tư nông nghiệp vốn có khuynh hướng leo thang liên tục.
Một nông dân ở tỉnh Đồng Tháp than thở:
“ Nông dân làm nông nghiệp mà không có đồng vốn, mua chịu phân bón với giá cao. Thương lái mua lúa thì ép giá nông dân. Nên hiện nông dân chỉ sống gượng gạo thôi”.
Giữa lúc giá lúa sụt giảm, chi phí vật tư nông nghiệp leo thang, thì công cắt lúa cũng “tăng vùn vụt”. Nhiều nông dân rất lo giá công gặt lúa sẽ tiếp tục tăng cao từ giờ cho tới tháng Tư, khi vùng ĐBSCL vào cao điểm thu hoạch vụ Đông Xuân. Đó là chưa kể dịch bệnh ở cây lúa, như bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, dịch rầy nâu...vốn xuất hiện khá thường xuyên, khiến góp phần làm trầm trọng thêm tình cảnh khó khăn triền miên của giới cày sâu cuốc bẩm.
Theo dòng thời sự:
- Giải bài toán được mùa rớt giá
- Xuất khẩu gạo: Thực trạng và Giải pháp
- Xuầt khẩu gạo phải có điều kiện
- Cải tổ xuất khẩu gạo chưa chú ý nông dân
- Bao giờ người nông dân hết nghèo
- Để nông dân được đối xử công bằng