Động đất đe dọa thủy điện Sông Tranh 2
2012.09.07
9 trận động đất trong vòng 72 giờ từ tối 3/9 đến 6/9 xảy ra tại huyện Bắc Trà My Quảng Nam nơi có công trình thủy điện Sông Tranh 2 làm người dân lo sợ vỡ đập.
Động đất và những khe nhiệt không bình thường trên thân đập
Những trận động đất ngày một nhiều với cường độ cao nhất đo được 4,2 độ Richter giữa bối cảnh đập thủy điện Sông Tranh 2 đã bị rò rỉ nước kéo dài và chỉ mới vừa dậm vá xong hồi gần đây. Công trình này do Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 5.200 tỷ đồng, công suất 190 MW được đưa vào hoạt động từ năm 2010. Thủy điện Sông Tranh 2 có hồ chứa nước dung tích 730 triệu m3 nằm trên độ cao 100 mét so với khu vực hạ lưu. Đáng chú Ý địa bàn Quảng Nam nằm trên đới đứt gãy Trà Bồng và Hưng Nhượng-Tà Vi có thể xảy ra động đất tới mức 5.5 độ richter.
Trả lời Nam Nguyên, TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu kiêm Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần nhận định:
“Rõ ràng chúng tôi có mối quan ngại, chúng tôi kiến nghị chủ đầu tư xây dựng đập ấy chịu được động đất cấp 8. Thế nhưng trong thời gian gần đây ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 lại xuất hiện những khe nhiệt… tức là kết cấu thân đập được xây dựng theo công nghệ bê tông đầm lăn có những khe nhiệt, hồi tháng 3 tháng 4 vừa rồi có hiện tượng nước chảy qua những khe nhiệt ấy với lưu lượng lớn và một số khe nhiệt phát triển với mức độ không bình thường.Điều lo ngại là, nếu động đất xảy ra với cường độ lớn hơn có thể làm cho những khe nhiệt ấy bị tiếp tục giãn nở có thể ảnh hưởng tới an toàn của đập.
Tháng 3 tháng 4 vừa rồi có hiện tượng nước chảy qua những khe nhiệt ấy với lưu lượng lớn và một số khe nhiệt phát triển với mức độ không bình thường. Điều lo ngại là, nếu động đất xảy ra với cường độ lớn hơn có thể làm cho những khe nhiệt ấy bị tiếp tục giãn nở có thể ảnh hưởng tới an toàn của đập
TS Lê Huy Minh
Do vậy chúng tôi khuyến cáo là phải tiếp tục phải có những quan sát và nghiên cứu về tình hình động đất ở khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 để có thể đưa ra những ý kiến về xu thế họat động động đất ở khu vực đó. Đồng thời kiến nghị chủ đầu tư có phương pháp vận hành đập ấy, hồ nước ấy đảm bảo được ở mức độ nhất định và có thể an toàn cho đập cũng như là an toàn cho toàn bộ dân cư trong khu vực đó. “
Thanh Niên Online ngày 5/9 trích lời GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cảnh báo tình trạng hết sức nguy hiểm. Theo đó, vai phải thân đập Sông Tranh 2 nhìn từ thượng lưu đã bị “há”, còn việc khắc phục chỉ mới dừng lại ở việc dán 10 khe nhiệt mặt thượng lưu, còn toàn đập thì chưa. GS Hồng nhấn mạnh Quảng Nam đã vào mùa mưa, lại kèm những trận động đất lớn quanh thân đập Sông Tranh 2 nên cần đề phòng. Nhất là khi có lũ xảy ra kèm theo động đất sẽ rất nguy hiểm.
Vẫn theo Thanh Niên Online, GS Vũ Trọng Hồng khuyến cáo cần tình đến việc nhanh chóng sơ tán người dân vùng hạ lưu trong trường hợp vào mùa mưa lũ mà mực nước trong hồ chứa lên nhanh từ 3m-4m một ngày, lúc đó nguy cơ vỡ đập là rất cao.
Phải xây dựng các kịch bản vỡ đập và kịch bản ứng phó
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Thủy lợi khoa xây dựng thủy lợi-thủy điện Đại học Bách khoa Đà Nẵng phát biểu:
“Trước đây trong cuộc họp đoàn đại biểu Quốc hội họ có mời tôi và GS Vũ Trọng Hồng, chúng tôi đã đề nghị phải có kịch bản đánh giá, phải có bình độ vùng hạ lưu đập Sông Tranh cũng như mực nước trong hồ và xây dựng những kịch bản vỡ đập theo các kiểu khác nhau, để biết được sóng lũ tràn xuống hạ lưu như thế nào, vùng nào ngập bao nhiêu thì mình sẽ biết được. Nhưng rất tiếc đề nghị của chúng tôi người ta nghe và chẳng chú ý gì hết. Ở các nước tiên tiến với các công trình quan trọng người ta đều có những kịch bản như thế, còn ở Việt Nam thì chưa làm, tôi không biết mức độ họ quan tâm ra sao… chính quyền các cấp chưa thúc đẩy chủ đầu tư công trình thuê tính toán để khi xảy ra tình huống thì có các kịch bản ứng phó, như thế thiệt hại sẽ giảm nhiều.”
