Giá tăng trước lạm phát theo sau
2010.01.16
Các kênh thông tin chính thức của Việt Nam ghi nhận như vậy. Người dân sẽ phải tiêu xài nhiều hơn, trong khi thu nhập tăng không tương xứng.
Mới giữa tháng 1 dương lịch mà giá cả đã leo thang trong bối cảnh dự báo lạm phát 2010 có thể ở mức hai con số. Đây là đề tài chúng tôi đọc báo điện tử tuần này.
Các chuyên viên thị trường
phân tích giá nhiều mặt hàng đã tăng khá sớm, thay vì tăng từ 20 tháng chạp âm
lịch như thông thường.
Sự kiện này cho thấy giá hàng Tết sẽ khó kềm giữ đặc biệt là thực phẩm, nhất là Bộ Công Thương đánh giá nguồn cung hạn chế, giá nguyên liệu đầu vào của một số loại hàng đang tăng cao.
Bài toán bình ổn giá hàng Tết
Thực phẩm kể cả các loại thịt tươi sống hoặc chế biến nằm trong danh mục tối cần thiết trong mùa Tết. Ông Hoàng Kim Giao, Cục Trưởng Cục Chăn Nuôi cho rằng các nỗ lực kềm giá của chính quyền sẽ có tác dụng:
Quan ngại Tết sẽ có những đột biến mới về giá cả thực phẩm, chính quyền các thành phố lớn đã trích tiền mua dự trữ để khống chế việc các nhà đầu cơ làm tăng giá lên.
Ô. Hoàng Kim Giao
“Quan ngại Tết sẽ có những đột biến mới về giá cả thực phẩm, chính quyền các thành phố lớn đã trích tiền mua dự trữ để khống chế việc các nhà đầu cơ làm tăng giá lên.”
Theo báo chí ghi nhận, rất
nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường có dấu hiệu tăng giá khá mạnh. Thịt
heo, thịt bò thịt gà tăng mỗi kg từ 5 tới 10 ngàn đồng.
Về thực phẩm chế biến công ty Vissan tăng giá 13 mặt hàng thịt nguội, 7 mặt hàng giò chả và 13 mặt hàng thực phẩm đóng hộp.
Theo Tiền Phong Online, kể
từ ngày 15/1 doanh nghiệp ở TPHCM phải chốt giá tám nhóm hàng thiết yếu được
bình ổn giá trong dịp Tết Canh Dần 2010. Các doanh nghiệp phải đăng ký giá bán
với các sở ngành chức năng. Danh mục các mặt hàng thiết yếu gồm gạo tẻ, nếp, đường
cát, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến từ
thịt và một nhóm hàng mới là rau củ và trái cây.
Có 13 doanh nghiệp ở TP.HCM được vay vốn lãi suất ưu đãi tham gia chương trình bình ổn giá hàng Tết. Ông Phạm Văn Minh, giám đốc công ty Phú An Sinh, đơn vị tham gia chương trình với các mặt hàng thịt gà và trứng cho biết giá cả bình ổn theo các điều kiện như thế nào:
“Trên cam kết chúng tôi
giảm giá 10% so với giá thị trường hoặc là chúng tôi không tăng giá để giá thị
trường không tăng. Dẫn tới bình ổn giá thì có hai điều, nếu thả nổi giá theo
giá thị trường, thời điểm trước và sau Tết 1 tháng các đơn vị nhận nguồn tiền hỗ
trợ từ ủy ban nhân dân thành phố phải bán thấp hơn giá thị trường 10%, đó là vế
thứ nhất.
Vế thứ hai là các doanh nghiệp chủ động không tăng giá như vậy kéo
theo mặt bằng chung không tăng giá, đây cũng là một phương án bình ổn. Có thể
thấy rõ nếu giá cả đột biến, các đơn vị sẽ giảm 10% so với giá thị trường để
kéo giá ngược trở lại.
Trường hợp thứ hai không xảy ra tăng giá đột biến, muốn như vậy thì các doanh nghiệp phải bình ổn giá luôn, cho dù giá có nhích lên hoặc có điều chỉnh nhẹ, thì các doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ giá, như vậy tới Tết sẽ không xảy ra đột biến tăng giá, không gây ra lạm phát, nhất là trên các mặt hàng thực phẩm là những thứ tiêu thụ mạnh trong ngày Tết.”
Trên cam kết chúng tôi giảm giá 10% so với giá thị trường hoặc là chúng tôi không tăng giá để giá thị trường không tăng.
Ông Phạm Văn Minh, GĐ Cty Phú An Sinh
Trong tháng chuẩn bị thực
phẩm Tết hai mặt hàng tăng giá đáng chú ý là đường và dầu ăn. Dầu ăn tăng giá
20% so với cuối năm ngoái còn đường tăng đến mức chóng mặt.
Đường là nguyên liệu
cần thiết trong chế biến thực phẩm đặc biệt là bánh kẹo mứt sử dụng nhiều trong
dịp lễ Tết. Giá đường trắng tại siêu thị leo thang yết giá 22 ngàn đồng/kg. Mặt
hàng đường đang bị làm giá với sự tham gia từ nhà sản xuất cho đến nhà phân phối.
Theo Tiền Phong Online, Bộ NN-PTNT đã phải triệu tập cuộc họp với Hiệp Hội Mía
Đường vào ngày 14/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần tuyên bố: “không thể
chấp nhận nghịch lý đường trong nước sản xuất lại có giá cao hơn mức giá nhập
khẩu.”
Giá bán buôn của các nhà máy đường từ 15 tới 16 ngàn đồng/kg trong khi
giá đường ngoại nhập vào thời điểm giá cao nhất mới đạt 15 ngàn đồng/kg.
Đại diện Bộ NN-PTNT xác định sản lượng đường đủ đáp ứng cung cầu thị trường cho tới Tết Nguyên Đán, rõ ràng các nhà máy đường trong nước đang bắt tay nhau làm giá, hoặc có yếu tố đầu cơ đẩy giá lên cao. Thứ Trưởng Diệp Kỉnh Tần ra tối hậu thư nếu giá đường trên thị trường không hạ nhiệt, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương sẽ cho nhập khẩu đường miễn thuế để ổn định giá cả.
Ưu tiên giảm lạm phát
Giá cả tiêu dùng thể hiện
tình trạng lạm phát, hiện nay còn trong tháng 1 dương lịch, qua 2 tuần đầu
tháng 2 là Tết Nguyên Đán. Vật giá thường tăng khá cao trong quí 1 hàng năm.
Năm nay chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế 6,5%, kềm lạm phát dưới 7%, nhưng một số đông chuyên gia có chung nhận định, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP dễ hơn mục tiêu hạn chế lạm phát.
TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế ở Hà Nội khi trả lời chúng tôi đã nhận định:
“Sang năm 2010, chính
phủ đã trình Quốc hội phương án tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%. Tuy vậy bên cạnh
sự hồi phục kinh tế, tăng trưởng cao hơn, cũng phải hết sức chú ý đến những mất
cân đối kinh tế vĩ mô đã bộc lộ ra trong suốt hai năm 2008-2009 và làm cho
chính phủ phải đối phó hết sức vất vả.
Đó là nhập siêu, là mất cân đối trong cán cân thanh toán quốc tế, đó là bội chi ngân sách lớn và hiệu quả của nền kinh tế chưa cao. Tôi nghĩ rằng đó là những vấn đề mà chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát rồi mới đặt ưu tiên đạt tăng trưởng cao. Nếu muốn tăng trưởng cao thì phải nhập nhiều trang thiết bị, vật tư và như vậy nhập siêu lại có thể tăng lên.”
Tôi nghĩ rằng đó là những vấn đề mà chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát rồi mới đặt ưu tiên đạt tăng trưởng cao.
TS Lê Đăng Doanh
Theo Thời Báo Kinh Tế Việt
Nam, báo cáo mới nhất của Ngân Hàng Hồng Kông Thượng Hải HSBC đưa ra dự báo Việt
Nam nằm trong nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực, với mức tăng trưởng
GDP 6,8% trong năm 2010.
Tuy nhiên HSBC dự báo tốc độ lạm phát của Việt Nam sẽ trở lại mức hai con số vào quí 2 năm nay, thậm chí là sớm hơn. Rủi ro lạm phát của Việt Nam là thâm hụt thương mại gia tăng trong bối cảnh tăng trưởng GDP không mạnh như trước đây đã và đang gây áp lực lên tỷ giá tiền Đồng (VND). HSBC cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng gần 40% của năm 2009 tạo thêm một nguồn rủi ro lạm phát cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong các bài báo trên mạng mà chúng tôi xem được, ngay cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề ra nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu. Tuy vậy, trong quá khứ chính phủ Việt Nam luôn chạy theo tăng trưởng kinh tế với các chỉ tiêu đặt ra, một sự kiện mà rất nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài chính phủ đều cho rằng cần phải thay đổi.