Tuần qua, tất cả các báo điện tử ở Việt Nam đều đưa tin thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 9/6 đã ký nghị định sửa đổi bổ sung về danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá cũng như một vài vấn đề khác liên quan tới việc thi hành pháp lệnh giá.
Danh mục hàng hóa thuộc diện bình ổn giá mới sửa đổi bao gồm: xăng dầu, xi măng, thép xây dựng, khí hóa lỏng tức các loại gas kể cả gas nấu bếp, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong đó có một số loại vắc xin ngừa bệnh cho gia súc gia cầm và nhiều loại kháng sinh. Ngoài ra còn có muối sữa, đường ăn, thóc, gạo, thuốc phòng chữa bệnh cho người theo danh mục Bộ Y Tế qui định, cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế bình dân và một số thức ăn chăn nuôi gia súc như ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương.
Như vậy so với danh mục cuối năm 2003, thì nay có thêm mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Ngoài ra một số các mặt hàng khác đưa đưa ra khỏi danh sách bình ổn giá là cà phê, bông sơ, bông hạt.
Lý thuyết và thực tế
Ông Phan Văn Danh Chủ Tịch Hiệp Hội Nghề Nuôi và Chế Biến Thủy Sản vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, tỏ ra phấn khởi về việc thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi được đưa vào danh mục các mặt hàng bình ổn giá. Ông phân tích:
“Giá thức ăn thuốc thú y thủy sản tất cả những yếu tố đó và nhiều yếu tố khác cấu thành giá cá nuôi là khá cao. Muốn hạ xuống dữ lắm nhưng đâu có thể nào hạ được. Những sản phẩm chế biến thức ăn chăn nuôi 60%, 70% là phải nhập từ ngoài mà thuế suất nhập khẩu bây giờ là 0%”
<i>Giá thức ăn thuốc thú y thủy sản tất cả những yếu tố đó và nhiều yếu tố khác cấu thành giá cá nuôi là khá cao. Muốn hạ xuống dữ lắm nhưng đâu có thể nào hạ được. Những sản phẩm chế biến thức ăn chăn nuôi 60%, 70% là phải nhập từ ngoài mà thuế suất nhập khẩu bây giờ là 0%.</i>
Ông Phan Văn Danh
Trong khi đó ông Lê Bá Lịch nói rằng, mới chỉ được biết thông tin qua báo chí. Ngô, đậu tương, khô bánh dầu được chính phủ bổ túc vào danh mục các mặt hàng bình ổn giá, nhưng làm thế nào để có mức giá thức ăn chăn nuôi hợp lý là vấn đề không dễ vì thuế nguyên liệu nhập khẩu hiện nay đã bằng 0%.
“Nghĩa là giảm giá thành sản xuất xuống, tham gia bình ổn là giữ giá trong mặt bằng giá chung vừa phải hợp lý. Cái đó thì cũng tốt, tôi nghĩ là chính phủ sẽ có một vài biện pháp như tạo điều kiện về vốn, tạo điều kiện thông thóang về vấn đề nhập khẩu, rồi tạo điều kiện phát triển nguyên liệu trong nước khuyến khích trồng ngô…có thể nó là như thế.”
Quyền can thiệp vào thị trường qua biện pháp bình ổn giá về mặt lý thuyết là để ngăn chặn không cho xảy ra hoặc khống chế các cơn sốt giá. Nhưng thực tế gạo đã lên cơn sốt giá chưa từng thấy hồi tháng Tư, rồi sốt xi măng trong tháng 5 kéo dài đến nay và phân bón sắt thép thì bị kềm giá khiến cho doanh nghiệp đua nhau xuất khẩu ngược ra nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng đó rất lớn. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội từng có nhận xét:
“Việc kìm giá không cho tăng giá bằng biện pháp hành chính có thể đã đóng góp một phần nhất định đối việc làm chậm lại tốc độ tăng giá hàng tiêu dùng ở Việt Nam. Song nó cũng dẫn đến một lọat các hiện tượng méo mó trong họat động thị trường”
Theo Pháp Lệnh Giá trên nguyên tắc khi thị trường hàng hóa thiết yếu hay dịch vụ quan trọng có biến động bất thường thì chính phủ có thể can thiệp qua các biện pháp như trợ giá bù lỗ, tăng hoặc giảm thuế xuất nhập khẩu, điều chỉnh cung cầu, mua vào bán ra hàng hóa dự trữ, kiểm sóat hàng tồn kho, qui định giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá và kiểm sóat các yếu tố hình thành giá. Nhưng trong các cơn sốt gạo, xi măng, phân bón, thép xây dựng không có thông tin rằng chính phủ đã sử dụng biện pháp nào để trấn áp cơn sốt giá.
