Bức thiết tái cấu trúc kinh tế

Tái cấu trúc nền kinh tế được các đại biểu quốc hội xem là ưu tiên cần khởi động ngay từ sang năm 2010, tuy nhiên dự thảo đề án của chính phủ lại dự kiến bắt đầu năm 2011.

0:00 / 0:00

Một phần của vấn đề tái cấu trúc kinh tế có liên quan tới tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước.

Câu chuyện Tập đoàn Vinashin

Vấn đề Vinashin Tập đoàn công nghiệp tàu thủy đang ngập trong nợ nần, để lộ ra chuyện nhiều doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi nhưng đã làm tiêu hao ngân sách quốc gia.

Chúng tôi xin trích phát biểu của TS Nguyễn Quang A, chuyên gia nghiên cứu độc lập với đài RFA: "Tôi cho rằng phải triệt để cải tổ lại khu vực kinh tế nhà nước. Không thể để cho một khu vực tiêu tốn nguồn lực quốc gia rất lớn nhưng lại tạo ra những hiệu quả thấp."

Câu chuyện Vinashin làm nóng nghị trường. Trong buổi thảo luận ở tổ hôm 22/10, đại biểu quốc hội đặt vấn đề Vinashin vay 750 triệu USD từ nguồn trái phiếu chính phủ phát hành ở nước ngoài, hoạt động ở tập đoàn vừa nói đang có vấn đề, nhiều dự án trì trệ. Đại biểu Vũ Quang Hải quan ngại về khả năng trả nợ của Vinashin.

Tuổi Trẻ Online ngày 13/10 cho biết Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN Vinashin đang nợ như chúa chổm, thậm chí nợ cả hải quan. Các công ty con bị tập đoàn mẹ nợ hàng trăm tỷ đồng, nhiều dự án quan trọng trễ tiến độ gây thiệt hại dây chuyền. Điển hình là hợp đồng chế tạo kho nổi chứa dầu FSO-5 cho Tổng Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Dầu Khí , Vinashin trễ hạn 15 tháng phải đến tháng 3/2010 mới hy vọng giao hàng, dự kiến đơn vị dầu khí đặt hàng bị thiệt hại hơn 50 triệu USD. Mỗi ngày đơn vị này mất 12.000 USD chi phí thuê tàu thay thế. Điểm đáng lưu ý là Vinashin trúng thầu do đơn giá 110 triệu USD thấp hơn nhà thầu nước ngoài 50 triệu USD, nhưng sau đó đã điều chỉnh vốn lên 169 triệu USD nghĩa là còn cao hơn nhà thầu nước ngoài.

Một thí dụ khác về tình trạng bế tắc của Vinashin, nhận đóng tàu chở dầu Dung Quất 01 với giá 56 triệu USD, đến nay chậm hợp đồng đến 19 tháng nhưng tàu vẫn chưa thể hạ thủy.

Vietnam Net ngày 21/10 có bài viết của chuyên gia tư vấn Phùng Hoàng Cơ mang tựa ‘Quản trị quốc gia nhìn từ điều hành của Vinashin’. Tác giả ví von là hình dung năng lực quản trị và điều hành của các lãnh đạo Vinashin hiện nay, như là khả năng bình thường của bé trai 10 tuổi ăn được 2 bát cơm nhưng được bố mẹ giao ăn 4 bát cơm. Tác giả cho rằng câu chuyện là minh chứng rõ ràng nhất cho trường hợp của Vinashin, chính phủ giao cho một khoản tiền lớn 750 triệu USD, các lãnh đạo nơi đây đã không biết phải làm gì với số tiền lớn như trên để phát triển năng lực cốt lõi của ngành công nghiệp đóng tàu, cho đúng với vị thế tiềm năng kỳ vọng của nhà nước. Thay vào đó họ đầu tư tràn lan sang các lĩnh vực khác như đầu tư sân golf, khách sạn, năm 2007 đầu tư cổ phiếu Bảo Việt 1.467 tỷ đồng tương đương 90 triệu USD, mua tàu du lịch Hoa Sen 1.300 tỷ đồng. Vinashin lỗ 700 tỷ khi chuyển giao cổ phiếu Bảo Việt lại cho SCIC vào ngày 7/7/2009 còn Tàu Hoa Sen hiện nằm ụ. Tác giả bài viết trên Vietnam Net nhận định rằng, đã có đủ bằng cớ về sự lãng phí của Tập đoàn Vinashin. Các khoản ngàn tỷ có thể giúp Hải Quân hiện đại hóa để ứng phó với những đe dọa trên biển đông, hoặc giúp đỡ ngư dân gặp khó khăn khi ra biển.

Tôi cho rằng phải triệt để cải tổ lại khu vực kinh tế nhà nước. Không thể để cho một khu vực tiêu tốn nguồn lực quốc gia rất lớn nhưng lại tạo ra những hiệu quả thấp.

TS Nguyễn Quang A

Bài viết trên Vietnam Net cảnh báo nhà nước về sự bổ nhiệm các cấp lãnh đạo bất tài điều hành các tập đoàn, tổng công ty mà thiếu giám sát. Việc ưu đãi giành cho họ quá nhiều tiền thuế của dân, các nguồn lực tài nguyên là một sự mạo hiểm rất lớn.

