Nhật ký sông Mêkông (phần 1): Cội nguồn

Đài Á Châu Tự do vừa thực hiện một chuyến đi suốt từ đầu nguồn Dòng Sông Mêkông phát xuất trên Cao nguyên Tây Tạng cho đến cuối nguồn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long,Việt Nam.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010.02.22
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
Dòng Dzachu, phần thượng nguồn sông MêKông ở Tây Tạng. Dòng Dzachu, phần thượng nguồn sông MêKông ở Tây Tạng.
RFA PHOTO.

Mục đích chuyến đi nhằm ghi nhận mọi sinh hoạt của người dân dọc hai bên dòng sông lớn này, đặc biệt là các đổi thay gây tác động đến đời sống dân chúng địa phương.

Chuyên mục Khoa học- Môi trường vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần kể từ hôm nay sẽ gửi đến quí vị những ghi nhận tại từng đoạn Sông Mê Kông chảy qua mỗi quốc gia.

Hôm nay mời quí vị theo dõi phần ở Cao nguyên Tây Tạng.

Dòng Dzachu

Sông Mê Kông là con sông dài vào hàng thứ 10 trên thế giới, nuôi sống 70 triệu con người, và khởi nguồn từ đây, vùng Dzachu - nơi được đặt theo tên Dòng Sông Đá Tây Tạng.

Tại trung tâm của một bình nguyên thoai thoải rộng lớn, những lá cờ thiêng đánh dấu Suối Zaxiqiwa, một trong những suối nguồn linh thiêng của Dòng Sông.

Tôi không thể mô tả Dòng sông Dzachu, thế nhưng những vị cao niên hơn kể nhiều câu chuyện về nó. Theo họ thì nguồn cội dòng sông ở sâu lắm, và nơi tận cùng của nó xa tít mù khơi.

Một người du mục.

Một người du mục địa phương chuyên chăn gia súc, tự cho là người gìn giữ nguồn suối đó đã đồng ý dẫn lối chúng tôi đến nơi này.

Và đây là khởi điểm của chuyến hành trình từ Cao nguyên Tây Tạng xuôi dọc dặm dài Dòng MêKông.

Một người du mục cho biết: “Thường chúng tôi không gặp những người nước khác tại đây. Không có đường sá, lại xa xôi và nhiệt độ thấp. Đó là lý do chúng tôi không thấy có mấy người ngoại quốc lui tới chốn này. Một vùng thật vĩ đại - Vùng Đất Tuyết, nơi mà những truyền thống Tây Tạng vẫn còn tinh tuyền.”

Chúng tôi đã phải vượt hơn 1.500 kilômét để đến nơi đây, qua tỉnh Thanh Hải cô lập nhất của Hoa Lục, lên cao gần 3.000 mét đến vùng núi non có những ngọn cao hơn 5 ngàn mét.

Đôi khi người ta mệnh danh Cao Nguyên Tây Tạng là Vùng Cực Thứ ba trên Trái Đất bởi đó là nơi có nguồn nước ngọt đứng vào hàng thứ ba thế giới. Đây là nguồn nước cho hầu hết những hệ thống sông lớn tại Châu Á từ Trung Quốc cho đến Pakistan.

Tỉnh Thanh Hải là vùng đất của dân du mục Tây Tạng, là chiếc nôi của ba dòng sông lớn Trung Quốc: Sông Mê Kông, Sông Dương Tử, và Hoàng Hà.

Bộ tộc người du mục Khampa chăn thả đàn gia súc của họ trên những cách đồng cỏ quanh thượng nguồn Mê Kông từ hằng ngàn năm nay.

Người dân du mục nói: “Tôi không thể mô tả Dòng sông Dzachu, thế nhưng những vị cao niên hơn kể nhiều câu chuyện về nó. Theo họ thì nguồn cội dòng sông ở sâu lắm, và nơi tận cùng của nó xa tít mù khơi. Họ nói đến cách thức mà Dòng sông không cạn, khi hè đến Sông trở thành màu đỏ, và lúc đông sang Sông ngã màu xanh. Người ta cho biết Dòng Dzachu rất linh thiêng.”

Sông MêKông phần ở Tây Tạng, nước màu đỏ vào mùa hè, vào mùa đông nước trong xanh. RFA PHOTO.
Sông MêKông phần ở Tây Tạng, nước màu đỏ vào mùa hè, vào mùa đông nước trong xanh. RFA PHOTO.

Vị thế cô lập của Cao nguyên Tây Tạng cho đến những năm gần đây đã giúp giấu che nguồn cội của Dòng Mê Kông.

