Bù lãi suất dài hạn nên đề phòng lạm phát

Gói kích cầu thứ nhất trị giá 17 ngàn tỷ đồng, được biết tới với chương trình hỗ trợ lãi suất 4% các khoản vay ngắn hạn, áp dụng từ ngày 1/2/2009.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2009.04.11
phu-my-hung-town-305.jpg Kinh nghiệm cho thấy, sự ấm lên của thị trường tài sản thường kéo liền sau đó sức ép tăng mức giá chung, thuật ngữ kinh tế gọi là lạm phát.
AFP Photo/Hoang Dinh Nam

Đầu tháng Tư, 2 tháng sau khi các ngân hàng thương mại đã thực tế cho khách hàng vay 200 ngàn tỷ đồng theo chương trình bù lãi suất 4%, chính phủ quyết định kéo dài việc hỗ trợ lãi suất 4% cho các dự án trung hạn và dài hạn, cụ thể việc bù lãi suất thực hiện từ 1/4/2009 đến hết ngày 31/12/2011. Một số báo chí trong đó có VN Express mô tả đây là gói kích thích kinh tế thứ hai của chính phủ VN.

Gói kích cầu thứ 2

Ngày 7/4 ông Lê Đức Thúy Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước loan báo 9 nhóm ngành kinh tế, trong đó đứng đầu là nông lâm thủy sản thuộc diện được bù lãi suất 4% cho các dự án trung và dài hạn. Ông Thúy phát biểu trên VnExpress rằng, gói kích cầu thứ nhất mới giới hạn ở các đối tượng vay vốn lưu động trong ngắn hạn để sản xuất kinh doanh, còn gói thứ hai tập trung nhiều hơn cho tổ chức cá nhân thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất kinh doanh, kết cấu hạ tầng, thời gian hỗ trợ lãi suất dài hơn, trong vòng 2 năm. Ông Lê Đức Thúy nhấn mạnh rằng, kích thích nền kinh tế, nếu không kích cầu đầu tư sẽ khó có thể đạt hiệu quả như mong muốn.

Khác biệt với ý kiến của Thống đốc Lê Đức Thúy, TS Trần Đình Thiên quyền Viện trưởng Viện Kinh Tế VN cho rằng, chưa thể khẳng định việc VN đã rơi tới đáy suy thoái kinh tế hay chưa.

Đánh giá gói kích cầu thứ nhất, thống đốc Lê Đức Thúy cho rằng xem xét tình hình kinh tế quí 1 thì thấy rằng các biện pháp đã phát huy tác dụng, kết quả có thể phản ánh rõ nét hơn trong quí 2.

Theo quan điểm của Ông Lê Đức Thúy VN không lâm vào khủng hoảng, mà chỉ là suy giảm kinh tế. Và có thể nói quí 1 đã là điểm đáy, sau đó sẽ có chuyển động chút ít.

Khác biệt với ý kiến của Thống đốc Lê Đức Thúy, TS Trần Đình Thiên quyền Viện trưởng Viện Kinh Tế VN cho rằng, chưa thể khẳng định việc VN đã rơi tới đáy suy thoái kinh tế hay chưa.

TS Thiên đưa ra nhận định của mình tại cuộc hội thảo ở Hải Dương ngày 9/4. Cuộc hội thảo mang tên ‘Tác động của suy thoái và chính sách ứng phó của VN’, do Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội và Viện Khoa Học Xã Hội VN đồng tổ chức. Báo Tuổi Trẻ Online đưa tin này trích lời TS Thiên, theo đó ông đề nghị Quốc Hội nên đặt ra việc khắc phục những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế VN, để chuẩn bị cho giai đoạn sau khủng hoảng. Vẫn theo Tuổi trẻ Online, TS Thiên cho rằng, đầu ra là vấn đề then chốt, tại sao doanh nghiệp không vay vốn một phần vì họ không có đầu ra. Vì vậy, TS Thiên cho rằng cần tập trung hơn cho vấn đề giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp, thì mới thúc đẩy được sản xuất.

Lạm dụng

Liên quan tới việc đánh giá gói kích cầu thứ nhất, qua biện pháp bù lãi suất 4% cho các khoản vay ngắn hạn, một chuyên gia ngoài chính phủ là TS Nguyễn Quang A Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ở Hà Nội, từng bày tỏ sự quan ngại về việc đảo nợ, làm cho mục đích của kế hoạch kích cầu bù lãi suất không mang lại hiệu quả. Trong dịp trả lời đài ACTD, TS Nguyễn Quang A phân tích:

“Nếu người ta vay ưu đãi để trả nợ khoản đó thì bất hợp pháp, nhưng các doanh nghiệp họ lanh lợi lắm. Họ vay để trả, họ kiếm ở đâu đó để họ trả trước một khoản vay có lãi suất cao, đấy là một việc làm hợp pháp không ai từ chối được. Sau đó họ lại vay một khoản mới được hưởng lãi suất ưu đãi, điều này cũng hợp pháp không ai trách cứ họ được. Thực sự trong mỗi một chính sách đưa ra thì bao giờ cũng có hậu quả hoặc kết quả mà người hoạch định chính sách không lường trước được.”

Hiệu quả?

Chuyên gia TS Nguyễn Đức Thành có cách nhìn khác về kích cầu bù lãi suất, những phân tích của ông trên Saigon Tiếp Thị Online có thể tóm tắt rằng, kéo dài trợ cấp tín dụng thì cần tăng giám sát và cẩn trọng với lạm phát. Đây cũng là tựa bài báo của Saigon Tiếp Thị Online ngày 8/4/2009, TS Thành cho rằng chính sách hỗ trợ lãi suất tiến hành thử nghiệm từ đầu tháng 2 nay được kéo dài đến hết năm 2011. Điều này cho thấy quyết tâm của chính phủ sử dụng chính sách này như một công cụ cơ bản chống suy thoái kinh tế.

