Nhật ký sông Mê Kông (phần 2): Địa phận Hoa Lục

Tiếp tục chuyến đi dọc Dòng Mê Kông từ thượng nguồn ở Cao Nguyên Tây Tạng đến hạ nguồn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Việt Nam, chúng ta cùng tìm hiểu phần sông Mê Kông còn lại trên đất Hoa Lục.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010.03.02

Untitled-5.jpg
Nguồn sông cạn đi do băng hà tan chảy sẽ dẫn đến thay đổi dòng chảy
RFA photo
Chúng tôi lái xe xuôi nam dọc theo Lan Thương Giang (tên gọi sông Mê Kông ở khu vực này) về hướng Vị Tây, đi qua những làng mạc Tây Tạng và các cánh đồng trên dải thung lũng hẹp hai bên sông.

Hoạt động quay phim tại địa phận Hoa Lục gặp nhiều khó khăn bởi hầu như những người dân được chúng tôi hỏi đến đều từ chối trả lời phỏng vấn do sợ hậu quả từ chuyện phát biểu với truyền thông.

Phát triển đập thủy điện

Những cộng đồng dân cư tại bắc tỉnh Vân Nam là một trang sử sống động. Một lão ông người Tây Tạng cho chúng tôi biết gia tộc của ông đã sống sáu đời trong căn nhà của họ.

Tuy nhiên vào khi Trung Quốc chuyển đổi từ một quá khứ nông nghiệp sang tương lai công nghiệp hóa thì những thay đổi đáng kể đã xảy đến cho dòng sông cũng như người dân sống ven sông khi những dự án thủy điện và đập nước được dựng lên.

Anh Kevin Li, một chuyên gia nghiên cứu về Sông Mê Kông, cho chúng tôi biết: Nguyên nhân chính ở Trung Quốc là kinh tế, đã có sự tăng trưởng rất lớn. Nhu cầu về năng lượng ngày càng nhiều nên phải gia tăng sản xuất năng lượng. Người ta phải xây dựng, phát triển thật nhiều đập thủy điện.

Nhu cầu về năng lượng ngày càng nhiều nên phải gia tăng sản xuất năng lượng. Người ta phải xây dựng, phát triển thật nhiều đập thủy điện.

Anh Kevin Li

Tại bắc Vị Tây chúng tôi phát hiện thấy một số cơ sở đang xây dở chừng, đó là dấu hiệu một đập thủy điện khác đang được xây trên dòng Mê Kông.

Đập mới này sẽ có tên là Đập Lý Để, một đập cao nhất ở tỉnh Vân Nam. Đập này sẽ thêm vào với ba đập trên dòng chính Mê Kông đã được đưa vào hoạt động tại Vân Nam. Và qui mô thật sư của kế hoạch xây đập thủy điện của Trung Quốc trên Dòng sông Mê Kông phải nói thật đáng kinh ngạc.

Truyền thông Nhà Nước Trung Quốc cho biết chỉ riêng tại tỉnh Vân Nam đã có 12 đập đang được xây dựng.

Dân làng sống gần khu Đập Lý Để thấy được viễn cảnh làng của họ cũng như lối sống làng mạc đó sắp bị xóa sổ.

Anh Kevin phát biểu tiếp: Chính quyền địa phương hoặc công ty xây dựng sẽ thông báo cho dân làng phải di dời. Theo lối nói của người Trung Quốc thì phải hy sinh bản thân để góp phần xây dựng đất nước.

Untitled-3.jpg
Người dân thích sống tại những căn nhà tiện nghi hơn cuộc sống hoang dã ngày xưa. RFA photo
RFA photo
Chạy đến tận cuối một con đường chơ vơ, chúng tôi lại phát hiện thấy thêm Đập Man Loan.

Cho đến năm 1995, chưa hề có những đập nào trên chính dòng Mêkông; và Đập Man Loan là đập nước đầu tiên như thế.

Một chuyến đi thuyền trên hồ đập nước cho thấy những nguồn nước ở khu vực bắc tỉnh Vân Nam đang dồn lại với bao rác thải và chất độc.

Chúng tôi tưởng tượng thấy nhiều làng mạc phải sống phía dưới nguồn nước bẩn đục đó. 

Anh Kevin cho biết: Có chừng từ năm đến sáu ngàn người phải rời làng mạc đến khu tái định cư trên núi.

