Tăng giá điện: bất ngờ và bất bình

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bất ngờ tăng giá điện vào ngày 20/12 và tạo ra một luồng dư luận bất lợi cho ngành điện cũng như Bộ Công thương và Chính phủ.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011.12.22
000_Hkg4636045-305.jpg Nhân viên công ty điện lực đang kiểm tra đồng hồ điện ở Hà Nội hôm 01/03/2011.
AFP PHOTO

Cú sốc trên đỉnh lạm phát

Chỉ cần xem các báo “giật tít” đặt tựa là đã đủ thấy sự bất bình của dư luận. VnExpress trích dẫn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa lên tựa ‘EVN không sòng phẳng khi bất ngờ tăng giá điện’ và trong bài khác ‘Dân choáng khi giá điện bất ngờ tăng’. Nhưng cái ‘tít’ gây nhiều chú ý nhất là của trang mạng Diễn đàn kinh tế Việt Nam ‘Tăng giá điện: Cú sốc trên đỉnh lạm phát 18%’.

Theo VnExpress, dù giá điện chỉ tăng 5% và tăng lũy tiến theo mức tiêu thụ, nhưng nhiều người dân bất ngờ và không vui khi giá điện được điều chỉnh vào thời điểm cuối năm, lúc nhu cầu tiêu dùng lên cao. Người dân lo ngại giá điện ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều chi phí khác như nhà trọ, ăn uống đi lại tiêu dùng.

Mặc dù phải 1 tháng nữa mới chi trả tiền điện theo giá mới, nhưng nội tướng của một gia đình có thu nhập nhất định ở TP.HCM đã biểu lộ sự kém vui:

Trong khi đó, những e ngại việc CPI sẽ tăng trở lại trong tháng một tới do tác động của Tết vẫn còn đó thì việc tăng giá điện rất có thể sẽ trở thành yếu tố châm ngòi.

Bà Phạm Chi Lan

“Lên giá thì cũng biết là nó lên thế thôi, gia đình tôi xài ít lắm không xài máy lạnh không bếp điện chỉ dùng quạt, mấy ngọn néon, thì khoảng hai trăm mấy chục ngàn một tháng thôi. Xài dè dặt như chúng tôi mà bây giờ mỗi tháng lên mấy chục ngàn nữa thì cũng chết dở…”

Về chi tiết tăng giá điện, 5 ngày trước Lễ Giáng Sinh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đột ngột công bố tăng giá điện thêm 5%. Giá điện trung bình là 1.304 đồng mỗi kilowatt giờ, dùng dưới 100 kWh sẽ không bị tăng giá. Đối với điện sinh hoạt gia đình từ kilowatt 101 tới 150 giá điện tăng từ 1304 đ lên 1.369 đ và lũy tiến theo các mức sử dụng với giá điện cao hơn,  mức sử dụng trên 400 kWh giá mỗi kWh sẽ là 2.060đ.  

Điện mới tăng giá nhưng ngay cả những nông dân đồng bằng sông Cửu Long cũng quan tâm tới chuyện tăng giá điện. Một người trồng lúa ở Cần Thơ phát biểu:

“Điện không phải chỉ dùng cho sinh họat gia đình thôi, ví dụ mấy cơ sở sấy lúa chạy bằng mô tơ điện không chạy bằng dầu vì chi phí cao. Đầu vào chi phí làm lúa ảnh hưởng giá thành, sấy lúa trước mắt điện lên giá nó sẽ lên tiền, tăng giá điện nó kéo theo hàng loạt mặt hàng. Hơn nữa nhà máy chế biến xay xát lau bóng gạo dành cho xuất khẩu hệ thống đó toàn bộ chạy bằng điện hết…sinh họat gia đình nấu cơm cũng bằng điện, quạt gió xài mô tơ bơm nước các cái trung bình cũng trên trăm kí điện chứ đâu có ít.”

Ở bình diện lớn hơn, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam thuộc báo mạng VietnamNet và Vietnam Report gọi việc tăng giá điện là ‘Cú sốc trên đỉnh lạm phát 18%. Tác giả Trần Thúy cho rằng: “Lạm phát cả năm 2011 dự báo khoảng 18% đây là một mức rất cao và khi tất cả đang lo lắng một cái tết eo hẹp trong đắt đỏ và một năm 2012 nhiều khó khăn thì tăng giá điện thực sự là một cú sốc. Điều này sẽ gây ra tác động kép khó khăn cho doanh nghiệp.”

