Thiên tai tại Việt Nam năm 2011
2012.01.03
Đỡ hơn năm 2010
Vào đầu tháng 12 vừa qua, nhiều tỉnh thành trong cả nước đều đã tổng kết về tình hình thiên tai và công tác cứu trợ tại địa phương trong năm qua.
Cho đến trung tuần tháng 12 vừa rồi thì tin tức về khả năng vào Biển Đông hướng đến vùng quần đảo Trường Sa của trận bão Washi quét qua mạn bắc đảo Mindanao khiến cho gần một ngàn người thiệt mạng buộc cơ quan phòng chống lụt bão Trung ương và những tỉnh có thể chịu ảnh hưởng lên tiếng cảnh giác cho dân chúng. Tuy nhiên đây là trận bão cuối của năm nay.
Dù tin tức cho biết đợt lũ ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long từ cuối tháng 8 sang đến tháng 10 vừa qua làm cho hơn 80 người thiệt mạng và đợt lũ lụt ở miền trung trong những tuần tháng 10 sang đầu tháng 11 cũng làm gần 20 người thiệt mạng; thế nhưng tình hình thiên tai tại Việt Nam năm nay được cho là không nặng nề như năm 2010.
Một người dân tại Hà Tĩnh, thuộc khu vực thường được mệnh danh ‘khúc ruột miền Trung’ nơi phải hứng chịu thiên tai khá nhiều mỗi năm, thừa nhận về thực tế năm nay đỡ hơn năm trước:
"Năm ngoái nặng hơn, nhà cửa thiệt hại nhiều hơn. Năm trước bão nhiều hơn, lớn hơn. Lụt thì ở đây chỉ ngập những hồ ao nuôi trồng thủy sản thôi, về người không thiệt hại gì cả."
Giáo sư Đinh Văn Ưu thuộc khoa Khí tượng Thủy văn và Hải Dương Học, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, điểm lại tình hình thiên tai tại Việt Nam trong năm qua mà theo ông không có gì đặc biệt.
Truớc hết về tình hình bão, thì theo ông thông thường hằng năm Việt Nam hứng chịu chừng chục cơn bão và khu vực Tây Thái Bình Dương cũng chừng ba chục trận bão; thế nhưng năm nay số lượng bão ít hơn năm trước:
"Cho đến nay khu vực Biển Đông mới có bảy cơn bão mà thôi. Ở khu vực tây Thái Bình Dương cũng như thế, thường ở đó trên ba chục cơn nhưng đến nay cũng chỉ mới 27 cơn mà thôi.
Về mưa lũ thì vừa rồi có trận lũ ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Lũ này cao nhưng nằm trong giới hạn 10 năm lặp lại một lần nên theo tôi như thế không có gì đặc biệt.
Về nắng nóng thì đầu năm có dị thường một chút thôi ở khu vực phía Tây; chứ còn ở miền bắc và miền trung thời tiết êm dịu hơn, không có những đợt nắng đặc biệt như mọi năm.
Năm ngoái nặng hơn, nhà cửa thiệt hại nhiều hơn. Năm trước bão nhiều hơn, lớn hơn. Lụt thì ở đây chỉ ngập những hồ ao nuôi trồng thủy sản thôi, về người không thiệt hại gì cả.
Một người dân Hà Tĩnh
Mưa thì miền trung có hơi dị thường, chứ còn miền bắc và miền nam theo qui luật chung có ít mưa hơn một chút."
Vào mùa hè tại một số nơi có tình trạng nước biển thâm nhập vào đất liền và được cho là năm sau nước mặn vào sâu hơn năm trước. Về hiện tượng xâm nhập mặn mà có ý kiến của giới chuyên gia cho là vì tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu gây nên thì giáo sư Đinh Văn Ưu giải thích:
"Về vấn đề nước biển dâng theo số liệu thực đo của chúng tôi thì có vùng dâng lên, có vùng lên không nhiều. Tuy nhiên tốc độ trung bình, tức theo khoảng 40-50 năm, và theo tổng thể thì dâng khoảng vài milimet/năm. Điều ấy có thể xảy ra.
Xâm nhập mặn tương ứng với nước biển dâng lên. Có hai dạng xâm nhập mặn. Một là theo nguồn nước ngầm, thứ hai mặn theo vào vùng cửa sông. Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long do xây dựng những công trình tạo nên những thay đổi trong quá trình trao đổi nước. Trước đây do xâm nhập trực tiếp từ cửa sông; nếu bị chặn lại nước mặn sẽ đi vòng.
Năm nay ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long không phải là thời kỳ hạn nhiều nhất, nên nước mặn không vào.
Còn nước ngầm thì khi mặn lên thì thâm nhập vào tầng nước ngầm. Vừa qua tôi có ra đảo Phú Quý thì người dân cho biết hiện tựợng nước ngầm bị nhiễm mặn. Tại Ninh Thuận cũng thế: nước ngầm bị mặn hóa."