Tác động đối với những quốc gia dưới hạ nguồn khi dòng Mê Kông bị biến thành những dòng nước dốc khi xây đập thủy điện, hiếm thấy được phản ánh ở Trung Quốc.

Trong khi đó người dân tại những quốc gia hạ nguồn Mê Kông cho biết họ đã trải nghiệm thấy những thay đổi đối với dòng sông khi Trung Quốc mới xây mấy đập thủy điện đầu tiên trên đó.

Thay đổi buộc phải trả giá; và đối với người dân sống ven dòng Mê Kông uốn khúc vạn dặm, thì tỉnh Vân Nam là nơi khởi sự câu chuyện về đập thủy điện, về tình hình phát triển và những giá phải trả thông qua chuyện kể từ nhiều triệu mảnh đời sống ở hạ lưu dòng Mê Kông.

Cũng theo lời Kevin: Chúng tôi tin rằng Lan Thương Giang, hay Sông Mê Kông, sẽ thay đổi nhanh chóng, đặc biệt trong vòng hai ba năm tới, khi mà hằng loạt những dự án thủy điện hoàn thành. Mức độ tác động đến môi trường thế nào? Theo tôi mức độ đó sẽ rất lớn. Tác động đối với môi trường và con người sẽ vô cùng lớn.

Phá rừng trồng cây cao su

Untitled-2.jpg
Rừng bị phá để trồng cây cao su. RFA photo
RFA photo
Dòng sông chảy qua thủ phủ Cảnh Hồng của tỉnh Vân Nam. Nhiều cư dân địa phương đánh bắt cá dưới Cầu Hữu Nghị Cảnh Hồng; tuy nhiên rõ ràng rất ít người sống ở ven sông.

Những núi xung quanh là nơi sinh sống của nhiều bộ tộc thiểu số, trong đó nhóm người Đại là đông nhất. Người ta cho chúng tôi biết bộ tộc Đại có mối liên quan với đất nhiều hơn với dòng sông. Có một thực tế là hầu như mọi người dân ở Cảnh Hồng đều có chung một nỗ lực trong nghề cạo mủ cao su.

Những đồn điền cao su công nghiệp phát triển mạnh mẽ vào thập niên 80. Trong hai thập niên sau đó, gần hai phần ba những khu rừng nhiệt đới tại đó trở thành đồn điền trồng cao su. Ngành này có lợi đến nỗi hầu như đã thay thế hoạt động canh tác lúa của địa phương. Những ngôi nhà truyền thống tại nhiều làng mạc địa phương giờ đây được thay thế bằng những căn nhà hiện đại có truyền hình, nước nóng từ nguồn điện mặt trời và điện.

Tất cả tham gia canh tác, cạo mủ và chế biến cao su. Toàn bộ hoạt động kinh tế xoay quanh một loại cây trồng đó mà thôi. Dường như chính sách một chiều đó sẽ rất nguy hiểm nếu như trong tương lai có những yếu tố khiến cho giá trị cao su không còn nữa. Trong khi chúng tôi cố tìm xem có những ý kiến bất đồng hay không, hầu như mọi người đều tỏ ra hài lòng với cây cao su đến với vùng họ.

Chúng tôi tin rằng sông Mê Kông sẽ thay đổi nhanh chóng khi mà hằng loạt những dự án thủy điện hoàn thành. Tác động đối với môi trường và con người sẽ vô cùng lớn.

Anh Kevin Li

Chúng tôi tìm đến Đập Cảnh Hồng. Đây là đập thứ ba đang hoạt động trên chính dòng Mêkông, và nó được xây dựng với mục tiêu duy nhất là để xuất điện bán sang cho Thái Lan. Chúng tôi dành thời gian để xem xét hồ chứa nước. Điều đáng ngạc nhiên là quanh hồ đều trồng cao su. Một làng tái định cư nằm ở bờ phía trên hồ.

Một số cư dân cho biết tiền bồi thường mà họ nhận được không như lời hứa trước đó; tuy nhiên tất cả đều đồng thanh trả lời họ thích sống tại những căn nhà rộng rãi hơn với tiện nghi truyền hình, điện đóm. 

Những vị cao niên người Đại nhớ lại những khu rừng rậm và những loài động vật hoang dã phong phú trong vùng. Tuy nhiên ít người muốn đổi lại ngày xưa nhiều xao động đó để lấy tình trạng ổn định hiện nay. Nhiều người dân tộc Đại đều cho đây là thời kỳ thịnh vượng.