chúng tôi đã đề nghị phải có kịch bản đánh giá, phải có bình độ vùng hạ lưu đập Sông Tranh cũng như mực nước trong hồ và xây dựng những kịch bản vỡ đập theo các kiểu khác nhau, để biết được sóng lũ tràn xuống hạ lưu như thế nào, vùng nào ngập bao nhiêu thì mình sẽ biết được
TS Nguyễn Thế Hùng
Theo lời TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, đã có hơn 40 trận động đất xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ đầu năm 2012 tới nay. Hiện chưa thể khẳng định các trận động đất xuất hiện ở Quảng Nam là động đất kích thích hay động đất kiến tạo. Nhưng bước đầu có thể xem là tổng hợp cả hai nguyên nhân. Vị chuyên gia giải thích trên Thanh Niên Online, động đất kích thích chỉ xảy ra khi hội đủ hai điều kiện là có đới đứt gẫy đang hoạt động và nhân tố kích thích. Còn với những trận động đất gần đây có thể xác định là do Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước vào hồ chứa làm thay đổi địa chất xung quanh đập, có thể mô tả là tác nhân khiến động đất kiến tạo xảy ra sớm hơn. TS Lê Huy Minh nhấn mạnh:
“Trận động đất hôm qua (3/9) gây tiếng nổ rất lớn và sự rung động được ghi nhận là lớn nhất so với các trận động đất khác từ 2011 tới nay, vì thế người dân rất lo sợ. Thực tế khu vực Bắc Trà My trước khi xây dựng đập thủy điện thì hầu như chẳng có động đất, đến khi xây dựng đập thuỷ điện quá trình tích nước vào lòng hồ dẫn đến những hiện tượng như vậy nên nhân dân rất sợ.”
9 trận động đất xảy ra liên tiếp từ chiều 3/9/2012 cho đến sáng 6/9/2012 đã đẩy sự âu lo của người dân Bắc Trà My lên đỉnh điểm. Ông Nguyễn Thế Tài, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân huyện Bắc Trà My phát biểu:
“Tôi nghĩ là hiện nay nhân dân đang hoang mang đang lo về tính mạng về lâu về dài…tất cả đã được báo cáo về cấp trên… Tỉnh và Trung ương sẽ tính toán cụ thể… tôi động viên nhân dân cần bình tĩnh.”
Chính quyền Quảng Nam từ cấp xã, huyện lên tới cấp tỉnh đã đồng hành với người dân địa phương khi đặt ra những câu hỏi về sự bảo đảm an toàn sinh mạng và tài sản cho người dân. Ít khi thấy một địa phương bày tỏ thái độ cứng rắn với chủ đầu tư công trình đến vậy và hồi tháng 6 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã phải hứa với Quốc hội là nếu đập sông Tranh 2 không an toàn sẽ dừng lại. TS Lê Huy Minh nhận định với Đài Á Châu Tự Do:
“Hiện nay Ở miền Nam chưa là mùa mưa chính thức, chưa đến giai đoạn mưa nhiều nên lưu lượng nước vào hồ chưa cao, mức nước trong hồ thủy điện chưa phải là lớn. UBND Huyện Bắc Trà My và Tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ đầu tư phải khẳng định chắc chắn việc tích nước ở hồ ấy là an toàn cho hoạt động của nhà máy và đập thủy điện thì mới cho phép tích nước. Cho đến nay chưa có đánh giá chính thức khẳng định được là nếu như tích nước với độ cao lớn nhất mà vẫn an toàn thì rõ ràng là việc tích nước chưa được đồng ý.”
Những trận động đất với tần suất và cường độ chưa từng có ở Quảng Nam hiện nay không chỉ làm rung chuyển công trình Thủy điện Sông Tranh 2, nó đang trở thành một vấn đề chính trị trọng đại.
Theo dòng thời sự:
- Tiếp tục động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh
- Sự cố Sông Tranh 2 và những điều đáng quan ngại
- Sự cố Sông Tranh – người dân sẽ ra sao?
- Nguyên nhân nứt đập thuỷ điện sông Tranh sắp được công bố
- Chủ đầu tư nhận lỗi kỹ thuật tại thủy điện sông Tranh
- Quảng Nam yêu cầu EVN khẩn trương xử lý vụ nứt đập thủy điện Sông Tranh 2
- Vẫn chưa có giải pháp cho vụ nứt đập Sông Tranh 2
- Lượng nước rò rỉ trên thân đập Sông Tranh đã giảm
- Sự cố Sông Tranh 2: biện pháp sửa chữa có thuyết phục?