Các chuyên gia khuyến cáo cần tăng tốc xuất khẩu ngay khi còn có thể, có bao nhiêu gạo thì nhanh chóng xuất khẩu hết bấy nhiêu, phải tận dụng thời cơ.
Đây là những ý kiến được ghi nhận trong cuộc hội thảo mang tên ‘Triển vọng về thị trường lúa gạo’ được tổ chức hôm 21/7 tại Hà Nội. Các báo mạng như Vietnam Net, VnEconomy, Thời Báo Kinh Tế Saigon có bài về vấn đề vừa nói với những dự báo nhiều âu lo.
Vietnamnet trích lời ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn dự báo, diễn biến thị trường gạo 6 tháng cuối năm rất dễ lặp lại kịch bản năm 2008 với sự tăng giá nửa đầu năm, giảm giá nửa cuối năm do thừa cung và giá gạo xuất khẩu tụt dốc.
Nguy cơ tồn đọng lúa gạo
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long được chúng tôi hỏi chuyện tỏ ra quan ngại về khả năng lúa tồn đọng như năm ngoái:
"Nếu tình hình xuất khẩu như vậy thì cũng khó, trong nước làm sao ăn cho hết nổi, lúa lại sẽ gặp cảnh hạ giá nữa, nông dân lại khổ khốn đốn nữa."
Cho tới giữa tháng 7, các doanh nghiệp VN đã đăng ký xuất khẩu tổng cộng 5,4 triệu tấn gạo, thực tế đã giao hàng khoảng 3 triệu 860 ngàn tấn trị giá 1,6 tỉ USD.
Theo lời ông Diệu, diễn biến thị trường lúa gạo thế giới được mô tả là vẫn hết sức phức tạp. Theo đó, cán cân cung cầu gạo không quân bình, ước tính cả năm 2009 lượng cung gạo tăng 3,1% so với 2008 đạt 29,7 triệu tấn, tổng lượng các nước xuất khẩu cũng tăng gần 3% nhưng tổng lượng nhập khẩu tăng không đáng kể. Chuyên gia này tiên đóan là cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu sẽ rất khốc liệt vào những tháng cuối năm, khi cả Ấn Độ và Thái Lan, các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới sẽ tham gia thị trường sau nhiều tháng tạm ngừng, ngoài ra còn một ẩn số là Indonesia, quốc gia từng nhập khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm 2008, lại có thể xuất khẩu 2 tới 3 triệu tấn gạo trong những tháng sắp tới. Do vậy, theo lời ông Diệu sức ép tiêu thụ sẽ đè nặng lên gạo Việt Nam khi sản lượng vụ lúa hè thu đạt 8 triệu tấn. Vẫn theo Vietnamnet nếu trừ ra dự trữ tiêu dùng cho người và chăn nuôi, làm lúa giống, dự trữ an ninh lương thực, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu còn lại khoảng 2 triệu tấn gạo.
Nếu tình hình xuất khẩu như vậy thì cũng khó, trong nước làm sao ăn cho hết nổi, lúa lại sẽ gặp cảnh hạ giá nữa, nông dân lại khổ khốn đốn nữa.
Một nông dân vùng ĐBSCL
Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, sau vụ hè thu sẽ tới thu đông với sản lượng ước tính 2 triệu tấn lúa nữa. Chính phủ đã chỉ đạo Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam phải mua 2 triệu tấn gạo hàng hóa tương đương 4 triệu tấn lúa vụ hè thu với giá bảo đảm có lãi tối thiểu 30% cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Người trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long thật ra chưa hài lòng về chuyện bán lúa với giá có lời 30% so với giá thành, nay lại càng âu lo hơn về khả năng tái diễn một vụ hè thu 2008:
“Làm vậy thôi chứ tôi cũng không tin ông chính phủ lắm…để xem năm nay thế nào. Nông dân rầu lắm vì giá lúa đang xuống.”
Hệ thống kho trữ còn tạm bợ
Một trong các mấu chốt quan trọng, là đồng bằng sông Cửu Long chỉ có các kho chứa tạm bợ, không tồn trữ dài ngày được ngoại trừ vài silo kiểu mới của các tổng công ty lương thực. Ngoài ra khả năng tồn trữ cũng chỉ đạt hơn triệu tấn. Ông Nguyễn Hùng Linh, Tổng giám đốc công ty du lịch thương mại Kiên Giang, doanh nghiệp xuất khẩu gạo khá lớn đưa ra nhận định ít lạc quan về khả năng tồn trữ dài ngày:
“Hai ba triệu tấn thì sức chứa của VN không đạt, phải bán ra mới chứa được.”