Theo lời của một vị cao niên mà chúng tôi nói chuyện thì trong suốt lịch sử dân tộc Đại đây là thời kỳ tốt đẹp, họ có mất đi một số thứ, nhưng lại được nhiều thứ khác. Họ mất rừng, nhưng họ thực sự không quan tâm. Chính bản thân họ đi chặt phá rừng để trồng thêm cây cao su.

Tình trạng băng hà tan chảy

Chúng tôi đến Quận Đức Khâm ở cực bắc tỉnh Vân Nam. Đây là phố đền Fellasi trên rặng núi Maili giáp với Tây Tạng. Đây là nơi mà những tín hữu thuần thành đến để đi vòng quanh chân núi. Ngày nay nhiều du khách cũng tham gia vào đoàn người hành hương. Những du khách đến khu vực này chủ yếu để chụp được những tấm hình cảnh bình minh thật đẹp.

Untitled-1.jpg
Tình trạng tan băng sẽ tác động tới những quốc gia dưới hạ nguồn. RFA photo
RFA photo
Chúng tôi đến tham quan Băng hà Minh Vĩnh, một băng hà dài đến 12 kilômét nhưng đang tan chảy nhanh chóng hòa vào nước dòng Mê Kông.

Ông Michael Zhao thuộc Sáng hội Châu Á cho biết: Nhìn chung toàn khối băng hà trên Cao nguyên Tây Tạng đã rút giảm chừng 7% về mặt diện tích trong bốn thập niên qua. Vấn đề không phải chúng rút giảm về mặt diện tích mà độ dày của băng hà cũng giảm đi. Như thế khi nói đến khối lượng của toàn khối băng hà đã mất đáng kể hơn 7%. 

Tình trạng tan băng trên cao nguyên có tác động ngay tức thời đối với những quốc gia dưới hạ nguồn. Các nhà nghiên cứu về băng hà đưa ra cảnh báo chỉ trong vòng 40 năm tới, sẽ có đến hai phần ba băng hà trên Cao nguyên Tây Tạng sẽ tan chảy. Như thế nguồn sông sẽ cạn đi dẫn đến tình trạng dòng chảy thay đổi hoàn toàn.

Ông Michael Zhao nói tiếp: Như quí vị biết đấy, khi càng hiểu biết về vùng đất này, chúng ta càng thấy nó quan trọng không chỉ cho cư dân địa phương mà cho cả dân chúng ở Châu Á nói chung. Lý do là những hệ thống sông lớn ở Á Châu đều có nguồn nước xuất phát từ Cao nguyên Tây Tạng. Nếu băng hà tan chảy đến lúc nguồn nước đổ vào sông quá ít thì đó là lúc những hậu quả lớn sẽ xảy ra.

Những hệ thống sông lớn ở Á Châu đều có nguồn nước xuất phát từ Cao nguyên Tây Tạng. Nếu băng hà tan chảy đến lúc nguồn nước đổ vào sông quá ít thì đó là lúc những hậu quả lớn sẽ xảy ra.

Ô. Michael Zhao

Cạnh ngoài dải băng hà là những khối nước đá bẩn, từ vô số dòng nước. Những dòng nước thật đáng ngạc nhiên là thật lớn, đầy nước đục màu đá dưới băng. Đây chỉ là một phần của dải băng hà trên Cao nguyên Tây Tạng. Thế nhưng tình trạng tại đó nhắc đến tác động tức thời của hiện tượng biến đổi khí hậu đến khu vực này.

Ông Michael Zhao nói tiếp: Tình trạng nhìn thấy là dấu hiệu cảnh báo đối với tất cả mọi người. Đó là điều mà chúng ta đang gây ra cho hành tinh Trái đất. Và đây là vùng đặc biệt bởi nó cho chúng ta thấy những thay đổi thật nhanh chóng và sớm sủa hơn những gì cũng đang diễn ra khắp địa cầu.

Chúng ta vừa theo dõi một số đổi thay ghi nhận được dọc theo dòng Mê Kông thuộc địa phận tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trong chương trình kỳ tới, mời quí vị cùng đến với phần dòng Mê Kông trên đất nước Miến Điện.

Trên trang web của Đài Á Châu Tự Do, cả tiếng Việt và tiếng Anh - www.rfa.org/vietnamese/multimedia/, đều có những video clip kèm theo chương trình phát thanh Nhật ký xuôi dòng Mê Kông, mời quí vị vào xem.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.