Đảng cần thay đổi tư duy kinh tế

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016.01.08
000_Hkg10243496-622.jpg Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 8/1/2016.
AFP

Khó cải cách một cách triệt để?

Nếu như Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh mạnh dạn nói thẳng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam theo đuổi là không có thật, thì đầu năm 2016 chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan gây ngạc nhiên không kém, khi nhận định của bà được báo điện tử Một Thế Giới giật tít lớn “Kinh tế nhà nước còn chủ đạo thì không thể có kinh tế thị trường.”

Trên báo điện tử Một Thế Giới, bà Phạm Chi Lan người từng là thành viên Ban Tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng nếu Việt Nam vẫn cho rằng kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, thì không có được kinh tế thị trường đầy đủ và đúng nghĩa.

Chuyên gia Phạm Chi Lan thêm rằng, khái niệm ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ cũng cần phải hiểu khác, không thể giữ tư duy kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Theo lời bà, Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ điều tiết, phân bổ nguồn lực thay vì can thiệp quá sâu vào thị trường hiện nay.

Đường hướng của Đảng Cộng sản và Chính phủ VN vẫn khẳng định kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Trong kinh tế Nhà nước thì Doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng hàng đầu, khi vẫn còn tính họ nằm trong khu vực chủ đạo thì rất khó cổ phần hóa hoặc cải cách họ một cách triệt để được.
-Phạm Chi Lan

Cùng về vấn đề liên quan chuyên gia Phạm Chi Lan từng phát biểu với Đài Á châu Tự do:

“Cho đến bây giờ đường hướng của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam vẫn khẳng định kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Trong kinh tế Nhà nước thì Doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng hàng đầu, khi vẫn còn tính họ nằm trong khu vực chủ đạo thì rất khó cổ phần hóa hoặc cải cách họ một cách triệt để được.”

Theo ghi nhận, bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan được báo điện tử Một Thế Giới đưa lên mạng ngày 4/1/2016, nhưng hai ngày sau đã được thay bằng một bài khác, đổi tít bài và chuyển chủ đề chính vào vấn đề độc quyền làm trì trệ nền kinh tế. Trong bài, bà Phạm Chi Lan nhận định rằng, Độc quyền nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước hiện nay quá lớn. Hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng 800 doanh nghiệp nhà nước nhưng vẫn sử dụng tới khoảng 50% tổng nguồn lực  quốc gia. Mức sử dụng đó là quá lớn, tạo thêm cho họ thế độc quyền trong sử dụng cũng như vận hành và cung cấp sản phẩm.

Trong dịp trả lời Đài Á châu Tự do gần đây, chuyên gia Phạm Chi Lan cũng có những ý kiến tương tự.

“Cả khu vực Doanh nghiệp Nhà nước cộng lại thì có thể nói cũng là một nhóm lợi ích lớn, khi họ có lợi ích rất nhiều trong việc được quyền tiếp cận và sử dụng các nguồn lực của quốc gia. Cho đến nay Doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn đang sử dụng khoảng 50% tổng nguồn vốn của đất nước, kể cả nguồn tín dụng cũng như vốn của khu vực công hay vốn ODA chẳng hạn, họ còn sử dụng một nguồn lực rất lớn và với cách làm ăn thua lỗ, nó có thể lỗ cho doanh nghiệp nhưng tiền lãi có thể chảy về túi của một số ai đó có quyền lực.”

Trong bài báo của Một Thế Giới ngày 4/1/2016, chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định rằng, Việt Nam không thể để rơi vào sự lệ thuộc với kinh tế Trung Quốc, vì đã lệ thuộc thì không thể có được sự bình đẳng, không thể cùng có lợi cho cả 2 bên. Theo bà, bên bị lệ thuộc sẽ là bên thua thiệt. Vị chuyên gia nêu ví dụ ở Việt Nam, 90% tổng thầu các công trình lớn rơi vào tay Trung Quốc, điều này là không hợp lý. Tuy vậy bà Pham Chi Lan nhìn nhận, Trung Quốc là thị trường lớn mà tất cả các nước đều hướng tới, Việt Nam ở bên cạnh thì không thể nói thoát Trung một cách thuần túy mà Việt Nam cần phải cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Đặt nó trong mối quan hệ cùng có lợi, bình đẳng hơn.

Có thật Việt Nam đang tụt hậu hay không?

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 18/11/2015.
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 18/11/2015.
AFP

Báo chí Việt Nam trong tuần lễ đầu tiên của năm dương lịch 2016 cũng có những bài dựa vào báo chí chuyên gia nước ngoài để đặt ngược lại vấn đề là có thật Việt Nam đang tụt hậu hay không? Mặc dù trước đó báo chí từng đưa nhiều dẫn chứng là Việt Nam kém xa láng giềng, sự tụt hậu là hiện hữu không còn là nguy cơ.

Người Lao Động Online và báo Điện tử Chính phủ trích nhận định cá nhân của chuyên gia kinh tế TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright TP.HCM, xin được dẫn nguyên văn: “Trong khi bên ngoài nhìn bức  tranh chung nên thấy nền kinh tế Việt Nam rất lạc quan, thì trong nước thường so sánh Việt Nam với các nước đã phát triển hay đi trước Việt Nam rất xa và nhiều người kỳ vọng quá cao vào vai trò của nhà nước nên thường rất bi quan...” TS Huỳnh Thế Du cho rằng, nói công bằng, Việt Nam vẫn có rất nhiều vấn đề nhưng ba thập niên qua, so sánh toàn cầu, Việt Nam thuộc nhóm nước có sự cải thiện tốt nhất về những chỉ tiêu cơ bản.

