Tuy nhiên báo chí đã phản ánh nhiều ý kiến bất đồng của giới chuyên gia liên quan tới quyết định này. Đâu là góc khuất phía sau câu chuyện Việt Nam dừng xuất khẩu gạo. Đây là đề tài chúng tôi đọc báo trên mạng tuần này cùng quí thính giả.
Khi chính quyền nói tới vấn đề bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thì người dân cảm thấy họ đang được chăm lo chu đáo. Thế nhưng Việt Nam có thiếu gạo hay không mà phải hạn chế xuất khẩu, hay nói rõ hơn là dừng ký các hợp đồng mới kể từ 1 tháng 4 cho tới hết 30/6.
Để thu lợi
Tại sao không tranh thủ xuất khẩu gạo để thu lợi, nhất là khi gạo phẩm cấp trung bình từ 300 đô la/tấn hồi đầu năm nay đã lên 700 đô la mấy ngày gần đây. Đó là loại gạo thường 25% tấm, tức tỷ lệ hạt vỡ 25% và bán theo điều kiện FOB, giao hàng lên tàu không bao cước tàu hoặc bảo hiểm.
Theo Vietnam Net, tại cuộc đấu thầu ở Manila ngày 17/4/2008, 4 doanh nghiệp thuộc Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam đã chào bán 102 ngàn tấn gạo 25% giá trung bình từ 1.190 đô la tới 1.220 đô la tấn, bán theo điều kiện C&F tức là bao gồm giá gạo và cước tàu biển giao hàng tại cảng bên Philippines. Số gạo này sẽ giao hàng trong thời gian từ tháng 5 tới tháng 6 sắp tới. Như vậy là doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục chào bán để ký các hợp đồng chính phủ.
Trước khi trích dẫn ý kiến chuyên gia được các báo đưa lên mạng, chúng tôi mời quí thính giả nghe tâm sự của một người làm lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long:
“Ông Nguyễn Tấn Dũng ngưng cho tới tháng 6 mới cho xuất khẩu, ngày trước mỗi ngày 50, 60 chiếc ghe vô mua bây giờ thì vắng hoe luôn, lâu lâu mới có một chiếc ghé vô mua. Tất cả vật giá đều lên làm cho người nông dân chúng tôi thiệt thòi. Nghe nói giá lúa lên sự thật phân bón lên cái gì cũng lên, tiền đóng học phí cho con cũng lên, thành thử vẫn như hồi xưa, tôi cũng đâu có được hưởng lợi gì đâu, thấy cũng vậy à.”
<i>Tất cả vật giá đều lên làm cho người nông dân chúng tôi thiệt thòi. Nghe nói giá lúa lên sự thật phân bón lên cái gì cũng lên, tiền đóng học phí cho con cũng lên, thành thử vẫn như hồi xưa, tôi cũng đâu có được hưởng lợi gì đâu, thấy cũng vậy à.</i>
Ngày 24/4/2008 Mạng thông tin điện tử Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn đưa lên mạng bài phân tích của tác giả Mai Thanh Tú với tựa bài ‘Vì sao hạn chế xuất khẩu gạo?’ Bài viết này dẫn chứng các số liệu cụ thể để kết luận rằng Đồng Bằng Sông Cửu Long đang thừa gần 8 triệu tấn gạo và thông tin ngừng xuất khẩu gạo làm cho giá lúa nói chung bị sụt giảm 5%. Bài viết trích các số liệu về diện tích trồng lúa, mức tăng dân số, mức tiêu thụ lúa cho người và cho nhu cầu chăn nuôi.
Tác giả bài viết kết luận rằng việc hạn chế xuất khẩu với lý do an tòan lương thực là không thuyết phục. Theo đó lệnh tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu mới, ngay lập tức có tác dụng kềm giá lúa, chống lạm phát. Nhưng tác giả Mai Thanh Tú cho rằng nhóm được hưởng lợi nhiều chính là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Những doanh nghiệp này không có dự trữ mà mua đến đâu xuất khẩu đến đó theo những hợp đồng gọi là lỡ ký giá thấp hồi đầu năm. Nên việc tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu mới làm giá lúa trong nước hạ nhiệt, giúp họ giảm lỗ.
Ai được hưởng lợi
Trả lời chúng tôi về vấn đề ai được hưởng lợi do do giá gạo tăng cao, TS Lê Văn Bảnh Viện Trưởng Viện Lúa vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nhận định:
Giá vật tư xăng dầu phân bón các khoản khác đều tăng. Nông dân nói là nước lên thuyền lên, lúc trước bán lúa 3 ngàn/kg thì chi phí khoảng 1.800đ/kg, bây giờ bán lúa 5 ngàn thì chi phí khoảng 2.200 tới 2.500đ/kg thí dụ vậy. Ứơc tính chi phí khoảng phân nửa. Bây giờ bán lúa cao hơn nhưng chi phí đầu vào cũng cao hơn. Giá gạo xuất khẩu 500 đô, 700 đô doanh nghiệp được lợi, ngừơi khác được lợi chứ người nông dân chỉ được một khoản nhỏ trong đó.

Những góc khuất đàng sau quyết định dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo dần hé lộ qua các thông tin trên báo chí. Theo đó mục đích chính hạn chế xuất khẩu gạo có thể để kềm vật giá leo thang, chống lạm phát. Ngoài ra còn để cứu những công ty quốc doanh đã ký 3 lô hàng xuất khẩu sang Philippines với giá hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay. Những lô hàng này được báo chí cho rằng bị lỗ khoảng 1 triệu đô la, vì tới khi giao hàng doanh nghiệp phải mua lúa với giá cao hơn. Thí dụ khi ký giá lúa trong nước 2.800đ/kg khi mua để giao hàng giá lúa đã lên 3.500đ sau đó lên 4.000 đ/kg. Hiện nay giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long khoảng 5.000đ, lúa tốt giá cao hơn.
Ngày 22/4 Vietnam Net đưa lên mạng bài phỏng vấn Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ông Võ Tòng Xuân là chuyên gia nghiên cứu lúa gạo nổi tiếng Đông Nam Á, ông gắn bó với Đồng Bằng Sông Cửu Long từ trước 1975. Theo bài phỏng vấn được đưa lên mạng, giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định rằng sẽ thiệt thòi nếu không xuất khẩu gạo lúc này. Theo lời ông, khi các nước vào vụ thu họach mới, giá có thể không còn ở mức như hiện nay và Việt Nam nên ký hợp đồng xuất khẩu nếu được giá.
An ninh lương thực
Đối vấn đề an ninh lương thực Giáo Sư Võ Tòng Xuân cho rằng an ninh lương thực không đáng lo, Việt Nam luôn luôn dư gạo để xuất khẩu. Trả lời đài ACTD cùng về vấn đề này, Giáo Sư Võ Tòng Xuân nhận định:
“Chỉ trong hai tháng rưỡi là mình có vụ lúa mới. Không như các nước khác, Việt Nam sử dụng giống lúa ngắn ngày chỉ từ 75 tới 90 ngày là có thể gặt. Thành ra cái kho của mình không cần lớn lắm, mỗi người nông dân đều có giữ lúa hết, gạo trữ tại nhà nông dân, tại các khu đô thị dứt khóat dư sức cung cấp trong ba tháng. Thái Lan một năm mới gặt 1 lần lọai lúa ngon cơm, còn gạo không con cơm bốn tháng họ mới gặt một lần còn mình chỉ 75 tới 90 ngày thôi. Thành ra tôi không sợ về vấn đề lương thực không an tòan.”
<i>Thái Lan một năm mới gặt 1 lần lọai lúa ngon cơm, còn gạo không con cơm bốn tháng họ mới gặt một lần còn mình chỉ 75 tới 90 ngày thôi. Thành ra tôi không sợ về vấn đề lương thực không an tòan.</i>
Qua bài phỏng vấn trên Vietnam Net, Giáo Sư Võ Tòng Xuân đã rọi sáng một phần góc khuất đàng sau quyết định
dừng xuất khẩu gạo. Trả lời câu hỏi của Vietnam Net, Giáo Sư Võ Tòng Xuân nói rằng, đầu năm nay có những nhà xuất khẩu đã thầu bán 300.000 tấn gạo với giá chỉ từ 320 tới 340 đô la /tấn. Giáo sư đặt nghi vấn là có thể doanh nghiệp Việt Nam biết sẽ không mua được gạo với giá đó để xuất, nhưng họ vẫn ký.
Theo lời Giáo Sư Võ Tòng Xuân thì không lọai trừ trong quan hệ giữa bên bán và bên mua của Philippines hay Indonesia có vấn đề gì đó không rõ ràng. Đến khi không mua được lúa của nông dân với giá thấp, doanh nghiệp phải tìm cách để cắt giảm lỗ. Một cách đơn giản là vận động ngừng xuất khẩu để giá lúa của nông dân bị hạ xuống.
Cách thứ hai là đòi hỏi các công ty xay xát và đánh bóng gạo phải ký hợp đồng lại để chia sẻ lỗ với nhà xuất khẩu. Cách thứ ba là yêu cầu các công ty lương thực cấp tỉnh phải cùng chia lỗ. Cuối cùng thì nông dân có thể lỗ, nhưng nhà xuất khẩu không chiụ lỗ. Giáo Sư Võ Tòng Xuân đã kết luận như vừa nói.