Nhan-vien-cong-ty-dien-luc-305.jpg
Nhân viên công ty điện lực đang sửa chữa điện ở Hà Nội hôm 07/09/2011. RFA PHOTO.
Bài viết trích dẫn lời ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết giá điện tăng 5% tác động trực tiếp đến chỉ số giá (CPI) không lớn bởi điện chỉ chiếm 3% trong tổng CPI, còn tác động gián tiếp cần phải có tính toán cụ thể. Giá điện sẽ chui vào giá sản phẩm và sản phẩm sản xuất ra có tiêu thụ được trên thị trường hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Người viết cũng dẫn lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định rằng, giá điện tăng dù chỉ 1% cũng sẽ ảnh hưởng tới việc kiềm chế lạm phát và đời sống của người dân cũng như họat động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Giá điện tăng sẽ tác động dây chuyền khiến cho giá cả nhiều mặt hàng tăng.

Ảnh hưởng nặng sản xuất

Chúng tôi nêu câu hỏi với ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam đồng thời là Phó Chủ Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM về ảnh hưởng giá điện tới hai ngành xuất khẩu quan trọng của đất nước. Ông Diệp Thành Kiệt nhận định:

Chỉ dùng quạt và mấy ngọn néon, thì khoảng hai trăm mấy chục ngàn một tháng thôi. Xài dè dặt như chúng tôi mà bây giờ mỗi tháng lên mấy chục ngàn nữa thì cũng chết dở…

Người dân TPHCM

“Trong ngành dệt may và da giày thì mỗi lãnh vực có sự khác biệt, thí dụ trực tiếp ngành may thì lượng tiêu thụ điện không phải là lớn lắm, nhưng ngành dệt kéo sợi và đặc biệt ngành nhuộm là những ngành tiêu thụ năng lượng rất cao, do đó ba ngành này sẽ bị ảnh hưởng. Tương tự như vậy đối với ngành giày, những đơn vị nào chỉ may mũ giày gia công thì tiêu hao cũng không nhiều nhưng những đơn vị làm đế, lò hấp và xí nghiệp gò sử dụng nhiều năng lượng, họ sẽ bị ảnh hưởng nặng vì tăng giá điện.”

Đáp câu hỏi là với giá điện tăng doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tính toán giá thành mới với khách hàng, hay phải bớt lợi nhuận của mình để vẫn giữ đơn giá như trước. Ông Diệp Thành Kiệt phát biểu:

“Khách hàng không thể vì chuyện mình tăng giá điện mà tăng giá thành hàng cho mình đâu. Do đó doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận chịu đựng điều này, có nhiều cách như trước hết doanh nghiệp phải quản lý việc tiêu thụ điện cho tốt hơn, còn lại phải chấp nhận chi phí cao hơn so với trước.”

Về ngành thép, Vef.vn trích lời ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết giá điện chỉ ảnh hưởng 7% trong lĩnh vực luyện phôi và 1% trong các lĩnh vực sản xuất khác của ngành thép. Tuy nhiên ông Cường lo ngại là hiệu ứng tăng giá cộng hưởng từ phiá các nhà cung ứng nguyên vật liệu đầu vào sẽ gây trở ngại không nhỏ cho việc kiểm soát chi phí của doanh nghiệp.

000_Hkg4636044-250.jpg
Nhân viên công ty điện lực đang sửa chữa điện ở Hà Nội hôm 01/03/2011. AFP PHOTO.
Vef.vn đưa ra các lập luận tương tự của các giới chức hiệp hội phân bón và xi măng vì tính chung trong năm 2011 ngành điện đã tăng giá hai lần tổng cộng 20%. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đựa vào các phân tích cho thấy, giá điện tăng 5% sẽ chỉ tác động làm chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng trực tiếp về mặt lý thuyết ở mức thấp, song nếu tính tác động đến các vòng tiếp theo và cả các yếu tố tâm lý thì tỷ lệ tăng chung lên CPI sẽ cao hơn.

Tác giả bài viết nhận định, tăng giá điện trong dịp gần Tết nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, nhiều sản phẩm luôn tiềm ẩn khả năng tăng giá lớn, nay giá điện tăng sẽ là cơ hội để những người kinh doanh trục lợi đẩy giá lên kiếm lời và gây tác động tiêu cực tới thị trường. Ngoài ra nhiều người đặt câu hỏi tăng giá điện liệu có đúng là chỉ để trả nợ, bù đắp thua lỗ về sản xuất điện hay cho cả những lĩnh vực không liên quan tới điện mà EVN đầu tư bị thua lỗ như viễn thông, cũng như quản lý yếu kém dẫn tới thua lỗ.

CPI sẽ tăng trở lại

Trên VnExpress Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nói rằng, bà bất ngờ trước thông tin tăng giá điện vì trước đó có nhiều cam kết của cơ quan điều hành khẳng định việc điều chỉnh giá phải theo lộ trình và tránh gây sốc cho nền kinh tế.