Chúng tôi nêu câu hỏi, phải chăng nước ngoài đánh giá kinh tế Việt Nam dựa vào các con số thống kê các chỉ số chuyên môn, còn trong nước cảm nhận rõ thực tế hàng ngày, cũng như khoảng cách thu nhập giữa nông thôn thành thị nên hai phía có cách nhìn khác nhau. TS Huỳnh Thế Du từ Saigon phát biểu:

“Bên ngoài người ta thường nhìn bức tranh tổng thể. Thực ra nhìn 30 năm qua các chỉ tiêu của Việt Nam bắt đầu rất là tốt, từ tăng trưởng đếm giảm nghèo đến tình trạng bất bình đẳng. Tức là một cách tương đối xem như nó được cải thiện trên các chỉ tiêu cả của Ngân hàng Thế giới, IMF, EIU… tất cả các chỉ tiêu tổng hợp nó đều cho thấy Việt Nam có sự cải thiện rất tốt, bên ngoài thấy các chỉ tiêu của Việt Nam luôn luôn ở nhóm tốt thành ra người ta thấy như thế. Còn ở Việt Nam, mọi người thấy cuộc sống hàng ngày và trong kinh tế có điều gọi là luật số nhỏ, tức là công chúng nói chung, chứ không phải những người nghiên cứu, người ta hay thấy những điều xảy ra trước mắt thành ra người ta qui nạp và tổng quan hóa vấn đề lên và làm cho thấy vấn đề có vẻ bi quan.”

Ở Việt Nam, mọi người thấy cuộc sống hàng ngày và trong kinh tế có điều gọi là luật số nhỏ, tức là công chúng nói chung, chứ không phải những người nghiên cứu, người ta hay thấy những điều xảy ra trước mắt thành ra người ta qui nạp và tổng quan hóa vấn đề lên và làm cho thấy vấn đề có vẻ bi quan.
-TS Huỳnh Thế Du

Nhiều chuyên gia mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đã thể hiện quan điểm ngược lại với bài báo mang tựa ‘Có thật Việt Nam đang tụt hậu?’. Trong dịp trả lời chúng tôi cùng về vấn đề liên quan, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội thẳng thắn phát biểu:

“Trong bối cảnh tình hình, thời điểm nhạy cảm như thế này người ta đưa những vấn đề có tính chất phục vụ cho truyền thông…Tụt hậu không phải là nguy cơ mà là hiện hữu rồi; tụt hậu hiện hữu nó thể hiện bằng rất nhiều chỉ số thống kê, ví dụ như về năng suất lao động về giáo dục, y tế, văn hóa, tất cả các mặt chúng ta đều tụt hậu. Đối với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, chúng ta thua kém họ 30 năm nếu chúng ta tiến tới bằng họ cách đây 30 năm, thì họ đã lại tiến xa hơn nữa. Cho nên đấy là một vấn đề mà các đại biểu quốc hội, cơ quan điều hành chính phủ phải nhìn thấy… hiện nay người thường nói về phía tô hồng nhiều hơn…”

Kể từ ngày 4/1/2016 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt đầu áp dụng cơ chế tỷ giá mới gọi là thả nổi có kiểm soát, theo đó tỷ giá Trung tâm được loan báo điều chỉnh mỗi ngày và các ngân hàng được phép +/- 3%. Báo Trí Thức Trẻ Online đưa lên mạng bài viết mang tựa ‘Cơ chế tỷ giá mới có thực sự mới? Tờ báo trích lời TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng cơ chế mới không thực sự mới, vì thực chất là Ngân hàng Nhà nước vẫn là người cầm trịch xác định tỷ giá hối đoái Trung tâm, và biên độ dao động với các ngân hàng thương mại vẫn là +/-3%.

Vẫn theo Trí Thức Trẻ Online, TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh, một cơ chế tỷ giá linh hoạt hoàn toàn phải là do thị trường điều tiết. Trong khi đó chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước tuy được phát biểu là thả nổi có kiểm soát nhưng thiên về kiểm soát hơn là thả nổi, tức là về bản chất cũng không khác gì so với trước đây.

Trả lời chúng tôi, PGSTS Ngô Trí Long có nhận định sơ khởi về chính sách tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ ngày 4/1/2016 vừa qua:

“Điều hành tỷ giá theo cơ chế mới có nghiã là tỷ giá trung tâm dao động cộng trừ 3%, khác với trước là tỷ giá cố định qui định rất cụ thể. Như vậy nó sẽ theo đúng nhịp của thị trường, mục tiêu của chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ quan điểm là vẫn duy trì sự ổn định nhưng đồng thời để nâng giá trị đồng tiền VN lên. Ở đây không phải là thả nổi, chỉ rất ngại cho những doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu vì người ta không thể biết trước, ví dụ mọi năm có thể dự báo tăng giảm bao nhiêu phần trăm…”

Hiện còn quá sớm để biết được sự tác động thực sự của chính sách tỳ giá mới của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng Ngân hàng HSBC của Anh vừa đưa ra dự báo tiền đồng của VN tiếp tục mất giá. VnExpress bản tin trên mạng trích báo cáo của HSBC nói rằng, với dự trữ ngoại hối ngày càng mỏng, tính theo giá trị nhập khẩu chỉ còn 2,1 tháng vào quí 3/2015 Ngân hàng Nhà nước VN có thể sẽ giảm dần can thiệp và cho phép tiền đồng giảm giá thêm nữa trong những tháng tới. Theo HSBC từ ngày 4/1/2016 vừa qua một cơ chế điều chỉnh tỷ giá mới đã được thiết lập cho phép tỷ giá được biến động linh hoạt theo thị trường.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.