Cần tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước

Câu chuyện Vinashin chỉ là một thí dụ đơn lẻ về việc làm ăn của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước. Theo Báo Người Hà Nội điện tử, năm 2008 tổng số nợ của các doanh nghiệp nhà nước lên tới 181.000 tỷ đồng tương đương 10 tỷ USD.

Dự thảo đề án tái cơ cấu kinh tế, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương soạn thảo, đã đến tay đại biểu ngay trong ngày khai diễn kỳ họp 20/10. Theo SGTT bản điện tử ngày 19/10, bản dự thảo nêu rõ những mất cân đối trong thành phần kinh tế, trong cơ cấu vùng kinh tế, cơ cấu vốn đầu tư. Điển hình khu vực kinh tế nhà nước đóng góp 34% GDP, chiếm 1/3 tổng vốn xã hội nhưng chỉ sử dụng 9% số lượng lao động. Ngược lại khu vực ngoài nhà nước đóng góp 47% GDP, chỉ chiếm 32% tổng vốn đầu tư xã hội nhưng đã sử dụng tới 87% lao động xã hội. Trong đó kinh tế tư nhân trong nước đóng góp 10% GDP và sử dụng 7% số lao động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân nội địa có hiệu quả cao hơn hẳn: số doanh thu thuần tạo ra bởi một đồng vốn của doanh nghiệp tư nhân hơn gấp ba lần so với doanh nghiệp nhà nước và trên 2,9 lần so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Vốn đầu tư ngày càng bất hợp lý

Vẫn theo SGTT điện tử, bản dự thảo tái cơ cấu kinh tế cũng cho biết cơ cấu vốn đầu tư ngày càng bất hợp lý. Giai đoạn 2000-2008, có đến 72% tổng vốn đầu tư xã hội chỉ tập trung vào 20 ngành khai thác than, dầu khí, điện, bất động sản, khách sạn, giao thông đường bộ, quản lý nhà nước … Nhiều ngành quan trọng như như sản xuất lúa gạo, trồng và chế biến cao su, chè, cà phê, sản xuất phân bón, thuốc chữa bệnh, sản phẩm điện tử đồ gia dụng…đã không được quan tâm đúng mức.

Bỏ quên nông thôn

Xin thêm rằng khu vực nông nghiệp nông thôn đóng góp 20% GDP hàng năm nhưng hầu như bị bỏ quên. Xin trích nhận định của TS Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Viện Chính Sách Chiến Lược Phát Triển NN-NT với đài chúng tôi:

Mức tăng trưởng đời sống của nông dân cao, nhưng so với mức tăng trưởng của đời sống của người dân ở đô thị, thì hiện nay khoảng cách của thu nhập trung bình của cư dân nông thôn chỉ bằng một nửa của đô thị.

TS Đặng Kim Sơn

"Đầu tư công cho nông nghiệp là thấp, đầu tư của toàn xã hội cho nông nghiệp là thấp. Mức tăng trưởng đời sống của nông dân cao, nhưng so với mức tăng trưởng của đời sống của người dân ở đô thị, thì hiện nay khoảng cách của thu nhập trung bình của cư dân nông thôn chỉ bằng một nửa của đô thị."

Chuyển sang sử dụng công nghệ cao

Ngày 21/10 trên SGTT điện tử, TS Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu quản lý kinh tế trung ương, tổ trưởng tổ soạn thảo bản đề án nói rằng, tái cơ cấu kinh tế lần này là quá trình chuyển dịch từ sản xuất những sản phẩm dựa quá nhiều vào khai thác tài nguyên khoáng sản thâm dụng lao động rẻ… sang những ngành nghề chế biến sử dụng công nghệ cao, thâm dụng vốn lớn để đạt những giá trị tăng cao hơn, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo TS Cung, đó là sự dịch chuyển từng bước lên một nấc thang phát triển mới mà trong ngắn hạn không giải quyết được.

Vẫn theo SGTT điện tử, cựu bộ trưởng kế hoạch đầu tư Trần Xuân Giá nhận định rằng, Việt Nam quá chậm trong vấn đề tái cơ cấu kinh tế. Bây giờ nếu tăng cường đầu tư, mà đầu tư theo cơ chế cũ, thì càng đầu tư càng tạo khó khăn cho tương lai sau khủng hoảng tài chính. Tái cơ cấu nền kinh tế đã rất bức thiết.

Tờ báo trích ý kiến nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, việc tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam cần tập trung vào lĩnh vực đầu tư, nhất là đầu tư công vào hạ tầng cơ sở, tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng. Cũng trên SGTT, TS Nguyễn Quang A nhận định rằng, tổ soạn thảo đề án nên rà soát các luật chủ chốt liên quan tới kinh tế và kiến nghị những sửa đổi thỏa đáng. Tiếp theo, nhà nước với tư cách chủ sở hữu có thể tác động trực tiếp đến việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước mà quan trọng nhất là các tập đoàn. Đó có thể là thay đổi về cơ cấu sơ hữu, bán toàn bộ hay một phần doanh nghiệp nhà nước cho các chủ sở hữu khác, thay đổi tổ chức chiến lược, phương hướng hoạt động của chúng.