Ảnh hưởng của dòng tín dụng tạo ra từ chính sách kéo dài trợ cấp mới là điều đáng quan tâm. Việc hỗ trợ lãi suất có thể khiến việc sử dụng vốn bị thiên lệch, đặc biệt khi công tác thực thi không đạt được như trong kế hoạch ban đầu.

TS Nguyễn Đức Thành

Theo TS Nguyễn Đức Thành, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng công cụ này không có tiền lệ, cũng như chưa thấy ở các nước khác áp dụng, nên họ hoài nghi khả năng thành công của nó. Tuy nhiên, TS Thành đưa ra quan điểm của mình, ông cho rằng về nguyên lý đây là một công cụ can thiệp hiệu quả, nếu mục tiêu của nó là kích thích đầu tư. Về bản chất đây là việc sử dụng chính sách tài khóa để làm đòn bẩy cho chính sách tiền tệ. Một mặt để đạt được hiệu quả tăng tổng đầu tư của nền kinh tế, chính phủ không phải huy động một nguồn tài chính quá lớn. Mặt khác theo TS Thành, việc hỗ trợ lãi suất giúp chính phủ không phải hạ mặt bằng lãi suất chung, mà vẫn giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay rẻ, trong khi đó người gởi tiền vẫn được hưởng lãi suất tiền gởi cao, đủ để tiền không rời bỏ hệ thống ngân hàng, điều mà TS Thành cho là tránh được tình trạng bẫy thanh khoản.

Trong bài viết trên Saigon Tiếp Thị Online, căn cứ vào tổng đầu tư nội địa 2008 và tỷ lệ tăng hàng năm, TS Nguyễn Đức Thành ước lượng trong ba năm từ 2009 tới 2011, khu vực nội địa có thể có tổng nhu cầu đầu tư khoảng 2.200 ngàn tỷ đồng. Giả dụ 50% số vốn này được hỗ trợ lãi suất, thì tổng số tiền dành cho hỗ trợ là khoảng 44 ngàn tỷ đồng. Trong ba năm đây không phải là một con số lớn. Nhưng TS Thành cho rằng, ảnh hưởng của dòng tín dụng tạo ra từ chính sách kéo dài trợ cấp mới là điều đáng quan tâm. Việc hỗ trợ lãi suất có thể khiến việc sử dụng vốn bị thiên lệch, đặc biệt khi công tác thực thi không đạt được như trong kế hoạch ban đầu.

Nguy cơ lạm phát

TS Nguyễn Đức Thành cho thấy sự cảnh giác về nguy cơ lạm phát trở lại ngay khi nền kinh tế phục hồi. Bên cạnh những tác dụng kích thích nền kinh tế, có khả năng vốn được trợ cấp lãi suất có thể chảy vào bất động sản, hoặc những khu vực không mong muốn. Điều này sẽ gây ra những ảnh hưởng khó kiểm soát vì thiếu thông tin. Ngoài ra, tín dụng hỗ trợ sẽ khiến các ngân hàng bớt chịu sức ép, do đó có thể tăng cường mở rộng các khoản tín dụng không ưu đãi chẳng hạn như tín dụng tiêu dùng. Điều này có thể kích hoạt một chu kỳ nóng lên của thị trường tài sản như thường thấy. TS Thành dẫn chứng hiện tượng thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh trở lại, thị trường nhà đất ấm dần lên cũng như nhu cầu mua sắm xe hơi bắt đầu tăng trở lại, cho thấy có thể đang có một dòng vốn đang chảy mạnh vào thị trường tài sản.

Kinh nghiệm cho thấy, sự ấm lên của thị trường tài sản thường kéo liền sau đó sức ép tăng mức giá chung, thuật ngữ kinh tế gọi là lạm phát.

TS Nguyễn Đức Thành

TS Nguyễn Đức Thành, trong bài viết trên Saigon Tiếp thị Online nhận định rằng, kinh nghiệm cho thấy, sự ấm lên của thị trường tài sản thường kéo liền sau đó sức ép tăng mức giá chung, thuật ngữ kinh tế gọi là lạm phát. TS Thành nhấn mạnh, cần lưu ý tới thời điểm, nếu giai đoạn vừa nói trùng với khi kinh tế thế giới và trong nước phục hồi, những yếu tố hỗ trợ sự giảm giá hiện nay sẽ mất đi, khuynh hướng tăng giá có thể trở lại rất nhanh. Nếu các chính sách vĩ mô không theo sát chuyển biến này, mà vẫn theo đuổi các chính sách dễ dãi với lạm phát như hiện nay, thì bất ổn vĩ mô sẽ xuất hiện ngay khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Đây sẽ là điều bất lợi cho toàn bộ nền kinh tế nói chung, giới doanh nghiệp nói riêng.

TS Nguyễn Đức Thành đề nghị nâng cao năng lực giám sát và đánh giá chính sách. Ví dụ như tăng cường độ minh bạch của các chính sách chống suy thoái. Điển hình là công khai qui mô và đối tượng tiếp nhận các khoản vay hỗ trợ 4%. Vẫn theo Saigon Tiếp Thị Online và TS Nguyễn Đức Thành, có thể tin rằng các hiệp hội doanh nghiệp và nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông sẽ sẵn lòng hợp tác và hỗ trợ chính phủ VN thực hiện việc giám sát này.

Đọc báo trong nước trên mạng đến đây là kết thúc Nam Nguyên thân chào quí vị và các bạn nghe đài.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.