Hai nền kinh tế trong một quốc gia

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016.02.12
000_Del8401216 Một người đàn ông vô gia cư tại Hà Nội hôm mùng Một Tết
AFP photo

Mặc dù tất cả kế hoạch quốc gia đều dựa vào dương lịch, nhưng người Việt vẫn giữ truyền thống chào đón năm mới âm lịch với sự hy vọng những thay đổi tốt đẹp. Trong lúc cả nước khai xuân đón lộc, các chuyên gia nghĩ gì, nói gì về tương lai kinh tế Việt Nam.

Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên vào tối ngày mùng bốn Tết Bính Thân, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long từ Hà Nội đưa ra nhận định:

“Qua đánh giá tình hình kinh tế 2015 là những nhân tố tác động đến 2016. Tôi thấy năm 2016 thách thức nhiều hơn thuận lợi bởi rất nhiều sự khó khăn đang đặt ra phía trước. Tuy một số kết quả đạt được như tốc độ tăng trưởng cũng như kiểm soát lạm phát. Nhưng tất cả đó là về mặt số liệu còn thực chất về mặt chất lượng chưa phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế. Thí dụ như số liệu tăng trưởng 6,68% nhưng phần lớn dựa vào kết quả của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn nội lực thì chưa phát huy được thực sự. Hay việc kiểm soát lạm phát mặc dầu gần bằng 1/10 chỉ tiêu quốc hội đề ra là không quá 3%. Nhưng lạm phát thấp lại do nguyên nhân khách quan là chủ yếu, ví dụ giá dầu thế giới giảm và một số yếu tố khác nữa…”

Từ những hệ lụy đó, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long tiếp lời:

“Chỉ số lạm phát thấp bên cạnh mặt tốt, mặt tích cực của nó còn có các tác dụng phụ không kém, mà phải là lạm phát ở mức độ hợp lý. Ví dụ như nợ công rất cao, hay nợ xấu giảm về mức cho phép 2,76% nhưng nợ xấu chưa được giải quyết theo đúng bản chất của nó, hay bội chi ngân sách là căn bệnh kinh niên, bệnh trầm kha của nền kinh tế, thu có tăng hơn năm trước nhưng chi và thu kỷ luật tài chính rất yếu kém. Điều này cho thấy sự rủi ro tín dụng của Việt Nam, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đánh giá chỉ số này là 270 là mức độ rất cao rất báo động. Tôi nghĩ rằng, bên cạnh những thuận lợi đạt được thì thách thước phía trước 2016 khó khăn nhiều hơn thuận lợi.”

Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn về mặt hội nhập nhưng về mặt thách thức thì cũng rất lớn...
- TS Lê Đăng Doanh

Điểm báo đầu xuân Bính Thân, báo mạng Một Thế Giới ngày 9/2/2016 tức mùng hai tết trích lời ông Vương Đình Huệ tân Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định về điều gọi là “Góc khuất của tăng trưởng”, Ông Vương Đình Huệ nhìn nhận động lực tăng trưởng GDP gần 7% phụ thuộc khu vực đầu tư nước ngoài FDI, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này chiếm 65%-70% tổng xuất khẩu của cả nước. Trong khi xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước lại giảm hơn 2,5% so với năm trước. Lý thuyết gia của Đảng đặc trách kinh tế Trung ương tự đặt câu hỏi không chỉ cho cá nhân ông mà cho Đảng và Nhà nước Việt Nam, tại sao trong một quốc gia mà lại có sự lệch pha giữa hai khu vực kinh tế FDI và khu vực kinh tế của các doanh nghiệp trong nước …Ông Vương Đình Huệ đề cập tới mối lo của nhiều chuyên gia cho rằng, rủi ro có thể xảy ra tình trạng gọi là hai nền kinh tế trong một quốc gia, chứ không chỉ là hai khu vực nữa. Ông Vuơng Đình Huệ nhấn mạnh, đây là một câu hỏi rất lớn chưa có đáp án…

Những ngày đầu năm Bính Thân, nhận định của TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, qua cuộc phỏng vấn của báo mạng Trí Thức Trẻ được nhiều báo điện tử đăng lại. Theo đó, TS Lê Đăng Doanh nhận định, năm 2016 có rất nhiều thách thức, nhưng cũng là cơ hội để vươn lên. Một người không có thách thức thì cũng sẽ không có động lực để cố gắng. Khi có thách thức thì giống như lực sỹ phải chạy đua. Khi phải đua với các nước khác, Việt Nam sẽ nỗ lực vươn lên.

Trong cuộc phỏng vấn của báo Trí Thức Trẻ, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh tới con số tăng trưởng GDP 6,68% mà nhiều báo gọi là “lộc lộc phát,” tức là cực kỳ may mắn thì lại chủ yếu xuất phát từ đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Khu vực FDI hiện chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất hạn chế.