Hiện tượng mưa nhiều
Một trong những hiện tượng thời tiết dẫn đến lụt lội nhiều trong khu vực vào năm qua là do mưa nhiều. Cụ thể như ở Thái lan kể từ tháng bảy cho đến giữa tháng 11 vừa qua. Riêng tại Việt Nam thì giáo sư Đinh Văn Ưu đánh giá về lượng mưa tại các vùng miền trong năm qua như sau:
"Lượng mưa chỉ dị thường ở khu vực miền trung- Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình mưa có cao hơn trung bình hằng năm; còn ở các vùng khác như Bắc bộ và Nam bộ còn có vẻ thấp hơn trung bình nhiều năm."
Còn mưa trong khu vực thì ông có nhận định:
"Toàn bộ ở phía Tây Bắc, thượng nguồn Sông Mê kông mưa to hơn, dẫn đến lũ lụt tại Thái Lan, Kampuchia và đồng bằng Sông Cửu Long hồi tháng 10, 11. Ở Thái thì cao nhưng ở đồng bằng Sông Cửu Long chỉ bằng cách đây 1 năm chứ không phải lũ lịch sử."
Có ý kiến cho rằng tình hình thời tiết trên thế giới ngày càng trở nên thất thường và cực đoan hơn; tuy nhiên theo giáo sư Đinh Văn Ưu thì tại Việt Nam chưa thể kết luận các hiện tượng thời tiết trong năm qua có tính cực đoan:
"Theo tôi không hẳn như thế. Cực đoan phải nhiều hơn, nặng hơn gây thiệt hại nhiều hơn nhưng năm nay tất cả đều ở mức dù có lớn đáng kể nhưng không vượt giới hạn lịch sử từ xưa đến nay.
Theo tôi trên phạm vi toàn thế giới có ấm lên toàn cầu. Nói về biến đổi khí hậu phải theo chu kỳ dài, chứ một vài năm chưa thể đi đến kết luận được. Ví dụ nói năm 2010 thế giới nóng nhất, nhưng đó là toàn cầu, nhưng ở Việt Nam chưa thấy nóng lên. Nhưng không thể nói Việt Nam không nóng vì có thể năm sau sẽ khác đi. Thời tiết thay đổi vừa theo chu kỳ vừa tự nhiên vừa không tự nhiên."
Công tác điều hành
Có thể nói khả năng dự báo thời tiết, nhất là dự báo dài hạn của một số quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Philippines về các thiên tai sắp xảy ra đang còn hạn chế.
Trận bão Washi hồi trung tuần tháng 12 vừa qua là một chứng minh cụ thể về điều đó. Do không có dự báo trước, người dân không chuẩn bị gì và khi bão ập đến trong đêm dẫn đến gây lũ lụt thì mọi người không trở tay kịp, thế là thảm họa xảy ra. Người dân Hà Tĩnh cho biết về thực tế báo bão lâu nay ở địa phương anh sinh sống:
"Khi báo bão vào để chống đỡ thì bão không vào; khi không báo thì bão lại vào."
Giáo sư Đinh Văn Ưu cũng nói về điều này qua vụ việc tại Philippines trong trận bão Washi vừa rồi:
"Vùng phía nam Philippines cũng giống như nam Việt Nam ít khi có bão. Đây là cuối mùa; nhưng do dân chủ quan. Lần này xảy ra vào buổi tối nên khi ngập lụt không chạy kịp. Như ở VN hồi năm 1997 bão Linda ập vào lúc cả ngàn tàu thuyền còn ngoài biển. Bão Linda ập vào gây nhiều thiệt hại mãi nhiều năm sau mới khắc phục được."
Ngoài yếu tổ chủ quan như vừa nêu, tình hình lũ do thủy điện xả nước vào khi mưa lớn gây ngập lụt cho vùng hạ lưu như tại khu vực miền trung Việt Nam từ Nghệ An, Hà Tĩnh cho đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… trong vài năm qua còn do sự điều hành thiếu nhất quán của Nhà Nước khiến người dân phải hứng chịu những thiệt hại không đáng có.
So với năm 2010 thì năm nay ở khu vực miền Trung không phải lũ lớn mà xảy ra đợt do điều hành có vấn đề. Do sợ không đủ nước các hồ lưu nước, nhưng khi mưa lớn thì họ sợ ngập nên lại xả nước gây lũ.
Giáo sư Đinh Văn Ưu
Giáo sư Đinh Văn Ưu nói về điều này:
"Đây là do điều hành. So với năm 2010 thì năm nay ở khu vực miền Trung không phải lũ lớn mà xảy ra đợt do điều hành có vấn đề. Nơi nào cũng có qui trình cả. Do sợ không đủ nước các hồ lưu nước, nhưng khi mưa lớn thì họ sợ ngập nên lại xả nước gây lũ."
Bản thân người dân tại Hà Tĩnh cho biết hằng năm công sức của bản thân anh và những đồng bào khác bị thiên tai cướp đi khá lớn:
"Thiệt hại từ 30 đến 40% cho nuôi trồng thủy sản, và nhà cửa. Mùa màng thì thiên tai đến thiệt hại 100%."
Việt Nam tổ chức đầy đủ các Ban phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn từ cấp trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đến nay mức độ giảm thiểu tác hại của thiên tai trong chức năng hoạt động của các ban đó chưa được hiệu quả như mong muốn vì nhiều lý do từ kinh phí đến nhân lực.