Theo SGGP Online, trong phiên họp giao ban trực tuyến ngày 10/6, từ Hà Nội thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng chính quyền địa phương phải nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm về vụ sốt gạo, không thể đổ lỗi cho chính phủ. Ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng Việt Nam dư gạo vậy mà các địa phương để xảy ra sốt giá gạo, rõ ràng là do đầu cơ. Mặc dù người đứng đầu chính phủ Việt Nam xác định như vậy, nhưng cho đến nay cơ quan pháp luật chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào, về việc điều tra hay bắt giữ được những kẻ đầu cơ gạo hồi tháng Tư.
Ảnh hưởng trực tiếp đến người dân
Gạo thì tăng giá, lúa lại giảm giá, phân bón, phôi thép bị xuất khẩu ngược, chưa kể hàng trăm ngàn tấn thép doanh nghiệp nhập về nhưng nại cớ không vay được tiền ngân hàng để thanh tóan nên cho nằm ụ ở cảng chờ xin giấy phép tái xuất kiếm lời, gây ách tắc lưu thông kho vận.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Thép Việt Nam trụ sở ở Hà Nội trình bày những khó khăn của ngành:
"Tôi nghĩ việc can thiệp là bần cùng bất đắc dĩ thôi chứ không nên. Bởi vì đã theo cơ chế thị trường thì phải để thị trường điều tiết thì phù hợp hơn và bền hơn. Còn Nhà nước điều hành theo kiểu hành chính chỉ là tạm thời trước mắt, hoặc một thời điểm nào nhất định rồi sau vẫn phải để cho thị trường điều tiết."
<i>Tôi nghĩ việc can thiệp là bần cùng bất đắc dĩ thôi chứ không nên. Bởi vì đã theo cơ chế thị trường thì phải để thị trường điều tiết thì phù hợp hơn và bền hơn. Còn Nhà nước điều hành theo kiểu hành chính chỉ là tạm thời trước mắt, hoặc một thời điểm nào nhất định rồi sau vẫn phải để cho thị trường điều tiết.</i>
Ông Nguyễn Tiến Nghi
Vật giá là lãnh vực nhậy cảm, bạo lọan và khủng hỏang chính trị xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới vì vấn đề thiếu lương thực và giá cả gia tăng. Hôm 12/6 báo chí Bangkok đưa tin chính phủ Thái Lan cảnh báo một đợt biểu tình rộng lớn trên toàn quốc vì vấn đề vật giá, bên cạnh chiến dịch chính trị của liên minh nhân dân vì dân chủ PAD. Vật giá ở Thái Lan gia tăng khỏang từ 7 tới 8% thật ra chưa thấm gì với mức tăng vật giá 25% ở Việt Nam. Một người dân TP.HCM bày tỏ những khó khăn vì giá cả:
“Cái gì cũng lên khủng khiếp, nó cứ từ từ lên, người ta cố gắng chịu đựng. Gia đình ít người còn tương đối, chứ con đông thì thê thảm. Rau mua cũng chẳng đủ , rau muống bây giờ cũng là xa xỉ.”
Đối người tiêu dùng, khi nghe được các thông tin về việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu họ rất mừng, nhưng trên thực tế giá cả cứ leo thang hàng ngày và mâm cơm của mỗi gia đình ngày càng trở nên khiêm tốn.