Theo niềm tin Phật giáo Tây Tạng, thì Dòng Sông Mê Kông có ba nguồn cội thánh thiêng, trong đó có Dòng suối nơi chúng ta đã đến.

Hiện vẫn còn có những tranh cãi đối với xuất phát về mặt địa lý của dòng sông.

Viện Khoa học Trung Quốc công nhận hai dải băng hà, và xem cả hai là nguồn xuất phát thực sự của Dòng Mêkông thượng.

Người dân du mục cho biết: “Đến được đây lạnh và giá buốt lắm. Băng phủ quanh năm. Nếu đi xe đến tận cùng đường, thì phải đi ngựa thêm mấy tiếng đồng hồ nữa. Tuy nhiên, ngựa cũng không thể đến ngay tại nguồn sông chỗ đầy tuyết; do đó lại phải đi bộ chừng thêm một tiếng đồng hồ nữa.”

Bảo vệ cội nguồn

Người ta cho chúng tôi biết trước đây băng luôn phủ kín những ngọn đồi này quanh năm suốt tháng, thế nhưng trong những năm gần đây, băng đã tan lùi lên núi.

Dân du mục đã quen dần với những nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đến đo mực tan chảy của băng trong những năm gần đây.

Các chuyên gia về khí hậu ước tính rằng trong 50 năm qua có đến 82% băng hà tại Cao Nguyên Tây Tạng đã tan chảy.

Một phụ nữ du mục: “Theo tôi thì Dòng Dzachu đang chịu đựng gian khó. Dòng sông khi chảy ở đây thật là hạnh phúc, thế nhưng khi xuống đến những đất nước khác, người ta tận dụng nó. Chắc chắn nó đang phải khổ sở nhiều lắm. Khi sông chảy qua cầu, nước sông hỏng mất, bẩn đi. Lúc này khi sông chảy đi từ Dzachu, nó vẫn hạnh phúc.”

Bởi lẽ đây là dòng sông chính, nếu chúng tôi bảo vệ tốt vùng này, những nhánh khác của nó sẽ được bảo vệ. Đây là mục tiêu của tôi.

Một người du mục.

Số phận của những dòng chảy nhỏ bé này gắn chặt với nhiều triệu cuộc sống dưới xuôi.

Rời khỏi dòng nước nhỏ, chúng tôi nhảy qua một suối lớn hơn mà đến một ngày nào đó trở nên sông rộng đến cả mấy kilômét.

Người dân du mục: “Lý do mà chúng tôi phải bảo vệ cội nguồn của Dòng sông Dzachu ở tại xứ sở của đất và tuyết này, là vì dòng sông chảy đến nhiều nơi. Lịch sử cha ông người Tây Tạng truyền đời cho biết đây là Nguồn cội Dòng sông. Bởi lẽ đây là dòng sông chính, nếu chúng tôi bảo vệ tốt vùng này, những nhánh khác của nó sẽ được bảo vệ. Đây là mục tiêu của tôi.”

Một vài nhà lều đen nằm trên sườn một thung lũng nhỏ, từ mái lều những làn khói bay lên trong ánh chiều tà.

Đó là cảnh trí gần như chẳng có gì đổi khác trong suốt cả ngàn năm.

Trong khi đi tìm cội nguồn của Dòng Sông Mê Kông ở mạn tây tỉnh Thanh Hải, chúng tôi được dẫn đến vùng đất tổ của những người du mục Khampa.

Chúng tôi được mời vào lều của một gia đình trẻ, được mời uống trà bơ, ăn thịt bò, sữa chua và bánh mì.

Nữ chủ nhân cho biết: “Cuộc sống tốt đẹp, chúng tôi hạnh phúc. Riêng vào mùa hè cuộc sống thật tuyệt. Chúng tôi có những vị thần và các vị lạt ma. Chúng tôi tận hưởng kỳ họp mặt mùa hè. Chúng tôi thả súc vật cho gặm cỏ và họp nhau cầu nguyện. Khi mùa đông đến, chúng tôi đưa gia súc vào trang trại nhốt trong những bãi có rào chắn. Đây là cách mọi thứ diễn ra. Không có nơi nào hạnh phúc như chốn này. Súc vật có cỏ ăn, chúng tôi có lương thực để dùng, có bò để lấy sữa. Và tại tu viện của chúng tôi có hơn 70 tu sĩ để giúp chúng tôi hành đạo của mình.”

Những cánh đồng cỏ dọc theo sông MêKông ở Tây Tạng. RFA PHOTO.
Những cánh đồng cỏ dọc theo sông MêKông ở Tây Tạng. RFA PHOTO.

