Trong tuần rồi các quốc gia thuộc khối ASEAN cùng một số nước đối tác lại gặp nhau tại Phukhet, Thái Lan để bàn thảo nhiều vấn đề của khối và

khi vực trong tình hình có nhiều biến động thuộc mọi lĩnh vực cuộc sống trên toàn cầu hiện nay.
Tại một trong những cuộc đối thoại, vấn đề hợp tác trong lưu vực Sông Mêkông lại được đặt ra với mục tiêu sao cho việc khai thác dòng sông này mang tính biền vững.
Đây là đề tài của chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này, mời quí thính giả theo dõi.
ASEAN: lần đầu Hoa Kỳ tham gia hội thảo về sông Mekong
Một điểm được báo chí nêu lên là Hoa Kỳ lần đầu tiên gặp gỡ bốn quốc gia thuộc tiểu vùng Mêkông gồm Kampuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam để bàn về những công việc cần làm khi mà tình hình biến đổi khí hậu sẽ có những tác động đối với dòng sông MêKông.
Bản thông cáo chung của cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ- bốn nước hạ nguồn Mêkông được phổ biến vào ngày 23 tháng 7 vừa rồi cho thấy các phía thảo luận những vấn đề chung đang phải đối phó.
Các nước thuộc hạ lưu Sông Mê Kông gồm Kampuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đều hoan nghênh mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ trong những vấn đề vì quyền lợi chung nhằm bảo đảm cho một sự phát triển bền vững của toàn khu vực.
Ngoài việc cam kết hợp tác nhiều hơn, đại diện của năm nước cũng điểm lại những hoạt động đã thực hiện lâu nay. Điểm mới được nêu ra là sáng kiến Ủy hội Sông Mêkông và Ủy hội Sông Mississippi theo đuổi hợp tác gọi là ‘sông kết nghĩa’. Các bên sẽ chia xẻ kinh nghiệm với nhau trong các lĩnh vực như thích ứng với hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu, quản trị lụt bão, thủy điện và đánh giá tác động của những đập thủy điện đó, vấn đề nhu cầu nước và an ninh lương thực; quản trị nguồn nước, cũng như nhiều vấn đề chung khác.
Hoa Kỳ cho hay trong năm nay sẽ chi hơn 7 triệu đô la cho các chương trình môi trường tại khu vực Mêkông.
Australia cũng lên tiếng nói sẽ hổ trợ cho Ủy hội Sông Mêkông 13 triệu đô la cho công tác cải thiện hoạt động quản trị nguồn nước.
Các quốc gia hạ lưu Sông Mekong phải thực sự hợp tác
Không chờ đến lúc này các quốc gia ở hạ lưu sông Mê kông mới ngồi lại với nhau và tìm kiếm sự hổ trợ của các quốc gia khác về kinh nghiệm quản trị dòng sông nhằm có thể tránh những mâu thuẫn và khai thác hiệu quả phục vụ cho cuộc sống con người.
Tiến sĩ Lê Hữu Tí, trưởng phân ban Nguồn nước & Phát triển Bền vững, thuộc ban Phát triển Bền Vững và Môi trường của Liên hiệp Quốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, UNESCAP, cho biết về hợp tác trong khu vực đó:
Mức độ liên quốc gia mà nói thì theo đánh giá của chúng tôi thì mô hình hợp tác giữa các quốc gia tiểu vùng Mê Kông là một hợp tác giữa các quốc gia đang phát triển tốt nhất của thế giới vì có đưa ra được cơ sở gắn liền hợp tác với phát triển kinh tế- xã hội. Trong khi đó những lưu vực khác thì hợp tác phát triển kinh tế gắn với chính trị quá cao nên mâu thuẫn dễ xảy ra, không đưa ra cớ chế để điều hòa những khác biệt. Trong những điểm tốt nhất của mô hình Mê Kông là lúc trước Mêkông 4 nước đưa ra được chương trình tiểu khu vực; và biến tiểu khu vực thành ra một vùng đầu tư lớn nhất của khu vực châu Á. Nên hợp tác trong lĩnh vực thủy lợi không phải là hợp tác thủy lợi không mà phải hợp tác đưa đến vấn đề phát triển kinh tế xã hội. Tiểu khu vực thu hút được từ hợp tác bốn nước hằng năm từ 10,20-30 triệu đô la/năm mà đưa đến hợp tác lên đến hằng trăm triệu đến một tỷ đô la/năm. Mô hình đó được nhiều nước ở lưu vực như Sông Hằng chẳng hạn muốn áp dụng nhưng cũng rất khó.