Cơ hội và thách thức

Trả lời Đài ACTD sau Đại hội Đảng 12 và trước ngày Tết Bính Thân, TS Lê Đăng Doanh từng báo động về thực trạng nợ công, nợ xấu, mất cân đối ngân sách, thể chế bất minh, năng lực cạnh tranh thấp kém trong bối cảnh tham nhũng, lãng phí tràn lan. Theo lời ông, Việt Nam đã hội nhập rất sâu với thật nhiều thách thức. Chỉ riêng sự thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hiệu lực từ cuối năm 2015, hàng hóa của các nước láng giềng đang tràn ngập Việt Nam, cạnh tranh mạnh mẽ với doanh nghiệp trong nước. Đề cập tới Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ hình thành vào nửa sau 2016, TS Lê Đăng Doanh nhận định:

“Ai lên tiếp tục vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì cũng phải đối mặt với cái di sản này và hơn thế nữa nông nghiệp cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức và nếu như không giải quyết căn bản những vấn đề về thể chế, như sở hữu toàn dân về đất đai và giải quyết vấn đề đền bù đất của người nông dân, thì việc mất ổn định người nông dân đang đối mặt với các thách thức, rồi vấn đề biến đổi khí hậu, giá nông sản trên thế giới cũng là những nhân tố rất đáng lo ngại. Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn về mặt hội nhập nhưng về mặt thách thức thì cũng rất lớn mà nếu không cải cách thể chế thì có thể nói đây là một trong các thời điểm rất quyết định đối với kinh tế Việt Nam.”

Muốn đi một cách vững chắc thì phải đi bằng hai chân, vừa đổi mới về kinh tế, đồng thời phải đổi mới về mặt chính trị.
- PGSTS Ngô Trí Long

Trên báo mạng Trí Thức Trẻ, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận sự thất bại của Đảng và Nhà nước trong mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Theo lời vị chuyên gia, tiêu chí từ thập niên 1990, một nước công nghiệp phải có GDP bình quân đầu người từ 6.800 USD, thí dụ như Trung Quốc hiện nay là 7.000USD/ người. Trong khi đó GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt 2.109 USD/người, đến 2020 tức 4 năm nữa làm sao tăng lên mức 6.000USD/người được. TS Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam đề ra mục tiêu đó chỉ mang tính chất định tính, chưa được cụ thể hóa về lượng. Ngoài ra, để trở thành nước công nghiệp thì nông nghiệp phải dưới mức 10% GDP. Sản lượng nông nghiệp của Việt Nam hiện nay chiếm 16%-17% GDP, không thể vài nữa mà giảm xuống dưới 10% GDP được.

Trong câu chuyện đầu xuân với chúng tôi, PGSTS Ngô Trí Long cũng nhận định về ảo vọng Việt Nam tiến lên một nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Ông nhận định rằng, Nghị quyết Đại hội Đảng 12 vừa qua cũng không còn ấn định thời điểm nào Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp nữa, mà chỉ nói chung chung là mục tiêu tiến lên một nước phát triển hiện đại. Theo Phó Giáo sư Ngô Trí Long, trong bối cảnh như thế, nếu Việt Nam không có định hướng cải cách thì sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nền kinh tế sẽ chững lại không tiến lên thêm được. Việt Nam nói nhiều về đổi mới cải cách thể chế, thực chất cải cách thể chế là thay đổi luật chơi, nói cách khác là pháp luật, mà luật thì Hiến pháp đã qui định rồi; hơn nữa nhiều luật để phản ảnh Hiến pháp hiện hành sẽ khó thay đổi theo đồng bộ. Chuyên gia Ngô Trí Long lập lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh trước Đại hội Đảng, đó là bên cạnh đổi mới thể chế kinh tế thì đổi mới thể chế chính trị là một nội dung không thể thiếu được. PGSTS Ngô Trí Long nhấn mạnh:

“Muốn đi một cách vững chắc thì phải đi bằng hai chân, vừa đổi mới về kinh tế, đồng thời phải đổi mới về mặt chính trị. Từ đó có điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, tránh được không phải nguy cơ tụt hậu mà tụt hậu đã là hiện hữu. Cho nên để tránh khỏi tụt hậu một trong những vấn đề quan trọng là phải đồng thời đổi mới kinh tế cũng như chính trị; bên cạnh đó phải đấu tranh làm trong sạch đội ngũ…đối với thể chế chúng ta biết thì tình trạng tham nhũng không những không giảm đi mà còn thể hiện tinh vi hơn…chính nạn tham nhũng là rào cản rất lớn cho sự phát triển kinh tế, nó làm mất lòng tin của người dân…”

Khi các báo in truyền thống nghỉ Tết nhiều ngày thì thay vào đó các báo điện tử hoạt động không ngừng. Người đọc báo cảm nhận, hoạt động báo chí trong những ngày xuân Bính Thân có sự thay đổi rõ rệt, ít tô vẽ tô hồng hơn và có nhiều tương tác với người đọc. Phải chăng cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã có đóng góp tích cực và đang đổi mới cách làm báo theo chỉ đạo tuyên giáo như trước kia?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.