Đối với việc EVN được tăng giá ở tỷ lệ 5% không cần chờ ý kiến phê duyệt của Thu tướng, bà Chi Lan nhấn mạnh rằng, một mặt hàng quan trọng như điện thì không nên trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp với bất cứ tỷ lệ % nào. Lần điều chỉnh này chỉ 5% nhưng rất có thể là khởi đầu cho những lần tăng khác trong năm 2012 hay không? Rồi nếu mỗi qúy  EVN tăng 5% thì cộng lại, mức tăng sẽ như thế nào?

Một trong những điểm đáng chú ý trong những phát biểu của bà Phạm Chi Lan trên VnExpress: “EVN thông báo tăng giá vào ngày 19/12, tức là sau thời điểm Tổng cục Thống kê lấy số liệu tính CPI tháng 12. Như vậy lạm phát của năm 2011 sẽ không bị ảnh hưởng nhưng chắc chắn sẽ để lại hệ quả trong giai đoạn đầu năm 2012. Trong khi đó, những e ngại việc CPI sẽ tăng trở lại trong tháng một tới do tác động của Tết vẫn còn đó thì việc tăng giá điện rất có thể sẽ trở thành yếu tố châm ngòi.”

Khách hàng không thể vì chuyện mình tăng giá điện mà tăng giá thành hàng cho mình đâu. Do đó doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận chịu đựng điều này.

Ô. Diệp Thành Kiệt

Có thể nói báo chí đã chê trách Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN không tiếc lời, Thời báo Kinh tế Việt Nam cùng ngày tăng giá điện 20/12 đã đưa bài ‘EVN kinh doanh chủ yếu nhờ vốn vay và vốn chiếm dụng” và trong một bài khác với tựa “Nợ của EVN đã lên tới 200.000 tỷ đồng”, theo đó báo cáo của Kiểm toán Nhà nước xác định số nợ khổng lồ này chiếm 80% tồng nguồn vốn của EVN, tổng số lỗ của EVN năm 2010 là trên 8.400 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm 18% (-), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản âm (-) 2,78%. EVN đã đầu tư ngoài ngành hàng ngàn tỷ đồng như bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng đặc biệt đã đầu tư 2.442 tỷ đồng tức góp 100% vốn vào Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực EVN Telecom, công ty này lỗ vốn 1.050 tỷ đồng trong năm 2010 và chuyển thành lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Chính những vấn đề này đã dẫn tới quyết định của Thủ tướng chính phủ kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân ở EVN có liên quan đến những vi phạm do thanh tra phát hiện.

Báo chí còn chỉ trích EVN về điều gọi là “thua lỗ và tăng giá” hoặc “sốc với lương ngành điện”, theo Thanh Niên Online: “Chưa hết sốc vì mức lương bình quân 7,3 triệu đồng/tháng mà Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực (EVN) công bố, dư luận càng sốc hơn khi kiểm toán Nhà nước khui ra lương bình quân thực của khối văn phòng công ty mẹ gần 30 triệu đồng/tháng trong khi tập đoàn này lỗ hàng ngàn tỷ đồng.

Một cán bộ nghỉ hưu hiện sống ở Cà Mau tỏ ra hết sức bất bình về mức lương bình quân quá cách biệt ở EVN so với mặt bằng lương của xã hội. Ông nói:

“Lương có bằng đại học hiện tại là 2,34 nhân cho 830đ/người một tháng là dưới 2 triệu đồng/tháng. Lương hành chánh cỡ đó là không còn khoản nào khác nữa, nếu là ngành nghề đặc thù như thanh tra thì được thêm 25%.”

Cũng là một điều đáng ngạc nhiên khi chính phủ công khai khá sớm những khoản nợ kinh khủng và sự lỗ lã của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, một tổ chức kinh tế đặc thù của Nhà nước. Thế nhưng giá điện lại vẫn cứ tăng để EVN thu thêm 6.000 tỷ đồng từ xã hội và đến hẹn lại lên sang năm 2012 ngành điện sẽ tiếp tục tăng giá nữa.

EVN bị lỗ vì một thời gian bán điện dưới giá thành theo lệnh chính phủ, nhưng người tiêu thụ còn còng lưng gánh thêm phần lỗ cho EVN về những khoản quản trị kém, đầu tư ngoài ngành cụt vốn vì lỗ.

Phải chăng người tiêu dùng Việt Nam đã nhận được những trái đắng từ Tập đoàn Điện lực Nhà nước thay cho quà Giáng Sinh và năm mới 2012.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.