Trung Quốc thì muốn tham gia để phát triển kinh tế xã hội, còn nếu cải nhau chia xẻ nguồn nước không thì họ không tham gia. Hợp tác với các nước lưu vực Sông Mê Kông tạo điều kiện cho đầu tư vào các tỉnh miền nam Trung Quốc. Khi mà TQ điều tiết nguồn nước thì phải có lợi cho tất cả các nước và phải chia xẻ chi phí. Hiện nay sự tham gia của TQ là một nước hợp tác nên phải hợp tác để đi lên. Đây là một thách thức mà các nước phải đối đầu.
Tình hình nguồn nước về phía hạ lưu
Ông Nguyễn Nhân Quảng, nguyên giám đốc Ủy Ban Sông Mê Kông cũng có nhận xét về tình hình nguồn nước về phía hạ lưu nhất là Việt Nam, và hợp tác mà các nước đang thực hiện:
Giới chuyên gia nói ảnh hưởng của các đập thượng lưu phía xa thì chưa thấy; nay chủ yếu là do hạn khí hậu mưa ít, và thứ nữa là do phá rừng nên vào mùa mưa thì không giữ nước được.
Trong khu vực Sông Mê Kông tác động dưới hạ lưu là do các hệ thống bậc thang công trình thủy điện; hiện nay Ủy hội Sông Mê Kông đang đóng vai trò điều phối, đang tiến hành đánh giá những ảnh hưỡng lủy tích của các đập thủy điện trên thượng nuồn để đề ra các biện pháp giảm thiểu. Trước mắt đề ra đánh giá tác động môi trường của các đập đó; sau đó xây dựng nghiên cứu vận hành tối ưu các hồ chứa trên thượng nguồn Mê kông. Như vậy nếu xây độ 7-8 đập thì phải có chế độ vận hành chung chứ nay thì vẫn đơn độc đập nào vận hành riêng đập đó, như vậy chế độ điều tiết dòng chảy chưa tốt. Ủy hội Sông Mê Kông đang xây dựng cái đó mà cũng mới bắt đầu.
Biện pháp tối ưu để tránh khủng hoảng về nước thì ai cũng biết là phải hợp tác thực sự với nhau. Ủy hội Sông Mê kông đang đóng vai trò liên kết 4 nước ở hạ lưu và xây dựng cơ chế đối thoại với hai nước thượng lưu là Trung Quốc và Myanmar. Như thế là đang xây dựng, thông qua qui hoạch phát triển lưu vực giai đoạn hai. Trong chương trình môi trường thì cũng đang xây dựng những chỉ dẫn tác động môi trường xuyên biên giới. Con đường tốt nhất là phải hợp tác qua hiệp định Mê Kông đã ký, ngoài ra qua diễn đàn song phương;( vừa qua ngay ông Nông Đức Mạnh tổng bí thư Việt Nam cũng kêu gọi Nhật bản đóng vai trò giúp phát triển cho Tiểu vùng Mêkông mở rộng). Tất cả là đang cùng nhau và nghĩ đến những tác động do biến đổi khí hậu như nước biển dâng mà Việt Nam đang rất quan tâm.
Dù có những hợp tác mà các chuyên gia đưa ra, thế nhưng vẫn có quan ngại việc các nước cho xây những đập thủy điện trên phần đất của họ sẽ gây tác hại lớn cho cả khu vực.
Theo thống kê của Tổ chức phi chính phủ có tên International Rivers thì đã có 17 đập thủy điện được xây dựng trên dòng sông Mêkông thuộc địa bàn Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Ngoài ra còn có 11 đập khác đang trong quá trình lên kế hoạch xây dựng.
Tổ chức này đưa ra cảnh báo là hằng triệu người sẽ bị tác động do những thay đổi trong hệ sinh thái của hạ nguồn Mêkông do những đập nước đó gây nên.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây.