Khởi tố LS Nguyễn Văn Đài: Thách thức gây sốc

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015.12.18
000_Hkg834327-622.jpg Ảnh chụp qua màn hình TV phiên xử Luật sư Nguyễn Văn Đài và Luật sư Lê Thị Công Nhân tại Tòa án Nhân dân Hà Nội hôm 27/11/2007.
AFP

Thất vọng từ nhiều phía

Vụ bắt giữ khởi tố luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài diễn ra trong thời điểm Đối thoại Nhân quyền Việt Nam – EU vòng thứ năm tổ chức ngày 15/12/2015 tại Hà Nội. Báo chí Việt Nam nhanh chóng đưa tin vụ bắt giữ khởi tố, nhưng bỏ qua các phản ứng được mô tả là đầy thất vọng từ nhiều phía.

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh, người được Tổ chức Nhà báo không biên giới vinh danh Công dân mạng Netizen 2013, từ Việt Nam phát biểu:

“Vụ bắt LS Nguyễn Văn Đài là một bất ngờ lớn đối với tôi cũng như nhiều người, vì tình hình Việt Nam từ khi có Hiệp định TPP thì có vẻ như là đang cởi mở hơn và có những bước tiến triển tương đối thuận lợi cho việc phát triển dân chủ và nhân quyền. Nhưng việc bắt LS Nguyễn Văn Đài làm cho mọi người thất vọng…Ngoài ra có dư luận cho rằng vì thời gian trước khi diễn ra Đại hội Đảng thì cũng có những răn đe từ phía nhà cầm quyền. Qua đó thấy rằng nhà cầm quyền không có những tiến triển tốt đẹp trong chuyện cởi mở với người dân.”

Vụ bắt LS Nguyễn Văn Đài là một bất ngờ lớn đối với tôi cũng như nhiều người, vì tình hình Việt Nam từ khi có Hiệp định TPP thì có vẻ như là đang cởi mở hơn và có những bước tiến triển tương đối thuận lợi cho việc phát triển dân chủ và nhân quyền. Nhưng việc bắt LS Nguyễn Văn Đài làm cho mọi người thất vọng…
-Blogger Huỳnh Ngọc Chênh

Qua sự kiện LS nhân quyền Nguyễn Văn Đài vừa bị bắt giữ và khởi tố, TS Hà Sĩ Phu, một nhân vật bất đồng chính kiến thuộc nhóm thân hữu Đà Lạt, bày tỏ sự không tin tưởng đối với vấn đề cải cách chính trị ở Việt Nam. Ông nói :

“Nói chung toàn cái Đảng này chưa có ý định dân chủ hóa, chưa có ý đồ tốt một tí gì, cho nên bên cạnh việc mở toang thì sẽ có việc họ thắt lại. Tình hình dân chủ càng ngày càng xấu đi chứ chưa có biểu hiện gì tốt lên. Nhưng tôi thấy hiện nay rất nhiều người đang lạc quan lắm, cả hải ngoại lẫn trong nước nhiều người bắt đầu có cái nhìn lạc quan. Phần tôi chẳng lạc quan gì cả… Cộng sản họ đầy mưu mô. Tóm lại trước Đại hội Đảng đáng lẽ phải tạo ra không khí hồ hởi, nó là cái ‘hội’ thế nhưng họ vẫn bắt bớ đàn áp. Họ cũng đồn rằng, những động tác đó có thể là phe nọ đánh, phá phe kia. Thí dụ không muốn cho quan hệ với Mỹ, không muốn cho TPP được tiến hành. Bởi thế họ làm những động tác phản dân chủ, phản tiến bộ để phá nhau.”

Phổ biến trên trang mạng chính thức của EU ngày 17/12/2015, Thông điệp của Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và các Đại sứ các quốc gia thành viên EU tại Việt Nam nhấn mạnh: “Quyết định bắt giữ và khởi tố ông Nguyễn Văn Đài đặc biệt gây thất vọng bởi vì nó diễn ra đúng ngày Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam thường niên được tổ chức tại Hà Nội và ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Bruxelles và tại đây Việt Nam và EU đã chính thức công bố kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do song phương…”

Ảnh chụp qua màn hình TV phiên xử Luật sư Nguyễn Văn Đài tại Tòa án Nhân dân Hà Nội hôm 27/11/2007. AFP PHOTO.
Ảnh chụp qua màn hình TV phiên xử Luật sư Nguyễn Văn Đài tại Tòa án Nhân dân Hà Nội hôm 27/11/2007. AFP PHOTO.

Bản thông điệp cũng lưu ý phía Việt Nam, quyền cơ bản của tất cả mọi người là được quyền có ý kiến và bày tỏ ý kiến một cách hòa bình theo Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt nam là một thành viên. Các Đại sứ nhắc lại những lời kêu gọi trước đây đối với Việt Nam trong việc trả tự do cho những người ủng hộ nhân quyền một cách hòa bình tại Việt Nam.