Dường như đây là một lối sống chưa hề bị lịch sử chạm đến, tuy vậy đời sống của những người dân du mục là một trong những nền văn hóa bị đe dọa nhất trên thế giới.

Vào tháng tám năm nay, Thông tấn xã Nhà nước Trung Quốc loan tin rằng trong bốn năm qua hầu hết 50 ngàn người dân du mục Tây Tạng đã được định cư trên Cao Nguyên.

Chính quyền Trung Quốc cho rằng hoạt động chăn thả quá mức tại tỉnh Thanh Hải đang gây đe dọa đến nguồn của ba dòng sông chính tại Hoa Lục: Sông Dương Tử, Hoàng Hà và Sông Mê Kông.

Phía những người dân du mục thì cho rằng họ là những người giữ gìn  tốt nhất vùng đất đó.

Ngày càng có thêm những bằng chứng khoa học cho thấy lối sống chăn thả súc vật của người dân du mục thực sự giúp bảo vệ những vùng đồng cỏ ở cao độ đó.

Một người dân du mục cho biết: “Chúng tôi lưu lại đây chừng một tháng từ tháng chín qua tháng 10. Vào mùa hè từ tháng sáu đến tháng chín, chúng tôi đi ngược lên trên núi. Thế rồi kể từ tháng 10, chúng tôi chuyển về lại và lưu lại trong những căn nhà trú đông đó của chúng tôi cho đến tháng sáu. Sau đó qua tháng sáu lại di chuyển đến trại hè. Như thế trong một năm chúng tôi di chuyển ba lần.”

Không còn người du mục?

Không bò, không lều, không gia đình tức không còn người dân du mục.

Một người du mục.

Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc thì chính quyền nhắm đến mục tiêu vào năm 2010 chuyển 80% dân du mục Tây Tạng sang định cư trong nhà.

Khi chúng tôi lái xe đi qua Cao Nguyên Tây Tạng, dọc đường điểm xuyết những thị trấn đơn lẻ mới như thế.

Chúng tôi dừng lại tại một làng tái định cư, nơi đó có hơn chục dãy nhà gạch nhỏ nằm sau tường bê tông.

Đối với người dân du mục thì những thị trấn mới như thế gây thêm cho họ những vấn đề mới, bởi lẽ nơi đó không có công ăn việc làm, không có sinh hoạt kinh tế.

Có một phụ nữ gọi chúng tôi lại giúp. Bà đưa ngón tay đầy máu chỉ vào một đầu bò nằm ở góc sân nhà bà. Đó là lương thực duy nhất của bà, và bà đang lóc số thịt còn sót lại nơi chiếc đầu bò đó. 

Một người đàn ông địa phương nói với chúng tôi rằng người đàn bà không chỉ kêu la cho bản thân bà mà là cho tương lai nữa. Bà không muốn con cháu của bà sống một cuộc sống như thế.

Người đàn ông nói : “Không bò, không lều, không gia đình tức không còn người dân du mục”.

Ông nói thêm: “Vào mùa hè, khi đi trên đồng cỏ chúng tôi thấy hoa lá. Súc vật của chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi hè đến. Và rồi chúng tôi có sữa tươi để uống, sữa chua để ăn. Chúng tôi có thể bắt ngựa, thả bò gặm cỏ, và chúng tôi cảm thấy hạnh phúc bởi đó là lối sống thân quen với chúng tôi rồi. Những người khác như người Hoa không thích lối sống như thế; tuy nhiên đối với những người Tây Tạng chúng tôi thì chúng tôi yêu cuộc sống đó, bởi đó là lối sống của chúng tôi.”

Video "Nhật ký sông MêKông (phần 1): Cội Nguồn", do RFA thực hiện.

Xuôi Dòng Mê Kông ra khỏi nơi nguồn cội xuất phát dòng sông, Cao nguyên Tây Tạng ngập tràn bóng dáng Đạo Phật. Khắp mọi nơi đều thấy những dấu hiệu: tháp, cờ, đền thờ, tu viện; cả trên núi, ngoài thảo nguyên, dọc ven sông, nơi nào cũng có.

Người hành hương Tây Tạng cho biết: “Hãy nói cho họ rằng đây là Cao nguyên Tây Tạng, vùng đất thuộc Phật giáo Tây Tạng.”

Trên một con đường sỏi lạnh, có một đoàn những người hành hương đang tiến về Lhasa. Mỗi chuyến hành hương như thế có thể kéo dài đến sáu tháng trời, vì mỗi khách hành hương tiến về nơi sẽ đến bằng cách chuồi người nằm xuống phía trước, và cứ như thế suốt đoạn đường gập gềnh sỏi đá.

Một người hành hương cho biết: “Chúng tôi phủ phục vì các chư Phật và nguyện cầu cho Vị Phật quí giá của chúng tôi trở lại ngai báu của người. Chúng tôi thực hành lời nguyện cầu này và rồi trở lại quê nhà. Chúng tôi không sợ lạnh, không sợ đói khát, không sợ chết.”

Dòng Mê Kông là một phần thiết yếu của khung cảnh thiêng liêng này. Người ta kể cho chúng tôi nghe tập tục thủy táng các trẻ con của người Tây Tạng; bởi lẽ họ cho rằng trẻ sơ sinh có những tấm lòng tinh tuyền, thơ ngây, chúng được cho vào dòng sông như một thủy thể tinh tuyền. Từ đó có tục lệ là người Tây Tạng không ăn cá sống bắt từ sông lên, và các thầy tu thường ra chợ mua hết cá đem thả lại xuống dòng nước Mêkông.

Người hành hương nói: “Chúng tôi thường lấy ra một hay hai túi cá. Khi chúng tôi thả chúng xuống nước, có một số con chết rồi. Các vị lạt ma cho biết có thể ăn những con đã chết. Những con còn sống được thả xuống sông rồi  bơi đi.”

Chúng tôi đến thăm một khu nghĩa trang thiên táng của người Tây Tạng. Theo một truyền thống xuất phát từ niềm tin đầu thai trong đạo Phật, cơ thể của những người vừa mới qua đời được xẻ ra cho loài kên kên cao nguyên đến ăn.

Tuy nhiên tục lệ này bị người Tây Tạng đương thời ghê sợ và đã biến mất. Tại nơi chúng tôi đến thăm, người ta xây dựng hàng rào chung quanh để không cho thực hiện hình thức đó nữa, cũng như ngăn không cho chim vào.

Người du mục Tây Tạng cho hay: “Hàng rào không tốt cho linh hồn những người đã khuất. Ở Tây Tạng, chúng tôi tin rằng hồn người chết sợ đến cả những loài cỏ cao. Nay lại dựng lên những hàng rào như thế khiến hồm nay khổ sở.Nếu người ta bảo tôi phải ngồi tù để đổi lại việc không dựng hàng rào, tôi sẽ chịu ngay. Quan trọng lắm. Tôi thấy quá đỗi buồn, thực sự như thế.”

Khu an táng có hàng rào bao quanh, một trong những điểm dừng cuối cùng của chúng tôi trước khi Dòng Mêkông ra khỏi biên giới Cao nguyên Tây Tạng, đã hoàn thành bức tranh về một nền văn hóa đang bị tiêu diệt một cách có hệ thống. Như lời của một cư dân địa phương nói với chúng tôi: Trước hết chính quyền sẽ ngăn chặn tôn giáo của họ, sau đó đến đến phong tục của họ, và trong tương lai tất cả mọi người sẽ thành người Hoa, không còn người Tây Tạng nào còn lại nữa.

Thật khó có thể hy vọng với tất cả những khó khăn, bất lợi dồn dập lên họ, sự tận hiến kiên trì của những khách hành hương và người dân bình thường Tây Tạng có thể duy trì niềm tin tưởng rằng quê hương của họ là một miền đất trên các tầng mây.

Người hành hương phát biểu: “Điều cơ bản đối với những Phật tử Tây Tạng là sự quan tâm đến đời sống tương lai. Một khi bạn quan tâm đến cuộc sống mai hậu, bạn sẽ không chỉ nghĩ đến hiện tại mà còn nghĩ đến cuộc sống tương lai. Chúng tôi cũng làm điều này để giúp cho ông bà, cha mẹ những người đã qua đời. Chúng tôi nổ lực cũng để giúp họ. Chúng tôi cũng thực thi điều này để giúp cho nhân sinh hạnh phúc. Đó là mục tiêu của chúng tôi.”

Quí vị vừa cùng chúng tôi qua địa phận Dòng Mêkông tại Cao nguyên Tây Tạng. Trên trang web mạng của Đài Á Châu Tự Do - www.rfa.org/vietnamese/multimedia/, cũng có những clip video về hành trình dọc Dòng Sông Mêkông của Đài RFA. Mời quí vị vào xem.

Trong chương trình tuần tới, chúng ta sẽ xuôi theo phần Dòng Mêkông ở địa phận còn lại của Hoa Lục.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.