Điểm quan trọng là phải có đầu ra xuất khẩu, thì gạo mới được thu mua, kho chứa quay vòng thì mới có thể thực hiện được. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long nhận định:
“Thu mua 2 triệu tấn gạo Nhà nước nói, đâu có phải mua trong nửa tháng, một tháng tiến độ mua có thể rải ra. Hiệp Hội Lúa Gạo và các Tổng Công Ty Lương Thực họ sẽ rải ra mua trong vài tháng. Đây cũng là một cách, nhưng nếu mua tồn trữ thì hay hơn.”
Những âu lo về vụ hè thu không chỉ là những dự báo ở tương lai. Tuổi trẻ Online ngày 21/7 đưa tin mưa kéo dài giá lúa gạo giảm. Tờ báo trích lời TS Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng cục trồng trọt phụ trách khu vực phía Nam cho biết, hiện nay nông dân đang thu hoạch rộ lúa hè thu chính vụ. Đến thời điểm ngày 21/7 khoảng 300 ngàn ha đã được thu hoạch trên tổng số 1,6 triệu ha. Tuy nhiên mưa kéo dài suốt mười ngày đã làm ảnh hưởng việc phơi sấy lúa đã cắt. Theo tin này giá lúa gạo đã giảm từ 100 tới 200 đồng/kg so với tuần trước. Lúa tròn IR50404 chỉ còn 3.800đ/kg, lúa hạt dài 4000đ tới 4050đ/kg. Gạo nguyên liệu loại thường giá 5.300đ/kg. Công cắt lúa bị ngã đổ vì mưa cũng gia tăng làm giá thành lúa hè thu cao hơn.
Hai ba triệu tấn thì sức chứa của VN không đạt, phải bán ra mới chứa được.
Ông Nguyễn Hùng Linh
Trở lại cuộc hội thảo Triển vọng thị trường lúa gạo ngày 21/7 ở Hà Nội. Theo Vietnamnet, chuyên gia Nguyễn Đình Bích thuộc Viện Nghiên Cứu Thương Mại cũng đồng ý kiến là ngay lúc này cơ hội xuất khẩu của Việt Nam còn đang tốt, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác xuất khẩu để bán hết lượng gạo. Theo lời ông Bích lượng tồn kho của Thái Lan có khả năng lên tới 8 triệu tấn khi kết thúc vụ mùa.
Ảnh hưởng của Thái Lan
Được biết, thị trường lúa gạo ở Thái Lan bị các yếu tố chính trị chi phối, các đảng cầm quyền đều muốn lấy lòng nông dân. Chính phủ Thái Lan có chính sách tạm ứng tiền cho nông dân ký gởi lúa gạo, chờ được giá mới chốt hợp đồng. Năm nay giá gạo thế giới giảm nhiều so với giá nông dân Thái Lan mong muốn, nên doanh nghiệp phải tạm ngừng xuất khẩu. Tuy nhiên Thái Lan thuận lợi ở chỗ có hệ thống kho trữ tối tân, công nghệ sau thu hoạch tốt, nên có thể tồn trữ hàng triệu tấn gạo trong thời gian dài, chờ được giá mới bán. Tuy vậy mới đây, chính phủ Thái Lan loan báo thay đổi cơ chế ký gởi lúa gạo bằng hình thức ấn định giá có lời và chuẩn bị mở cửa kho gạo dự trữ. Trong những tháng sắp tới, khi Thái Lan tung gạo ra bán với khối lượng lớn, giá gạo thế giới chắc chắn sẽ giảm nhiều, bất lợi cho Việt Nam. Dù trên thực tế gạo Thái Lan đắt giá và ở một phẩm cấp hơn hẳn Việt Nam. Trong gần 7 tháng qua Việt Nam đã ký được nhiều hợp đồng với giá phù hợp, một phần vì các đối thủ lớn án binh bất động.
Trong những năm vừa qua, tuy Việt Nam xếp thứ nhì về xuất khẩu gạo trên thế giới, nhưng khâu dự báo cung cấp thông tin thị trường chưa được chú trọng. Đây là lần đầu tiên, các chuyên gia của Bộ NN&PTNT thông qua tổ chức hội thảo, đưa ra dự báo triển vọng thị trường lúa gạo cho 5 tháng cuối năm 2009. Cảnh báo một vụ hè thu 2008 đang lộ diện, nếu Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam không có những quyết định kịp thời.