Nhận định về sự kiện liên quan, Blogger Huỳnh Ngọc Chênh, người được vinh danh Công dân mạng Netizen 2013 từ Việt Nam phát biểu:

“Đây là một hành động coi thường đối với những cam kết của Việt Nam đối với quốc tế. Việt Nam đã có những cam kết quốc tế về vấn đề nhân quyền, nhưng rồi vẫn tiếp tục bắt người nhất là qua điều 88 là tuyên truyền chống lại Nhà nước, điều này rất là phi lý. Cho nên đã dấy lên dư luận trong người dân phản đối mãnh liệt về chuyện bắt Luật sư Đài và các tổ chức quốc tế cũng lên tiếng phản ứng vấn đề này.”

Bắt bớ tùy tiện

Được biết Việt Nam biểu lộ quyết tâm hội nhập nhanh và sâu với thế giới, trong số 12 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, 2 Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam EVFTA có những điều kiện liên quan tới pháp luật bình đẳng và minh bạch. Việt Nam cũng cam kết cải tổ hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh của mình. Sự kiện Hà Nội bắt giữ và truy tố Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài được được ông Andrus Ansip, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu nêu ra tại phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu hôm 16/12/2015.

Nhận xét về thực tế pháp luật ở Việt Nam và những vụ bắt bớ người bất đồng chính kiến một cách tùy tiện, TS Hà Sĩ Phu nêu ý kiến:

Bản thân anh làm luật chẳng chân chính gì cả. Làm luật dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản nó chừa ra những chỗ để người ta nói thế nào, xử thế nào cũng được. Bản thân người thi hành thì chân lý tối cao của họ là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
-TS Hà Sĩ Phu

“Tôi còn nhớ trước đây Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cụ Phạm Văn Bạch có lần nói rằng, luật pháp nước ta xử thế nào cũng được. Bản thân anh làm luật chẳng chân chính gì cả. Làm luật dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản nó chừa ra những chỗ để người ta nói thế nào, xử thế nào cũng được. Bản thân người thi hành thì chân lý tối cao của họ là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, trong khi đó luật pháp là để bảo vệ quyền của người dân. Về cơ bản chủ nghĩa cộng sản mâu thuẫn với luật pháp, luật tức là vô luật. Người ta phân biệt hai thứ rule of law và rule by law…. luật này của một phiá chứ không phải luật của nhân dân, họ nghĩ ra luật để khống chế quyền của dân thôi. Chừng nào chưa phá vỡ được sự độc quyền cộng sản thì luật pháp cũng chẳng có gì đáng tin cậy cả.”

Theo tin các báo điện tử Tuổi Trẻ, Người lao Động, VietnamNet, VnExpress, đây là lần thứ nhì cựu Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt giam khởi tố về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước,’ qui định tại Điều 88 Bộ Luật hình sự. Được biết LS Nguyễn Văn Đài đã từng nhận án 4 năm tù giam cùng một tội danh như lần này. Các báo nhắc lại trong các phiên xử năm 2007, Tòa án đã làm rõ là hai cựu Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã tang trữ các tài liệu có nội dung xuyên tạc lịch sử dân tộc, bôi nhọ nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa…

Báo chí trong nước khi đưa tin về vụ bắt giữ khởi tố Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài đều có chung cách nêu tên trỏng, không thích hợp văn hóa Việt Nam. Trong làng báo, hiếm thấy như VnExpress gọi là cựu Luật sư Nguyễn Văn Đài hoặc ông Nguyễn Văn Đài. Điểm đáng chú ý không ngờ, ích lợi của Internet đã thể hiện khi độc giả của Tuổi Trẻ Online có những bình luận sâu sắc một cách đầy hàm ý.

Trong bài liên quan đến vụ bắt giam khởi tố LS Nguyễn Văn Đài, độc giả Trần Ngọc Khánh có bình luận được nhiều người tán thưởng. xin trích nguyên văn: “ Đề nghị nhà nước công khai nội dung xuyên tạc lịch sử dân tộc của Nguyễn Văn Đài. Xem thử như thế nào để nhân dân biết mà né tránh. Bán nước cầu vinh là tội không thể tha, còn tội bóp méo lịch sử, thay trắng đổi đen thì xử phạt gấp mười lần tội trên mới được. Vì nó ảnh hưởng hàng trăm thế hệ con cháu sau này.”

Comment của Trần Ngọc Khánh được rất nhiều người thích, nhiều chia sẻ tiếp theo của độc giả Tuổi Trẻ Online tạo ra một một tác dụng ngược chiều quan điểm của Tuyên giáo Đảng. Thí dụ bạn đọc Bùi Văn Thuận hồi đáp, đúng rồi tội bán nước vinh thân, rước giặc vào nhà, tươi cười hảo hữu với giặc nên xử thật nặng để răn đe con cháu sau này. Nhiều bình luận cũng đề nghị Nhà nước mở phiên tòa công khai cho người dân vào xem.

Ngôn ngữ Việt thật sâu sắc, ai đọc những comments chia sẻ của bạn đọc Tuổi Trẻ Online đều ngay lập tức hiểu những bình luận đó muốn nói gì và nói tới ai.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.